Thế hệ thứ Hai (Bài 65): Tony Lee và chiến dịch ‘I Came By Boat’

Tony Lee (Ly Quang Huy) Supplied

Tony Lee (Ly Quang Huy) Supplied

Đến Úc năm 2 tuổi, ngoài công việc chính là giám đốc chiến lược trong ngành quảng cáo và tiếp thị, Tony Lee còn tham gia các hoạt động thiện nguyện liên quan đến người tị nạn, trong đó có chiến dịch I Came By Boat.


Tony Lee, tên Việt Nam là Lý Quốc Huy, chỉ mới 18 tháng khi gia đình anh cùng hàng chục người Việt Nam tị nạn khác được một tàu khoan dầu ngoài khơi Malaysia cứu sống.

Gia đình Tony đã sống gần một năm trong trại tị nạn ở Malaysia trước khi đến Úc. Một tu viện ở Glen Iris đã giúp đỡ gia đình anh chỗ ở cho đến khi ba mẹ Tony tìm được việc làm để nuôi dạy 5 người con.

Tony hiện là giám đốc chiến lược của tổ chức ntergrity chuyên tư vấn tiếp thị kỹ thuật số tại Melbourne. Anh cũng đồng thời làm tình nguyện viên cho các tổ chức Tomorrow Foundation, Asylum Seeker Resource Centre và chiến dịch 'I Came By Boat'.

Kim Anh: "Tony Lee đến Úc khi nào?"

Tony Lee: "Gia đình tôi rời Việt Nam vào năm 1979, lúc lên thuyền vượt biển thì tôi vẫn còn là một em bé 18 tháng tuổi. Sau đó, chúng tôi được tàu hải quân cứu vớt và đến trại tị nạn ở Malaysia. Năm 1980, gia đình tôi đến Úc, lúc đó tôi được 2 tuổi.

Tuy lúc đó còn nhỏ, không nhớ được những gì diễn ra xung quanh mình, nhưng tôi vẫn nhớ những cảm giác lúc đó, trên tàu có rất nhiều người xung quanh tôi, rất ồn ào và đông đúc, rồi những người da trắng nói chuyện với nhau. Và tôi còn nhớ cả những sự căng thẳng bao trùm lên cả con tàu. Ba mẹ tôi lúc đó thật sự cũng không biết sẽ đi đâu về đâu khi đặt chân lên tàu, cho nên tôi có hình dung được cảm giác của họ như thế nào khi được cứu và đưa vào bờ."
"'I Came By Boat' ra đời là để góp phần giúp mọi người nhận thức được những đóng góp của người tầm trú và người tị nạn cho xã hội Úc."
Kim Anh: "Tony đã trải qua thời thơ ấu ở Úc như thế nào? Anh còn nhớ không?"

Tony Lee: "Tôi vẫn còn nhớ rõ về tuổi thơ của mình. Tôi cảm nhận nó theo những cách khác nhau. Ở trường học, tôi cảm nhận rõ ràng mình là người Châu Á bởi vì tôi và anh chị em của tôi là những người Châu Á duy nhất trong trường và chính vì vậy tôi cảm nhận rõ sự khác biệt của mình.

Nhưng tôi có rất nhiều ký ức tích cực trong quá trình trưởng thành khi mọi người nói về nguồn gốc và nền văn hóa của tôi.
Tôi cũng còn nhớ là cũng rất khó để nói về sự khác biệt này vì tôi không hiểu lắm về nguồn gốc của mình, mà tôi cũng không hoàn toàn hiểu hết một gia đình Úc bình thường là như thế nào.

Chính vì vậy, đôi khi tôi cảm thấy mình hơi bị bối rối không biết mình đến từ đâu hay mình là ai."

Kim Anh: "Tony có nói rằng khi đến Úc, anh còn rất nhỏ nên không nhớ được những gì đã xảy ra, nhưng anh vẫn cảm nhận được những ký ức ấy. Có phải những cảm nhận ấy đã dẫ dắt anh đến với chiến dịch 'I Came By Boat?"

Tony Lee: "Khi chúng tôi đến được Úc, gia đình tôi rất may mắn đã gặp được người tốt giúp đỡ và ba mẹ tôi tìm được việc làm. Vì vậy, tôi luôn muốn có thể làm gì đó để đóng góp trở lại cho cộng đồng. Phần lớn cuộc đời tôi đều có liên quan đến những hoạt động liên quan đến quyền lợi của người tị nạn.

