Tạp chí Khoa học (20) 5 sáng kiến đoạt giải thưởng Eureka 2018 của các nhà khoa học Úc

Professor Tony Weiss AM

Professor Tony Weiss AM Source: Australian Museum

Chữa lành vết thương bằng keo dán, cải thiện tầm nhìn ban đêm và khám phá các loài động vật hoang dã thông qua trò chơi di động, nằm trong số những sáng kiến được vinh danh tại giải thưởng khoa học hàng đầu nước Úc.


Từ 47 người dự tranh vòng chung kết, 16 giải thưởng đã được trao cho các ứng cử viên sáng giá nhất tại lễ trao giải Australian Museum Eureka Prize 2018 tại Tòa thị chính Sydney hôm thứ Tư vừa qua.

Những người nhận giải được khen ngợi vì những đột phá của họ trong ngành y tế, cũng như những đóng góp nhằm giúp cho nước Úc trở thành một quốc gia hàng đầu thế giới về lĩnh vực nghiên cứu.

Giải thưởng Sử dụng Công nghệ Sáng tạo (Innovative Use of Technology) được trao cho nhóm nghiên cứu tại Đại học Tây Úc, phát triển phương pháp phát hiện nhanh chóng bệnh bạch cầu.

Với những đóng góp vượt bậc trong việc đào tạo các thế hệ khoa học gia tiếp theo, nhà toán học Nalini Joshi AO thuộc Đại học Sydney đã được trao giải Outstanding Mentor of Young Researchers.

Bà Rebecca Johnson được trao Huân chương Viện nghiên cứu Bảo tàng Úc (Australian Museum Research Institute Medal) vì những nghiên cứu về bộ gen động vật hoang dã.

Và các giải thưởng khoa học trẻ cũng được trao cho các học sinh của Presbyterian Ladies' College và St Margaret's Anglican Girls School.

Sau đây là một số giải thưởng nổi bật của Eureka Prize 2018.

1. Keo dán vết thương trong phẫu thuật

Thử tưởng tượng các vết thương nặng có thể được chữa lành dễ dàng như việc dán một vật bị vỡ vậy. Nhà khoa học Tony Weiss thuộc Đại học Sydney đã làm được điều này, và giành được giải thưởng Eureka cho Sáng kiến trong Nghiên cứu Y học (Innovation in Medical Research).

Trước nay, đối với vết thương hở trong tai nạn hay phẫu thuật, các bác sĩ sẽ phải khâu vết thương bằng chỉ tự tiêu hoặc dùng ghim bấm y tế. Quá trình khâu tốn khá nhiều thời gian, lại không giúp vết thương kín miệng hoàn toàn, và đôi lúc còn để lại sẹo rất mất thẩm mỹ.

Thế nhưng mọi chuyện giờ đã thay đổi với phát minh của nhóm nghiên cứu từ Mỹ và Úc, là một loại keo dán đáp ứng mọi tiêu chuẩn sử dụng trong các ca phẫu thuật phức tạp nhất.

Loại keo dán này được làm từ một loại protein tự nhiên có tính đàn hồi tên là methacrylated tropoelastin, gọi tắt là MeTro, có khả năng hàn gắn vết thương trong 60 giây. Do mang đặc tính mềm dẻo nên MeTro không ngăn cản việc co dãn tự nhiên của da và các cơ quan nội tạng.

Được kích hoạt bằng tia cực tím, MeTro có thể dán kín vết thương chỉ trong vài giây. Các mô được "dán" bằng MeTro được chữa lành nhanh gấp hai lần so với những vết thương được điều trị bằng chỉ khâu hoặc ghim bấm y tế.

Quan trọng hơn, MeTro có thể được sử dụng trên các vết rách ở những vị trí khó thực hiện khâu kim, như phổi hoặc động mạch. Chính vì thế, công nghệ này đã được công nhận quốc tế về khả năng cải thiện điều trị khẩn cấp.

Giáo sư Weiss rất lạc quan về kết quả của nghiên cứu này và tiềm năng mà nó đem lại.

“Keo phẫu thuật cần đáp ứng các tiêu chí: co dãn, kết dính, không độc hại, và tương thích sinh học. MeTro có tất cả. Ứng dụng của nó là vô cùng rộng lớn, từ việc làm khép miệng các vết thương nghiêm trọng, đến đẩy nhanh tốc độ phẫu thuật thông thường.”

