Với nghệ danh là Quang Sta - một cách chơi chữ với từ tiếng lóng ‘gangsta’, chưa từng dám mơ mình sẽ làm công việc xăm mình toàn thời gian, anh Quang đã vượt qua một chặng đường dài cần mẫn học nghề và bắt đầu được biết đến nhiều trong giới xăm hình ở Sydney gần đây.
Hiện đang làm việc ở Cabramatta Ink, tập trung vào phong cách xăm của Nhật Bản và phong cách hiện thực đen và xám, anh Quang luôn không ngừng thúc đẩy bản thân trở thành một nghệ sĩ xăm hình hơn là một thợ xăm.
Kim Anh: “Trước khi làm thợ xăm mình, anh Quang làm công việc gì?"
Quang Sta: "Trước khi làm nghề thợ xăm mình (tattooist), tôi làm việc ở nhà máy xây dựng Georgious Group trong khoảng 8 năm. Trước đó thì tôi làm những công việc gia công, chế biến tại các phân xưởng, cũng không có gì thú vị cho lắm."
Kim Anh: "Tại sao anh Quang lại muốn chuyển nghề?"
Quang Sta: "Công việc hàng ngày của tôi không có gì đáng nói cả, tôi chỉ làm công việc của tôi, thế thôi. Công việc thì buồn chán, chẳng có ước mơ hay hoài bão gì từ công việc này. Một người bạn của tôi bắt đầu chuyển sang làm nghề thợ xăm mình, lúc đó tôi nghĩ quả thật là ý tưởng hay. Và thế là tôi thử làm xem thế nào."
Kim Anh: "Tại sao lại là nghề xăm mình mà không phải là một công việc nào khác?"
Quang Sta: "Lúc đó, tôi nhìn thấy rất nhiều tiềm năng từ nghề xăm mình - một công việc mà mình có thể thấy bản thân tiến bộ như thế nào mỗi ngày, một nghề mà mình có thể nhìn thấy mục tiêu và rất thú vị. Xăm mình là một nghề rất khó. Có rất nhiều việc bên trong nghề này mà mọi người khó có thể nhận ra như những vấn đề về tâm lý, những mẫu thiết kế, làm sao để thu hút khách hàng... Bạn phải cố gắng rất nhiều để trở thành một thợ xăm mình chuyên nghiệp. Đó quả thật là một nghề rất khó, nhưng khi bạn kết thúc công việc thì bạn cảm thấy rất thỏa mãn và hài lòng."Kim Anh: "Ý tưởng làm nghề xăm mình đến với anh Quang như thế nào?"
Quang Sta thực hiện một hình xăm cho khách hàng của mình (Tatoodo.com) Source: Tatoodo.com
Quang Sta: "Tôi bắt đầu vào nghề từ từ. Tôi vẫn làm công việc hằng ngày của mình từ thứ Hai cho đến thứ Sáu. Đến cuối tuần thì tôi tự mày mò học và thực hành xăm mình. Tôi học từ Youtube, từ các diễn đàn trên mạng, tôi đọc rất nhiều. Sau một thời gian, khi tôi nghĩ rằng mình đã nắm vững thì tôi bắt đầu thực hành với một người bạn cùng làm việc chung, cũng không thường xuyên cho lắm.
Cho đến khi tôi cảm thấy mình vững vàng hơn trong chuyện xăm mình thì tôi bắt đầu bước vào nghề này làm việc bán thời gian tại một cửa tiệm của người bạn. Tôi đã nắm lấy cơ hội này để bắt đầu đặt chân vào ngành công nghiệp xăm mình.
Tôi vẫn làm việc bình thường từ thứ Hai đến thứ Sáu, đến cuối tuần thì đến cửa tiệm xăm mình làm việc."
Kim Anh: "Anh Quang bắt đầu công việc này như thế nào? Có nhiều khó khăn và thách thức lúc ban đầu hay không?"
Quang Sta: "Lúc ban đầu tôi gặp rất nhiều khó khăn. Tôi là người mới, chưa có nhiều kinh nghiệm, cũng chưa xăm đẹp nên cũng không có nhiều công việc. Tôi phải bắt đầu từ từ, cải thiện từng chút một, rồi mới dần dần được giao việc nhiều hơn.
