Nuôi con ở Úc: Mẹ ơi cho con qua nhà bạn ngủ

Chị Vi Phương (Melbourne) và chị Nam Phương (Sydney) cùng các con

Chị Vi Phương (Melbourne) và chị Nam Phương (Sydney) cùng các con Source: Vi Phuong, Nam Phuong

Lợi ích của những buổi sleepover: con tự lập hơn, nuôi dưỡng và gắn kết tình bạn, biết cách giao tiếp và xử lý tình huống, cha mẹ có thời gian riêng để nghỉ ngơi. Thế nhưng cha mẹ cần chuẩn bị những gì? Hai bà mẹ Việt có con trai và con gái chia sẻ kinh nghiệm với SBS.


Chị Vi Phương, mẹ của bé Bảo Nam (9 tuổi) đang sống tại Victoria và chị Nam Phương, mẹ của ba bé gái (ở độ tuổi 13, 11 và 4 tuổi) đang sống tại NSW chia sẻ với SBS những suy nghĩ về sleepover (cho con qua nhà bạn ngủ). 


Theo chị, độ tuổi nào thì trẻ sẵn sàng có thể ngủ qua đêm ở nhà bạn?

Chị Vi Phương: Theo mình, điều này phụ thuộc vào sự sẵn sàng của trẻ và cả sự sẵn sàng của ba mẹ. Đôi khi hai điều này lại không gặp nhau. Mỗi gia đình cũng sẽ khác nhau, tùy thuộc theo từng văn hóa của gia đình. Nhưng nhìn chung theo mình thì khi trẻ bắt đầu vào giữa những năm cấp 1, bắt đầu có bạn thân, tò mò ở nhà bạn như thế nào và có nhu cầu muốn trải nghiệm những điều mới mẻ đó là lúc trẻ có thể ngủ ở nhà bạn (sleepover) được.

Chị Nam Phương: Theo kinh nghiệm và tiêu chí của bản thân, mình nghĩ khi trẻ vào cấp 2, bắt đầu từ lớp bảy, tức là 12 tuổi trở lên sẽ phù hợp hơn để có thể qua nhà bạn chơi và ngủ lại nếu muốn. 

Lần đầu tiên chị cho con ngủ qua đêm ở nhà bạn là lúc con mấy tuổi? Chị có thể kể lại trải nghiệm đó? 

Chị Vi Phương: Lần đầu tiên là khi Bảo Nam 8 tuổi, con rất hứng thú và đếm từng ngày để đến ngày đặc biệt đó. Đến sát ngày thì có hơi lo lắng. Bảo Nam có nói với mẹ là khi mẹ chở con đến thì con muốn mẹ ở lại với con một chút rồi mẹ hãy về.  Nhưng Bảo Nam vốn là đứa trẻ vui vẻ và khá thoải mái nên khi đến nơi là nhào vào chơi ngay, và lần đó qua nhà bạn rất vui.

Mình hơi lo lắng một chút về vấn đề ăn uống của con vì con ăn chậm, và khi có bạn thì thường ham chơi quên cả ăn uống. Ngủ ban đêm lúc đó cũng là một vấn đề, vì con có thói quen đi vệ sinh lúc khuya. Những điều này mình có trao đổi trước với mẹ của bạn Bảo Nam và nhờ cô ấy nhắc nhở Bảo Nam. Mình cũng hơi lo lắng khi con đi chơi với bạn cả ngày thì có phát sinh mâu thuẫn không, và dặn dò con nên nhường nhịn bạn để buổi sleepover được vui vẻ.

Chị Nam Phương: Với hai bé lớn của mình, bé đầu tiên năm nay đã 13 tuổi, cũng chỉ mới bắt đầu đến nhà bạn chơi cả ngày và thỉnh thoảng ngủ ở nhà bạn từ năm ngoái, tức là lúc bé học lớp 7 (12 tuổi).

Lần đầu tiên bé ngủ qua đêm là tại nhà một người bạn rất thân của gia đình, chứ không phải bạn học. Cả hai nhà thường xuyên qua nhà nhau chơi, ăn tối, tổ chức tiệc chung, nên mình hiểu gia đình họ thế nào. Đó là những người bạn rất thân với mình, nên sau khi họ ngỏ lời muốn con mình ngủ lại sau buổi sinh nhật của con họ, mình đã hỏi ý con và đồng ý. Vì rất thân nên mình hiểu nếp sinh hoạt của gia đình này thế nào, có bao nhiêu phòng, ngủ như thế nào.

