Lyma Nguyễn sinh ra tại đảo Kuku, Indonesia khi ba mẹ cô đang trên đường vượt biển, trốn khỏi Việt Nam và tìm đường đến Úc tị nạn.
Lyma quan tâm đến các hoạt động nhân quyền cũng như tình nguyện quốc tế từ rất sớm.
“Sự quan tâm của tôi đối với nhân quyền xuất phát từ chính sự trải nghiệm của bản thân tôi cũng như nguyên tắc mọi người sinh ra đều bình đẳng và có sự lựa chọn vị trí của mình trên thế giới này.
Tôi luôn quan tâm đến những vấn đề về người tị nạn như một cách để tìm hiểu về chính bản thân mình. Do đó, có thể nói rằng đúng là mối quan tâm của tôi dành cho các hoạt động về nhân quyền có liên quan đến nguồn gốc và xuất thân của tôi. Tôi cố gắng hiểu câu chuyện của ba mẹ và những gì mà họ đã trải qua,” Lyma cho biết.
Năm 2001, khi còn đang học đại học tại Đại học Queensland, Lyma đã tham gia nhiều tổ chức xã hội và nhân quyền, là chủ tịch của Tổ chức Ân xá Quốc tế ở Đại học Queensland, từ đó kết nối với mọi người và bạn bè Hiệp hội Sinh viên Liên Hiệp Quốc.
Cô đã đến Đông Timor cùng với nhóm Liên Hiệp Quốc để tiến hành khảo sát và tìm hiểu những mong muốn về tương lai của người trẻ ở Đông Timor. Một năm sau đó, Lyma trở lại Đông Timor để làm những công việc về pháp lý liên quan đến nhân quyền cũng như các vấn đề liên quan đến đất đai.
Năm 2004, Lyma đến Nigeria để dạy tiếng Pháp cho các học sinh trung học ở bang Anambra.
Tốt nghiệp đại học năm 2006, Lyma bắt đầu làm việc tại Bộ Di trú ở thành phố Brisbane.
"Sự quan tâm của tôi đối với nhân quyền xuất phát từ chính sự trải nghiệm của bản thân tôi cũng như nguyên tắc mọi người sinh ra đều bình đẳng và có sự lựa chọn vị trí của mình trên thế giới này"
Mối quan tâm cũng như các hoạt động về nhân quyền và người tị nạn từ sớm đã từ từ dẫn dắt Lyma đến cơ hội tham gia Tòa Án Quốc tế Khmer Đỏ ở Campuchia bắt đầu vào năm 2008.
Cô là nữ luật sư người Úc gốc Việt duy nhất tham gia vào tòa án này, đại diện cho nhóm người Việt thiểu số cũng như các dân tộc khác tại Campuchia vốn là những nạn nhân còn sống sót trong thời kỳ diệt chủng Khmer Đỏ.
Nhờ vào những nỗ lực và hoạt động không mệt mỏi vì quyền lợi của các tộc người thiểu số, đặc biệt là người Việt, ở Campuchia, Lyma đã được trao giải thưởng Australian Prime Minister's Executive Endeavour Award vào năm 2013.
Luật sư và trạng sư Lyma Nguyễn tại Tòa Án Quốc tế Khmer Đỏ ở Campuchia (postkhmer.com) Source: postkhmer.com
"Khi tôi bắt đầu tham gia Tòa án Quốc tế Khmer Đỏ là khoảng 10 năm trước. Tôi chưa từng nghĩ rằng mình lại tham gia vào công việc này kéo dài đến tận 10 năm. Bởi vì tất cả mọi người đều nghĩ rằng Tòa án này sẽ kết thúc nhanh chóng trong vòng 3 năm thôi. Đã có rất nhiều sự đình trệ ngay từ khi bắt đầu phiên tòa vì nhiều lý do về mặt pháp lý và thủ tục.
Một số thân chủ của tôi đã trình bằng chứng trước tòa vào năm ngoái, nhiều người đã lớn tuổi và một số họ đã qua đời. Việc giữ lại những câu chuyện, những bằng chứng này rất quan trọng cho con cháu của họ, để thế hệ sau biết được ba mẹ họ đã trải qua những gì."
"Công việc này đã kéo dài 10 năm, và tôi không hề nhận một đồng lương nào cho công việc này. Tôi đã nhận được nhiều giải thưởng để giúp gây quỹ cho công việc của mình.
Thế nhưng với tôi thì đây là một phần thưởng xứng đáng vì được làm việc trong tòa án hình sự quốc tế là mong muốn của tôi, xuất phát từ những mối quan tâm rất sớm của tôi đối với những hoạt động nhân quyền. Và có lẽ là không bao giờ tôi có cơ hội để đứng trước một tòa án quốc tế mà tôi có thể nói bằng cả tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp như thế nữa," Lyma Nguyễn chia sẻ.