Cùng gia đình đến Úc tị nạn vào những năm 80, Annie Lưu đặt chân đến Úc khi cô chỉ vừa được 3 tháng tuổi.
15 tuổi, cô rời khỏi nhà và bắt đầu một cuộc sống tự lập.
Tốt nghiệp trung học, Annie chọn chuyên ngành Kỹ thuật Dân dụng và Môi trường tại Đại học Công nghệ Sydney.
Sau đó, cô bắt đầu làm việc với vai trò là quản lý dự án trong lĩnh vực xây dựng, ngành nghề vốn do nam giới thống trị.
Kim Anh: "Chị Annie còn nhớ về thời thơ ấu của mình hay không?"
Annie Lưu: "Tôi lớn lên ở vùng Mount Gambier. Ở đây chủ yếu là người Anglo-Saxon, ít nhất là trong vòng 30 năm qua. Lúc đó, tôi vẫn còn là một em bé 3 tháng tuổi, lớn lên cùng với những đứa trẻ người Úc khác. Chỉ có gia đình tôi là người Việt gốc Hoa vào thời điểm đó. Ba tôi làm việc cho một nhà máy sản xuất trà. Đó là khoảng thời gian vô cùng khó khăn cho ông ấy vì bất đồng ngôn ngữ và văn hóa. Một thời gian sau, chúng tôi chuyển đến Sydney, nơi ba mẹ tôi có nhiều bạn bè hơn. Chúng tôi từng ở Melbourne một năm, sau đó chúng tôi lại chuyển về Cabramatta ở Sydney."
Kim Anh: "Annie rời khỏi nhà của ba mẹ vào năm 15 tuổi?"
Annie Lưu: "Ba tôi bị nghiện rượu, chúng tôi gặp rất nhiều vấn đề lúc đó. Khi chị gái của tôi 21 tuổi, đủ tuổi để trở thành người giám hộ hợp pháp cho ba chị em tôi thì chúng tôi dọn ra ngoài sống. Chúng tôi có 4 chị em, chị cả của tôi hiện đang ở Brisbane, chị gái thứ hai thì ở Perth, tôi và em trai."
Kim Anh: "Annie có gặp nhiều khó khăn lúc đó hay không?"
Annie Lưu: "Đó là quãng thời gian rất khó khăn. Lúc đó tôi đang học trung học, tôi phải đón 2 chuyến xe lửa để đến trường học. Chưa kể là tôi còn phải học nấu ăn cho chị em của mình, trả tiền thuê nhà như thế nào, tính toán ngân sách gia đình ra sao v.v... Chúng tôi phải học cách tự lo cho bản thân mình. Quả thật là căng thẳng khi bạn còn phải lo việc học ở trường."
Kim Anh: "Sau khi tốt nghiệp trung học, Annie học chuyên ngành Kỹ thuật Dân dụng và Môi trường tại Đại học Công nghệ Sydney. Tại sao Annie lại chọn ngành học vốn không có nhiều phụ nữ chọn học như thế?"
Annie Lưu: "Sau khi học xong trung học, tôi thật sự không biết mình nên học ngành gì. Lúc đó, tôi chọn 10 ngành học khác nhau. Tôi chọn Luật Thương mại ở Canberra, rồi Kỹ thuật, Khoa học Sức khỏe, Khoa học Máy tính, Môi trường v.v... Trong năm đầu tiên, tôi thử học một số môn để tìm xem bản thân mình thích ngành nào nhất. Sau đó, tôi quyết định chọn Kỹ thuật Dân dụng và Môi trường."
"Tôi nghĩ rằng mỗi thế hệ đều có điều gì đó để trao gửi lại cho thế hệ tiếp theo."
Kim Anh: "Vậy sau khi tốt nghiệp đại học, Annie có nghĩ là mình đã lựa chọn đúng ngành nghề hay không?"
Annie Lưu: "Tôi nghĩ là tôi đã chọn đúng. Ngoài chuyện lấy bằng cử nhân, một điều tuyệt vời khác ở Đại học Công nghệ Sydney (UTS) là tôi có cơ hội thực tập lấy kinh nghiệm trong ngành nghề của mình. Cũng ngành nghề đó, so với các trường đại học khác, UTS trả tiền cho sinh viên trong thời gian thực tập.
Khi tôi bắt đầu kỳ thực tập, tôi làm việc toàn thời gian và học bán thời gian. Và tôi thật sự thích điều này vì tôi có cơ hội thực hành từ những lý thuyết học ở trường. Tôi cũng phát hiện ra rằng mình có tài về giải quyết vấn đề. Mà ngành học kỹ thuật lại toàn là những chuyện liên quan đến giải quyết vấn đề, và tôi có thể áp dụng kỹ năng này vào nhiều ngành nghề khác nữa. Cho đến cuối khóa học thì tôi rất rõ ràng rằng tôi muốn làm công việc quản lý dự án vì tôi có khả năng trong việc quản lý con người và giải quyết vấn đề."