Tôi gặp rất nhiều trở ngại với chuyện sáng tạo. Mặc dù tôi làm nghề này khi tôi còn trẻ nhưng tôi không có nhiều óc sáng tạo. Tôi có thể nhìn mẫu vẽ và xăm giống như vậy, nhưng tôi chưa thể tự sáng tạo để biến tác phẩm thành của mình. Và tôi đã phải nỗ lực rất nhiều từ khi mới bước chân vào nghề đến khi có được chỗ đứng như ngày hôm nay.
Tôi làm bán thời gian trong khoảng 1 năm, sau đó tôi và bạn đời có con. Lúc đó tôi phải quyết định một vấn đề quan trọng trong cuộc đời mình. Mặc dù tôi làm nghề xăm mình bán thời gian nhưng tôi muốn tiến xa hơn trong nghề này, làm việc toàn thời gian. Nếu tôi có cơ hội chuyên tâm làm công việc này thì tôi phải quyết định ngay bây giờ, bây giờ hoặc không bao giờ nữa."
"Nếu có bất kỳ sự cạnh tranh nào thì chính là tôi cạnh tranh với bản thân mình. Tôi chịu trách nhiệm về công việc của chính mình. Để đến cuối ngày, khi nhìn lại những việc mình đã làm, tôi có thể rút ra những bài học để làm việc tốt hơn."
Kim Anh: "Anh có phải tham gia khóa học nào để trở thành một thợ xăm mình chuyên nghiệp hay anh tự học là chính?"
Quang Sta: "Vào thời điểm tôi bắt đầu nghề này thì không có đòi hỏi bằng cấp gì cả, chỉ cần bạn có khả năng thôi. Cho đến vài năm gần đây, luật yêu cầu rằng thợ xăm mình hành nghề phải có giấy phép."
Kim Anh: "Ngày càng có nhiều người bước chân vào ngành công nghiệp này. Làm thế nào để anh có thể tồn tại và cạnh tranh với những thợ xăm mình khác?"
Quang Sta: "Tôi không để tâm nhiều đến chuyện cạnh tranh với những thợ xăm mình khác trong cửa tiệm. Tôi nhìn mọi người làm và học hỏi, rồi chuyển thành tác phẩm của riêng mình.
Khi tôi nhìn thấy những thợ xăm mình làm những tác phẩm khó, không chỉ ở ngay tiệm của tôi, mà ở các tiệm khác, tôi chăm chú theo dõi và khen ngợi họ. Nếu có bất kỳ sự cạnh tranh nào thì chính là tôi cạnh tranh với bản thân mình. Tôi chịu trách nhiệm về công việc của chính mình. Để đến cuối ngày, khi nhìn lại những việc mình đã làm, tôi có thể rút ra những bài học để làm việc tốt hơn."
Kim Anh: "Lúc mới bắt đầu vào nghề, xăm mình cho người khác, anh Quang có thấy hồi hộp không?"
Quang Sta: "Có chứ, lúc nào cũng vậy cả, có một chút hồi hộp. Đến cuối ngày, bao giờ bạn cũng nhìn lại xem mình đã làm việc tốt hay chưa, có tạo lỗi gì không. Tôi không phải là một cái máy, cũng không phải là một chương trình được cài đặt sẵn để làm chính xác những gì được yêu cầu. Tôi cũng có lúc phạm lỗi, hay cũng có những lúc căng thẳng ảnh hưởng đến công việc của mình. Nhưng ngay cả những thợ xăm mình chuyên nghiệp cũng phải đối phó với những tình huống như vậy. Nếu bạn gặp lỗi với mẫu thiết kế, bạn phải học cách để xử lý nó."
Kim Anh: "Theo anh thì công việc này có đòi hỏi nhiều sự sáng tạo không?”
Quang Sta: "Đúng vậy, nó cũng không hạn chế sự sáng tạo của bản thân người thợ. Đầu tôi mỗi giờ lúc nào cũng nghĩ đến công việc, từ mẫu xăm này đến mẫu xăm khác, làm thế nào để làm tốt hơn. Nhiều lúc tôi cũng không còn thời gian để nghĩ đến đời sống riêng tư vì khi làm việc, tôi hết sức tập trung vào công việc và dồn hết tâm huyết cho niềm đam mê của mình."Kim Anh: "Ba mẹ của anh Quang nghĩ thế nào về công việc của anh? Họ có cho rằng sự thay đổi này có thể là một bước đi sai lầm hay không?"