Công việc hiện nay của tôi có liên quan đến đọc, viết các xuất bản phẩm cũng như tin tức trên trang web về các hoạt động từ thiện của các tổ chức phi lợi nhuận. Và tôi đã nghe đến chiến dịch 'I Came By Boat'.

'I Came By Boat' ra đời là để góp phần giúp mọi người nhận thức được những đóng góp của người tầm trú và người tị nạn cho xã hội Úc. Trong nhiều năm qua, tôi vẫn luôn quan tâm đến những cuộc tranh luận về người tầm trú và tị nạn. Hiện nay hằng ngày vẫn còn chuyện người từ các nước khác vượt biển đến Úc xin tị nạn, cũng giống như gia đình tôi trước đây, và vẫn còn đó những chuyện khủng khiếp xảy ra.

Khi tôi nghe về ý tưởng của 'I Came By Boat', không phải chỉ là chuyện tôi là ai, tôi đến từ đâu mà còn bản thân tôi đã làm được gì cho cộng đồng, tôi cảm thấy rất hứng khởi và đã tham gia chiến dịch."
"Tham gia 'I Came By Boat' giúp tôi trở nên mạnh mẽ hơn khi nói về những vấn đền liên quan đến người tầm trú, cảm thấy tự tin hơn và hy vọng nhiều hơn."
Kim Anh: "Tony có vai trò gì trong chiến dịch 'I Came By Boat'"?

Tony Lee: "Khi tôi biết đến ý tưởng của 'I Came By Boat', tôi đã bày tỏ ý muốn tham gia chiến dịch này. Tôi kể cho mọi người nghe câu chuyện của mình, là người tị nạn, tôi đến từ đâu, lớn lên ở Úc như thế nào cũng như những đóng góp cho xã hội hôm nay. Và tôi đã tham gia 'I Came By Boat' với vai trò là phụ tá chương trình. Do tôi cũng làm việc trong ngành tiếp thị nên tôi còn tham gia liên hệ với báo chí, truyền thông để cổ động cho chiến dịch.

Chúng tôi đã làm phỏng vấn 12-13 người có nguồn gốc là người tị nạn cho chiến dịch 'I Came By Boat' và chuyển lại thành các câu chuyện rất có ý nghĩa: câu chuyện của một nghệ sĩ đàn dương cầm, bác sĩ phẫu thuật, người cứu hộ, chủ doanh nghiệp v.v... Có một câu chuyện khiến tôi xúc động là về cô NaJeeba đến từ Afghanistan. Najeeba 11 tuổi khi đến Úc cùng với 4 anh chị em của mình cùng mẹ đang mang thai. Cô mô tả hành trình vượt biển giống như một 'bản hợp đồng tử thần' bởi vì dường như nó còn dễ mất mạng hơn là rơi vào tay quân Taliban.

Tham gia 'I Came By Boat' giúp tôi trở nên mạnh mẽ hơn khi nói về những vấn đền liên quan đến người tầm trú, cảm thấy tự tin hơn và hy vọng nhiều hơn."

Kim Anh: "Tony cũng vừa nhắc đến rằng anh làm việc trong lĩnh vực tiếp thị và quảng cáo. Vậy hiện Tony đang làm công việc gì? "

Tony Lee: "Tôi hiện là giám đốc chiến lược của tổ chức Ntegrity, tôi làm việc với rất nhiều công ty tư nhân lẫn chính phủ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, và cả những tổ chức phi lợi nhuận và thiện nguyện. Tôi chịu trách nhiệm về định hướng thương hiệu, các công việc liên quan đến truyền thông, tập trung vào mạng xã hội, mạng Internet và điện thoại. "

Kim Anh: "Được biết là Tony đã có 17 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tiếp thị?"

Tony Lee: "Vâng, tôi đã làm trong lĩnh vực tiếp thị ở nhiều ngành khác nhau. Tôi đã chứng kiến những sự thay đổi từ thời kỳ báo in, truyền hình cho đến thời đại kỹ thuật số, tập trung vào tiếp thị qua điện thoại và tiếp thị qua mạng xã hội."

