Nuôi con ở Úc: Mẹ nữ thị trưởng Brimbank chưa bao giờ ép buộc con

Jasmine Nguyen cùng gia đình

Jasmine Nguyen cùng gia đình Source: Jasmine Nguyen

"Jasmine luôn khiến tôi ngạc nhiên. Con tự đăng ký vào khóa lãnh đạo hai nguồn gốc, tự ra tranh cử, tự vận động gây quỹ tranh cử, tự đi bỏ tờ rơi ứng cử, tự giơ tay thể hiện nguyện vọng làm thị trưởng. Cái gì cũng làm rồi mới thông báo với cha mẹ".


Người nhập cư, tị nạn và hành trình trở thành nhà lãnh đạo

Jasmine Nguyễn, tên tiếng Việt là Thanh Chi vừa tròn 24 tuổi. Cô tốt nghiệp đại học Monash chuyên ngành kinh tế -marketing và trở thành vào tháng 11 vừa qua.

Jasmine lên trong một gia đình tị nạn gốc Việt, với cha mẹ là những người chăm chỉ lao động, và nỗ lực để bắt đầu cuộc đời mới ở một đất nước xa lạ, sau biến cố lịch sử năm 1975.

Mẹ của cô, bà Ngọc Trần chia sẻ với SBS khi biết cô con gái út mảnh mai của mình được bầu làm thị trưởng thành phố Brimbank, bà không khỏi ngỡ ngàng:

“Trước khi vui mừng và hãnh diện, cảm xúc của tôi là sốc. Con của tôi còn quá trẻ, và chỉ mới vào hội đồng thành phố được một năm thôi. Nhưng rồi con trấn an tôi rằng đây là một cuộc bầu cử nội bộ và con nhận được tín nhiệm từ đồng nghiệp.

Bản thân tôi luôn muốn con có một cuộc sống bình an, thong thả, vui vẻ không chịu quá nhiều áp lực. Là một người mẹ, tôi luôn thấy con tôi còn rất nhỏ.

Thanh Chi là một cô bé rất lý tưởng, tin vào các giá trị tốt đẹp trong xã hội, có lẽ vì con chưa tiếp xúc với nhiều khó khăn như những người Việt tị nạn. Thanh Chi luôn có tâm ý tốt và mong muốn được phục vụ cộng đồng”.

Khi được hỏi những giá trị quan trọng trong hành trang của Jasmine khi lớn lên ở Úc với nguồn gốc là một người Việt, bà Ngọc Trần chia sẻ bà đã dành cả một khoảng thời gian thơ ấu để nói tiếng Việt, chia sẻ với con những câu chuyện Việt Nam.

“Tôi dạy con biết dạ thưa, tôn trọng người lớn tuổi, biết chào hỏi mọi người. Tôi kể lại những chuyện hồi xưa ở Việt Nam như hồi nhỏ mẹ ăn Tết ở Long Xuyên, bà ngoại nấu món này món kia. Thanh Chi rất thích nghe.

Khi con lớn dần, những câu chuyện bắt đầu có chiều sâu hơn như tại sao gia đình mình lại ở Úc, cha mẹ bắt đầu lại từ đầu bằng con số 0".

Bà Ngọc Trần chia sẻ bước chuyển biến tích cực nhất của con là tham gia khóa học Lãnh đạo hai nguồn gốc.
Khi Thanh Chi bắt đầu vào đại học và tham gia khóa học lãnh đạo hai nguồn gốc, con bắt đầu đặc biệt quan tâm đến các vấn đề Việt Nam.
Tôi rất ngạc nhiên vì trước đó tôi thấy con hay chơi với bạn Úc, tôi nghĩ con sẽ không quay lại nguồn gốc của mình. Tôi không ép buộc vì tôi cho rằng con ở Úc, một đất nước tự do.

Nhưng rồi sau khi học, con hỏi nhiều về chuyện tị nạn, tại sao ông ngoại, một sĩ quan trong quân lực Việt Nam Cộng hòa đã ngoài 60 tuổi phải vào trại cải tạo, rồi bay qua Mỹ tị nạn”, bà Ngọc chia sẻ với SBS.

Cha mẹ là tấm gương

Trong ký ức và suy nghĩ của mẹ, nữ thị trưởng trẻ nhất của Brimbank từ nhỏ luôn là một cô gái hướng ngoại, thích các hoạt động sinh hoạt tập thể.

Cô tham gia tích cực vào hoạt động ngoại khóa của ngôi trường tuyển danh giá dành cho nữ sinh mà cô từng theo học Mac.Robertson Girls' High School.

