Nuôi con ở Úc: Giúp con hiểu về chiến tranh Nga-Ukraine và giúp đỡ nạn nhân của cuộc chiến

Cha mẹ có cách trao đổi đa dạng về chủ đề chiến tranh với con ở những độ tuổi khác nhau.

Cha mẹ có cách trao đổi đa dạng về chủ đề chiến tranh với con ở những độ tuổi khác nhau. Source: Giang Doan, Capstan Le

"Ở nơi mình làm việc tổ chức quyên góp, mình có một đồng nghiệp là người Ukraine. Mình cho con xem trang web của bộ quốc phòng Ukraine, họ kêu gọi người dân trên thế giới hỗ trợ. Chiến tranh Nga-Ukrain giúp cả gia đình mình soi rọi giá trị của hòa bình mà mình đang được hưởng thụ và dạy con bạo lực không bao giờ là cách giải quyết xung đột hay mâu thuẫn."


Không ai đứng ngoài lề của cuộc chiến

‘Trong chiến tranh, không có phe nào thắng cuộc, chúng ta đều thua một cách gián tiếp hoặc trực tiếp’, đó là chia sẻ của anh Capstan Lê, một người cha của hai cậu con trai đang sống tại Sydney với SBS.

“Hiện tại, người dân Ukraine chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh khốc liệt, những đứa trẻ ở đất nước này bị mất đi những quyền căn bản nhất là được yêu thương, chăm sóc, bảo vệ và sống an toàn. Các em phải sống trong cảnh loạn lạc, mất nhà cửa, gia đình li tán, trường học bị phá hoại, vốn là những quyền mà trẻ em ở đất nước thanh bình như Úc đang được tận hưởng”.

Tham gia tiết mục Nuôi con ở Úc, với chủ đề thời sự và nhạy cảm “trò chuyện cùng con về chiến tranh, anh Giang Đoàn, hiện có nhiều họ hàng và người thân, bạn bè sống ở hai bờ của cuộc chiến Nga và Ukraine chia sẻ anh luôn theo dõi sát tình hình chiến sự Ukraine trên báo chí và cập nhật tin tức của người thân qua Facebook.

“Chúng ta đều thấy cảnh tượng thương tâm, những bố mẹ có con nhỏ, ông bố phải chia tay vợ con ở các nhà ga, đẫm nước mắt, những hình ảnh đau lòng khi người bố dõi mắt theo vợ con qua cửa kính ở các toa tàu…

Tất cả những người mình quen đều đã đi di tản, một số người đã đăng ký chuyến bay về Việt Nam. Thật ra họ cũng không biết phải làm gì khi về Việt Nam để sinh sống, đây cũng là một quyết định rất trăn trở, vì họ đã sống ở Ukraine 25-30 năm rồi, có người còn lâu hơn thế.
Tất cả sự nghiệp, gia đình, tài sản, sinh kế của họ đều ở Ukraine. Do vậy, họ chỉ mong là về Việt Nam lánh nạn một thời gian ngắn một vài tháng, rồi có thể quay trở lại Ukraine. Anh Giang Đoàn
Mình có một vài người bạn ở vùng miền Đông, Donbas, vùng đó mọi người cũng rất lo lắng, có khả năng là Nga sẽ tấn công khu vực này. Do đó mọi người cũng chưa biết thế nào”, anh Giang Đoàn chia sẻ với SBS.

Làm sao để giải thích với con chiến tranh là gì?

Những hình ảnh thảm khốc của khói lửa, bom đạn chiến tranh dễ dàng lọt vào mắt trẻ thơ qua những bản tin thời sự hàng ngày và len lỏi vào các cuộc trò chuyện trong gia đình.

Các con của anh Capstan Lê đặt vấn đề tại sao lại có chiến tranh. Ông bố của hai cậu con trai 8 tuổi và 10 tuổi đã gần gũi hóa xung đột giữa hai quốc gia bằng mối tương quan bạn bè, để các con mình có thể hiểu được vấn đề phức tạp một cách đơn giản và dễ hiểu qua một ví dụ.
Con có một anh bạn hàng xóm bự con và con chơi với anh này từ nhỏ. Trong thời gian gần đây, con có thêm những người bạn mới, nhưng anh bạn hàng xóm to con này lại không thích con chơi với những người bạn mới. Anh Capstan Lê
Anh ta hăm dọa nếu con không nghỉ chơi với người bạn mới, anh ta sẽ tấn công con. Nhưng mà con nghĩ rằng con có quyền chọn bạn chơi, mình muốn chơi với ai thì chơi với người đó. Do đó con tiếp tục chơi với người bạn mới này, và anh bạn hàng xóm đã tấn công con…”

Con trai lớn của anh Capstan 10 tuổi hiểu ra câu chuyện và kết luận rằng Không ai có thể cấm cản mình kết bạn với một người nào đó. Và em tự nhận định hành động của Nga là sai trái khi thể hiện quyền lực của nước lớn đi bắt nạt nước bé, sau ví sụ sinh động của cha.
Gia đình của anh Giang Đoàn đang sống tại Sydney (con trai lớn 13 tuổi và con gái nhỏ 5 tuổi)
Gia đình của anh Giang Đoàn đang sống tại Sydney (con trai lớn 13 tuổi và con gái nhỏ 5 tuổi) Source: Giang Doan
Trong khi đó, với con trai lớn đã gần 14 tuổi, anh Giang Đoàn lại có cách tiếp cận trực diện và thẳng thắn hơn khi trao đổi với con về vấn đề thời sự nóng bỏng này.

