Nuôi con ở Úc: Ở nhà cùng con mùa dịch, cha mẹ cần sáng tạo và chủ động

Nhà biến thành trường học, vườn là sân chơi, làm việc nhà là một cách vận động thể chất, cha mẹ là thầy cô

Nhà biến thành trường học, vườn là sân chơi, làm việc nhà là một cách vận động thể chất, cha mẹ là thầy cô... Source: Supplied

Khủng hoảng rổi sẽ qua đi, điều các con nhớ nhất không phải là những khó khăn trong cơn khủng hoảng, mà thái độ và cách ứng phó của cha mẹ...


Với nhiều phụ huynh tại Úc, tuần đầu tiên của kỳ nghỉ school holiday đầu tháng 4 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng. Đây có thể là kỳ nghỉ dài nhất của con từ trước đến nay, khi đại dịch Covid-19 vẫn diễn ra nghiêm trọng và chưa có dấu hiệu được kiểm soát.

Một thử thách thú vị

Việc chuẩn bị tâm thế cho con học tại nhà theo các chương trình trực tuyến của nhà trường, song song với việc cha mẹ phải mang việc về nhà là điều không thể tránh khỏi.

Tiến sĩ Khánh Trần, giảng viên trường đại học Asia Pacific International College (Australia) là phụ huynh của hai cô con gái đang ở độ tuổi tiểu học và trung học tại Melbourne.

Chị chia sẻ với SBS, vừa làm việc tại nhà, vừa đồng hành cùng con chơi và học trong mùa dịch đòi hỏi nhiều kỹ năng từ các bậc phụ huynh, nhưng đây là một thử thách thú vị.
Phụ huynh cần hiểu rằng khủng hoảng này sẽ còn kéo dài, và việc con phải học ở nhà qua màn hình máy tính là chuyện không thể tránh khỏi trong vài tháng tới.
“Công việc hiện tại của mình còn bận rộn hơn trước đây, cùng với công việc cũ là việc hỗ trợ các chương trình học trực tiếp thành học trực tuyến. Đây là một dự án lớn của nhà trường, nhưng trong khoảng thời gian khủng hoảng này, dự án phải thực hiện trong vòng 2 tuần.

Mình đồng thời phải bảo đảm hai nàng công chúa có một chương trình học và chơi khoa học, để các con không mất phương hướng và nghĩ rằng đây là một kỳ nghỉ kéo dài”.

Cha mẹ làm việc tại nhà và giúp con học trực tuyến đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực từ cả hai phía. Phụ huynh cần hiểu rằng khủng hoảng này sẽ còn kéo dài, và việc con phải học ở nhà qua màn hình máy tính là chuyện không thể tránh khỏi trong vài tháng tới.

Đừng tạo áp lực cho chính cha mẹ và các con

Tiến sĩ Khánh Trần chia sẻ, chị đã ngồi xuống và trò chuyện cùng con về kế hoạch học tập ở nhà.

“Những gì con học ở trường sẽ học ở nhà, giờ nào môn đó. Mình phải tìm ra niềm vui trong khoảng thời gian này. Bạn nhỏ lớp 2, bạn lớn học lớp 8 với hai chương trình khác nhau. Mỗi trường có chương trình học trực tuyến khác nhau.

Hai bạn nhỏ đều tham gia vào việc lên kế hoạch với mẹ. Các môn như toán, ngôn ngữ, khoa học, nghệ thuật, thể chất, mình trò chuyện cùng con nên tìm hình thức nào học cho phù hợp.

Ở trường các con học từ 9g sáng đến 3g chiều. Nhưng ở nhà mình cho phép bé nhỏ học 1.5 tiếng, còn bé lớn học 3 tiếng. Thời gian còn lại dành cho các kỹ năng khác.
Con gái lớn của chị Khánh Trần dùng thời gian của kỳ nghỉ dài để bắt đầu học thêm về may vá.
Con gái lớn của chị Khánh Trần dùng thời gian của kỳ nghỉ dài để bắt đầu học thêm về may vá. Source: Supplied

Khuyến khích con vận động thể chất

Theo chị Khánh, cha mẹ nên khuyến khích con tham gia vào các hoạt động sinh hoạt của gia đình và đừng quên thể dục thể thao.

“Mình cho con tham gia vào việc chuẩn bị ba bữa ăn trong ngày, khuyến khích các con vận động thể chất ít nhất một tiếng đồng hồ mỗi ngày như đạp xe, nhảy trampoline, học karate trực tuyến…

Mình không đồng ý cho con mặc pyjamas ở nhà, mà phải thay quần áo để có không khí sinh hoạt trong ngày.