Buổi ngủ chung đó rất vui, cả cha mẹ và các con đều rất hạnh phúc. Khi về con kể lại kỷ niệm với bạn buổi tối cùng nhau ăn uống, xem phim ra sao, bé rất thích.

Sau lần ngủ qua đêm đầu tiên đó, chị có mạnh dạn hơn khi bé xin mẹ ngủ tiếp ở nhà bạn các lần sau?

Chị Vi Phương: Sau lần đó thì cả mình và con đều rất tự tin về việc sleepover. Bảo Nam thường xuyên xin mẹ cho đến ngủ ở nhà bạn. Điều quan trọng là mình phải quen biết gia đình của người bạn trong một thời gian dài, mình rất quan tâm đến nền nếp sinh hoạt gia đình, cân bằng thời gian chơi ngoài trời và trong nhà, trẻ không dành quá nhiều thời gian chơi ipad và xem TV, cha mẹ quan tâm đến thời gian ăn uống, ngủ nghỉ của trẻ.

Chị Nam Phương: Tất nhiên rồi, nếu tiếp tục là bạn đó, thì mình không có vấn đề gì cả. Nhưng lần nào phụ huynh của nhà bạn cũng phải xin phép, và mình luôn hỏi nếu có làm phiền gia đình của bạn không. Với những người bạn này mình rất yên tâm, chỉ cần phụ huynh đồng ý và mình đồng ý.

Về bạn học thì khác. Mình sẽ có hai nhóm bạn. Một là "family friend", bạn của gia đình. Đây là những người bạn của cha mẹ, và con cái của chúng mình cùng chơi chung với nhau. Với nhóm bạn này, mình rất yên tâm, vì hầu như đều gặp nhau mỗi tuần. Nhóm thứ hai là bạn học của bé. Đã vài lần, mình cho phép con ở lại nhà của bạn học. Nhưng đó là những người bạn rất thân, và mình biết luôn cha mẹ của bạn đó. Mình đã nói chuyện với họ, gặp nhau trong các bữa tiệc. Họ có mời mình đến nhà và mình biết nhà của họ, cha mẹ làm gì, tính tình ra sao, trong nhà có bao nhiêu người. Nói tóm lại mình phải hiểu rất rõ gia đình của bạn đó.
"Trước khi cho con ra khỏi vòng tay của mỉnh là một quá trình. Mình đã dạy cho bé thế nào là đi ra ngoài chơi mà không có cha mẹ bên cạnh", chị Nam Phương.
"Trước khi cho con ra khỏi vòng tay của mỉnh là một quá trình. Mình đã dạy cho bé thế nào là đi ra ngoài chơi mà không có cha mẹ bên cạnh", chị Nam Phương. Source: Nam Phương
Khi cho con ngủ qua đêm ở nhà bạn, cha mẹ cần chuẩn bị những gì?

Chị Vi Phương: Cần chuẩn bị đồ đạc cho con. Lần đầu tiên qua nhà bạn ngủ, mình giúp con xếp đồ vào giỏ và hướng dẫn con biết cái nào nằm ở đâu để con đỡ lúng túng khi đến nhà bạn và phải xoay xở một mình. Những lần sau thì mình để con xếp giỏ và kiểm tra xem con thiếu thứ nào thôi.

Mình dặn dò con khi ở nhà bạn chơi vui vẻ và nhường nhịn bạn, nghe lời cha mẹ của bạn. Qua đó, con cũng học cách biết tự chăm sóc và bảo vệ bản thân mình. Mình cũng răn đe con là cần ăn uống cho no, không đi ngủ quá trễ thì mới có sức chơi và được tiếp tục đến nhà bạn những lần sau.

Mình luôn nhắc nhở con về vấn đề giới tính, cơ thể mình là của mình, khi có ai đụng vào mình thì phải làm như thế nào. Tương tự, mình nhắc con cũng phải giữ khoảng cách với mọi người ở nhà bạn.

