Tình yêu đến từ sự khác biệt
Tom và Vân Anh sinh ra trong hai hoàn cảnh sống và nền văn hóa khác nhau, sự khác biệt về sở thích và quan điểm sống của họ đã "trái chiều" ngay từ đầu.
Lúc mới quen, Tom ăn uống như một người Úc chính hiệu, không ngoa khi nhận xét anh chàng là "true blue Aussie". Tom ủng hộ cho một đội AFL địa phương, món bò bít tết theo kiểu Úc luôn sẵn sàng trên bàn ăn mỗi tối kèm theo một ly rượu vang đỏ, mua xổ số may mắn cho chú ngựa yêu thích trong mỗi kỳ Melbourne Cup, nhưng cũng cực kỳ thoải mái khi xỏ dép lào và mặc áo phông nướng BBQ mỗi cuối tuần cùng bạn bè.
Vân Anh thì tự nhận mình là một cô gái Việt chính gốc, cực kỳ thích món thịt kho trứng thơm ngậy mùi nước mắm, có thể ăn hết trái sầu riêng trong một lần, và chết mê các món bún riêu, xôi vò, bánh xèo mẹ nấu hàng ngày. Bữa ăn với cô nàng phải có đủ ba món mặn, xào, canh ăn với cơm trắng mới đúng điệu.
Tiếc thay, Tom lại không thích ăn cơm! Lúc đầu, Vân Anh chọn giải pháp 246 nấu món Việt, 357 làm món Tây phục vụ chồng. Thế nhưng dần dà, cả hai học được cách có thể thưởng thức bữa tối đầm ấm cùng nhau mà không cần phải ăn cùng một món. Dĩa salad gà nướng khoai tây có thể đặt cạnh tô bún bò nêm mắm ruốc mà vẫn mang lại hạnh phúc cho nhau.
"Tom rất thương gia đình của Vân Anh, em gái và ba mẹ của Vân Anh. Tom sẵn sáng đón tiếp, chia sẻ cuộc sống của mình với gia đình của Vân Anh. Mình cảm thấy rất may mắn khi có một người chồng Úc nhưng lại có tư tưởng Việt Nam như vậy".
Một trong những điều mà Tom khiến Vân Anh vô cùng bất ngờ là khả năng thích nghi của Tom với một gia đình lớn với hơn...30 thành viên mỗi dịp Tết hoặc trong các buổi tụ tập gia đình bên ngoại. Tom vốn quen thuộc với hình mẫu gia đình nho nhỏ ba thành viên. Thế nhưng tình yêu thương với Vân Anh giúp Tom nhận ra trái tim anh có nhiều hơn 4 ngăn. Anh chàng đón tiếp tất cả họ hàng, bạn bè từ Việt Nam sang chơi với tâm thế chu đáo, tấm lòng hiếu khách và đôi tay rộng mở.
"Tom rất thương gia đình của Vân Anh, em gái và ba mẹ của Vân Anh. Tom sẵn sáng đón tiếp, chia sẻ cuộc sống của mình với gia đình của Vân Anh. Mình cảm thấy rất may mắn khi có một người chồng Úc nhưng lại có tư tưởng Việt Nam như vậy".
Vân Anh chia sẻ tình yêu thương giúp cả gia đình vượt qua những khác biệt và tìm thấy tiếng nói chung Source: Supplied
Tiếng “oe oe” thay đổi cả cuộc đời
Bé Alice Cheetham được sinh ra ở Đức khi Tom Cheetham và Vân Anh tạm biệt Úc và công tác tại Cologne trong 3 năm. Hành trình vượt cạn lần đầu tiên ở một đất nước xa lạ, cộng thêm sự ngỡ ngàng, lo lắng và hoang mang khi sinh đứa con đầu lòng nêm những hạt muối mặn vào cuộc sống ngọt ngào của hai vợ chồng.
Trong quá trình nuôi con đầy vất vả lẫn trái ngọt đó, phải kể đến vai trò của bà ngoại bé Alice. Người đã "khăn gói quả mướp" theo con gái từ Đông sang Tây, Úc đến Đức để bồng bế chái gái từ lúc lọt lòng.
Cả nhà ba thế hệ, hai nguồn gốc văn hóa cùng chung sống, nhưng vẫn tìm được tiếng nói chung. Bí quyết của họ là gì?
Trước khi sinh Alice, Tom và Vân Anh cùng ngồi xuống để chia sẻ về phương thức nuôi dạy con. Cả hai thống nhất sẽ "cùng là một team" trong chuyện dạy con. Tất cả những điều cha hoặc mẹ dạy Alice đều nhận được sự ủng hộ của đối phương trước mặt con cái. Alice sẽ không thể nào nịnh ba hay xin xỏ mẹ để đạt được điều em muốn.