Kim Anh: "Có phải Tony đã từng ra chợ Victoria Market để bán vớ khi mới 11 tuổi để kiếm tiền tiêu vặt không?"

Tony Lee: "(cười)... Lớn lên trong một gia đình người tị nạn, chúng tôi không có tiền dư dả, thu nhập cũng không phải là ổn định. Cùng với anh chị, chúng tôi bắt đầu làm việc từ rất sớm, khoảng 8 tuổi. 11 tuổi thì tôi đi bán hàng ở chợ Vic. Lúc đó, tôi cảm thấy rằng mình có thể làm gì đó nhiều hơn để giúp đỡ gia đình."

Kim Anh: "Có phải khả năng bán hàng của Tony đã bắt đầu từ rất sớm, từ năm 11 tuổi khi đó?"

Tony Lee: "Ngay từ năm 11 tuổi, công việc đó đã giúp tôi phát triển những kỹ năng làm việc như giao tiếp với khách hàng vì lúc đó tôi cũng khá là nhút nhát như những đứa trẻ khác. Thời đó, tôi thường xem tivi và ngay từ rất sớm tôi đã muốn làm việc trong ngành quảng cáo."
"Tôi nghĩ rằng mình là một công dân Úc nhưng tôi cũng không quên di sản và nguồn gốc của mình, tôi đến từ đâu. Bên cạnh đó, tôi cũng xem mình là công dân toàn cầu. Là công dân toàn cầu, tôi cần quan tâm đến những người khác và tôn trọng mọi người."
Kim Anh: "Được biết là Tony hiện cũng đang làm việc thiện nguyện cho tổ chức Tomorrow Foundation và Asylum Seeker Resource Centre. Tony có thể cho thính giả biết thêm một chút về những công việc này hay không?"

Tony Lee: "Tôi biết đến tổ chức Tomorrow Foundation khi họ đang tìm nhiếp ảnh gia. Tôi cũng là một nhiếp ảnh gia vì đó là thú vui của tôi. Tomorrow Foundation hướng tới hỗ trợ trẻ em tị nạn gặp hoàn cảnh khó khăn.

Còn công việc ở Asylum Seeker Resource Centre là một phần công việc của tôi ở Ntergrity. Chúng tôi làm tình nguyện hơn 100 giờ tại Asylum Seeker Resource Centre. Trong mùa đông vừa qua, trung tâm đã nhắm mục tiêu là đạt 1 triệu đô tiền quyên góp để giúp đỡ đồ ăn thức uống cho các gia đình người di dân và tị nạn. Trung tâm cần rất nhiều sự hỗ trợ và tài chính. Chúng tôi đã giúp đỡ họ bằng cách tổ chức các chiến dịch tiếp thị, thiết kế trang web, quảng cáo trên Facebook, tiếp thị qua email...và chúng tôi đã giúp trung tâm vượt mục tiêu đề ra là 1,4 triệu đô. Chúng tôi cũng hợp tác với trung tâm điện ảnh ở Melbourne để làm một đoạn phim gây quỹ."

Kim Anh: "Từ chiến dịch 'I Came By Boat' cho đến tổ chức Tomorrow Foundation và Asylum Seeker Resource Centre, tất cả những việc mà Tony làm đều có liên quan đến người tị nạn. Là một người trẻ, người Úc gốc Việt thế hệ thứ Hai lớn lên ở Úc, tại sao Tony lại tham gia vào những hoạt động như vậy?"

Tony Lee: "Tôi nghĩ rằng mình là một công dân Úc nhưng tôi cũng không quên di sản và nguồn gốc của mình, tôi đến từ đâu. Bên cạnh đó, tôi cũng xem mình là công dân toàn cầu. Là công dân toàn cầu, tôi cần quan tâm đến những người khác và tôn trọng mọi người. Cho dù hoàn cảnh di dân giờ có thay đổi đi chăng nữa nhưng những câu chuyện đằng sau những người phải ra đi vì chiến tranh, nghèo đói, từ bỏ quê hương, gia đình mình vẫn còn đó, chúng ta không thể ngừng quan tâm đến những vấn đề như vậy.

Trong cuộc đời của tôi, tôi muốn đóng góp trở lại cho xã hội đã giúp tôi trở thành người như hôm nay. Là con người sống trên hành tinh này, chúng ta cần phải chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau."



Share