Tạp chí Khoa học (10) Ngôi trường trên mây

Sugata Mitra: Build a School in the Cloud.

Sugata Mitra: Build a School in the Cloud. Source: TED

Nếu bạn yêu thích Lớp Học Toa Tàu trong câu chuyện Toto-chan Bên Cửa Sổ, hẳn bạn sẽ thấy thú vị với ý tưởng Ngôi Trường Trên Mây của giáo sư Sugata Mitra.


Vào năm 1999, giáo sư Sugata Mitra cùng các cộng sự lắp đặt một chiếc máy tính công cộng có kết nối internet tại một khu ổ chuột ở New Delhi, Ấn Độ, nơi mà lũ trẻ nhà nghèo không có chút khái niệm gì về vi tính hay thậm chí là tiếng Anh. Sau vài tiếng, ông trở lại và phát hiện ra rằng bọn trẻ đã tự học cách sử dụng máy tính, rồi sau đó dạy lại cho những đứa trẻ khác.

Ông lặp lại thí nghiệm mang tên “Chiếc lỗ trên tường” (Hole in the Wall) này tại nhiều ngôi làng khác, và chứng minh được rằng ngay cả khi không có sự giám sát và giảng dạy của các giáo viên, trẻ em vẫn có thể tự học và tự truyền đạt kiến thức cho nhau – nếu chúng được thúc đẩy bởi óc tò mò.

Đến năm 2013, giáo sư Mitra giới thiệu mô hình “Ngôi trường trên mây” (School in the Cloud) tại diễn đàn TED và đã nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt. Sau đây mời các bạn lắng nghe một phần của bài nói chuyện này.

“Tương lai của việc học tập sẽ là gì? Khi tôi nghĩ về phương pháp sư phạm mà chúng ta sử dụng trong trường học ngày nay, tôi tự hỏi nó xuất phát từ đâu? Dĩ nhiên, việc dạy và học đã tồn tại từ xa xưa, nhưng nếu các bạn nhìn vào mô hình giáo dục hiện đại, thì chúng ta có thể dễ dàng biết được nó đến từ đâu. Nó đến từ 300 năm trước, từ một trong những đế chế hùng mạnh cuối cùng trên trái đất – Đế quốc Anh.

“Hãy tưởng tượng bạn phải cố gắng quản lý mọi việc, cố gắng vận hành toàn bộ hành tinh này, mà lại không có máy tính, chẳng có điện thoại, với thông tin được ghi chép trên hàng ngàn mẩu giấy, và được vận chuyển bằng tàu thuyền. Những con người thời Victoria đã thực sự thành công. Những gì họ làm được thật kỳ diệu. Họ đã thiết lập một hệ thống vi tính toàn cầu được tạo nên bởi con người. Hệ thống đó vẫn tồn tại với chúng ta cho đến ngày nay. Nó được gọi là Bộ máy Hành chính Quan liêu.

“Để vận hành bộ máy đó, các bạn sẽ cần rất rất nhiều người. Họ đã tạo ra một cỗ máy để sản xuất những con người đó, và họ gọi đó là Trường học. Những trường học này sản xuất ra những con người, mà sau này sẽ trở thành những bộ phận của Bộ máy Hành chính Quan liêu. Họ phải biết ba thứ: Họ phải viết chữ đẹp, bởi vì thông tin được viết bằng tay; họ phải biết đọc; và họ phải biết tính nhẩm cộng, trừ, nhân, chia trong đầu của mình. Họ phải giống nhau như đúc, để người ta có thể mang bất cứ người nào từ New Zealand đến Canada và anh ta sẽ luôn trong tư thế sẵn sàng làm việc.

