Thế hệ thứ Hai (Bài 72): Huy Nguyễn - người Việt trẻ yêu thiền

sbs second generation, huy nguyen

Huy Nguyễn hiện là giám đốc điều hành công ty Northwind Quantity Surveyors. Source: Huy Nguyen

Từng trải qua nạn bắt nạt ở trường trung học, từ một cậu bé kém tự tin và hay sợ hãi, nay Huy Nguyễn là giám đốc điều hành của công ty Northwind Quantity Surveyors ở Melbourne chuyên về địa ốc. Bắt đầu tập thiền từ những năm 20 tuổi, Huy Nguyễn còn được biết đến là một trong những người giúp gầy dựng tăng thân Làng Mai của thầy Thích Nhất Hạnh tại Melbourne, hướng dẫn các nhóm thiền và hoạt động tâm linh.


Đến Úc từ nhỏ cùng ba mẹ, Huy Nguyễn đã phải đối mặt với nhiều thách thức để hòa nhập với cuộc sống mới tại đây. Anh từng trải qua nạn bắt nạt nặng nề ở trường học khiến một cậu bé Việt Nam nhỏ con chỉ mong muốn được sống trong yên bình, được xã hội và cộng đồng chấp nhận trở nên rụt rè và đánh mất sự tự tin vào bản thân mình.

Tuy nhiên, sau đó Huy Nguyễn đã dần thoát khỏi những khó khăn này, thay đổi bản thân mình, trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn. Hiện giờ Huy Nguyễn là giám đốc điều hành của công ty Northwind Quantity Surveyors ở Melbourne chuyên về địa ốc.

Huy Nguyễn cũng được biết đến như là một trong những người giúp gầy dựng tăng thân Làng Mai của thầy Thích Nhất Hạnh tại Melbourne, hướng dẫn các nhóm thiền và hoạt động tâm linh.

Kim Anh: "Đến Úc tị nạn cùng ba mẹ từ nhỏ, Huy Nguyễn có gặp thách thức gì khi lớn lên ở Úc hay không?"

Huy Nguyễn: "Khi đặt chân đến Úc, ba mẹ nói với tôi rằng đây chính là nhà mới của tôi. Thuở ban đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn vì những rào cản ngôn ngữ, tôi nói tiếng Anh không tốt nên việc giao tiếp với bạn bè cũng như kết bạn ở trường có rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, dần dần, chúng tôi cũng được chấp nhận và tìm được bạn bè.

Cho đến năm học lớp 6, 7 và 8 thì tôi bị bắt nạc ở trường bởi một số bạn học gốc người Châu Âu, Ý và Hy Lạp. Bởi vì tôi nhỏ con và dễ trở thành mục tiêu tấn công nên tôi đã bị bắt nạt về thể chất và cả bằng lời nói, chẳng hạn như những người đó gọi tôi là 'ngu ngốc', 'mắt hí mũi tẹt' hay 'cút về nước của mày đi, bọn tao không muốn mày ở đây'... Khi đó tôi còn nhỏ nên những lời nói như vậy khiến tôi bị tổn thương rất nhiều vì tôi chỉ muốn sống trong hòa bình và có thể được xã hội và cộng đồng chấp nhận."

Kim Anh: "Những hành động bắt nạt như vậy có ảnh hưởng nhiều đến Huy hay không?"

Huy Nguyễn: "Có chứ, những hành động bắt nạt đó đã ảnh hưởng đến tôi theo nhiều cách khác nhau. Vì một vài lý do, tôi đã không kể lại cho ba mẹ nghe chuyện này. Có lẽ là do tôi sợ hãi và ba mẹ tôi rất bận rộn với công việc và cuộc sống. Tôi giữ nó ở trong lòng trong suốt một thời gian dài và điều này đã tác động tiêu cực đến tôi. Tôi cảm thấy mất tự tin vào bản thân mình và lúc nào cũng dè chừng và sợ hãi."
"Hầu như mỗi ngày đều có 3-4 bạn nam đứng chờ ở cửa trường, họ đợi tôi rời lớp. Họ túm lấy tôi, giữ tay tôi, rồi đánh vào bụng tôi. Không có ai đứng ra ngăn cản cả. Có vài người ở đó, tôi kêu la nhờ giúp đỡ và kêu bọn họ ngừng tay, nhưng bọn chúng không dừng lại. Cứ đến khoảng 3 giờ chiều, khi gần tan học là tôi lại thấy hốt hoảng và tìm mọi cách để thoát ra khỏi trường và về nhà một cách an toàn."
Kim Anh: "Làm thế nào mà Huy vượt qua được những khó khăn này?"

Huy Nguyễn: "May mắn là tôi có một người anh trai học chung trường. Tôi kể cho anh ấy nghe và anh ấy đã lên tiếng vì tôi. Tôi cũng bắt đầu đi học võ để có thể tự bảo vệ mình và lấy lại sự tự tin.

