Tạp chí Khoa học (31) Ngôn ngữ định hình suy nghĩ của chúng ta như thế nào?

Lera Boroditsky speaks at TEDWomen 2017 — Bridges, November 1-3, 2017, Orpheum Theatre, New Orleans, Louisiana. Photo: Stacie McChesney / TED

Lera Boroditsky speaks at TEDWomen 2017. Source: TED Conferences LLC

Có khoảng 7,000 ngôn ngữ hiện đang được sử dụng toàn cầu. Mỗi ngôn ngữ đều khác nhau theo nhiều cách thức, chẳng hạn như cách mô tả thời gian, phương hướng hay màu sắc. Vậy liệu ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng có định hình cách tư duy của chúng ta?


Lera Boroditsky là phó giáo sư về khoa học nhận thức tại Đại học California San Diego và tổng biên tập tạp chí Frontiers in Cultural Psychology. Trước đây, cô từng là giảng viên tại MIT và Stanford. Cô nghiên cứu về mối quan hệ giữa trí não, thế giới và ngôn ngữ. Trong một bài diễn thuyết tại diễn đàn TED, Boroditsky đã đưa ra ví dụ từ nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thế giới để chứng minh rằng, “vẻ đẹp của sự đa dạng ngôn ngữ là nó cho chúng ta thấy sự khéo léo và linh hoạt của tâm trí con người”.

“Tôi nói chuyện với các bạn bằng ngôn ngữ. Đây là một trong những khả năng tuyệt vời của con người. Chúng ta có thể truyền tải những suy nghĩ cực kỳ phức tạp cho người khác. Vậy thì, điều mà tôi đang làm là, tôi đang tạo ra âm thanh bằng cách đẩy hơi ra khỏi miệng. Tôi tạo ra âm sắc và những tiếng rít, và những thứ đó tạo ra những rung động trong không khí. Những rung động trong không khí chạm đến màng nhĩ của bạn, và rồi bộ não của bạn tiếp nhận những rung động từ màng nhĩ và biến chúng thành những suy nghĩ. Nhờ vào khả năng này, con người có thể truyền tải ý tưởng vượt qua những khoảng không gian và thời gian rộng lớn. Chúng ta có thể truyền tải kiến thức thông qua tâm trí.

“Dĩ nhiên, không chỉ có một ngôn ngữ trên thế giới. Có khoảng 7,000 ngôn ngữ hiện đang được sử dụng toàn cầu. Và mỗi ngôn ngữ đều khác nhau theo nhiều cách thức. Một số ngôn ngữ có những âm thanh khác nhau, chúng có các từ vựng khác nhau, và chúng cũng có những cấu trúc khác nhau nữa – điều này rất quan trọng. Vậy thì câu hỏi là: Liệu ngôn ngữ mà chúng ta sử dụng có định hình cách tư duy của chúng ta? Đây là một câu hỏi cổ xưa. Nhân loại đã thảo luận về câu hỏi này từ rất lâu rồi. Hoàng đế La Mã Charlemagne từng nói, “Biết một ngôn ngữ thứ hai là sở hữu một linh hồn thứ hai.” Tuyên bố mạnh mẽ này cho thấy ngôn ngữ định hình thực tế. Thế nhưng, nhân vật Juliet của văn hào Shakespeare lại nói rằng, “Điều gì hàm chứa trong một cái tên? Một bông hồng, dù mang bất kỳ một tên gọi nào khác, vẫn có hương thơm ngọt ngào.” Những lập luận này đã diễn ra trong hàng ngàn năm. Nhưng gần đây, một số phòng thí nghiệm trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu, và có dữ liệu khoa học thực tế để trả lời câu hỏi này.
“Có khoảng 7,000 ngôn ngữ hiện đang được sử dụng toàn cầu. Và mỗi ngôn ngữ đều khác nhau theo nhiều cách thức.”
“Tôi sẽ kể cho các bạn nghe một vài ví dụ yêu thích của tôi, bắt đầu bằng ví dụ từ một cộng đồng Thổ dân Úc mà tôi đã có cơ hội làm việc cùng. Đây là bộ lạc Kuuk Thaayorre. Họ sống ở Pormpuraaw ở mạn tây Cape York. Điều thú vị về bộ lạc Kuuk Thaayorre là, trong ngôn ngữ Kuuk Thaayorre không có từ “trái” và phải”, mà thay vào đó, mọi thứ đều theo hướng đông-tây-nam-bắc. Và khi tôi nói mọi thứ, ý của tôi thực sự là vậy. Họ nói những câu như, “Ồ, có một con kiến ở chân tây nam của bạn.” Hoặc, “Hãy di chuyển cốc của bạn về phía đông bắc một chút.” Trên thực tế, thay vì nói “Xin chào” trong tiếng Kuuk Thaayorre, họ sẽ hỏi, “Bạn đang đi theo hướng nào” Và câu trả lời là, “Rất xa về phía đông bắc. Còn bạn thì sao?” Hãy thử tưởng tượng bạn đi làm mỗi ngày, và mỗi khi gặp người quen, bạn sẽ phải trình báo hướng đi của bạn. Thế nhưng điều đó thực sự giúp bạn định hướng rất nhanh, đúng không? Bởi vì bạn sẽ không thể vượt qua màn chào hỏi nếu như không biết bạn đang đi hướng nào. Trên thực tế, những người nói ngôn ngữ này có khả năng định hướng rất tốt. Họ định hướng tốt hơn chúng ta thường nghĩ con người có thể. Chúng ta viện dẫn những lý do sinh học cho khả năng định hướng tệ của con người, chẳng hạn như loài người không có nam châm trong mỏ hay trong vảy. Thế nhưng, nếu ngôn ngữ và văn hóa của bạn chú trọng đến khả năng định hướng, thì bạn sẽ làm được. Nhiều tộc người trên thế giới có khả năng định hướng rất tốt.

