Nuôi con ở Úc: Hướng nghiệp cho trẻ

Người trẻ tại Úc may mắn được trưởng thành trong một môi trường nhiều lựa chọn, làm được công việc đạt được khả năng tối ưu của bản thân.

Người trẻ tại Úc may mắn được trưởng thành trong một môi trường nhiều lựa chọn, làm được công việc đạt được khả năng tối ưu của bản thân. Source: Pixabay

Người Việt đề cao làm thầy hơn làm thợ, nhưng điều đó không đúng hoàn toàn trong xã hội Úc. Một thợ sửa ống nước, đầu bếp nhà hàng, hay thợ điện, thợ bánh, nghề làm đẹp tại Úc có thu nhập cao và nhiều cơ hội việc làm. Làm sao giúp con mở rộng được thế giới quan về nghề nghiệp?


Khách mời  là mẹ của hai bé gái, một nhà giáo dục, một người truyền cảm hứng về việc nuôi dạy con cái, một tác giả sách và một người coi học hỏi là sự nghiệp suốt đời.

Cô đam mê nghiên cứu về con người và các mối quan hệ từ nhỏ. Cô là tác giả của cuốn sách nuôi dạy con Time out for time in, sách bán chạy trên Amazon thể loại làm cha mẹ.


Khi nào thì cha mẹ nên bắt đầu hướng nghiệp cho con cái?

Một sai lầm là bố mẹ nghĩ trẻ con lớp 2, lớp 3 thì biết gì về việc đi làm. Cha mẹ nghĩ trẻ chưa đủ khả năng để hiểu về các công việc, ngành nghề khác nhau, nên bố mẹ bắt đầu nói chuyện về hướng nghiệp khi con  vào lớp 11, 12. Hoặc khi bắt đầu cần chọn ngành vào đại học hay nghề ra đi làm, lúc đó bố mẹ mới bắt đầu hỏi con thích làm gì, học nghành gì. Lúc đó con lúng túng không biết thích gì, có kĩ năng gì, bố mẹ lo lắng con nên đi theo hướng nào.

Bố mẹ nên nói chuyện với con về công việc, ngành nghề khác nhau từ khi con 7 tuổi, bắt đầu có sự hiểu biết, tò mò về thế giới xung quanh. Mình chưa cần hướng nghiệp là con nên đi theo việc này, việc kia. Nhưng khi các con hỏi về công việc của bố mẹ, bất kì công việc gì, nghiêm túc giải thích cho con hàng ngày làm những gì, tại sao cần làm vậy. Khi đưa các con ra công viên, cũng có thể hỏi các con rất đơn giản ví dụ như ‘con biết sao sân cỏ lại được dọn sạch tưa hế này?’, khi vào nhà hàng, hỏi con ‘con biết họ pha cà phê thế nào không?’,  đi khám răng có thể hỏi ‘tại sao cần hẹn giờ?, con biết việc hàng ngày của cô tiếp tân là làm những gì không’.

Và mình dùng những từ ngữ đơn giản để giải thích cho con từng công việc, và quá trình làm, tại sao cần làm vậy. Dần dần bạn sẽ thấy các con tò mò hỏi bố mẹ nhiều hơn. Lúc đó mình có thể giải thích và hỏi thêm ‘con có thích làm công việc đấy không?’

Theo nghiên cứu, nếu bạn không biết mình thích gì, nên làm gì, thì nhớ lai hồi nhỏ từ lúc 7 tuổi đến 14 tuổi làm gì mà thấy hứng thú nhất, tập trung, quên hết thời gian. ‘What you loved to do as a child, is a key to where your special skills and talents are’.

Trong quá trình hướng nghiệp cho con, cha mẹ cần lưu ý điều gì từ phía con?

Quan sát năng khiếu và thiên hướng của con rất quan trọng. Mình rất thích câu này Everybody is a genius. But if you judge a fish by its ability to climb a tree, it will live its whole life believing that is it stupid’. Có những trẻ rất thích nhìn toàn cảnh, nảy ra các ý tưởng mới.  Có những người lại tài giỏi trong việc kết nối với con người, học qua việc giao tiếp với người khác. Có những trẻ lại rất giỏi trong việc tỉ mỉ, đi từng bước kĩ càng trong quá trình, chắc chắn mọi việc hoàn thành trong thời gian cho phép. Mỗi một năng khiếu đó sẽ có công việc phù hợp với con.

Dr Howard Gardner cũng nói về 8 loại trí thông minh: ví dụ có trẻ vượt trội hơn về ngôn ngữ, logic toán học, kết nối với người khác, thể dục, âm nhạc, hiểu bản thân, am hiểu về thiên nhiên. Tất cả đều là "Smart", chứ không phải đứa nào học giỏi mới là thông minh. Không có nghĩa nếu con đam mê về thể thao, âm nhạc thì không cần học những cái khác, hoặc không thông minh những cái khác.
Không có nghĩa nếu con đam mê về thể thao, âm nhạc thì không cần học những cái khác, hoặc không thông minh những cái khác.
Tuổi đi học thì vẫn cần tập trung vào học căn bản, Toán, Anh Văn, và học tốt.  Nhưng bố mẹ cũng cần hiểu rằng con có những khả năng và sự thông minh riêng, đặc biệt và không so sánh với những đứa trẻ khác. Vai trò của cha mẹ là động viên và tạo điều kiện trong những lĩnh vực đó để trẻ có sự cân bằng, có gốc căn bản, và có cơ hội phát triển đam mê.