“Những con người thời Victoria là những kỹ sư tài ba. Họ thiết kế ra một hệ thống bền vững đến nỗi nó vẫn tồn tại với chúng ta cho đến hôm nay, tiếp tục tạo ra những con người giống hệt nhau cho một bộ máy đã không còn tồn tại. Đế quốc đã tan biến, vậy thì chúng ta phải làm gì?”
Theo giáo sư Sugata Mitra, mô hình trường học này đã trở nên lỗi thời. Ngày nay, máy tính đã thay thế cho các viên chức văn phòng, và người ta không cần phải biết viết chữ đẹp, hay làm tính nhẩm trong đầu để có thể hoàn thành tốt công việc của mình. Trên thực tế, cái họ cần là khả năng đọc một cách sâu sắc. Chúng ta không thể biết được những nghề nghiệp tương lai sẽ như thế nào, nhưng chúng ta biết rằng con người có thể làm việc ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào và bằng bất cứ cách nào họ muốn. Vậy thì trường học cần phải làm gì để chuẩn bị cho thế giới đó? Giáo sư Mitra chia sẻ tiếp.

“Mười bốn năm trước, tôi từng làm giáo viên dạy lập trình máy vi tính ở New Delhi. Ngay cạnh nơi tôi làm việc có một khu ổ chuột. Và tôi đã nghĩ, làm cách nào mà tụi nhỏ lại có thể học viết chương trình được? Hay là chúng sẽ không bao giờ có cơ hội đó?

“Cùng lúc đó, có rất nhiều bậc cha mẹ nhà giàu đến gặp tôi và nói rằng, ‘Anh biết không, con trai tôi ấy, tôi nghĩ thằng bé có năng khiếu bẩm sinh. Nó có thể làm mọi thứ với chiếc máy vi tính của mình. Và con gái tôi nữa – chắc chắn rằng con bé rất thông minh.’ Tôi tự hỏi, sao tự nhiên những người giàu có này lại có những đứa con xuất chúng như thế? Vậy thì người nghèo đã làm sai điều gì? Thế là tôi đục một cái lỗ trên bức tường chắn giữa văn phòng và khu ổ chuột kế bên, và đặt vào đó một chiếc máy vi tính, để xem chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi đưa một cái máy vi tính cho những đứa bé chưa một lần chạm vào nó, chẳng biết chút tiếng Anh nào, và cũng chẳng biết Internet là gì.

“Cái máy nằm cách mặt đất khoảng một mét. Lũ trẻ chạy đến và hỏi, ‘Cái gì vậy bác?’ Tôi đáp, ‘Bác cũng không biết nữa.’ Chúng lại hỏi, ‘Vậy sao bác lại để nó ở đây?’ Và tôi trả lời, ‘Tại bác thích thế.’ Cuối cùng, chúng hỏi, ‘Tụi cháu chơi với nó được không?’. Tôi nói, ‘Cứ tự nhiên’ và rồi tôi rời đi. Khoảng 8 tiếng sau, tôi thấy chúng đang dùng máy vi tính và dạy nhau cách lên mạng. Điều này thật khó mà tin được. Sao lại có thể như thế được? Tụi nó có biết gì đâu?”

Giáo sư Mitra tiếp tục thử nghiệm thêm lần nữa. Lần này, ông đi đến một vùng cách New Delhi khoảng 500 cây số, tại một ngôi làng rất hẻo lánh, nơi không có bất kỳ kỹ sư phát triển phần mềm nào. Do không có chỗ nghỉ chân, nên ông đã lắp đặt một chiếc máy vi tính ở đó, và quay trở lại sau vài tháng. Khi trở lại, ông thấy lũ trẻ đang chơi game trên máy.

Khi trông thấy ông, một đứa trẻ nói, ‘Tụi con muốn một bộ vi xử lý nhanh hơn và một con chuột tốt hơn.’ Giáo sư Mitra hỏi, ‘Làm sao tụi con lại biết được những thứ này?”. Và ông đã nhận được một câu trả lời rất thú vị: “Thầy đưa cho tụi em một cái máy chỉ toàn tiếng Anh, nên tụi em phải tự học tiếng Anh để dùng được nó.” Đó cũng là lần đầu tiên ông nghe từ “tự học” được nói ra một cách rất đỗi tự nhiên và giản dị. Sau nhiều thử nghiệm khác, ông đi đến kết luận rằng: Trong vòng 9 tháng, một nhóm trẻ em được tự mình tiếp xúc với máy vi tính bằng bất cứ ngôn ngữ nào sẽ đạt được trình độ tương đương với một nhân viên văn phòng ở phương Tây.