“Ngoài ra, còn có sự khác biệt lớn về cách mọi người nghĩ về thời gian. Chẳng hạn như bạn có một số hình chụp của một người từ nhỏ đến lớn, và bạn yêu cầu một người nói tiếng Anh sắp xếp chúng theo trình tự thời gian, họ sẽ đặt nó từ trái sang phải. Điều này tương tự như hướng viết của họ. Nhưng nếu bạn hỏi một người nói tiếng Do thái hoặc Ả rập, họ sẽ xếp theo hướng ngược lại, từ phải sang trái. Còn tộc người Kuuk Thaayorre thì sao? Họ không dùng những từ như “trái” hoặc “phải”. Khi họ nhìn về hướng nam, họ sẽ sắp xếp thời gian từ phải sang trái. Khi họ nhìn về hướng bắc, họ sẽ sắp xếp thời gian từ trái sang phải. Khi họ nhìn về hướng đông, họ sắp xếp thời gian từ xa lại gần. Đáp án ở đây là gì? Từ đông sang tây! Đối với họ, thời gian không gắn liền với con người, mà gắn liền với cảnh vật. Thật tự mãn khi cho rằng mỗi khi tôi chuyển hướng, thì thời gian phải chuyển hướng theo. Đối với người Kuuk Thaayorre, thời gian gắn liền với cảnh vật. Đó là một lối suy nghĩ khác biệt đáng kể về thời gian.
“Sau đây là một thủ thuật khác của con người. Giả sử tôi đưa cho bạn bức ảnh chụp một bầy chim cánh cụt, và hỏi bạn có bao nhiêu con. Bạn sẽ đếm, “Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám.” Bạn đếm số chim cánh cụt. Đây là cách bạn được dạy khi còn là một đứa trẻ. Vâng, một số ngôn ngữ không làm như vậy, bởi vì chúng không có từ mô tả số lượng chính xác. Những ngôn ngữ đó không có từ nào dành cho khái niệm “bảy” hay “tám”. Trên thực tế, những người nói các ngôn ngữ này không biết đếm, và họ gặp khó khăn trong việc xác định số lượng chính xác. Ngôn ngữ cũng khác nhau về cách chúng phân chia phổ màu trong thế giới hình ảnh. Một số ngôn ngữ có nhiều từ mô tả màu sắc, một số chỉ có một vài từ, như “sáng” và “tối”. Và các ngôn ngữ khác nhau về cách mà chúng đặt ranh giới giữa các màu. Ví dụ, trong tiếng Anh, từ “blue” bao gồm tất cả những màu sắc mà bạn có thể nhìn thấy trong phổ màu xanh dương, nhưng trong tiếng Nga, không có một từ duy nhất. Thay vào đó, người nói tiếng Nga phải phân biệt giữa màu xanh nhạt, “goluboy” và màu xanh đậm, “siniy”. Vì vậy, người Nga có rất nhiều kinh nghiệm trong việc phân biệt hai màu này. Khi chúng tôi kiểm tra khả năng phân biệt màu sắc của một nhóm người, thì những người nói tiếng Nga sẽ có phản ứng nhanh hơn.

“Và cuối cùng, vẻ đẹp của sự đa dạng ngôn ngữ là nó cho chúng ta thấy sự khéo léo và linh hoạt của tâm trí con người. Tâm trí con người đã phát minh ra không chỉ một vũ trụ nhận thức, mà có đến 7,000 vũ trụ nhận thức, tương ứng với 7,000 ngôn ngữ được sử dụng trên toàn thế giới. Và dĩ nhiên, chúng ta có thể tạo ra nhiều ngôn ngữ mới, bởi vì ngôn ngữ là những vật thể sống, chúng có thể thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của chúng ta. Điều đáng buồn là chúng ta đang mất đi dần sự đa dạng ngôn ngữ này. Thế giới đang mất đi khoảng 1 ngôn ngữ mỗi tuần, và một nửa số ngôn ngữ trên thế giới sẽ biến mất trong vòng hàng trăm năm tới. Và tệ hơn nữa, hầu hết những gì chúng ta biết về tâm trí và bộ não con người đều dựa trên những nghiên cứu bằng tiếng Anh tại các trường đại học. Điều đó loại trừ gần như tất cả phần còn lại của nhân loại. Vì thế, những gì chúng ta biết về tâm trí con người thực sự hạn hẹp và thiên vị, và các nhà khoa học phải làm tốt hơn nữa.

“Tôi muốn kết thúc bài nói chuyện bằng một suy nghĩ cuối cùng này. Tôi đã trình bày cho các bạn cách mà những người sử dụng ngôn ngữ khác nhau thì sẽ có suy nghĩ khác nhau. Nhưng bài nói chuyện này không phải là về họ. Nó là về bạn. Nó là về cách mà ngôn ngữ định hình suy nghĩ của bạn. Vì thế, hãy tự hỏi mình, “Tại sao tôi lại suy nghĩ theo lối này?”, “Làm thế nào tôi có thể nghĩ khác đi?” và cuối cùng, “Tôi muốn tạo ra những suy nghĩ gì?”

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share