Bếp núc không phải chốn của đàn bà
Nấu ăn không chỉ là việc nhà, đó còn là một kỹ năng mà tất cả mọi đứa trẻ cần phải biết. Cha mẹ không nên bỏ qua điều này khi nuôi dạy con cái.
Chị Lâm Anh Đào, một người mẹ của 5 đứa con ở các độ tuổi khác nhau, đồng thời là tác giả nhiều sách nấu ăn chia sẻ “chị lúc nào cũng khuyến khích các con vào bếp”.
Chị Lâm Anh Đào nhấn mạnh bếp núc không phải là chốn của phụ nữ, dù là con trai hay con gái, cha mẹ cũng nên dạy cho con nấu ăn
“Ăn uống là một nhu cầu thiết yếu của con người. Nấu ăn là phục vụ cho nhu cầu đó. Vì thế, nếu trẻ biết nấu nướng, trẻ sẽ không gặp khó khăn khi tự phục vụ bản thân. Đàn ông muốn thành công ngoài xã hội phải thành công từ trong gia đình, và có thể trổ tài để nấu ăn cho vợ con”.
Nếu trẻ biết nấu nướng, trẻ sẽ không gặp khó khăn khi tự phục vụ bản thân.
Những người yêu thích nấu nướng có xu hướng gắn bó với gia đình nhiều hơn. Cha mẹ nào cũng muốn con cái trở về nhà vào mỗi bữa cơm. Học nấu nướng là một cách để trẻ hiểu tầm quan trọng của bữa ăn gia đình, qua đó cha mẹ cũng có thể nhận ra tính cách của trẻ để uốn nắn.
“Mình phát hiện ra tính nết của từng đứa con để dạy. Mình nhận ra con gái lớn rất kỹ càng, con gái nhỏ thì háo thắng, chỉ muốn làm mọi thứ thật nhanh cho xong, do vậy thành phẩm không được như ý”.Khi nào trẻ có thể bắt đầu học nấu ăn?
Chị Lâm Anh Đào. Source: FB Lam Anh Dao
Ngay từ khi trẻ có thể đi đứng vững, trẻ đã có thể vào bếp. Nhiều cha mẹ ngạc nhiên khi chị Anh Đào cho con vào bếp khi con mới hai tuổi. Trẻ nhỏ như thế thì có thể làm được gì? Chị Anh Đào cho rằng đừng đặt mục tiêu trẻ phải làm được gì mà chỉ cần tạo cho trẻ sự hứng thú với không gian bếp núc.
“Từ 2 tuổi, trẻ có thể tham gia vào các công việc đơn giản như lấy rau củ, trái cây. Mình hay nhờ con lấy cho mẹ cái thìa, cái muỗng. Cái nào to hơn, nhỏ hơn. Từ đó có thể dạy con về hình dạng, kích cỡ. Mình đặt câu hỏi với con về các loại rau củ như cà chua và cà tím hình dáng khác nhau thế nào, ớt chuông có bao nhiêu màu”, chị Anh Đào nói với SBS.
Bếp là nơi có thể giúp trẻ tuổi mẫu giáo phát triển nhiều giác quan và tư duy logic như nhận biết mùi vị, màu sắc, phân loại đồ vật, nóng và lạnh, tập đếm…
Trẻ có thể trở thành một phụ bếp nhí cho mẹ khi có thể nhận biết và lấy đồ. Công việc bếp núc sẽ không bao giờ nhàm chán nếu trẻ được thỏa sức sáng tạo và không bị la rầy.
Đến 7 tuổi, khi trẻ bắt đầu học về thể tích, đo lường, khối lượng trong trường học, là lúc cha mẹ có thể dạy trẻ làm toán khi vào bếp.
“Mình và các con cùng làm bánh trung thu để tặng người thân. Nhân cơ hội này, mình dạy con cách đo lường nhân, đo bột làm sao cho chính xác, như vậy thì ra thành phẩm bánh mới ngon. Ngoài ra có thể chỉ con đo lường bằng đơn vị cup, bằng ml, bằng lít. Vô tình trẻ học đo lường, định vị một cách rất thú vị và thực tế”.
