Tạp chí Khoa học (38) Cái giá phải trả khi loại bỏ túi nhựa hoàn toàn

A turtle trying to eat a plastic bag in the Gulf of Carpentaria in northern Australia.

A turtle trying to eat a plastic bag in the Gulf of Carpentaria in northern Australia. Source: AAP

Áp lực từ các nhà vận động bảo vệ môi trường đã khiến cho các chính phủ, nhà sản xuất và nhà bán lẻ bắt đầu hành động nhằm chống lại làn sóng rác thải nhựa. Thế nhưng chi phí thực sự để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi cuộc sống hiện đại là bao nhiêu?


Mỗi năm có hơn 78 triệu tấn bao bì nhựa được sản xuất trên toàn thế giới, bởi một ngành kỹ nghệ trị giá gần 200 tỷ đô la. Chỉ một phần nhỏ trong số đó được tái chế, trong khi đa số bị vứt bỏ. Rác nhựa giờ đây xuất hiện mọi nơi trên hành tinh xanh của chúng ta, từ những vùng xa xôi của Nam Cực đến những đại dương sâu thẳm nhất.

Áp lực từ các nhà vận động bảo vệ môi trường đã khiến cho các chính phủ, nhà sản xuất và nhà bán lẻ bắt đầu hành động nhằm chống lại làn sóng rác thải nhựa. Thế nhưng chi phí thực sự để loại bỏ rác thải nhựa ra khỏi cuộc sống hiện đại là bao nhiêu?

Hơn 60 quốc gia trên thế giới hiện đang áp dụng những đạo luật nhằm hạn chế số lượng túi nhựa sử dụng một lần trên thị trường. Hồi tháng 12/2018, đảo Bali của Indonesia đã ban hành lệnh cấm nhựa sử dụng một lần, chẳng như túi nilon, thùng xốp và ống hút trong nỗ lực nhằm hạn chế ô nhiễm tại vùng biển này.

Thống đốc Bali là ông Wayan Koster tuyên bố những người không tuân thủ lệnh cấm sẽ bị phạt hành chính.

“Chính sách này nhắm vào các nhà sản xuất, phân phối, cung cấp và doanh nghiệp cũng như cá nhân để ngăn chặn việc sử dụng nhựa dùng một lần," ông nói.

"Họ phải thay thế nhựa bằng các vật liệu khác. Nếu họ không tuân thủ, chúng tôi sẽ có hành động, như không gia hạn giấy phép kinh doanh của họ.”

Cũng trong năm 2018, hai chuỗi siêu thị lớn nhất nước Úc là Coles và Woolworths cũng quyết định ngừng cung cấp túi nhựa xài một lần miễn phí.

Mặc dù vấp phải sự giận dữ của nhiều khách hàng, theo Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia NRA, chỉ sau ba tháng áp dụng, quyết định này đã giúp cắt giảm 80% lượng tiêu thụ túi nilon trên thị trường, tương đương với khoảng 1,5 tỷ túi.

Ông David Stout thuộc NRA cho biết việc loại bỏ túi nhựa xài một lần là một động thái “dũng cảm” từ các siêu thị lớn, và mở đường cho các doanh nghiệp nhỏ, vốn không dám đối mặt với cơn thịnh nộ từ phía khách hàng. 

“Dĩ nhiên các siêu thị lớn được xem như những người tiên phong, vì thế nhiều nhà bán lẻ sẽ bắt chước họ," ông nói.

"Cách tốt nhất cho các doanh nghiệp nhỏ là loại bỏ hoàn toàn túi nhựa, hoặc yêu cầu khách hàng trả tiền mua túi. Giờ đây họ có thể cân nhắc chính sách này mà không sợ phản ứng từ phía khách hàng.”
Thế nhưng bất chấp những cam kết này, phần lớn ngành kỹ nghệ thực phẩm và đồ uống vẫn đang loay hoay tìm cách đạt được những mục tiêu cắt giảm túi nhựa mà họ đã đặt ra cho chính mình.

Một số chuyên gia lo ngại rằng việc loại bỏ túi nhựa một cách vội vã sẽ khiến cho hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn.

Ông Eliot Whittington, giám đốc chương trình chính sách của Viện Lãnh đạo Bền vững thuộc Đại học Cambridge nhận xét:

“Mọi việc không chỉ đơn giản như là, ‘nhựa là xấu’ vì thế hãy sử dụng một thứ khác. Nó sẽ đòi hỏi một sự thay đổi hoàn toàn trong cách chúng ta đóng gói sản phẩm. Hầu hết bao bì sản phẩm hiện nay chỉ được sử dụng một lần rồi vứt bỏ. Chúng ta cần phải thay đổi điều đó. Nó cần sự lãnh đạo từ chính phủ.”

Một trong những lý do khiến cho nhựa chiếm ưu thế trong ngành bao bì thực phẩm, là vì nó có khả năng làm được nhiều hơn, với chi phí thấp hơn. Chẳng hạn, việc sản xuất một chai nước bằng nhựa tốn ít nguyên liệu hơn là một chai nước bằng thủy tinh.

“Nhựa có giá rẻ, nhẹ và có tính thích nghi cao, mà nhiều nguyên liệu thay thế không thể làm được,” bà Susan Selke thuộc Đại học Tiểu bang Michigan cho biết.

