“Muốn làm nghệ sĩ…thì đi qua xác của mẹ”
Chia sẻ một cách chân thành và hài hước, bác sĩ Thu Mai nói với SBS “nếu con gái của mình muốn trở thành nghệ sĩ dương cầm, con phải bước qua xác của mẹ”.
Lý giải về việc này, bà mẹ hai con (bé Thiên Hương, 11 tuổi và Thiên Di, 5 tuổi) cho biết âm nhạc và nghệ thuật chỉ nên là ‘hobby- sở thích’ chứ không phải là công cụ kiếm tiền bởi sự khắc nghiệt trong lĩnh vực này.
“Con gái của mình mỗi tối vẫn tập đàn vài giờ đồng hồ, vượt qua các kỳ thi dương cầm. Các con của mình hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật rất tích cực, nhưng…rất may là con không thực sự có năng khiếu xuất sắc, không phải là những tay đàn điệu nghệ.
Mình cũng định hướng và giúp các con phân biệt những loại công việc khác nhau, công việc kiếm ra tiền, công việc để giải trí, việc làm thiện nguyện và con hiểu rõ những khái niệm này từ nhỏ đến lớn”.
Bác sĩ Thu Mai lớn lên trong một gia đình tị nạn đã định cư tại Úc hơn 40 năm. Chị cho biết cha mẹ của mình đến Úc với hai bàn tay trắng và phải nỗ lực để sinh tồn. Cuộc sống thử thách và khắc nghiệt đã vẽ nên trong đầu của bậc sinh thành con đường học vấn như một cơ hội để thoát nghèo và đổi đời.
“Bản thân gia đình mình từ nhỏ đã định hướng cho con. Mình sinh ra trong một gia đình tị nạn thế hệ đầu tiên đến Úc. Cha mẹ mình luôn muốn các con lớn lên làm bác sĩ. Thú thật, lúc nhỏ mình ước mong làm luật sư, còn em trai của mình thì thích làm kỹ sư, ngành công nghệ thông tin, nhưng rồi cả hai đều trở thành bác sĩ.”
Lý giải cho việc này, chị Thu Mai chia sẻ với SBS.
“Cha mẹ nào cũng mong con cái mình thành công trong cuộc sống. Một trong những yếu tố quyết định sự thành công là nghề nghiệp của trẻ. Con trẻ thường được định hướng bởi gia đình, thường cha mẹ làm nghề gì thì con cái khi lớn lên thường nối nghiệp cha mẹ.
Nếu chúng ta hỏi các bậc cha mẹ Á Châu muốn cho con theo con đường khoa học hay nghệ thuật, có lẽ phần đông đều chọn khoa học".Con trẻ cần định hướng
Con trai Thiên Di và con gái Thiên Hương của bác sĩ Thu Mai. Source: Dr Thu Mai
Bác sĩ Thu Mai, một trong những bác sĩ chuyên khoa phụ sản, với nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thụ tinh ống nghiệm tại Melbourne chia sẻ với SBS chị luôn định hướng cho con theo con đường nghiên cứu khoa học và y tế.
“Từ nhỏ, mỗi Chủ Nhật mình đều vào bệnh viên để thăm bệnh nhân sanh trong tuần, các con mình đã thấy điều đó. Sau này lớn lên các con đều nói thích làm bác sĩ nhi khoa, cũng muốn vào bênh viện, chữa bệnh cho các trẻ em khác giống mẹ”.
Bác sĩ Thu Mai chia sẻ chị đặt ra những mục tiêu cụ thể cho con như thi vào trường tuyển, học trường tư, kết quả VCE. Theo chị, con trẻ cần có những cột mốc để nỗ lực và phấn đấu.
“Đó là vai trò của cha mẹ. Ai cũng làm như vậy cả. Mình luôn muốn con tự lập tự nhỏ. Mình nghĩ rằng mình không phải là mẹ cọp nghiêm khắc hay mẹ gà thả rông. Mình từng tự hỏi mình có phải mẹ cọp không? Nhưng mình nhận ra, bản thân chỉ là mẹ…mèo mà thôi.
Mình không bao giờ áp đảo, đặt áp lực lên con cái. Mình chỉ khuyến khích và định hướng. Từ nhỏ khi con khóc mình không bao giờ bế mà chỉ vỗ về, con té ngã mình không bao giờ đỡ dậy mà khuyến khích con tự đứng lên.
Các con mình luôn biết rằng mẹ luôn ở bên cạnh để ủng hộ cho mình. Có những lúc ông bà còn mắng mình sao mà ác vậy, sao không bồng con, không đỡ nó lên. Mình nói hãy để tự cháu đứng lên.
Nghề nghiệp cũng vậy, mình luôn ấp ủ con thành tài. Con muốn học gì mình cũng tạo điều kiện, chỉ cần con phải quyết tâm học cho tới nơi đến chốn. Con đã bắt đầu thì phải kết thúc, không bỏ giữa chừng, dù là học đàn hay học võ. Đó là nền tảng để con không dễ dàng bỏ cuộc khi trưởng thành"
Theo chị, việc cha mẹ đặt yêu cầu cao cho con, là động lực để con phấn đấu.