Bà Ngọc Trần cho rằng niềm đam mê phục vụ cộng đồng của cô được thừa hưởng từ gene của cha.

“Chúng tôi may mắn được sinh ra trong gia đình có nền tảng giáo dục tốt từ Việt Nam. Tôi học Gia Long, còn cha của Thanh Chi học Pétrus Ký.

Khi qua Úc, chồng tôi vừa làm vừa vào đại học và tốt nghiệp. Chúng tôi vừa đi làm vừa hỗ trợ cho gia đình ở Việt Nam. Lúc mới qua Úc, ông tham gia vào Đoàn Thanh niên Thiện chí để hỗ trợ cho những người Việt còn kẹt ở Việt Nam, lúc làn sóng tị nạn những năm 80 qua Úc đang phổ biến.
Jasmine Nguyen, 24 tuổi, trở thành nữ thị trưởng gốc Việt trẻ nhất của hội đồng thành phố Brimbank, nơi có đông người Việt sinh sống
Jasmine Nguyen, 24 tuổi, trở thành nữ thị trưởng gốc Việt trẻ nhất của hội đồng thành phố Brimbank, nơi có đông người Việt sinh sống Source: Jasmine Nguyen
Cha của Thanh Chi mở trường Việt ngữ cộng đồng ở Flemington rồi lôi tôi đi dạy học. Lúc đó chưa có nhiều hỗ trợ của chính phủ như bây giờ, mọi người chỉ làm thiện nguyện viên thôi, đứng lớp dạy cho mấy đứa học trò.

Ông là một người luôn ở bên ngoài, mọi người bên ngoài ai cũng thương cha của Thanh Chi. Ai nhờ gì ông cũng giơ tay lên trước, lo chuyện cộng đồng.”

Chia sẻ về vai trò của mình trong gia đình, bà Ngọc Trần tự nhận mình luôn là người lùi lại phía sau để vun vén cho gia đình, làm việc để lo tài chính cho hai con ăn học.

“Tôi không muốn khi con mình muốn học gì đó mà mình lại không thể hỗ trợ cho con”.

Một cô gái quyết đoán “nghĩ là làm”

Khi được hỏi về phương pháp giáo dục con gái, bà Ngọc Trần cho SBS Việt ngữ biết bà là một người mẹ dễ chịu và không bao giờ ép buộc con điều gì.

“Khi con còn nhỏ, tôi giới thiệu cho con mọi khía cạnh của cuộc sống như đàn, âm nhạc, thể thao…vì chưa biết con thật sự thích gì.

Tôi nghĩ mình chỉ thật sự thúc đẩy con khi con còn học cấp một, như nói con tập đàn thêm. Khi con vào cấp hai, tôi hoàn toàn không kiểm tra bài vở của con mỗi ngày mà chỉ đọc báo cáo từ trường gửi về.

Chỉ cần con sống có giá trị, không làm điều sai trái và có những người bạn tốt.
Tôi không ép con phải làm bác sĩ hay kỹ sư, tôi rất trân trọng các giá trị của Úc khi không có khái niệm thầy hay thợ, cho rằng tradie thợ sơn thợ xây thì không bằng người làm việc văn phòng.
Bà Ngọc Trần chia sẻ đôi khi chính cha mẹ chưa chắc đã hiểu hết về con của mình.

Jasmine luôn khiến mẹ ngỡ ngàng với những quyết định bất ngờ trong cuộc sống. Cô tự đăng ký vào khóa hai lãnh đạo hai nguồn gốc khi còn đang học đại học rồi mới thông báo với mẹ, tự ứng cử vào hội đồng thành phố, tự gây quỹ cho chiến dịch tranh cử của mình và đi phát từng tờ rơi tranh cử.

Mẹ của cô kể lại một kỷ niệm vui khi con gái nhờ mẹ gây quỹ cho con $200 để in tờ rơi tranh cử rồi biến mất khỏi nhà sau 8 giờ tối.

“Có những buổi tối mình thấy con học hành, làm việc xong khoảng 8 giờ tối thì đi ra khỏi nhà. Sau này mới biết là con đi đến từng nhà để phát tờ rơi tranh cử.

Lúc đó Melbourne vẫn còn đang phong tỏa, khu vực bầu cử rất lớn, vậy mà Thanh Chi chạy xe đến từng nhà để bỏ tờ rơi. Thanh Chi nói với mẹ con không muốn bỏ sót nhà nào cả”.

Bà Ngọc Trần mong muốn con chân cứng đá mềm trước những thử thách sắp tới trong con đường phục vụ cộng đồng mà bà cho rằng "không dễ dàng".

 Mời quý vị nghe phỏng vấn với khách mời trong audio.

Share