Cô bé 3 tuổi thích hát "bà ơi bà cháu yêu bà lắm" là chất xúc tác cho tình yêu của Tom và Vân Anh.
"Khi có Alice, tình cảm của Vân Anh và ông xã lại càng gắn bó hơn, cả hai có chung một trách nhiệm. Luôn có thử thách và bất đồng chứ, nhưng mình có sự trân trọng và tình yêu dành cho đối phương thì mọi khó khăn đều được hóa giải. Đó cũng là cơ hội để hiểu nhau."
Vân Anh kể lại một câu chuyện mà cô vẫn còn nhớ đến giờ. Trong một lần để Alice ở nhà với cha, Tom dẫn Alice đến một cửa hàng đồ chơi. Hai cha con gần như tha hết cả cửa hàng về nhà. Vân Anh quay trở về nhà sau khi đi chợ và ngỡ ngàng nhìn thấy các món đồ chơi xếp tầng tầng lớp lớp trong nhà, đủ mọi kích cỡ, dành cho các lứa tuổi khác nhau. Không giấu được sự bất ngờ và ngỡ ngàng, Vân Anh ráng kìm nén cảm xúc khi Tom chia sẻ "anh mua những món đồ chơi mà con thích", chỉ đơn giản vì cô bé Alice 1 tuổi đụng vào những món đồ chơi này.Vân Anh chia sẻ "khi còn nhỏ mình chả có món đồ chơi nào hết, phải tìm mọi thứ như dây nhợ, đất sét để làm đồ chơi và tự chơi. Việc mua sắm cho con quá nhiều đồ chơi cùng một lúc là quá xa xỉ, lãng phí cho một cô bé 1 tuổi”.
Bé Alice trong ngày tốt nghiệp của mẹ Source: Supplied
Sau buổi chuyện trò cùng nhau, Vân Anh cảm nhận được tình yêu thương Tom dành cho Alice, mọi hành động của con gái đều có một ý nghĩa đặc biệt với người làm cha lần đầu. Bài học về việc dạy con giá trị của đồng tiền, sự nỗ lực để dạt được thứ mình muốn được hai vợ chồng mang ra bàn thảo.
"Kết quả là bây giờ mỗi lần đi mua sắm cho con, Tom đều gọi điện để hỏi Vân Anh xem thứ này có phù hợp để mua cho con không, con có cần không và điều kiện gia đình có cho phép không", Vân anh vừa cười vừa chia sẻ.
"Bà ơi bà cháu yêu bà lắm"
Nghe Alice nghêu ngao hát tròn vành rõ chữ bài hát “Bà ơi bà” tặng bà ngoại, có thể cảm nhận cô bé yêu thương bà đến mức nào. Như một bà tiên bước ra tự câu chuyện cổ tích, bà ngoại Thu Vân của bé Alice đã gánh vác hết mọi chuyện khó và khiến cho chàng rể Úc yêu quý mẹ vô ngần.
Nếu không có bà ngoại, hành trình sinh con ở Đức của Vân Anh có lẽ sẽ... không thể về đích. Vân Anh xúc động kể lại ca sinh khó cô con gái đầu lòng, khi em bé bị nhau quấn quanh cổ và không thể thở được.Cô được đẩy vào phòng cấp cứu trong tiếng chuông báo động giữa đêm của bệnh viện. Tất cả bác sĩ, y tá của kíp trực đêm đó đều có mặt để hỗ trợ cho Vân Anh. Trong khi Tom quá xúc động và ôm mặt khóc vì hoàn cảnh nguy kịch của vợ và con, bà ngoại là người vừa an ủi con rể, vừa động viên con gái nỗ lực vượt cạn, vừa "hoa tay múa chân trò chuyện" với bác sĩ Đức.
Thôi nôi của Alice đánh dấu hành trình làm mẹ lần hai của bà ngoại Source: Supplied
"Có một người mẹ như vậy, mình không thể nào quên được trong đời, vừa lo cho Vân Anh, bồng bế cháu cả đêm không ngủ, vừa động viên con rể".
Alice lọt lòng thành công trong nước mắt của cả gia đình, công ơn lớn nhất thuộc về bà ngoại. Bà ngoại Thu Vân chăm sóc cháu chu đáo đến mức chàng rể Tom phải thừa nhận "không cảm thấy thoải mái chút nào khi mẹ đi vắng và phải lấy xe đón mẹ về ngay".
"Bà ngoại không hề biết một chữ tiếng Đức, nhưng vẫn xông xáo ra siêu thị, hoa tay múa chân mua về...vài cái giò heo để nấu canh chân giò cho mình mau có sữa", Vân Anh kể lại.
Bà ngoại Thu Vân luôn muốn có thời gian cho con gái và con rể nghỉ ngơi, và luôn là "siêu nhân" có mặt ngay lập tức khi cháu vừa khóc để "mẹ còn nghỉ ngơi".