Kim Anh: "Sau khi tốt nghiệp, Annie làm việc ở đâu?"
Annie Lưu: "Đến kỳ học cuối cùng thì tôi tham gia chương trình trao đổi giáo dục. Tôi học 6 tháng ở Đại học Ottawa tại Canada. Tôi vừa đi học, kết hợp du lịch để tìm hiểu xem thế giới bên ngoài như thế nào. Ở đó tôi cũng học một số môn học về môi trường. Sau khi trở về thì tôi bắt đầu công việc đầu tiên của mình ở Canberra. Tôi quản lý một dự án 100 triệu đô cho Cảnh sát Liên bang Úc và Bộ Tài chính và Quản trị ở Canberra.
Kim Anh: "Chị Annie cũng làm việc trong lĩnh vực xây dựng phải không?"
Annie Lưu: "Đúng vậy, tôi làm công việc quản lý trong lĩnh vực xây dựng, quản lý kiến trúc sư, những nhà thiết kế nội thất, các khách hàng của Cảnh sát Liên bang Úc, quản lý các dự án của Bộ Tài chính và Quản trị, và các tổ chức tư vấn kỹ thuật."
Kim Anh: "Annie cảm thấy như thế nào khi làm việc trong lĩnh vực mà nam giới nắm giữ vai trò chính yếu như vậy?"
Annie Lưu: "Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi có cơ hội đi làm trong lúc học. Tôi đã từng làm việc cho một công ty xây dựng với dự án về nước cùng hàng trăm công nhân xây dựng. Chỉ có 3 nhân viên nữ làm việc khi đó: một người làm tiếp tân, một người quản lý về tài chính và tôi. Tôi đã có kinh nghiệm làm việc với toàn nhân viên nam như vậy. Do đó, khi tôi làm việc ở Canberra, tôi chỉ lo tập trung làm tốt công việc của mình.
Tôi rất may mắn là không cảm thấy lẻ loi khi làm việc trong lĩnh vực toàn là đàn ông. Tôi cũng có một đồng nghiệp nữ cùng làm chung trong lĩnh vực xây dựng và cô ấy rất thích công việc này. Tôi làm việc trong môi trường này 4 năm. Tại Canberra, tôi có tham gia một sự kiện với hàng trăm quan khách nhưng chỉ có tôi là người Châu Á. Ở Canberra trong lĩnh vực này thiếu sự đa dạng. Và cho đến sự kiện này thì tôi mới nhận ra rằng mình là thành phần thiểu số trong lĩnh vực này."
"Tôi muốn mở rộng những sáng kiến kỹ thuật ở Úc sang những nước khác trên thế giới, đặc biệt tập trung vào khu vực Châu Á."
Kim Anh: "Annie cảm giác thế nào vào lúc đó? Annie có gặp nhiều thách thức hay không?"
Annie Lưu: "Có chứ. Lúc mới bắt đầu làm việc, sếp của tôi rõ ràng là thích một kỹ sư hay một người quản lý dự án là nam giới hơn. Tôi biết điều đó nhưng tôi chỉ cố gắng hết sức làm tốt công việc của mình. Là một người quản lý dự án, không phải lúc nào tôi cũng được đối xử giống như nam giới, nhưng khi làm việc với các khách hàng thì họ luôn muốn làm việc với tôi vì tôi linh động và dễ thích nghi."
Kim Anh: "Annie vừa từ Trung Quốc trở về? Annie làm gì ở đó?"
Annie Lưu: "Tôi muốn mở rộng những sáng kiến kỹ thuật ở Úc sang những nước khác trên thế giới, đặc biệt tập trung vào khu vực Châu Á. Tôi đến Trung Quốc cùng 2 doanh nghiệp khác để tìm hiểu những đối thủ cạnh tranh, xem lại những công nghệ của mình và bây giờ kêu gọi vốn cho những công nghệ này và mở rộng hoạt động ở Trung Quốc.
Tôi sẽ đến Trung Quốc với vai trò là đối tác hỗ trợ, hợp tác cùng chính phủ Bắc Kinh tổ chức một cuộc thi ở Úc nhằm giúp các doanh nghiệp Úc mở rộng hoạt động ở Trung Quốc, đồng thời giúp những nhà đầu tư Trung Quốc tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở Úc."
Kim Anh: "Làm thế nào Annie biết chị Đài Lê, cựu phóng viên, chính trị gia, nhà sáng lập và điều hành Mạng lưới Phụ nữ Úc Đa Sắc tộc (DAWN)?"
Annie Lưu: "Tôi biết Đài Lê vào năm ngoái, chúng tôi có nhiều bạn bè và nhiều mối liên kết chung. Khi tôi gặp Đài Lê, chúng tôi đã nói chuyện về vị thế lãnh đạo của phụ nữ với những góc nhìn văn hóa. Tôi giúp Đài Lê trong công việc của cô ấy, làm thế nào để khuyến khích thế hệ người trẻ là nữ giới gốc Châu Á tham gia vào các vị trí lãnh đạo.
