Tạp chí Khoa học (12) Loài vật suy nghĩ và cảm nhận như thế nào?

Bottlenose Dolphins - two in water (Tursiops truncatus) (AAP/Mary Evans/Ardea/M. Watson) | NO ARCHIVING, EDITORIAL USE ONLY

Bottlenose Dolphins Source: Ardea Picture Library

Điều gì xảy ra bên trong bộ não của động vật? Liệu chúng ta có thể biết được chúng đang suy nghĩ hay cảm nhận về điều gì không? Ông Carl Safina, tác giả của bảy cuốn sách về thế giới muông loài, đã có một bài diễn thuyết thật sinh động trên diễn đàn TED, và ông cho rằng loài vật cũng có khả năng suy nghĩ, cảm nhận, sử dụng công cụ và bày tỏ cảm xúc giống như loài người vậy.


Bạn có bao giờ tự hỏi động vật suy nghĩ và cảm thấy điều gì? Có những khả năng tư duy mà chúng ta vẫn thường nghĩ là chỉ bộ não con người mới có thể sở hữu, nhưng liệu điều đó có đúng không? Và nếu vậy, thì loài vật làm gì với bộ não của chúng? Có nhiều cách để biết được điều đó: Chúng ta có thể nhìn vào quá trình tiến hóa, chúng ta có thể nghiên cứu trí não của động vật, và chúng ta có thể quan sát xem chúng làm gì.

Đầu tiên, các bạn cần nhớ rằng: bộ não của loài người là được thừa hưởng. Những dây thần kinh đầu tiên đến từ loài sứa. Sứa khởi nguồn cho những loài động vật có dây sống đầu tiên. Động vật có dây sống tiến hóa thành động vật có xương sống. Động vật có xương sống rời khỏi đại dương, và rồi loài người xuất hiện.

Khi sự tiến hóa tạo nên một điều gì đó mới mẻ, nó dựa trên những thành phần có sẵn, và đưa ra một số thay đổi. Bộ não loài người đến với chúng ta sau một thời gian dài tiến hóa. Nếu bạn nhìn vào não người so với não của một con tinh tinh, bạn sẽ thấy rằng chúng ta về cơ bản có một bộ não tinh tinh rất lớn. Thế nhưng, loài cá heo lại có một bộ não lớn hơn và nhiều nếp nhăn hơn chúng ta. Vậy thì nó nói lên điều gì về trí tuệ? Chúng ta có thể quan sát sự làm việc của trí óc thông qua logic của hành vi.

Lấy ví dụ, nếu chúng ta thu âm giọng nói của một đoàn du khách và phát nó từ một chiếc loa giấu trong bụi cây ở trong rừng, những chú voi sống trong khu rừng đó sẽ lờ nó đi, vì du khách hiếm khi nào làm phiền đến lũ voi rừng. Thế nhưng nếu bạn thu âm tiếng của những mục đồng, những người thường mang theo giáo, mác và làm hại lũ voi khi chạm trán ở hồ nước, đàn voi sẽ tập trung lại và chạy xa khỏi cái loa ấy. Những con voi không chỉ biết rằng có người, chúng còn biết có những loại người khác nhau, một số thì hiền hòa và một số thì nguy hiểm.
Con người và các loài động vật đã là láng giềng từ rất lâu rồi. Loài vật đã theo dõi chúng ta lâu hơn nhiều so với thời gian mà chúng ta theo dõi chúng. Chúng biết về ta nhiều hơn là ta biết về chúng. Chúng ta có những nhu cầu giống nhau: chăm sóc con cái, tìm kiếm thức ăn, và nỗ lực sinh tồn. Chúng ta giúp đỡ đồng loại khi cần thiết. Chúng ta có sự gắn kết giữa các thành viên trong gia đình. Chúng ta đều có lòng yêu thương. Thế mà chúng ta lại hỏi: “Liệu loài vật có ý thức hay không?”

Khi bạn bị gây mê tổng quát, nó sẽ làm bạn mất ý thức, có nghĩa là bạn không có cảm giác về bất cứ điều gì. Ý thức ở đây đơn giản là cảm giác về một điều gì đó. Nếu bạn nhìn, nếu bạn nghe, nếu bạn cảm nhận, nếu bạn nhận thức về điều gì đó, thì bạn có ý thức, và loài vật cũng có ý thức.

Một số người nói rằng sự đồng cảm là khả năng độc nhất của loài người. Đồng cảm là khả năng của trí não kết nối tâm trạng với những bạn đồng hành. Đó là một khả năng rất hữu ích. Nếu mọi người xung quanh bạn bắt đầu bỏ chạy, bạn sẽ cảm thấy mình cũng phải nhanh chân chạy theo. Khả năng đồng cảm đã có từ lâu đời, nhưng cũng giống như những thứ khác, đồng cảm có những mức độ khác nhau. Có sự đồng cảm cơ bản: khi bạn buồn thì tôi cũng thấy buồn, khi bạn vui thì nó khiến tôi vui. Rồi cao hơn nữa là sự cảm thông, khi người ta nói với nhau rằng: “Tôi rất tiếc khi biết tin rằng, bà của bạn vừa mới qua đời. Tôi không cảm thấy đau buồn như bạn, nhưng tôi hiểu điều đó; tôi biết bạn cảm thấy như thế nào và nó khiến tôi quan tâm.” Và rồi nếu hành động của chúng ta bắt nguồn từ sự cảm thông, thì đó chính là lòng trắc ẩn.