"Mình rất may mắn khi có một người chồng hiểu và thương vợ, cho phép bà ngoại sống chung với cả gia đình như vậy, chỉ cần vợ vui và hạnh phúc là được".
Bà ngoại Thu Vân chăm sóc cháu chu đáo đến mức chàng rể Tom phải thừa nhận "không cảm thấy thoải mái chút nào khi mẹ đi vắng và phải lấy xe đón mẹ về ngay".
Mỗi lần Tom bị cảm lại được mẹ vợ truyền cho bài thuốc gia truyền. Bà ngoại Alice chạy vội ra vườn hái sả, chanh vào xông cho con rể. Đôi khi Vân Anh cảm thấy Tom đã trở thành người Việt tự lúc nào. Những lần Tom bị cảm, được mẹ vợ xông hơi và massage cho là những kỷ niệm vừa đáng nhớ vừa mắc cười với cả gia đình. Tom tự hỏi "tại sao phải chui đầu vô cái chăn rồi chùm lại như vậy".
Alice và nắm xôi của bà
Hình ảnh cô bé Úc cầm nắm xôi bà làm mang vào trường khoe với bạn khiến nhiều người bật cười. Những điều rất đỗi bình thường trong nền văn hóa Việt với Alice lại khiến bạn bè “mắt tròn mắt dẹt” ngưỡng mộ.
Vân Anh chia sẻ Alice được hấp thụ hai nền văn hóa. Em được ông bà nội dạy đọc sách, hướng dẫn cách cư xử nho nhã phương Tây. Trong khi ông bà ngoại là cả một bầu trời sáng tạo với các trò chơi bình dân từ bánh xe, dây thừng, hòn đá, băng keo."Cả gia đình ba thế hệ sống hòa hợp yêu thương như vậy là vô cùng đáng quý. Vân Anh cảm thấy mình có cả thế giới trong tay, không cần phải so sánh gì với ai cả".
Tom cảm thấy hạnh phúc khi có bà ngoại cùng chung sống và chia sẻ niềm vui dạy dỗ bé Alice Source: Supplied
"Cả hai gia đình đều đặt tình yêu cho tất cả thành viên trong gia đình, đặt tình thương với cả gia đình hai bên lên trên hết, cố gắng để làm cho không khí cả gia đình vui vẻ. Tất cả mọi người đều tự nguyện và cảm thấy hạnh phúc bên nhau. Tom luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho vợ con".
Khi được hỏi nhiều người vẫn lo ngại việc sống chung gia đình 3 thế hệ, với những người Úc thì lại càng xa lạ với việc này, vậy thì gia đình 3 thế hệ của Vân Anh giải quyết như thế nào, Vân Anh tự tin trả lời: “Sự yêu thương chân thành của gia đình ba thế hệ cùng sống chan hòa đã hun đúc nên một bé gái Alice Cheetham vô cùng cá tính”.
“Bản thân Tom rất tôn trọng và ngưỡng mộ cách dạy của người Việt trong việc nghiêm khắc với con cái, đi thưa về trình, tự do trong khuôn khổ và tôn trọng người lớn, ông bà, cha mẹ”.
Vân Anh chia sẻ điều tuyệt vời nhất là Alice có thể nói hai ngôn ngữ Anh Việt rất rành rẽ. Nếu ai đó chỉ nghe Alice nói mà không nhìn bên ngoài sẽ nghĩ rằng Alice là một cô bé thuần Việt, chứ không phải "phô mai pha nước mắm". Cách Alice trả lời tiếng Việt rất tự nhiên, Alice được bà ngoại ru từ nhỏ bằng những bài hát dân ca; trong khi cha Tom lại dạy cho những bài hát tiếng Anh vui nhộn.
“Việc dạy một đứa bé trộn lẫn hai nền văn hóa đòi hỏi sự kiên nhẫn. Tình yêu thương giúp cả gia đình dạy dỗ, đối xử uyển chuyển hơn trong cách cư xử và hướng dẫn một đứa bé”, Vân Anh kể lại.
“Alice được mặc áo dài, nhận tiền lì xì vào dịp Tết, tham gia lễ hội của người Việt, bạn bè của Alice rất thích thú khi Alice hiểu biết và có những câu chuyện thú vị về nền văn hóa Việt của mình”.
"Mình nghĩ mang đi đúng hướng và hy vọng sẽ tạo một nền tảng vững chắc cho con, để Alice tự hào về nền văn hóa, 50% dòng máu Việt Nam của mình".
“Bản thân Tom rất tôn trọng và ngưỡng mộ cách dạy của người Việt trong việc nghiêm khắc với con cái, đi thưa về trình, tự do trong khuôn khổ và tôn trọng người lớn, ông bà, cha mẹ”.