“Vậy thì tương lai của việc học sẽ như thế nào? Liệu chúng ta có cần phải đi đến trường nữa không, hay là đến một lúc nào đó, khi muốn biết thông tin gì, chúng ta chỉ cần 2 phút để tìm kiếm trên mạng? Phải chăng kiến thức đang dần trở nên lỗi thời? Thế nhưng làm thế nào chúng ta có thể tự học mọi thứ? Chìa khóa nằm ở sự động viên, khích lệ.

“Theo bộ môn Thần kinh học, phần ‘bò sát’ nằm ở trung tâm não bộ của chúng ta, khi bị đe dọa sẽ ngắt tất cả mọi tín hiệu, và chặn đứng mọi hoạt động của phần vỏ não trước trán, vốn phụ trách quá trình học tập của mỗi người. Sự trừng phạt và các bài thi cử được xem là những mối đe dọa. Như vậy là chúng ta lấy con của mình ra, chặn đứng não của chúng, rồi bảo rằng, ‘Hãy học cho tốt vào!’ Vì sao người ta lại tạo ra một hệ thống như thế? Bởi vì nó cần thiết. Có một giai đoạn trong Kỷ nguyên Đế Chế, người ta cần những người có thể vượt qua mọi mối đe dọa. Nhưng Kỷ nguyên Đế chế đó đã không còn nữa. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra đối với sự sáng tạo trong Kỷ nguyên của chúng ta? Chúng ta cần đưa sự cân bằng trở lại, thay vì đe dọa, hãy tìm niềm vui trong việc học.”

Làm thế nào để học miễn phí bất cứ kỹ năng nào bạn muốn?

Với những bạn đam mê phát triển bản thân, thì việc tự tìm tòi, học hỏi thêm những kỹ năng về kinh doanh, lập trình hay nhiếp ảnh là một thú vui những khi rảnh rỗi. Sự phổ biến của Google, YouTube cùng với những diễn đàn chia sẻ tri thức giúp cho công việc tự học dễ dàng hơn rất nhiều, và giờ đây chỉ với vài cú nhấp chuột, bạn có thể tiếp cận với một lượng kiến thức khổng lồ. Thế nhưng, điều này đôi khi lại khiến cho những người mới bắt đầu cảm thấy bỡ ngỡ hay thậm chí "lạc lối".

Chính vì thế nên những trang cung cấp khoá học trực tuyến như Coursera, Udemy hoặc Lynda luôn là một lựa chọn tốt. Và dù mỗi trang có một thế mạnh riêng, cũng như mức phí khác nhau, từ miễn phí đến vài trăm đô-la mỗi khoá, Lynda.com là một trong những trang được yêu thích nhất, đặc biệt là với những kỹ năng liên quan đến IT hoặc truyền thông đa phương tiện.

Lynda.com hoạt động theo phương thức trả tiền theo tháng. Tuy nhiên, nếu bạn có thẻ thành viên của một trong số những hệ thống thư viện công cộng tại Melbourne (như City of Melbourne Libraries, hoặc City of Yarra Libraries), bạn hoàn toàn có thể truy cập miễn phí hàng ngàn khoá học trực tuyết trên trang này. Đa số các khoá học được cung cấp theo dạng video, và được chia thành nhiều chủ đề khác nhau. Bạn cũng có thể lựa chọn một lộ trình học được định sẵn, chẳng hạn như Trở thành một Nhà thiết kế Đồ họa, một Chuyên gia SEO, hay một Lập trình viên Java. Mỗi khoá học cũng được phân thành các cấp độ Cơ bản, Trung cấp và Cao cấp.
Lynda.com screen shot
Nếu bạn đang ở Melbourne và muốn truy cập miễn phí vào Lynda.com, hãy làm theo những bước sau:

  1. Đăng ký tài khoản thành viên miễn phí tại hệ thống thư viện Melbourne. Bạn cần đem theo thẻ căn cước và chứng minh địa chỉ nhà (như hoá đơn điện, nước... có in tên và địa chỉ).
  2. Truy cập Lynda.com và chọn Sign In > Sign in with your organization portal. Gõ vào trong ô URL.
  3. Tìm kiếm chủ đề khoá học mà bạn muốn.
Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share