Nuôi con ở Úc: Cha mẹ thay đổi thế nào để nuôi dạy con tốt hơn?

Các cam kết dù nhỏ nhưng có thể tạo ra thay đổi lớn.

Các cam kết dù nhỏ nhưng có thể tạo ra thay đổi lớn. Source: Pixabay

Trong năm mới, mọi người thường đưa ra một cam kết để thay đổi bản thân. Với những người làm cha mẹ, chúng ta hay nghĩ về những mục tiêu để thay đổi cách chúng ta tương tác, đồng hành cùng con, làm cho gia đình gắn kết và hạnh phúc hơn.


SBS: Làm cha mẹ, chúng ta thường suy nghĩ về ‘resolution’ trong năm mới để thay đổi cách nuôi dạy con, làm cho gia đình gắn kết và hạnh phúc hơn, chị Jerry Lê có làm điều này cho bản thân không?

Jerry Lê: Chào thính giả của đài. Chúc một năm mới nhiều sức khỏe và bình an!

Cám ơn Ngọc vì câu hỏi này. Ngọc làm mình nhớ đến một video gần đây mình xem. Bạn này lập resolutions đầu năm 2021, viết 3 điều trên giấy: mua được ô tô, giảm béo thành công 5 cân, và sống cuộc sống thảnh thơi, an nhàn. Cuối cùng tổng kết năm, điều đạt được là phải gạch chữ ‘tô’ đi, mua được cái ô, gạch chữ ‘giảm’, là béo thành công 5 cân , và cuối cùng là gạch chữ’ cuộc sống thảnh thơi, an nhàn’, còn lại chữ ‘sống’. Và bạn ý tick vào mỗi điều đạt được, đều rất hài lòng.

Mình kể chuyện vui ngoài lề vậy nhưng thực ra là rất đúng với thực tế của một năm đại dịch khó khăn, về mọi mặt, nhiều người mất việc, kinh doanh đóng cửa, mất người thân, việc học gián đoạn, sự lo lắng thường trực, thay đổi liên tục ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của rất nhiều người.  

Nên năm nay mình chưa có resolution gì, được ngồi đây trò chuyện với Ngọc, vợ chồng, con cái vẫn ngồi ăn với nhau bữa cơm đầu năm, ông bà và người thân mạnh khỏe, là rất may mắn và hạnh phúc rồi.

SBS: Resolution nghe có vẻ to tát và nhiều người có thể cảm thấy choáng ngợp vì nghĩ không thực hiện được. Nhưng những dự định trong năm thì chắc chị cũng có?

Jerry Lê: Đúng vậy, dự định to lớn mà không chẻ ra từng bước nhỏ, thay đổi thói quen hàng ngày thì thường đến tháng hai là từ bỏ rồi. Nhưng đúng là 2 năm đại dịch vừa qua làm mình cũng như nhiều bố mẹ có một khoảng lặng để nhìn lại cách mình vận hành cuộc sống của mình và nhận ra và tập trung vào mối quan hệ quan trọng nhất là gia đình và khoảnh khoắc giản dị hàng ngày.

Theo thống kê, 2 năm vừa rồi số người chuyển việc lên đến đỉnh điểm, nhất là những người bố, người mẹ để có thời gian nhiều và sự linh hoạt để bên con cái nhiều hơn. Mình cũng vậy, dự định năm tới muốn sống theo cách tối giản, để có thời gian tập trung chăm sóc bản thân, công việc và các mối quan hệ thật quan trọng.

Mình trân trọng cuộc sống hơn và hi vọng sẽ  đưa các con đi nhiều nơi gần gũi với thiên nhiên hơn.

Dịch bệnh cũng làm mình nhận ra cần giúp đỡ, đùm bọc người thân và cộng đồng mình hơn, hỏi an mọi người thường xuyên vì mọi việc đều có thể xảy ra.
Jerry Le, tác giả cuốn sách nuôi dạy con TIME OUT for TIME IN, hiện đang là sách bạn chạy nhất trên Amazon, thể loại làm cha mẹ.
Jerry Le, tác giả cuốn sách nuôi dạy con TIME OUT for TIME IN, hiện đang là sách bạn chạy nhất trên Amazon, thể loại làm cha mẹ. Source: Jerry Le
SBS: Tưởng là chúng ta đã vượt qua được nỗi lo về COVID rồi, nhưng đầu năm 2022 vẫn còn đám mây u ám của biến chủng omicron. Do đó mục tiêu hàn gắn, kết nối đại gia đình vẫn khá khó khăn, đặc biệt với những gia đình sống xa cách. Nghĩ về việc hàn gắn, kết nối gia đình, chị Jerry Lê có lời khuyên nào để chúng ta đạt được mục tiêu này không?