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ khi tôi học lớp 6, lúc đó anh của tôi đã vào trung học, còn tôi thì đi học trường đạo. Hầu như mỗi ngày đều có 3-4 bạn nam đứng chờ ở cửa trường, họ đợi tôi rời lớp. Họ túm lấy tôi, giữ tay tôi, rồi đánh vào bụng tôi. Không có ai đứng ra ngăn cản cả. Có vài người ở đó, tôi kêu la nhờ giúp đỡ và kêu bọn họ ngừng tay, nhưng bọn chúng không dừng lại. Và chuyện này kéo dài suốt một thời gian. Cứ đến khoảng 3 giờ chiều, khi gần tan học là tôi lại thấy hốt hoảng và tìm mọi cách để thoát ra khỏi trường và về nhà một cách an toàn."

Kim Anh: "Thế Huy đã lấy lại được sự tự tin trong quá trình trưởng thành như thế nào?"

Huy Nguyễn: "Phải mất một thời gian tôi mới cảm thấy tự tin trở lại. Tôi nhớ là khoảng lớp 8 hay lớp 9, khi tôi bắt đầu học võ Taekwondo. Tôi nhớ có một lần, một bạn đẩy tôi, tôi yêu cầu bạn ấy ngừng lại nhưng bạn ấy không chịu dừng. Thế là tôi đẩy bạn ấy và chúng tôi bắt đầu đánh nhau. Đó là lần đầu tiên tôi dám phản kháng, tự mình đứng lên chống trả và đối mặt với chúng. Mặc dù tôi chẳng muốn xảy ra chuyện đánh nhau như thế nhưng tôi cảm thấy tự hào về bản thân mình khi đã dám đứng lên chống lên bọn chúng như vậy.

Trong suốt năm học đó, tôi cũng nhận ra rằng với nguồn gốc là người Châu Á, chúng ta thường hay nhút nhát và không dám lên tiếng.

Rồi thời gian trôi qua, với học hành, công việc và cuộc sống, tôi xác định rằng tôi cần phải thay đổi bản thân mình, trở nên tự tin và mạnh mẽ hơn để có thể bảo vệ chính mình và những người mình yêu thương."

Kim Anh: "Từ một cậu bé nhút nhát, kém tự tin, là nạn nhân của nạn bắt nạt ở trường học, giờ Huy Nguyễn đã làm giám đốc điều hành của công ty Northwind Quantity Surveyors ở Melbourne?"

Huy Nguyễn: "Tôi yêu thích kiến trúc, xây dựng và những tòa nhà. Một trong những lý do có lẽ là vì tôi đã từng nhìn thấy đất nước Việt Nam bị tàn phá trong chiến tranh như thế nào, và Úc là một sự khởi đầu mới, vì vậy tôi thích nhìn thấy những tòa nhà được xây dựng lên như thế nào.

Cách đây 12 năm, tôi mở công ty riêng của mình là Northwind Quantity Surveyors, chúng tôi cung cấp các dịch vụ về kiểm tra chất lượng công trình và quản lý dự án, tư vấn cho các nhà phát triển và đầu tư, kiến trúc sư, những người quản lý nguồn vốn tài trợ cho các công trình, các tổ chức chính phủ có liên quan đến xây dựng nhà cửa chẳng hạn như Bộ Nhân Sinh. Tôi say mê những gì mình đang làm hiện thời và cùng làm việc với đội ngũ của mình. Chúng tôi có 7 người và chúng tôi sử dụng những kỹ năng, kiến thức chuyên môn và các chiến lược để giúp đỡ những nhà chuyên môn trong lĩnh vực này."
sbs second generation, huy nguyen
Huy Nguyễn đến với các hoạt động thiền từ khi còn rất trẻ. Source: Huy Nguyen
Kim Anh: "Được biết là Huy Nguyễn cũng là một trong những người giúp gầy dựng tăng thân Làng Mai của thầy Thích Nhất Hạnh tại Melbourne, hướng dẫn các nhóm thiền và hoạt động tâm linh?"

Huy Nguyễn: "Ba mẹ tôi đã thành lập nhóm thiền theo thầy Thích Nhất Hạnh, và tôi đã có cơ hội để tiếp xúc với những hoạt động này trong nhiều năm. 10 năm trước, chúng tôi đã thành lập nên nhóm thiền Nhập Lưu và mời các thầy về cùng quản lý trung tâm."

Kim Anh: "Huy vừa cho biết rằng đã tham gia gầy dựng nhóm cách đây 10 năm, vậy lúc đó Huy Nguyễn bao nhiêu tuổi?"

Huy Nguyễn: "Tôi bắt đầu tham gia các hoạt động thiền vào những năm 20 tuổi, khoảng 15 năm trước. Và trung tâm được thành lập cách đây khoảng 10-12 năm."

 Kim Anh: "Điều đó có nghĩa là Huy tiếp xúc với những hoạt động thiền từ rất sớm. Khi nhắc đến thiền, người ta hay liên tưởng đến những hoạt động dành cho người trung niên hay lớn tuổi. Tại sao Huy lại có niềm say mê với những hoạt động thiền như vậy?”