Mỗi ngày ba mẹ con đều có 10 phút buổi sáng để lên kế hoạch trong ngày, rất thú vị.

Mình hạn chế thời gian các con sử dụng phương tiện điện tử, như máy tính, ipad. Thay vào đó tìm ra những hoạt động mà con yêu thích, như bạn nhỏ thì viết tiếng Việt, bạn lớn thì bắt đầu học may vá.”

Cha mẹ hãy chuẩn bị tinh thần cho một cuộc khủng hoảng kéo dài

“Mình chưa biết khi nào mọi chuyện sẽ trở lại bình thường, việc học ở nhà sẽ kéo dài bao lâu.

Các con gọi điện video call cho bạn bè để chơi với lego với bạn, hoặc gọi video call để ông bà ngoại đọc sách cho các con nghe.

Các con vẫn gặp bạn qua các lớp học trực tuyến. Cái khó ló cái khôn. Nhờ những phương tiện này mà các bạn vẫn có thể giao tiếp với bạn bè và những người thân xung quanh”, chị Khánh chia sẻ với SBS.
Ông bà cháu gặp nhau qua cửa kính, hàng ngày các con đều gọi cho ông bà để trò chuyện và kiểm tra sức khỏe của ông bà. Dù đại dịch xảy ra, nhưng gia đình vẫn rất gần nhau.
Tuy nhiên đây là một chặng đường dài, mà tiến sĩ Khánh Trần cho rằng các bậc phụ huynh nên chuẩn bị tinh thần, phát huy sự sáng tạo để xây dựng các hoạt động bổ ích, tích cực cho con.

“Mình đã chuẩn bị một số dự án để con có thể dành thời gian tại nhà. Ví dụ như khuyến khích bạn lớn may một chiếc váy, còn bạn nhỏ làm một dự án vẽ tranh. Việc này sẽ tốn nhiều thời gian của các con”.

123_20.jpg?itok=nrBgnshL

Không để tin tức tiêu cực ảnh hưởng đến con

“Khủng hoảng rổi sẽ qua đi, điều các con nhớ nhất không phải là những khó khăn trong cơn khủng hoảng, mà thái độ và cách ứng phó của cha mẹ”, chị Khánh nói.

Do đó ngay từ khi cuộc khủng hoảng này xảy ra, tiến sĩ Khánh Trần cho biết chị không bảo bọc, che đậy, nhưng cũng hạn chế những thông tin quá tiêu cực với các con, để con tránh sự lo sợ không cần thiết.

Với phụ huynh, đây là lúc rèn luyện cho con sự kiên nhẫn, thái độ lạc quan và nhìn nhận cuộc sống một cách đúng đắn.

“Mình nói với các con đây là cơ hội trong cuộc sống, nhìn mọi việc theo hướng tích cực. Như nhờ có coronavirus mà trường của mẹ mới có cơ hội thực hiện các chương trình dạy trực tuyến như vậy. Con có thời gian học thêm may vá, chúng ta có thời gian ở bên nhau.

Mình tìm những điều tích cực để nói với con. Chính con cũng nhận thức những điều con đang làm là  vì lợi ích của con và những người xung quanh”.

Con và ông bà vẫn “rất gần nhau”

Các bác sĩ khuyến cáo nên hạn chế tiếp xúc với người cao tuổi trong dịch bệnh, vì họ là những người dễ tổn thương và có thể nhiễm bệnh từ những người trẻ tuổi khỏe mạnh khác.

Các con của chị Khánh Trần thực hiện việc hạn chế giao tiếp (social distancing) với ông bà không từ hai tuần nay. Việc này diễn ra một cách suôn sẻ.

“Hai cháu cùng mẹ mẹ ghé thăm ông bà mỗi cuối tuần để gửi thức ăn và các đồ dùng thiết yếu cho ông bà. Các con rất có ý thức trong việc giữ gìn sự an toàn cho ông bà của mình, như nhắc ông bà kéo kính lên khi trò chuyện.

Ông bà cháu gặp nhau qua cửa kính, hàng ngày các con đều gọi cho ông bà để trò chuyện và kiểm tra sức khỏe của ông bà. Dù đại dịch xảy ra, nhưng gia đình vẫn rất gần nhau”, chị Khánh kể lại.

Mời quý vị nghe phần phỏng vấn với TS Khánh Trần trong audio.

--

Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: 
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share