Năm mươi năm về trước, hầu hết đồ uống đều được bán trong chai thủy tinh. Ngày nay, các chai nước ngọt được làm từ một loại vật liệu nhựa dẻo có tên là polyethylene terephthalate, gọi tắt là PET.

Mặc dù chi phí sản xuất chai thủy tinh chỉ mắc hơn chai PET khoảng $0.01, tùy thuộc vào giá nguyên liệu và năng lượng vào thời điểm đó, nhưng một khi các nhà sản xuất bắt đầu vận chuyển sản phẩm trong chai thủy tinh, thì chi phí bắt đầu tăng lên rất nhiều.

Một chai nước ngọt bằng nhựa 330ml chỉ chứa khoảng 18g nguyên liệu, trong khi một chai nước ngọt bằng thủy tinh có thể nặng từ 190g đến 250g.

Việc vận chuyển đồ uống trong các chai nước nặng hơn đòi hỏi nhiều năng lượng hơn 40%, phát thải nhiều khí carbon dioxide gây ô nhiễm hơn, và làm tăng chi phí vận chuyển lên gấp 5 lần.

“Trong nhiều trường hợp, sử dụng nhựa lại có lợi cho môi trường hơn các nguyên liệu thay thế khác,” bà Selke nói.
Plastic polution in the sea
Plastic polution in the sea Source: NOAA Pacific Islands Fisheries Science Center
Một bản phúc trình của Hội đồng Hóa học Hoa Kỳ và công ty kế toán môi trường Trucost ước tính rằng chi phí môi trường, tức chi phí xử lý ô nhiễm do sản phẩm tạo ra, sẽ cao hơn 5 lần nếu ngành kỹ nghệ nước giải khát sử dụng các bao bì khác như thủy tinh, thiếc hoặc nhôm thay cho chai nhựa.

Trong khi các chính phủ tìm cách xử phạt các công ty gây ô nhiễm bằng cách đánh thuế carbon, những chi phí này có thể khiến cho giá thành sản phẩm gia tăng.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, chi phí thực phẩm sẽ gia tăng,” ông Dick Searle, giám đốc điều hành của Liên đoàn Bao bì Anh nói.

Bên cạnh đó, một số người cảnh báo rằng việc loại bỏ bao bì nhựa sau 70 năm lệ thuộc vào sản phẩm này, có thể đem đến nhiều hậu quả tốn kém và không mong muốn cho ngành kỹ nghệ thực phẩm.

“Tôi nghĩ mọi người đang đánh giá thấp lợi ích của nhựa trong việc giảm rác thải thực phẩm,” ông Anthony Ryan, giáo sư hóa học và giám đốc Trung tâm Grantham Vì Tương lai Bền vững thuộc Đại hoc Sheffield, cho biết.

Hầu hết các loại thực phẩm mà chúng ta mua trong siêu thị, đều được đóng gói trong khay, hộp và bọc kín bằng màng nhựa.

Ví dụ, màng bọc dưa leo có thể giúp giữ cho trái dưa tươi ngon trong tủ lạnh đến 15 ngày, và cắt giảm một nửa lượng rác thải thực phẩm. Trong khi đó một quả dưa leo không được bọc bằng bao nhựa chỉ có thể giữ được 9 ngày trong tủ lạnh.

Thịt bò đựng trong các khay xốp polystyrene với màng bọc bằng nhựa có thể giữ được từ 3-7 ngày. Tuy nhiên, nếu thịt được hút chân không và đóng gói bằng nhựa nhiều lớp, nó có thể giữ được đến 45 ngày mà không hề hư thối.
Bao bì nhựa cũng tạo nên một vùng không gian riêng cho rau quả, gọi là microclimate, giúp cho chúng không bị chín quá nhanh. Theo Hiệp hội Bao bì Linh hoạt, việc cho ớt vào túi được bọc kín có thể giúp kéo dài thời gian sử dụng chúng từ 4 ngày lên 20 ngày.

Chi phí rác thải thực phẩm toàn cầu được ước tính là gần 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Nhiều người cho rằng nếu không có bao bì nhựa, thì con số này sẽ còn tăng thêm nữa.

Vì thế, thay vì cấm bao bì nhựa hoàn toàn, tại sao chúng ta không tìm cách cải thiện nó?

“Thay vì thoái lui, có lẽ tốt hơn chúng ta nên tìm cách cải tiến,” ông Eliot Whittington nói.

“Hiện có nhiều công ty đang tìm cách chế tạo nhựa với một số chất phụ gia để giúp chúng phân hủy, hoặc sản xuất nhựa có khả năng phân hủy sinh học.”

Ngành kỹ nghệ nhựa sinh học, hay bioplastics, sử dụng tinh bột hoặc chất đạm từ thực vật như cây mía để tạo ra hydrocarbon cần thiết khi sản xuất nhựa. Chẳng hạn, một công ty mỹ phẩm Anh quốc tên là Bulldog đã đổi bao bì nhựa truyền thống sang bao bì polyethylene làm từ cây mía.

“Các bao bì mới đắt tiền hơn, nhưng chúng tôi nghĩ đó là điều đúng đắn cần phải làm,” nhà sáng lập công ty Simon Duffy cho biết.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share