Một mẫu hình xăm do Quang Sta thực hiện (Supplied) Source: Supplied
Quang Sta: "Lúc đầu thì ba mẹ tôi không hiểu được chuyện gì đang xảy ra với tôi. Họ không biết rằng có nhiều thay đổi trong nghề xăm mình theo thời gian. Họ chỉ mong tôi có công việc ổn định để chăm sóc cho gia đình mình. Họ không hiểu rằng một nghệ sĩ xăm hình có thể kiếm sống tốt nếu họ có khả năng. Tại Việt Nam, mọi người thường sẽ giữ một công việc ổn định cho họ thu nhập đều đặn hơn là bỏ đi để theo đuổi đam mê trở thành nghệ sĩ ở lĩnh vực nào đó."
Kim Anh: "Còn bản thân anh thì nghĩ thế nào? Anh có nghĩ rằng mình có thể phạm sai lầm lúc đó không?"
Quang Sta: "Có chứ. Ban đầu tôi cũng không chắc chắn lắm, có quá nhiều rủi ro và thay đổi. Nhưng tôi đã nắm lấy cơ hội đó và dồn hết tâm sức của mình vào đó, 110% luôn. Tôi đã làm được và tôi không hối hận về điều đó."
Kim Anh: "Để trở thành một nghệ nhân xăm mình, không chỉ là một thợ xăm mình bình thường, thì khó đến mức nào?”
Quang Sta: "Ngày nay, mạng xã hội giúp rất nhiều trong việc học hỏi về nghệ thuật, học hỏi từ người khác và biến thành cái của mình. Nhưng điều đó đòi hỏi bạn phải cố gắng rất nhiều và phải hết sức tập trung. Bạn phải thực hiện tất cả các công đoạn và khiến cho tác phẩm nhìn đẹp, không phải chỉ là tác phẩm sao chép.
Lúc nào tâm trí tôi cũng bận rộn với chuyện cải thiện chính bản thân mình. Tôi phải hy sinh cuộc sống cá nhân của mình cho công việc vì khi tôi bắt tay vào việc thì tôi chỉ nghĩ đến công việc mà thôi.
Vào những ngày thường, tôi làm việc từ sáng cho đến tận đêm. Đến khi về nhà thì tôi dành thời gian để tìm hiểu thêm thông tin, kiến thức trên mạng, chuẩn bị cho những mẫu xăm tiếp theo. Tôi hiếm khi nào có thời gian nghỉ, thỉnh thoảng cũng có nhưng đa phần là không. Và tôi cũng không có đủ thời gian dành cho người bạn đời và con trai của mình, rồi cũng không thời gian để ra ngoài cùng bạn bè."
"Tôi không nghĩ là mình là một nghệ sĩ xăm mình, tôi thích người ta gọi mình là một nghệ sĩ truyền cảm hứng nhiều hơn. Và tôi muốn dành nhiều thời gian để làm công việc của mình tốt hơn."
Kim Anh: "Anh Quang gặp những thách thức hay những rủi ro nào khi làm nghề xăm mình?"
Quang Sta: "Tôi nghĩ thách thức lớn nhất là kiên trì, kiên nhẫn. Làm nghề này đòi hỏi bạn phải hết sức tập trung và nỗ lực hết mình. Đôi khi giao tiếp với khách hàng cũng là một thách thức. Có những khách hàng đến với bạn mà không có ý tưởng gì trong đầu về mẫu xăm, về chuyện họ muốn làm gì. Lúc đó bạn phải tự tin giúp họ tìm được mẫu yêu thích.
Rồi cũng có những khách hàng đến với mình mà không biết chắc là họ muốn gì. Đó cũng là cái khó cho tôi. Rõ ràng rằng họ đến với mình vì họ thích những hình xăm của mình và họ tôn trọng mình, và tôi phải làm cho họ tin tưởng mình. Tôi đã làm công việc này nhiều năm và hãy tin tưởng tôi, giao mọi việc cho tôi. Nhiều người không biết rằng để ra được một hình xăm nhiều lúc đòi hỏi rất nhiều thời gian và sự nỗ lực của người thợ."
Kim Anh: "Anh Quang có nghĩ hiện mình là một nghệ sĩ xăm mình hay không?"
Quang Sta: "Tôi không nghĩ là mình là một nghệ sĩ xăm mình, tôi thích người ta gọi mình là một nghệ sĩ truyền cảm hứng nhiều hơn. Và tôi muốn dành nhiều thời gian để làm công việc của mình tốt hơn."