Nuôi con ở Úc: Có nhất thiết phải gửi con đi nhà trẻ?

Hai bé Lily và Abbie bận rộn với các hoạt động "ở nhà cùng mẹ"

Hai bé Lily và Abbie bận rộn với các hoạt động "ở nhà cùng mẹ" Source: Ha Coddington

Trẻ đi học sớm sẽ tự tin hơn trẻ ở nhà? Trẻ phải đi nhà trẻ mới có môi trường giao tiếp để phát triển kỹ năng xã hội? Cô giáo mới có trình độ sư phạm? Trẻ ở nhà sẽ rất đeo bám mẹ và không tự lập? Có đúng không…


Đôi dòng về khách mời:

Hà Coddington là mẹ của hai bé gái sinh đôi Lily và Abbie. Cô tốt nghiệp ngành giáo dục mầm non và đang sống tại Sydney.

Hà quan tâm đến việc định hướng và nuôi dưỡng hành vi của trẻ trong những năm đầu đời. Podcast "Khó đi mẹ dắt con đi" của cô trên Spotify chia sẻ những kinh nghiệm làm cha mẹ trong việc đồng hành cùng con một cách tích cực.


Với chi phí gửi trẻ đắt đỏ, rất nhiều người mẹ tại Úc quyết định ở nhà chăm con trong những năm đầu đời. Một số người mẹ không có áp lực phải quay trở lại công việc sớm sau khi sinh con, họ lựa chọn dành toàn thời gian để chăm sóc và nuôi dạy con đến tuổi mẫu giáo.

Ba năm đầu đời cũng là khoảng thời gian quan trọng nhất để trẻ phát huy tố chất, năng lực bản thân với sự đồng hành sát sao của người mẹ.

Thế nhưng, liệu ở nhà với mẹ suốt có phải là ý hay? Không đi nhà trẻ, con có bị thiệt thòi?

Hà Coddington chia sẻ với SBS các lý do bé dưới 3 tuổi không nhất thiết phải đi nhà trẻ để phát triển toàn diện.

Không cho con đi học sớm, ở nhà sẽ đeo bám mẹ và thiếu tự tin?

Hà Coddington: Mình định nghĩa sự tự tin ở trẻ, đó là trẻ yêu bản thân và tin vào năng lực của mình. Nhờ vào điều này mà trẻ mạnh dạn thử cái mới, đối diện với thử thách và đứng dậy sau vấp ngã. 

Đối với trẻ sơ sinh: sự tự tin là tình yêu thương của cha mẹ và nhu cầu của con được đáp ứng. 

Đối với trẻ 2-3 tuổi: là quyền làm chủ và ra quyết định. Con được chọn chơi với cái gì, được phép nói không... với những điều bé không muốn. 

Đối với trẻ từ 4-5 tuổi: khuyến khích khi trẻ nỗ lực làm một việc nào đó, sự tin tưởng khi trẻ được ba mẹ giao cho một vài nhiệm vụ trong gia đình như rửa chén, nhặt rau, phơi đồ.

Do đó, mình nghĩ rằng cho con đi học hay không không ảnh hưởng đến sự tự tin của trẻ. Cái quyết định là cách chúng ta, trong vai trò là cha mẹ, tương tác và hướng dẫn trẻ hằng ngày.
Nước Úc là một môi trường hoàn hảo cho cả 2 lựa chọn nếu các mẹ muốn gửi bé đi nhà trẻ hay ở nhà.
Nước Úc là một môi trường hoàn hảo cho cả 2 lựa chọn nếu các mẹ muốn gửi bé đi nhà trẻ hay ở nhà. Source: Ha Coddington
Nhà trẻ luôn được xem là một nơi để bé giao tiếp xã hội với bạn bè, thầy cô và học các kỹ năng xã hội. Nếu bé không đi nhà trẻ thì có mất đi kỹ năng này hay không?

Hà Coddington: Nước Úc là một môi trường hoàn hảo cho cả 2 lựa chọn nếu các mẹ muốn gửi bé đi nhà trẻ hay ở nhà.

Đối với trẻ ở nhà với mẹ, không có nghĩa là ở trong 4 bức tường. Mẹ có thể cùng trẻ tham gia các hoạt động miễn phí tại địa phương để bé tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa.
Sự tự tin ở trẻ, đó là trẻ yêu bản thân và tin vào năng lực của mình. Nhờ vào điều này mà trẻ mạnh dạn thử cái mới, đối diện với thử thách và đứng dậy sau vấp ngã.
Story time tại thư viện là nơi trẻ được đọc sách và hát cùng các bạn, kết hợp với các hoạt động cắt dán, tô màu.