Những người chỉ biết chút ít về hành vi của động vật cho rằng chúng ta không bao giờ nên quy kết suy nghĩ và cảm xúc của con người cho các loài khác. Tôi nghĩ điều đó là ngu ngốc, bởi vì việc quy kết suy nghĩ và cảm xúc của con người cho các loài khác là cách tốt nhất để đoán xem chúng đang làm gì và cảm thấy như thế nào, bởi vì não bộ của loài vật về cơ bản cũng giống như não bộ của chúng ta. Chúng có cấu trúc giống nhau, có những hóc-môn tác động lên tâm trạng và động lực giống nhau.
Tại Bahamas, có một nữ khoa học gia tên là Denise Herzing. Cô nghiên cứu về cá heo đốm và hiểu rất rõ về chúng. Và những con cá heo này cũng biết rõ về cô. Chúng nhận ra chiếc tàu nghiên cứu của cô. Mỗi khi cô xuất hiện, đó giống như là một cuộc đoàn tụ hạnh phúc. Chỉ trừ một lần, cô xuất hiện và những con cá heo đốm không muốn đến gần con tàu. Điều đó rất kỳ lạ. Nhóm nghiên cứu không hiểu điều gì đang xảy ra, cho đến khi một thủy thủ thông báo rằng có một người trên tàu vừa mới qua đời. Làm thế nào mà lũ cá heo biết được một trái tim con người vừa ngừng đập? Tại sao chúng lại quan tâm? Và tại sao điều đó lại làm cho chúng sợ hãi. Những bí ẩn này gợi mở về những khả năng của não bộ loài vật mà chúng ta hầu như chưa bao giờ nghĩ tới.

Những yếu tố khiến cho loài người trở nên độc nhất, không phải là những khả năng mà chúng ta vẫn thường hay nghĩ tới. Điều khiến chúng ta trở thành con người là, trong tất cả những khả năng mà trí não loài người và trí não động vật cùng sở hữu, ở chúng ta có sự phát triển cực độ nhất. Chúng ta là loài vật có lòng trắc ẩn nhất, bạo lực nhất, sáng tạo nhất và sức hủy diệt lớn nhất từng tồn tại trên hành tinh này, và ta là tất cả những thứ đó trộn lẫn với nhau. Nhưng tình yêu không phải thứ khiến ta là con người. Nó không riêng biệt với ta. Chúng ta không phải loài duy nhất quan tâm đến đồng loại. Chúng ta không phải loài duy nhất quan tâm đến con cái.

Khi chúng ta chào đón những sinh linh bé nhỏ đến với thế giới này, ta hy vọng rằng con cái của chúng ta có thể bầu bạn với những sinh vật khác. Ta vẽ hình các loài động vật trên tường phòng ngủ của bé, chứ ta không vẽ hình điện thoại di động hay những cao ốc văn phòng. Ta vẽ hình động vật để cho con cái thấy rằng chúng ta không hề đơn độc. Chúng ta có bạn đồng hành. Và mọi loài động vật từng đặt chân lên chiếc tàu của Noah, đều xứng đáng được cứu với khỏi cơn đại hồng thủy chính là loài người chúng ta.

Vậy thì hãy tự hỏi bản thân rằng: Liệu ta có thể sử dụng các khả năng của mình để quan tâm đến các loài động vật, và cho phép chúng tiếp tục sinh tồn hay không?

Liệu báo chí có thể tồn tại trong kỷ nguyên kỹ thuật số?

Greg Dyett, SBS newsroom, interviews Charles Zhang
Greg Dyett, SBS newsroom, interviews Charles Zhang Source: Aaron Wan
Cuộc cách mạng kỹ thuật số bắt đầu bằng những rung động nhỏ, và kết thúc bằng một cơn bão tuyết.

Mẩu quảng cáo trực tuyến đầu tiên hầu như không đem lại bất kỳ ảnh hưởng gì, thế nhưng nó đã khởi đầu cho một cuộc cách mạnh làm thay đổi ngành truyền thông hiện đại, và làm thu nhỏ các toà soạn báo và tạp chí trên toàn thế giới. Tại Úc, hơn 3000 phóng viên đã bị cho thôi việc trong 6 năm qua.

Theo Giáo sư ngành Truyền thông Matthew Ricketson đến từ Đại học Deakin, mặc dù các nhà lãnh đạo của ngành vẫn còn đang tìm kiếm một mô hình kinh doanh phù hợp nhằm duy trì sự hoạt động của báo chí, những cơ hội mới đã mở ra cho những người có kỹ năng giao tiếp thuần thục.