Jerry Lê: Đúng là 2 năm vừa rồi thử sự kiên nhẫn, bền bỉ và khả năng thích ứng của tất cả mọi người. Ai cũng hồi hộp chờ, hi vọng, có bao nhiêu dự định rồi lại phải hoãn lại và lại chấp nhận, chờ đợi.

Mình cũng có nhiều bạn bè vẫn có người thân ở Việt nam và dịp Tết sum vầy này thấy nhớ bố mẹ, ông bà lắm, cảm thấy có lỗi, và có lẽ là thương nhiều hơn vì ở nhà hầu như mọi gia đình tụ tập, đông vui thì bố mẹ mình không có con cháu bên cạnh.

Nhưng mình cũng biết có bạn có bố, có mẹ mất mà không về gặp mặt lần cuối được, thương lắm, nên nếu mình vẫn còn nghe được tiếng nhau, nhìn nhau qua điện thoại thì trân trọng và hi vọng một ngày đoàn tụ không xa.
Có lẽ điều quan trọng nhất để kết nối, hàn gắn gia đình là bố mẹ học cách chấp nhận và linh hoạt với những biến động bên ngoài, những điều mình không thay đổi được, ví dụ dịch bệnh chấm dứt, quay lại cuộc sống bình thường.
Nên mình nghĩ ngoài việc có những hoạt động chung cho gia đình, ví dụ như ăn ít nhất một bữa cơm trong ngày với nhau, đi leo núi, đi nhà thờ...trong năm 2022. Mình nghĩ nếu bố mẹ tìm được những cách tích cực để quản lí sự lo lắng, stress của mình tốt hơn, vợ chồng kết nối được với nhau, tạo ra sự bình an trong gia đình thì con trẻ cũng bớt bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn và thay đổi liên tục, quá tải thông tin từ trường và xã hội.

Mình sẽ nói về một số điều bố mẹ có thể làm để xử lý stress hiệu quả hơn và những điều lưu ý khi giải quyết mâu thuẫn trong gia đình.

Nếu bố mẹ biết cách giải tỏa lo lắng, stress của mình tốt hơn, thì con cái cũng sẽ bình an, gia đình sẽ vui vẻ, từng thành viên trong gia đình sẽ hạnh phúc hơn. Một số việc cụ thể có thể làm:

Nhận biết lúc nào mình lo lắng, và stress nhất để thay đổi. Ví dụ, buổi sáng dậy chuẩn bị đồ ăn sáng, ăn trưa, chuẩn bị sẵn sàng đi làm đi học. Vậy mình có thể chuẩn bị trước đồ, giao nhiệm vụ từng người làm gì, tối giản việc nấu ăn sáng, ăn gì đủ chất là không cầu kì mất thời gian. Con chuẩn bị cặp sách, quần áo, tất giầy trước, ví dụ vậy.

Nhận biết cách mình giải tỏa stress và thay thế bằng cách lành mạnh hơn. Ví dụ có người tìm đến đồ ăn, có người cáu gắt, đổ lỗi, nóng giận sang người khác, có người lau nhà cả ngày. Vậy cách lành mạnh có thể là đi bộ, tập trung vào hơi thở, tìm người bạn thân, bạn đời, để xả ‘cho tôi 10 phút để xả, không cần trả lời, hoặc giải quyết vấn đề’, viết ra những lo lắng vào quyển sổ.

Để giải quyết mâu thuẫn của vợ chồng, con cái thì điều quan trọng là cho mình và người kia một khoảng thời gian nhất định để bình tâm lại rồi mới nói chuyện. Và nếu mình dùng sự cảm thông, rồi nghệ thuật lắng nghe và ái ngữ của thầy Thích Nhất Hạnh để nói chuyện lại với nhau thì sẽ hiểu nhau và tìm cách giải quyết.