Tôi tham gia vào các chương trình huấn luyện của Đài Lê, tôi huấn luyện và hướng dẫn các doanh nghiệp vì tôi có kinh nghiệm về quản lý dự án, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện dự án và tôi có thể giúp họ điều này. Chúng tôi làm việc cùng nhau, làm thế nào để mở thêm nhiều cơ hội huấn nghiệp cho những người thật sự cần đến nó."
Kim Anh: "Vậy Annie nghĩ thế nào về phụ nữ làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, nhất là người di dân?"
Annie Lưu: "Tôi nghĩ rằng tình hình nay đã thay đổi rõ rệt, nhiều phụ nữ cảm thấy thoải mái hơn khi xuất hiện trên truyền thông báo chí và bước ra ngoài diễn thuyết nhiều hơn, vấn đề văn hóa cũng trở nên quan trọng hơn tại nơi làm việc. Vai trò lãnh đạo cũng đã có nhiều sự thay đổi rõ ràng, nhận được nhiều sự ủng hộ hơn, nhất là về mặt tinh thần.
Khi tôi làm việc ở lĩnh vực xây dựng, tôi không có ai để nói chuyện khi gặp vấn đề. Tôi đã gặp nhiều đồng nghiệp nữ bị căng thẳng khi làm việc ở lĩnh vực này. Nhưng bây giờ thì có nhiều mạng lưới và tổ chức để giúp phụ nữ vượt qua các trở ngại và thách thức. Hiện có nhiều đại diện phụ nữ hơn làm việc trong ngành pháp luật, ngân hàng và kỹ thuật."
"Khi bạn làm việc với hàng trăm công nhân xây dựng, bạn phải giữ vững vị trí của mình, nếu không bạn sẽ bị lấn lướt hay không được tôn trọng. Trong môi trường như vậy, tôi buộc phải cứng rắn. Tôi phải học như vậy và tự tin vào chính mình."
Kim Anh: "Annie có nghĩ mình là một người phụ nữ mạnh mẽ hay không?"
Annie Lưu: "Khi tôi còn thực tập ở trường đại học, tôi nhận ra rằng tôi phải mạnh mẽ. Để tồn tại trong môi trường đó, tôi phải cứng rắn. Khi bạn làm việc với hàng trăm công nhân xây dựng, bạn phải giữ vững vị trí của mình, nếu không bạn sẽ bị lấn lướt hay không được tôn trọng. Trong môi trường như vậy, tôi buộc phải cứng rắn. Tôi phải học như vậy và tự tin vào chính mình."
Kim Anh: "Vậy Annie trong đời thường thì như thế nào?"
Annie Lưu: "Trong cuộc sống thường ngày, bạn sẽ thấy tôi là một người rất thân thiện và thoải mái. Tôi luôn tò mò muốn tìm hiểu mọi người xung quanh. Khi tôi quản lý dự án, tôi có rất ít thời gian và hạn chế về ngân sách. Do đó tôi cần những cộng sự giỏi việc. Vì vậy, trong cuộc sống thường ngày, tôi cũng hay tìm kiếm những nhân tài. Tôi thích làm việc với những người trẻ tuổi cũng như những người lớn tuổi trong lĩnh vực tư vấn. Tôi nghĩ rằng mỗi thế hệ đều có điều gì đó để trao gửi lại cho thế hệ tiếp theo. Lúc nào cần cứng rắn, tôi sẽ cứng rắn, nhưng trong cuộc sống bình thường thì tôi rất thoải mái."
Kim Anh: "Có vẻ như Annie rất bận rộn. Thế thì Annie còn thời gian dành cho bản thân và gia đình mình không?"
Annie Lưu: "Ba tôi qua đời vào năm ngoái. Lúc đó tôi làm việc ở Melbourne cho một công ty về năng lượng. Tôi đã nghỉ việc để có thời gian chăm sóc cho ba mẹ tôi. Tôi dành toàn thời gian để chăm sóc cho ba tôi. Chúng ta chỉ có một ba mẹ và chúng tôi sẽ không có cơ hội thứ hai để chăm sóc cho ba mẹ mình. Ba tôi bị bệnh rất nặng và tôi cảm thấy rất may mắn là đã chuyển ông đến Sydney.
Hiện giờ, tôi gặp mẹ mình vào mỗi cuối tuần. Tôi rất gần gũi với gia đình của mình. Chúng tôi sống khác thành phố nên khi có thời gian dành cho nhau, chúng tôi tận dụng tối đa thời gian đó. Vài tuần trước, tôi dẫn cháu trai của mình đến Canberra chơi. Tôi có một cháu trai 14 tuổi. Tôi chưa có con. Tôi là một người dì bận rộn. Tôi có một cháu trai khác khoảng 8-9 tháng và tôi dành nhiều thời gian để chăm sóc bé."