“Không còn nghi ngờ gì nữa, đã có một cơn địa chấn trong lĩnh vực truyền thông tại Úc,” Giáo sư Ricketson nói. “Mô hình kinh doanh vốn hỗ trợ và duy trì các phương tiện truyền thông đại chúng đã sụp đổ, bởi vì các phương tiện truyền thông cũ không còn độc quyền trong việc định giá quảng cáo – vốn là nguồn thu nhập chính cho các tổ chức truyền thông, và được sử dụng để trả lương cho các ký giả.”

Ngành kỹ nghệ truyền thông tiếp tục thử nghiệm các mô hình kinh doanh mới nhằm hỗ trợ và duy trì báo chí. Trong khi đó, theo Giáo sư Ricketson, sự quan tâm của công chúng đối với tin tức và thời sự vẫn mạnh mẽ qua nhiều thế hệ, ngay cả khi mô hình tiêu thụ thông tin đã thay đổi hoàn toàn.

“Tin vui là không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy công chúng ngày nay đã nguội lạnh với tin tức và thời sự so với 10 năm trước,” ông Ricketson nói.

“Thách thức ở đây là việc tạo ra một mô hình kinh doanh mới, nhằm duy trì báo chí và đáp ứng nhu cầu tin tức trong tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, thể thao, tội phạm đến những thứ khác. Trong khi chờ đợi điều đó xảy ra, nhiều tổ chức phi truyền thông đã hành động để lấp đầy khoảng trống này, và phát hành tin tức bằng cách này hay cách khác – điều mà chúng ta chưa hề nghe thấy chỉ vài năm trước.”

Bên cạnh đó, mặc dù có ít phóng viên làm việc cho các phương tiện truyền thông đại chúng hơn – cụ thể là báo giấy và tạp chí – Giáo sư Ricketson cho biết ngày càng có nhiều doanh nghiệp và tổ chức tham gia thị trường truyền thông, nhằm sản xuất nội dung của riêng họ, và tạo ra công ăn việc làm cho các ký giả.

‘Từ AFL đến các tổ chức phi lợi nhuận như Greenpeace và các ngân hàng lớn, hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp thành lập toà soạn của riêng mình, nhằm sản xuất và phổ biến thông tin, với mục đích kết nối với người ủng hộ và khách hàng.”

Theo Giáo sư Ricketson, AFL giờ đây có một toà soạn với gần 100 phóng viên phụ trách tin bài thể thao trên nhiều nền tảng. Các trường đại học, tập đoàn, tổ chức từ thiện, bệnh viện và cơ quan chính phủ cũng đang sản xuất các nội dung riêng nhằm kết nối với đối tượng khách hàng của họ.

Những kỹ năng và kiến thức cần thiết của báo chí truyền thống vẫn giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế kỹ thuật số. Thêm vào đó là áp lực phải xử lý lượng thông tin đồ sộ trong chu kỳ tin tức 24 giờ.

Những kỹ năng báo chí cần thiết cho tất cả ngành nghề bao gồm:

  • thu thập thông tin chính xác
  • viết hoặc trình bày thông tin nhanh chóng để phổ biến rộng rãi
  • làm việc trên nhiều nền tảng, bao gồm trình bày tin tức bằng âm thanh và hình ảnh
  • trình bày thông tin một cách thú vị và hấp dẫn
  • xây dựng các mối quan hệ đáng tin cậy
  • hiểu rõ các vấn đề về đạo đức và pháp lý phức tạp ảnh hưởng đến vai trò của phóng viên trong xã hội
  • nhanh chóng nắm bắt các ẩn ý khác nhau
  • biết cách tìm kiếm thông tin, kiểm tra độ xác thực, và sử dụng thông tin đó để thu hút độc giả
“Rất nhiều người tốt nghiệp với bằng cấp Báo chí hiện đang được tuyển dụng bởi các tổ chức khác nhau trong nhiều ngành kỹ nghệ và nền tảng kỹ thuật số,” Giáo sư Ricketson nhận xét.

“Mặc cho những thay đổi trong ngành kỹ nghệ truyền thông, nhu cầu về các kỹ năng báo chí luôn luôn tồn tại.”

Trong bối cảnh của một ngành kỹ nghệ truyền thông luôn thay đổi, Giáo sư Ricketson nói rằng những nhà báo trẻ nên học cách sử dụng mạng xã hội nhằm thu thập thông tin và thu hút sự tham gia của độc giả.

Khả năng thích ứng là chìa khoá của sự thành công trong ngành báo chí hiện đại.

“Quả là một thách thức cho thế hệ ký giả mới khi phải học hỏi rất nhiều kỹ năng, cũng như hiểu được cái tinh tuý của nghề báo, nhưng đây cũng là một khoản thời gian vô cùng thú vị,” ông Ricketson nói, và nhấn mạnh rằng mặc dù nghề báo đang thay đổi không ngừng, tầm quan trọng của báo chí mang tính phóng sự và không thiên vị vẫn trường tồn.

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share