2. Ứng dụng trò chơi ngoài trời trong thế giới thực

QuestaGame là một ứng dụng trò chơi di động, trong đó người chơi hoàn thành các thử thách bằng cách khám phá các loài vật trong thiên nhiên.

Bất kỳ ai có một chiếc điện thoại thông minh cũng đều có thể truy cập ứng dụng này, được quảng cáo là một “ứng dụng trò chơi ngoài trời thế giới thực.”

Người chơi sẽ chụp hình những loài động thực vật trong tự nhiên mà họ bắt gặp và gửi chúng thông qua ứng dụng. Một cơ sở dữ liệu được xây dựng từ những hình ảnh này, cho phép các nhà khoa học xác định các giống loài và đóng góp vào việc nghiên cứu đa dạng sinh học.

QuestaGame mang về giải thưởng Citizen Science, với hơn 1 triệu hình ảnh được gửi về, và được sử dụng tại hơn 40 quốc gia. Đặc biệt, QuestaGame còn giúp phát hiện một loài nhện mới tại Úc.

3. Phát hiện nhanh chóng bệnh bạch cầu

Một phần quan trọng của quá trình chẩn đoán ung thư máu được thực hiện bằng cách phát hiện các nhiễm sắc thể bất thường bên trong các tế bào ung thư bạch cầu.

Giờ đây, một kỹ thuật mới, được tiên phong bởi Wendy Erber, Kathy Fuller và Henry Hui thuộc Đại học Tây Úc, sẽ cho phép việc chẩn đoán diễn ra hiệu quả hơn.

Phương pháp đột phá này có thể giúp phát hiện một tế bào ung thư bạch cầu trong số 10,000 tế bào bình thường.

Bộ ba nhà khoa học này đã giành giải thưởng Sử dụng Công nghệ Sáng tạo nhờ các nghiên cứu về phương pháp này.

“Điều này rất quan trọng đối với việc chăm sóc bệnh nhân,” Giáo sư Erber nói.

“Nó sẽ giúp dự đoán phương pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân và kết quả nào có thể xảy ra.”

4. Nghiên cứu chuyển động mà không cần di chuyển

Bộ não phản ứng với chuyển động như thế nào? Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Queensland đã trả lời câu hỏi này bằng cách đánh lừa bộ não động vật rằng chúng đang chuyển động, trong khi trên thực tế thì chúng đang đứng yên.

Nhóm nghiên cứu bao gồm Halina Rubinsztein-Dunlop, Itia Favre-Bulle và Ethan Scott, đã sử dụng tia laser để bắt chước cảm giác chuyển động nơi cá ngựa vằn.

“Bằng cách đánh lừa một con vật nghĩ rằng nó đang di chuyển, trong khi não vẫn còn ở trạng thái tĩnh, chúng tôi có thể sử dụng kính hiển vi tân tiến để nghiên cứu các tế bào và mạch trên não chịu trách nhiệm xử lý chuyển động,” Giáo sư Sc ott nói.

Đây là lần đầu tiên một kỹ thuật như vậy đã được sử dụng để nghiên cứu hoạt động não. Nhóm nghiên cứu đã giành được giải thưởng Xuất sắc trong Nghiên cứu Khoa học Liên ngành (Excellence in Interdisciplinary Scientific Research).

5. Công nghệ nano đem phép thuật màn ảnh đến với cuộc sống

Nhà khoa học Mohsen Rahmani thuộc Đại học Quốc gia Úc (ANU) làm việc với công nghệ nano, là những công nghệ rất nhỏ đến mức mắt thường không nhìn thấy được.

“Chỉ một vài năm trước, việc biến một cái cửa sổ thành một tấm gương và ngược lại, hoặc chế tạo một chiếc kính cho phép bạn nhìn thấy trong bóng tối, là những thứ bạn chỉ có thể tìm thấy trong loạt phim Harry Potter hoặc James Bond,” Tiến sĩ Rahmani nói.

“Giờ đây, bằng cách sử dụng công nghệ mà tôi đã phát triển, bạn có thể biến những điều tưởng tượng này thành hiện thực.”

Các bề mặt sử dụng công nghệ nano đã đem lại cho Tiến sĩ Rahmani giải thưởng Outstanding Early Career Researcher.

Công nghệ này có thể được áp dụng rộng rãi, chẳng hạn như phát triển khả năng nhìn vào ban đêm, hoặc cho phép bác sĩ phát hiện bệnh từ hơi thở của con người.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share