Đây cũng là cơ hội để nhắc nhở lại con những kiến thức, lời khuyên của mình trước đây và áp dụng trong thực tế.

Chị Nam Phương: có rất nhiều thứ phải chuẩn bị, không phải đợi đến khi con qua nhà bạn ngủ mình mới dạy con những điều này. Đó là quá trình mình đã dạy cho bé ở nhà, thế nào là đi ra ngoài chơi mà không có cha mẹ bên cạnh, cách cư xử với các bạn và người lớn, biết giữ ý, lễ phép với người lớn và chú ý cách ăn uống. Trước buổi đó mình cần sự xin phép của phụ huynh bên nhà bạn, chứ không phải các bé tự rủ nhau. Mình cũng muốn biết chương trình ngày hôm đó chơi như thế nào, giờ đưa đón và kế hoạch cho các bé vui chơi.

Phụ huynh thường rất chu đáo, họ sẽ gửi mình kế hoạch đưa các bé đi những đâu, nếu ở nhà thì làm gì, nếu ra ngoài xem phim thì xem phim gì. Họ cũng hỏi con mình có dị ứng thực phẩm không.

Từ khi bé nhà mình lên trung học thì mình bắt đầu cho con xài điện thoại, để con có thể liên lạc trong những trường hợp khẩn cấp.

Mình nhắc bé mang đủ quần áo, vật dụng và đồ vệ sinh cá nhân.  Nhà trường và bản thân mình cũng luôn dạy các con về các biểu hiện của lạm dụng tình dục, hoặc các phản ứng trước những điều không phù hợp.
"Con bắt đầu biết linh hoạt và mềm dẻo hơn trong cách chơi với bạn", chị Vi Phương.
"Con bắt đầu biết linh hoạt và mềm dẻo hơn trong cách chơi với bạn", chị Vi Phương. Source: Vi Phuong
Người ta thường hay nói phụ huynh có con gái sẽ cần phải lo lắng nhiều hơn, điều này có đúng không?

Chị Vi Phương: Mình không có con gái nên khó mà so sánh được, nhưng ở thời buổi này, khi tiếp cận thông tin báo chí nhiều, mình nhận thấy việc lạm dụng tình dục xảy ra đối với cả bé trai và bé gái nên mình luôn dặn dò con ở mức tối đa và không bao giờ lơ là về việc này.

Chị Nam Phương: Khó khăn và lo lắng của cha mẹ với con trai hay con gái đều như nhau. Dù là bé trai hay gái thì cũng đều có những rủi ro nhất định.
Bản thân mình cũng luôn dạy các con về các biểu hiện của lạm dụng tình dục, hoặc các phản ứng trước những điều không phù hợp.
Lợi ích của việc cho con ngủ qua đêm với bạn bè?

Chị Vi Phương: Lợi ích đầu tiên là sự phát triển nhận thức của bé từ những vấn đề đơn giản nhất. Ví dụ như khi con chuẩn bị đồ đạc mang theo ở những lần tiếp theo. Con nhớ mang theo bàn chải, kem đánh răng, khăn mặt và khăn tắm để giữ vệ sinh cơ thể, quần áo dơ được bỏ vào bịch riêng chứ không để chung với đồ sạch như lần đầu tiên. Khi về thì con nhớ kiểm tra đồ đạc của mình. Đó là cách mình nhận thấy Bảo Nam bắt đầu có trách nhiệm với bản thân và đồ đạc của mình.

Một lợi ích khác với bé là con học cách cư xử. Bảo Nam bắt đầu biết linh hoạt và mềm dẻo hơn trong cách chơi với bạn.

Con có những kỷ niệm đẹp và thường xuyên nhắc lại với gia đình về những chuyến ngủ đêm ở nhà bạn. Khi con gặp bạn thì các bé cũng kể lại những câu chuyện đó, đây là những ký ức rất vui vẻ.

Đối với mình thì sau lần đầu tiên con ngủ qua đêm ở nhà bạn, những lần sau mình cảm thấy thoải mái hơn và có thời gian nghỉ ngơi cho mình.