"Mình không muốn con nay thế này, mai thế khác, bữa nay học đàn 3-4 bữa, mai học võ 3-4 bữa. Các con phải định hướng được sở thích và cuộc đời mình. Con nít không thể thả tự do để con tự bơi, cha mẹ cần giám sát và uốn nắn”, chị Thu Mai nói với SBS.
“Trong việc học, thành tích là để nỗ lực. Mình không yêu cầu con phải đạt 99, 100 điểm nhưng luôn đặt câu hỏi con đã cố gắng hết sức chưa. Con mình đang học trường tư và mình cũng muốn con thi vào trường tuyển.
Mình đã từng học trường tuyển và hiểu giá trị của môi trường này. Con mình biết rằng khi học trường tuyển sẽ đỡ gánh nặng học phí trường tư cho mẹ.”
Nhưng cha mẹ hãy mềm dẻo
Chị Thu Mai cho rằng sự linh động của cha mẹ là chìa khóa trong hành trình nuôi dạy con.
“Khi mình thấy con áp lực, thì mình lùi lại một bước. Các con mình hiểu rằng lời mẹ nói không phải luôn là tất cả. Chúng có thể đặt câu hỏi, mình cho con cơ hội để thảo luận.
Sẽ rất khó và không đúng khi đặt ra một tiêu chuẩn chung cho những người mẹ, khi mỗi đứa con là một cá thể hoàn toàn khác nhau. Mình có một cô con gái 11 tuổi và một bé trai 5 tuổi, tính cách khác nhau, giới tính khác nhau, nên việc dạy dỗ cho hai con cũng rất khác biệt. không thể nào lấy cách dạy bé gái mà áp đặt cho bé trai”.
Dẫu mong muốn con theo con đường khoa học, nhưng chị Thu Mai phải thừa nhận rằng ‘các con chọn lĩnh vực gì cũng được, miễn là ngành nghề các con thích’.
Có yêu thích và đam mê thì mới tỏa sáng ở công việc mà mình theo đuổi. Không gì tồi tệ bằng mỗi sáng thức dậy phải đi đến chỗ làm, làm công việc mà mình chán ghét. Có làm lên đến thẩm phán mà không thích việc mình làm thì cũng dậm chân tại chỗ.
Trong khi đó, sự thành công được cha mẹ định nghĩa hết sức khác nhau.
“Khó mà so sánh hay đong đếm được. Có cha mẹ cho rằng thành công là khi họ đào tạo được hững nhà lãnh đạo cho tương lai, hay con cái có nhiều cống hiến cho nghiên cứu khoa học, hoặc con học hành thành tài có thu nhập cao. Có cha mẹ định nghĩa thành công là con cái làm việc thiện nguyện, cống hiến cho xã hội, dù mức thu nhập thấp. Đây rõ ràng tuy thuộc vào suy nghĩ của cha mẹ.
Với mình, thành công là con cái hạnh phúc, theo đuổi được ước mơ của chúng, với sự hỗ trợ của cha mẹ. Khó mà gò ép được con theo ý mình, cha mẹ chỉ có thể đóng vai trò định hướng”.
Bác sĩ có phải là nghề…trong mơ
Chị Thu Mai chia sẻ thế hệ các em nhỏ gốc Việt thứ hai và thứ ba ở Úc có cuộc sống đầy đủ và sung túc hơn. Tư duy ép buộc con phải học bác sĩ đã thay đổi.
“Hầu hết những người bạn học cùng lứa của mình, chỉ có một số làm bác sĩ, nhưng họ không thể giàu có hay kiếm nhiều tiền bằng những người làm công việc kinh doanh, buôn bán.
Nghề bác sĩ có thể bảo đảm một công việc chắc chắn, nhưng không thể là nghề để làm giàu”.
Từ kinh nghiệm của chính mình, chị Thu Mai chia sẻ cha mẹ theo nghề nghiệp này là một sự thiệt thòi cho các con.
“Khi con mình vào lớp vỡ lòng, cô giáo làm một đoạn phim chia sẻ ước mơ của các em trong lớp. Có bé thì lớn lên thích làm công chúa, tiểu thư, có bạn thì lớn lên thích bay lên cung trăng, con mình nói như đinh đóng cột rằng muốn làm bác sĩ nhi khoa. Cô giáo giật mình khi con mình nói muốn chữa bệnh cho trẻ em, muốn làm trong bệnh viện nhi đồng Royal Children Hospital.
Vậy mà sau này, khi con vào lớp 6, cô bé nói không còn muốn làm bác sĩ nữa. Con mình phát biểu trước hội trường rằng làm bác sĩ không hề tốt cho con cái. Những người làm bác sĩ lúc nào cũng bận rộn, đêm thì vào bệnh viện trực, cuối tuần cũng phải đi thăm bệnh, không có một cuối tuần đúng nghĩa với gia đình, càng không có thời gian cho con cái. Mình muốn chia sẻ 10 góc khuất trong nghề bác sĩ để các cha mẹ tự vẽ nên bức tranh của mình…”
Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phỏng vấn chi tiết với khách mời.