Đến khi con lớn hơn, ở độ tuổi thanh thiếu niên, cha mẹ có thể nâng dần độ khó như dạy con tự lên một thực đơn cho mình và gia đình, rồi đi chợ.
“Khi cả nhà phải giãn cách và không ra đường, mình tranh thủ dạy con cách đi chợ online. Làm sao để lên một thực đơn cho một tuần đến 10 ngày, chọn mua rau củ phù hợp để tươi lâu, vừa ý mà không phải trả lại, phiền cho mình và người bán. Mỗi bữa ăn có vài món rau, hai món mặn. Trong nhà ai thích ăn gì để cân đối như anh hai không thích ăn rau luộc…”
Giữ an toàn tuyệt đối cho con khi vào bếp
Nhà bếp luôn tiềm ẩn những mối nguy hiểm như lửa, dao kéo, máy xay, máy trộn, bồn rửa… Cha mẹ cần cảnh báo cho trẻ mức độ nguy hiểm để trẻ tránh xa những thứ đó. Đồng thời, phải thiết kế các vật dụng đó đủ an toàn để trẻ có thể tự do khi ở trong bếp mà không sợ bị đứt tay, bỏng hay đổ vỡ.
“Với các con từ tuổi tiểu học trở xuống, cha mẹ phải hết sức cẩn thận, để dầu mỡ không bắn vào con. Da các bé còn mỏng, có thể gây thẹo và khiến con vô cùng sợ hãi. Để con đứng xa bếp khi mẹ đang nấu”.
Tuy nhiên chị Anh Đào cũng chia sẻ phụ huynh đừng vì quá lo lắng đến sự an toàn mà ngăn cản con vào bếp, thay vào đó hãy sáng tạo và tìm ra các cách phù hợp.“Ví dụ như món bánh xèo, dù trẻ 10 tuổi nhưng việc cầm chảo dầu để đổ vẫn rất nguy hiểm. Do đó mình đã chỉ cho con dùng máy làm bánh kẹp. Con chỉ cần quyết dầu, đổ bánh và nhân vào, đóng máy. Sau đó khi chín, máy sẽ tự ngắt điện, con sẽ có bánh xèo vừa giòn vừa ngon lại rất an toàn”, chị Anh Đào kể lại.
Món bánh xèo sáng tạo bằng máy làm bánh kẹp để con có thể tự làm mà không lo bỏng tay. Source: Lam Anh Dao
Khi trẻ học nấu ăn, hãy cho trẻ biết nguyên tắc vệ sinh sạch sẽ khi chế biến thực phẩm. Rửa tay trước và sau khi nấu. Đây cũng là cách dạy trẻ thói quen rửa tay ở nhiều trường hợp khác.
Hãy nhẹ nhàng và kiên nhẫn
Quyết định dạy trẻ nấu ăn, cha mẹ phải xác định mình sẽ bận rộn hơn để dọn những thứ bừa bộn trẻ gây ra. Nhưng chắc chắn rằng, việc này không chỉ mang lại niềm vui, thích thú mà còn giúp trẻ nhiều điều trong cuộc sống sau này.
Có thể bếp sẽ bừa bộn, lộn xộn, một vài món ăn bị phá hỏng nhưng không sao cả nếu trẻ cảm thấy thích thú và muốn sẽ có nhiều lần sau. Điều quan trọng là mẹ cần phải kiên nhẫn và cho trẻ cùng hợp tác.
Nhiều mẹ hơi nóng tính, thấy trẻ làm đổ bể thì sẽ la, việc này sẽ khiến trẻ sợ và không muốn vào bếp cùng mẹ nữa, chị Anh Đào cho biết.
Thay vào đó, mẹ nên khen ngợi và khích lệ. Trẻ con luôn thích được khen ngợi và đó là động lực của trẻ. Hãy để trẻ thấy rằng mình có ích và làm được, học được nhiều thứ thú vị khi ở trong bếp.
Khi con vào bếp sẽ hình thành trong trẻ thói quen ăn uống lành mạnh, đúng bữa. Trẻ sẽ cảm thấy ăn ngon hơn với những thức ăn mình tự làm hoặc góp phần làm ra. Sức khỏe luôn là quan trọng nhất và liên quan mật thiết đến bữa ăn gia đình.