Chị Nam Phương: Mình không cấm các con tuyệt đối hay "say no" cho mọi trường hợp. Tùy trường hợp, tùy những người bạn mà mình sẽ có cách ứng xử phù hợp.

Với những người bạn tốt, sleepover là cách để các bé nuôi dưỡng tình bạn khắng khít hơn. Các con có thời gian vui vẻ với bạn, cha mẹ có thời gian nghỉ ngơi cho bản thân trong cuộc sống quá bận rộn.

Khi con ra khỏi vòng tay mình, con sẽ tự học cách để chững chạc hơn, tự lập hơn, giao tiếp với những người xung quanh dạn dĩ hơn mà khi bình thường ở nhà trẻ chưa thể hiện được.

Con học cách chăm sóc bản thân, biết cách tắm rửa, vệ sinh cá nhận, phụ giúp bạn dọn dẹp sau khi ăn xong. Các con cũng học được những thói quen hay của bạn như cách giữ gìn phòng ốc sạch sẽ, trang trí như thế này, thế kia.

Chị có tổ chức những buổi ngủ qua đêm trong vai trò chủ nhà, cho phép con mời bạn bè đến chưa. Chị sẽ chuẩn bị như thế nào để bảo đảm an toàn cho các bé và giúp các phụ huynh khác cảm thấy an tâm?

Chị Vi Phương: An toàn là vấn đề đầu tiên nên mình thường trao đổi với mẹ của các bé về thực phẩm, thói quen đi ngủ ban đêm (có hay thức dậy, hay bị mộng du…) để sắp xếp phòng ngủ trên lầu hay dưới đất.

Một số bé sợ chó nên mình cũng hỏi trước vì nhà mình có nuôi chó. Khi các bé tới thì mình sẽ đưa ba mẹ và bạn của các con vào từng phòng để mọi người biết buổi tối sẽ ngủ ở đâu, toilet chỗ nào, phòng sinh hoạt gia đình ở đâu và quan trọng là khi cần thì có thể tìm người lớn ở phòng nào.

Bảo Nam có bạn là cả người Việt lẫn Úc nên tùy vào bạn nào đến sleepover mà mình có cách chuẩn bị khác nhau. Các bạn người Việt của Bảo Nam thích ngủ chung nên mình sẽ xếp nệm cạnh nhau cho các bé ngủ chung. Bạn Úc thì thích ngủ riêng nên sẽ chuẩn bị giường riêng.

Mình thích cân đối các hoạt động trong nhà và ngoài trời, nên mình sẽ trao đổi trước với cha mẹ các bé chương trình để cha mẹ có thể giúp con chuẩn bị đồ đạc cho đầy đủ. Trong thời gian các bé ở nhà mình thì mình cũng gửi tin nhắn cập nhật tình hình cho cha mẹ các bé.
Các bạn người Việt của Bảo Nam thích ngủ chung nên mình sẽ xếp nệm cạnh nhau cho các bé ngủ chung. Bạn Úc thì thích ngủ riêng nên sẽ chuẩn bị giường riêng.
Chị Nam Phương: Mình thường tổ chức những buổi sleepover như vậy cho con mời bạn tới. Các gia đình thay phiên nhau tổ chức để những gia đình khác có thời gian nghỉ ngơi.

Trước đó mình sẽ trao đổi với phụ huynh của bạn bé để chọn ra ngày giờ phụ hợp.

Mình sẽ không tổ chức những buổi ngủ chung quá đông, thường bé chỉ mời khoảng 1-2 người bạn thân nhất. Mình không muốn quá đông để có thể chăm sóc các bé chu đáo.

Mình sẽ tìm hiểu kỹ nhu cầu của phụ huynh, có loại thực phẩm nào bé không ăn được, những giới hạn của gia đình. Vấn đề dị ứng rất quan trọng nên mình sẽ hỏi kỹ và tôn trọng gia đình. Mình sẽ lên lịch trình cụ thể và gửi cho các gia đình, kế hoạch thay thế nếu thời tiết không như ý.

Mình chụp hình và gửi cho các phụ huynh để các cha mẹ an tâm và biết rằng con đang vui, các cha mẹ cũng thích xem hình của con mình để biết các bé thế nào.

Mời quý vị nghe phần phỏng vấn với hai khách mời trong audio.

Share