“Con trai lớn của mình rất quan tâm đến chính trị. Từ khi học lớp 3, con đã quan tâm đến chuyện bầu cử ở Anh, chuyện xã hội như lụt lội, bầu cử và tìm hiểu thông tin trên TV, Internet.

Mình cũng tranh thủ trao đổi với con các ý tưởng, chứ không phải giải thích gì nhiều. Rất may là mình hoàn toàn có thể dùng các ngôn ngữ của người lớn để trò chuyện với con", anh Giang kể lại.
Con cũng hiểu các vấn đề mâu thuẫn lợi ích giữa các nước, trong xã hội, mình giải thích thêm về mặt chính trị giữa các cường quốc. Con có những ý tưởng rất cụ thể về Putin và nhận thức rằng Putin mang tư tưởng của một nước lớn đầy áp đặt”.
Câu chuyện thời sự nóng bỏng trên mặt báo trở thành một chủ đề để hai bố con cùng trao đổi, chia sẻ kiến thức. Qua đó, anh Giang có cơ hội đặt câu hỏi để hiểu thêm suy nghĩ của con trai mình, đồng thời giải thích, đào sâu cho con thêm một số khái niệm mới.

Giúp con hiểu bạo lực không phải là giải pháp cho mọi vấn đề

Với anh Giang Đoàn, đây cũng là dịp để anh khuyến khích con đặt mình vào hoàn cảnh người khác, thể hiện sự cảm thông và giúp đỡ cho những người dân vô tội bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến.

“Ở cơ quan mình cũng tổ chức quyên góp, mình có một đồng nghiệp là người gốc Ukraine. Mình cũng cho con xem trang web của bộ quốc phòng Ukraine, họ kêu gọi người dân trên thế giới hỗ trợ. Qua đó, con trai mình có thể hỗ trợ trực tiếp cho người dân Ukraine bằng tiền của con”.

Anh Capstan chia sẻ chiến tranh Nga-Ukrain giúp cả gia đình anh soi rọi ý nghĩa và giá trị của hòa bình mà mình đang được hưởng thụ ở Úc.
Anh Capstans Le cùng vợ và hai con trai, 10 tuổi và 8 tuổi đang sống tại Sydney.
Anh Capstans Le cùng vợ và hai con trai, 10 tuổi và 8 tuổi đang sống tại Sydney. Source: Capstan Le
“Cả nhà mình mỗi sáng thức dậy cùng nhau, được ngồi ăn sáng, các con của mình được hạnh phúc cắp sách đến trường là một may mắn. Trong khi những người bạn đồng trang lứa ở Ukraine có thể không có thức ăn, sống ở các hầm trú ẩn, tính mạng bị đe dọa. Từ đó mình giảng giải cho con sự độc hại của các loại game điện tử chiến tranh, chúng có thể khuyến khích hành vi bạo lực.
Những nhà lãnh đạo độc tài, máu lạnh, những kẻ xâm lược hung hăng hay khủng bố, những kẻ dùng vũ lực để giải quyết vấn đề sẽ không tồn tại, nếu con trẻ đều được sống trong những gia đình có cha mẹ gieo cho hạt giống của tình thương, sự cảm thông và chia sẻ.
Chúng ta sẽ bớt đi việc đầu tư vào mua bán vũ khí, đầu tư cho quốc phòng. Nếu hàng trăm tỉ đô la mua bán vũ khí được đầu tư ngược cho giáo dục, trường học, bệnh viện, xã hội thì cuộc sống này sẽ tốt đẹp hơn thế nào”, anh Capstan nói với SBS.

Với con cái ở mỗi độ tuổi khác nhau, cha mẹ có thể chọn cách tiếp cận đa dạng, phù hợp để giải thích về khái niệm chiến tranh và cùng con trao đổi, mở rộng kiến thức. Anh Giang Đoàn cho biết anh đặt vấn đề với con về cách tiếp cận mâu thuẫn và giải quyết xung đột ra sao, sử dụng các phương tiện hòa giải ôn hòa ra sao.
Ở cơ quan mình cũng tổ chức quyên góp, mình có một đồng nghiệp là người gốc Ukraine. Mình cũng cho con xem trang web của bộ quốc phòng Ukraine, họ kêu gọi người dân trên thế giới hỗ trợ.
“Ở lớp của con mình có hai bạn vừa bị kỷ luật vì đánh nhau. Nhân cơ hội này, mình hướng dẫn con nếu xung đột xảy ra và mình đứng ngoài thì nên làm gì. Con của mình khá hiền và trầm tính, nếu không thích ai thì cháu sẽ không chơi. Nhưng nếu sau này khi ra ngoài cuộc sống, có những xung đột lớn hơn, thì con phải giải quyết như thế nào…” 

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phỏng vấn với hai khách mời Capstan Lê và Giang Đoàn.

Share