Huy Nguyễn: "Đúng là người ta thường hay nghĩ rằng thiền là dành cho những người lớn tuổi. Riêng tôi thì nghĩ rằng thiền là một cách sống khác, giúp cho rất nhiều người ngay cả những người trẻ tuổi và thanh thiếu niên với những cấp độ khác nhau. Thiền đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Tôi là người mong muốn đạt được những kết quả tốt và ba mẹ cũng hy vọng ở tôi rất nhiều về chuyện học hành khi tôi còn học trung học và đại học. Và đó quả thật là áp lực rất lớn với tôi trong học hành cũng như công việc.

Những năm 20 tuổi, tôi còn gặp những vấn đề khác trong cuộc sống, như chuyện tình yêu chẳng hạn. Có rất nhiều thử thách khi tôi ở độ tuổi đó, và tôi đã phải chịu đựng nó. Đôi khi những thử thách và chịu đựng có thể là lợi thế nếu bạn biết cách vượt qua nó. Vào lứa tuổi đó, tôi luôn đi tìm kiếm câu trả lời. Tôi là thành viên của cộng đồng Phật giáo Việt Nam. Khi tôi còn nhỏ, ba mẹ tôi cho tôi tham gia vào 'Gia đình Phật tử'. Do vậy, tôi có điều kiện tiếp xúc với Phật giáo từ rất sớm.

Khi tôi gặp khó khăn, tôi đọc sách và nghe đĩa về Phật pháp, tôi cảm thấy sự liên kết giữa bản thân với các hoạt động thực hành thiền. Tôi cũng rất may mắn khi ba mẹ tôi cũng là những người thực hành thiền.

Tôi nhớ rằng mình cảm thấy sự gần gũi và mối liên hệ rõ ràng khi đọc cuốn sách đầu tiên của thầy Thích Nhất Hạnh. Thiền có thể giúp bạn nhận thức được những điều đang xảy ra xung quanh và trong chính con người bạn. Thực hành thiền sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn và kiểm soát tình cảm bản thân tốt hơn. Khi bạn đã hoàn toàn kiểm soát được bản thân mình, bạn biết nên nói gì và không nên nói gì, nên làm gì và không nên làm gì. Đầu óc minh mẫn nên bạn sẽ tập trung hơn vào công việc và những việc làm khác của mình. Thiền đã giúp đỡ tôi rất nhiều trong công việc và học tập, nhất là vào giai đoạn tôi học văn bằng hậu đại học."
"Thực hành thiền sẽ giúp bạn bình tĩnh hơn và kiểm soát tình cảm bản thân tốt hơn. Khi bạn đã hoàn toàn kiểm soát được bản thân mình, bạn biết nên nói gì và không nên nói gì, nên làm gì và không nên làm gì. Đầu óc minh mẫn nên bạn sẽ tập trung hơn vào công việc và những việc làm khác của mình."
Kim Anh: "Có nhiều người trẻ tham gia nhóm thiền của Huy không?"

Huy Nguyễn: "Có chứ, có nhiều bạn trẻ cùng gia đình đã tham gia tập thiền ở trung tâm Nhập Lưu. Cứ vài tuần hay mỗi tháng, họ lại đưa con cái của mình đến trung tâm. Họ bảo rằng không khí ở đây rất bình yên và tĩnh lặng và điều đó tốt cho con cái của họ. Chúng học hỏi rất nhiều với môi trường yên bình và vui vẻ này, so với việc chỉ ngồi nhà, chơi game, xem Ipad hay tivi. Đến với trung tâm, bọn trẻ có dịp tiếp xúc với thiên nhiên, giao tiếp với bạn bè và gia đình."

Kim Anh: "Được biết rằng Huy Nguyễn cũng đang có kế hoạch mở các nhóm thiền khác dành riêng cho các bạn trẻ và gia đình?”

Huy Nguyễn: "Đúng vậy. Tôi đang điều hành một tổ chức thiền ở Melbourne nhiều năm nay rồi. Chúng tôi gặp nhau mỗi tuần và nhóm luôn mở cửa với bất cứ ai muốn tham gia thực hành thiền.

Tôi cũng đang có kế hoạch lập thêm vài nhóm nữa, một nhóm dành cho người trẻ tuổi từ 15 đến 40. Tôi đã từng trải qua giai đoạn đó nên tôi hiểu những thách thức đối với thanh thiếu niên, và tập thiền có thể giúp các em rất nhiều.

Một nhóm khác dành cho các gia đình gồm ba mẹ cùng con cái. Tôi chắc chắn rằng các bậc phụ huynh gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình nuôi dạy con cái, có nhiều vấn đề xã hội nảy sinh. Một vấn đề mà chúng tôi sẽ đưa ra ở đây là làm thế nào để tạo dựng và duy trì một gia đình khỏe mạnh và an bình, duy trì mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, giữa vợ và chồng, lắng nghe và thấu hiểu. Đó là những điều rất quan trọng trong tình hình xã hội hiện nay."

Share