SBS: Một kỹ năng rất quan trọng trong năm tới để cha mẹ có thể đồng hành cùng con với năng lượng tích cực nhất. Chị Jerry Lê có kinh nghiệm gì về tự chăm sóc bản thân ‘self-care’ cho cha mẹ?

Jerry Lê: Đây là chủ đề mình rất tâm huyết, mình viết cả quyển sách Time out for time in để nói về 'self-care', nhất là cho những mẹ vừa đi làm, vừa nuôi dạy con, tập trung chăm sóc bản thân mình càng quan trọng. Vì mình không thể cho ai cái gì mình không có.

Với bản thân mình, để có năng lượng tích cực, chăm sóc bản thân là để ý đến cảm xúc/trạng thái của mình. Thường mình bắt đầu ngày mới thế nào? Nếu bố mẹ nào may mắn, con ngủ qua đêm, thì ngủ đủ, không thì sáng dậy, thấy bực bội, cả đêm dạy mấy lần. Vừa ngủ lại lúc 5h sáng thì chuông dậy, chưa thấy chuông các con đã đòi ăn sáng. Rồi vội vàng chở con đi học, đi đường tắc, stress không biết có đến kịp chỗ làm không.
Nếu bố mẹ tìm được những cách tích cực để quản lí sự lo lắng của mình tốt hơn, vợ chồng kết nối được với nhau, tạo sự bình an trong gia đình thì con trẻ cũng bớt bị ảnh hưởng bởi sự gián đoạn và thay đổi liên tục, quá tải thông tin từ trường và xã hội.
Đến chỗ làm thì sếp trên cho chỉ tiêu, nhân việc dưới không làm kịp, hết việc, mệt nhoài về đưa con đi học thêm và vội vàng ăn cơm tối, hùa trẻ con đi ngủ, mà mỗi việc đánh răng, ngủ buổi tối hò mãi mới vào. Đây là một ngày điển hình của bố mẹ có con nhỏ và đi làm, luôn trong tình trạng gấp gáp và bực bội. Và nếu luôn trong tâm trạng này thì khó có năng lượng tích cực.

Do đó, mình cần có một hoạt động để thay đổi trạng thái này. Đối với mình, quan trọng nhất là thể dục buổi sáng, bạn có, 15 phút hay 30 phút cũng được. Nhiều bạn than phiền thơi gian thở chẳng có nữa là thể dục. Nhưng có câu nói mình rất thích là ‘nếu bạn cho tôi 6 tiếng để chặt cây thì tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rừu thật sắc’.  Tuy dậy sớm 30 phút nhưng sẽ làm tinh thần thư thái, và sẽ thấy mọi việc trong ngày suôn sẻ hơn nhiều, mình dễ thông cảm với những việc không theo ý muốn.
Nên có những hoạt động chung cho gia đình, ví dụ như ăn ít nhất một bữa cơm trong ngày với nhau, đi leo núi, đi nhà thờ.
Nên có những hoạt động chung cho gia đình, ví dụ như ăn ít nhất một bữa cơm trong ngày với nhau, đi leo núi, đi nhà thờ. Source: Pixabay
Cân bằng năng lượng cũng rất quan trọng, hầu như mình dùng năng lượng hổ cả ngày, tức là những việc bắt buộc phải làm và năng lượng con lười (xem phim, lướt facebook) nhưng không dùng năng lượng thiên nga (làm những việc mình rất thích ví dụ chơi đàn, đọc sách, vẽ tranh, chơi puzzles, để cân bằng). Nên nếu mình dành 10, 15 phút để làm cho năng lượng thiên nga, mình sẽ thấy yêu đời, yêu bản thân hơn rất nhiều.

Nhiều mẹ nói hồi bé thích học đàn lắm mà chưa có cơ hội, thì chưa bao giờ là muộn để học.  Bố mẹ sẵn sàng không tiêc bỏ hàng trăm cho con học ngoại khóa mà đến khi mình học thì đắn đo lắm. Cái đấy cần thay đổi. Khi mình không chăm sóc bản thân tốt, mình trong tâm trạng khó chịu, năng lượng tiêu cực thì mọi thứ mình nhìn cũng không được tích cực.