Playgroup, hay còn gọi là nhóm chơi mà học có các hoạt động tương tự với nhà trẻ được người quản lý vườn trẻ thu xếp, thường được tổ chức tại trung tâm sinh hoạt cộng đồng, hoặc nhà trẻ của council .

Nếu lịch sinh hoạt không phù hợp với playgroup, cha mẹ có thể cho bé đi công viên hoặc sân chơi ngoài trời. Mình thường  kết bạn với những người mẹ có con nhỏ ở gần nhà. Tình bạn của trẻ cũng nảy sinh từ đó.

Vào cuối tuần, khi có đủ cả gia đình, mình cho bé đi thủy cung, sở thú hay là công viên để đa dạng hoá thế giới quan của bé.

Mọi người thường đánh giá cao kỹ năng sư phạm của các cô giáo giữ trẻ, và cho rằng ở nhà thì cha mẹ không thể dạy con bằng các cô?

Hà Coddington: Công việc nuôi dạy con luôn có thử thách nhưng cha mẹ lại không được trang bị nhiều. Phần lớn kiến thức là được truyền từ thế hệ trước hay truyền miệng . Do đó, cha mẹ nghĩ rằng do cô được học, có kinh nghiệm đi làm, nên sẽ biết nhiều hơn về cách tương tác với trẻ. Tuy nhiên đây chỉ là lợi thế ban đầu của các cô.

Với lượng thông tin miễn phí hiện nay, cụ thể là các nghiên cứu về não và tâm lý trẻ, sách ở thư viện, các bài báo hay podcast trên mạng mà cha mẹ có thể tìm đọc, khoảng cách về kiến thức về trẻ giữa cô giáo và cha mẹ theo mình là không còn nữa. Với tâm thế yêu thương con, cha mẹ luôn học hỏi không ngừng để hiểu về sự phát triển, nhu cầu và hành vi của trẻ theo từng độ tuổi.
Trẻ nhỏ cần ít nhất 3 tiếng vận động mỗi ngày.
Trẻ nhỏ cần ít nhất 3 tiếng vận động mỗi ngày. Source: Ha Coddington
Mình có quan điểm rằng không có gì quan trọng hơn việc đầu tư cho con cái. Dù trẻ có được học ở một trường tốt nhất, thì thời gian ở nhà vẫn là trách nhiệm của cha mẹ. Nên cha mẹ cần trang bị kiến thức để đồng hành cùng con.

24 giờ một ngày, con quấn quýt bên mẹ ở nhà, làm gì để vừa chơi vừa học cùng con?

Hà Coddington: Thiên nhiên rất quan trọng cho sự phát triển của trẻ. Mình hay cho con đi công viên ít nhất 1 lần/ngày. Khi chơi tự do ngoài thiên nhiên trẻ khám phá được rất nhiều điều hay.

Hoạt động trong nhà như đọc sách, hát giúp bé phát triển kỹ năng ngôn ngữ. 

Với các hoạt động về giác quan (sensory play, mình sẽ kết hợp với các hoạt động thường ngày như (chơi với cây cỏ đất cát ở công viên, nhặt rau, rửa củ quả cùng mẹ...).

Về bản chất của sensory play cũng chỉ là cho bé cầm nắm, ngửi nếm nên khi bố mẹ không thể bày ra các trò chơi như ở trường, việc cho bé tham gia cùng khiến bé vui và học được nhiều điều. 

Mẹ có thể thực hiện các trò chơi kích thích các giác quan tại nhà cho bé với các đồ vật sẵn có trong gia đình như hạt gạo, đất sét, nồi niêu, xoong chảo…
Trẻ học hỏi từ các hoạt động sờ, ngửi, cầm, nắm một cách tự do.
Trẻ học hỏi từ các hoạt động sờ, ngửi, cầm, nắm một cách tự do. Source: Ha Coddington
Mình cũng khuyến khích con tự chơi và lựa chọn các món đồ chơi có tính gợi mở, sáng tạo, chơi hoài không chán như xe, bóng, đồ chơi nhà bếp, gấu bông, thú nhựa. Nhờ đó mà bé phát huy kỹ năng sáng tạo, giải quyết tình huống...

Điều thú vị khi nhà có hai bé nhỏ trở lên chơi cùng nhau thì không khác gì bé được chơi cùng bạn trong nhà trẻ. Mình dành khá nhiều thời gian để phân xử những cuộc cãi vã, giành đồ chơi của 2 đứa nhỏ, từ dó hướng dẫn con kỹ năng cảm xúc và kỹ năng xã hội.

Cha mẹ có một lợi thế đó là tình yêu thương vô bờ bến, vô điều kiện và sự thấu hiểu con đến tận cùng. Sẽ không có cô giáo nào có thể làm tốt hơn chúng ta ở điều này. 

Mời quý vị nghe phỏng vấn với khách mời trong audio.

Share