Tạp chí Khoa học (35) Giới chức y tế cảnh báo về các viên “thuốc chống nắng” rao bán trên mạng

El Spray es una de las opciones más comunes

Source: health

Giới chức y tế Úc khuyên người dân nên tránh sử dụng các viên thuốc chống nắng (sunscreen pill) được quảng cáo là giúp bảo vệ khỏi tia cực tím, bởi những viên thuốc này không thể thay thế cho kem chống nắng.


Hiện nay có một số loại thuốc chống nắng (sunscreen pills) được sản xuất bởi một số công ty Mỹ, và được rao bán trên các cửa hàng vitamin trực tuyến.

Các nhà sản xuất hứa hẹn rằng thuốc này chứa những chất chống oxy hóa và chiết xuất cây cỏ tự nhiên, giúp “bảo vệ da tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và tác hại của nó”, cũng như giúp “hạn chế các thương tổn do ánh nắng gây ra”.

Một số nhãn hiệu thuốc được cho là có chứa chiết xuất lá có nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, vốn được sử dụng “hàng trăm năm qua” và “mang lại nhiều lợi ích sức khỏe”.

Các loại thuốc này cũng được quảng cáo là giúp chống lão hóa và giảm viêm.

Tuy nhiên, những viên thuốc chống nắng này lại chưa được cấp phép bởi cơ quan quản lý.

Cục Quản lý Dược phẩm Úc (TGA) không liệt kê thuốc chống nắng trong danh mục các loại thuốc được cấp phép. Ngay cả tại Mỹ, nơi những viên thuốc này được sản xuất, chúng cũng lọt vào tầm ngắm của các cơ quan quản lý.

Các loại thuốc đang được bán cho người Úc bao gồm một nhãn hiệu bị Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nhắm đến hồi tháng 5 năm ngoái do đưa ra những tuyên bố “sai lệch”.

Trong một tuyên bố, ông Scott Gottlieb thuộc FDA nói:

“Những công ty này đang đe dọa đến sức khỏe của người tiêu thụ, bằng cách đem lại cho họ cảm giác an toàn giả tạo, rằng một loại thực phẩm bổ sung có thể giúp ngăn ngừa cháy nắng, giảm lão hóa da sớm do ánh nắng mặt trời, hoặc bảo vệ bạn khỏi các nguy cơ ung thư da.

“Những công ty này đã được yêu cầu sửa chữa tất cả các vi phạm liên quan đến sản phẩm của mình, và được khuyên nên xét duyệt lại trang mạng và nhãn dán sản phẩm, nhằm bảo đảm rằng nội dung quảng cáo của họ không vi phạm luật liên bang.”
Phát ngôn nhân Justine Osborne thuộc Cancer Council nhắc lại thông điệp “Slip, Slop, Slap, Seek and Slide” và khuyên người dân Úc chỉ nên mua kem chống nắng do Úc sản xuất.

“Có 5 thông điệp và 5 cách để bảo vệ da của bạn … [Thuốc chống nắng] không phải là một trong số ấy,” bà nói.

“Không có bằng chứng rõ ràng nào cho thấy là thuốc chống nắng thực sự có hiệu quả. Những gì chúng ta biết là kem chống nắng đem lại hiệu quả thực sự.

“Nước Úc có những quy định và tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, vì vậy nếu bạn mua kem chống nắng Úc có giấy phép của Úc, bạn có thể tin tưởng những gì trong loại kem chống nắng đó.”

Trong khi đó, một phát ngôn nhân của TGA kêu gọi người tiêu thụ nên “hết sức thận trọng” khi mua thuốc từ các trang mạng nước ngoài.

“Tất cả các loại thuốc được cung cấp tại Úc, bao gồm cả các loại thuốc bổ sung hoặc được đăng ký, chẳng hạn như những loại thuốc được chỉ định nhằm giúp bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời, đều được theo dõi chặt chẽ về độ an toàn,” ông nói.

“Các loại thuốc được rao bán trên internet, bao gồm từ các trang mạng có trụ sở ở nước ngoài, có thể không chịu sự kiểm soát chất lượng tương tự như các loại thuốc được bán tại Úc do TGA quản lý.

“Trong một số trường hợp, [chúng] có chứa rất ít hoặc không chứa hoạt chất hoặc thành phần nào giống như những gì được quảng cáo.”

Vì sao cá lại nhảy lên khỏi mặt nước?

Stingray fish
Stingray fish Source: Creative Commons
Bạn đã bao giờ rảo bước dọc theo bờ sông và đột nhiên trông thấy một con cá nhảy lên khỏi mặt nước? Vì sao những sinh vật không chân này lại có thể làm điều đó?

Hóa ra cá có thể di chuyển bằng nhiều cách bên cạnh việc bơi lội – chúng có thể nhảy, lướt sóng, vặn mình, hay thậm chí là thực hiện nhiều cú lộn nhào trên không trung.