Cả ngày mình sẽ toàn tập trung vào điều con làm sai, trách vợ, trách chồng làm thiếu điều này, đồng nghiệp không muốn hợp tác, và hà khắc với chính bản thân. Nên có những việc nhỏ có thể làm ví dụ như nằm trên giường thêm 5 phút, tập trung vào 3 điều mình biết ơn, đi làm việc nói trong đầu mình 3 điều mình hoàn thành hôm nay, tối trước khi ngủ, viết vào 3 điều tích cực đã xảy ra ngày hôm nay, tự vỗ vai khen mình một cái!

SBS: Cha mẹ thường rất hay ghi vào danh sách điều "Mình sẽ dành thời gian nhiều hơn cho con, bớt việc lại". Resolution này có vẻ rất phổ biến, cha mẹ nào cũng nhận ra đôi khi mình tham công tiếc việc, mà quên mất thời gian chất lượng cho con cái. Nhưng mà đặt bút xuống ghi rất dễ, làm mới khó, chị Jerry Lê nghĩ những bước nào sẽ giúp cha mẹ đạt được điều này?

Jerry Lê: Đây là vấn đề rất phổ biến với các mẹ đang làm việc. Ở nhà với con thì cảm giác tội lỗi với sếp, với bản thân vì muốn tiến xa trong công việc lắm mà không nỡ bỏ quên chăm sóc chồng con. Mà lúc ở chỗ làm lại hỏi bản thân, mình làm nhiều vậy sẽ bỏ lỡ những giai đoạn phát triển của con, liệu có đáng không?

Theo mình, mọi sự thay đổi đều bắt đầu từ ý định bên trọng, câu hỏi tại sao mình muốn thay đổi? Khi lí do sâu sa muốn thay đổi của mình đủ mạnh thì tự khắc mình sẽ đủ dũng cảm, quyết tâm và kiên trì để thay đổi. Ví dụ tại sao việc bớt việc lại và dành thời gian cho con lại quan trọng vậy.

Vì các con lớn rất nhanh, và không bao giờ quay lại là đứa trẻ nữa. Vì có thể hồi bé, bố mẹ mình đi làm suốt và mình chỉ ước bố mẹ bên mình, chơi với mình. Vì không muốn về già nhìn lại hối hận rằng giá mình dành thời gian hơn với con thì con tình cảm và quan tâm mình hơn. Nên khi nào thấy nản, mình nhắc lại lí do sâu sa của mình thì sẽ có động lực để thay đổi. 

Ví dụ như trước tiên, đối với bạn, cân bằng gia đình và con cái là thế nào? Bao nhiêu thời gian cho con, bao nhiêu thời gian cho công việc? Lúc nào là lúc con cần, và rất quan trọng, cho dù việc có bận thế nào cũng buông.

Nếu việc chưa đổi được, thì thời gian với con, làm thế nào để toàn tâm toàn ý,  ví dụ như không dùng phone, hỏi con những vấn đề con lo lắng, giấc mơ của con, tình bạn, thần tượng, những sở thích hiện tại của con (ngoài việc học tập, điểm số). Hoặc chọn một hoạt động con thích chơi và chơi hết mình. 

Thay đổi suy nghĩ chỉ có mình mới làm tốt được việc đó, không ai có thể thay thế được.

Xác định rõ công việc là một phần trong rất nhiều phần quan trọng trong cuộc sống của bạn. 

Học cách sống tối giản, ủy quyền những việc mình không làm tốt bằng thuê và học cách hạ chuẩn những việc ít quan trọng để tập trung những việc quan trọng nhất.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phỏng vấn.


Khách mời  là mẹ của hai bé gái, một nhà giáo dục, một người truyền cảm hứng về việc nuôi dạy con cái, một tác giả sách và một người coi học hỏi là sự nghiệp suốt đời.

Cô đam mê nghiên cứu về con người và các mối quan hệ từ nhỏ. Cô là tác giả của cuốn sách nuôi dạy con Time out for time in, sách bán chạy trên Amazon thể loại làm cha mẹ.

Share