Nhà sinh vật học Miriam Ashley-Ross thuộc Đại học Wake Forest, North Carolina, cho biết, một con cá có thể sử dụng cơ bắp và vây của nó theo nhiều cách để tung người lên không.

Và dưới đây là 6 lý do vì sao mà chúng lại làm điều đó.

1. Để vượt qua vật cản đường

Một con cá hồi bơi ngược dòng nước lên thượng nguồn để sinh sản, có thể nhảy cao hơn 3 mét để vượt qua thác nước.

Để làm điều này, con cá hướng đầu về phía mà nó muốn di chuyển, trong khi uốn cong phần lưng của cơ thể thành hình chữ S. Nó quẫy đuôi qua lại trong khi bơi thẳng đứng, cho đến khi bay ra khỏi mặt nước.

Kỹ thuật này cũng rất hữu ích khi loài cá muốn nhảy lên khỏi mặt nước để bắt côn trùng.

2. Để chạy trốn kẻ thù

Đôi khi, cá nhảy ra khỏi mặt nước để lẩn tránh thú săn mồi. Khi phát hiện có kẻ thù tiến lại gần, con cá sẽ uốn mình thành hình chữ C, sau đó búng về phía trước.

Kỹ thuật này giúp cá di chuyển theo một vòng cung dài trên mặt nước, nhờ đó đánh lạc hướng kẻ thù.

Nhà sinh thái học Iain Suthers thuộc Đại học New South Wales cho biết đây cũng là một kiến thức hữu ích khi bạn muốn câu cá lớn.

“Nếu bạn đang đi câu cá và thấy một đàn cá nhỏ nhảy lên khỏi mặt nước, thì có khả năng là nếu bạn thả mồi vào vị trí đó, bạn sẽ bắt được một con cá săn mồi lớn,” ông nói.

Những loài cá nhỏ có khả năng nhảy khỏi mặt nước thường bị săn đuổi bởi cá thu, cá ngừ hoặc cá kiếm.

3. Bởi vì chúng cảm thấy lo sợ

Cá là những sinh vật dễ bị lo lắng, vì thế đôi khi chúng nhảy lên khỏi mặt nước vì bị những chiếc thuyền làm cho hoảng sợ. Một con cá nhảy có thể tạo nên phản ứng dây chuyền, khiến cho những con cá khác nhảy theo.

Điều này có thể gây nguy hiểm cho người chèo thuyền.

Gần đây, một người phụ nữ trên một chiếc thuyền ở Lãnh thổ Bắc Úc đã chạm trán một con cá thu dài 10 kg, phóng mình ra khỏi đại dương và cứa trúng cổ của cô. May mắn là cô đã sống sót sau tai nạn này.

4. Để săn mồi

Những con sông nhiệt đới ở phía bắc nước Úc là nơi sinh sống của loài cá Saratoga dài 60 cm – hay còn gọi là cá rồng châu Úc – có nguồn gốc từ kỷ Jura.

“Nó có cái miệng rất lớn và là một kẻ săn mồi phàm ăn,” Giáo sư Suthers cho biết.

“Nó thường nhảy ra khỏi mặt nước để bắt ếch và những con chim nhỏ đậu trên những cành cây ven sông.”

5. Để đi lại trên đất liền

Đôi khi, những con cá nhảy từ dưới nước lên đất liền. Và mặc dù chúng không có chân để di chuyển trên mặt đất, những con cá sử dụng vây và đuôi để luồn lách.

Tuy nhiên, nhảy lại là một cách hiệu quả để di chuyển, nhất là trên những tảng đá gồ ghề.

Chẳng hạn như loài cá đuối rừng ngập mặn ở Châu Mỹ, chúng nhảy ra khỏi mặt nước để đuổi theo con mồi, chạy trốn kẻ thù, hoặc tránh luồng khí trứng thối dưới mặt nước.

Khi ở trên cạn, chúng có thể di chuyển một khoảng cách bằng 6-10 chiều dài cơ thể, và sống sót đến 66 ngày, miễn là cơ thể được giữ ẩm để có thể hít thở qua mang.

6. Để đến một nơi tốt đẹp hơn

Giống như cách mà loài cá rừng ngập mặn nhảy lên cạn để tránh luồng nước có mùi độc hại, những con cá khác cũng nhảy lên mặt nước để đến một nơi tốt đẹp hơn.

Điều đó bao gồm cả trường hợp cá nhảy ra khỏi bể kính, khi bể không còn sạch sẽ.

“Trừ phi bể của bạn có đậy nắp, chúng có thể nhảy ra khỏi bể và rớt xuống mặt sàn,” Giáo sư Suthers nói.

“Lươn rất giỏi nhảy ra khỏi bể kính – chúng có thể nhảy ra khỏi bể và di chuyển quanh phòng khách hoặc nhà bếp của bạn, cho đến khi bạn tìm ra chúng.”

Cá cũng có thể nhảy ra khỏi bể kính để đuổi theo thức ăn hoặc tìm kiếm bạn tình.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share