Mình có thể làm bài Personality test Myers Briggs, ở trên mạng hoặc gặp chuyên gia về lĩnh vực này. Mỗi một tính cách khác nhau họ sẽ đưa ra những nghề phù hợp với tính cách đó, để khi mình làm, mình cảm thấy tự nhiên, dễ dàng.
"Điều bố mẹ có thể làm là tin và ủng hộ con theo đuổi đam mê. Đôi khi trẻ chỉ cần một người tin vào khả năng của con để bứt phá."
"Điều bố mẹ có thể làm là tin và ủng hộ con theo đuổi đam mê. Đôi khi trẻ chỉ cần một người tin vào khả năng của con để bứt phá." Source: Jerry Le

Làm sao tạo cơ hội, khuyến khích con dấn thân, trải nghiệm nhiều điều mới để phát hiện ra sở thích của mình?

Cho con thời gian, không gian cho các hoạt động, để khơi trí tò mò, tưởng tượng và sáng tạo bằng cách hỏi con nhiều câu hỏi. Kể cả con kêu ‘chán lắm’ cũng không đưa điện thoại, Ipad. Con tự nghĩ ra trò chơi, ngồi vẽ, đọc truyện, viết truyện.  Không cần đáp ứng hết những đòi hỏi của con, để con tự nghĩ ra cách.  

Bé 2 tuổi nhà mình không hiểu sao, ghét mặc màu đen, ghi, chỉ thích mặc quần áo hoa xanh đỏ tím, vàng nên nhiều khi đi tiệc, nhà hàng sang trọng, con thích đội mũ tím, áo lanh vàng, xanh, quần len đỏ, bảo thay không thay, mình kệ để con tự do sáng tạo, kết hợp, biết đâu sau này thành nhà tạo mẫu nổi tiếng.

Dạy con về giá trị đồng tiền, sử dụng, quản lý và dầu tư thế nào.  Rèn cho con kĩ năng đưa ra quyết định. Ví dụ con đòi mua đồ chơi. Con có $50 tiền tiết kiệm, con tự lấy ra để mua. Hỏi con xem có thực sự cần không, khoảng bao nhiều thì mua.

Kỹ năng xây dựng các mối quan hệ tích cực: bao gồm nói về cảm xúc khác nhau, giải quyết mâu thuẫn. Kỹ năng này rất quan trọng cho việc làm việc theo nhóm. Kỹ năng nói chuyện trước đám đông, tổng hợp thông tin, nghiên cứu.

Điều cuối cùng quan trọng nhất là tạo cho con có suy nghĩ phục vụ và cống hiến cho cộng đồng. Mình là một nhân tố trong xã hội, nên mọi nghề mình chọn, dù là làm bánh, xây gạch, hay nhân viên văn phòng, giáo sư, bác sĩ, mục đích cuối cùng đều là phục vụ cộng đồng. Mọi sáng tạo vĩ đại cũng đều xuất phát từ mong muốn đáp ứng nhu cầu xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người. Chỉ đơn giản ‘Con nghĩ làm thế nào để giữ sân trường sạch hơn? Làm thế nào để giúp các em lớp bé chơi an toàn hơn?’

Cha mẹ có nên lựa chọn nghề "hot", hay những nghề mà xã hội cần?

Chọn nghề là do các con, khi đã đủ trưởng thành, tự tin để đưa ra những quyết định của mình. Hi vọng khi mình tạo cho các con một nền tảng tốt từ khi con bé như mình nói ở trên: nói chuyện với các con về các công việc khác nhau để các con tò mò tìm hiểu, tạo thói quen học tập có kiến thức căn bản tốt, quan sát và khuyến khích đam mê của con, dạy con những giá trị và kĩ năng mềm quan trọng, con có thể đủ tự tin đưa ra quyết định của mình. Vì con có quyết định thì mới gắn bó và vượt qua nhiều khó khăn để theo nghề.
Mình là một nhân tố trong xã hội, nên mọi nghề mình chọn, dù là làm bánh, xây gạch, hay nhân viên văn phòng, giáo sư, bác sĩ, mục đích cuối cùng đều là phục vụ cộng đồng.
Còn nếu ở giai đoạn con chưa đủ tự tin để đưa ra quyết định thì mình cần gặp chuyên gia hướng nghiệp career counselling để họ tư vấn. Nghề “hot” hay theo nhu cầu xã hội quan trọng, nhưng không quan trọng bằng việc con thấy thích thú và cảm thấy thỏa mãn với công việc mình làm.

Đôi khi để có được công việc vậy, mình sẽ phải trải qua rất nhiều việc mình không thích thú lắm để có những kĩ năng cơ bản. Đừng sợ là mình chọn sai, vì đôi khi để chọn đúng, bạn sẽ cần trải nghiệm vài lần sai.

Mình rất khâm phục các bạn trẻ bây giờ, mình thấy nhiều bạn không những giỏi vể chuyên môn, kiến thức, mà các bạn còn rất mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm và không sợ thử thách và thay đổi. Mình nghĩ các bạn trẻ cũng ý thức rất nhiều về việc hiểu bản thân để chọn nghề phù hợp. Mình mong các bạn sẽ tìm được mục đích sống để làm những việc các bạn thấy hài lòng và phục vụ được xã hội. Việc đó quan trọng hơn ngành mốt, hay theo xu hướng.
Nghề “hot” hay theo nhu cầu xã hội quan trọng, nhưng không quan trọng bằng việc con thấy thích thú và cảm thấy thỏa mãn với công việc mình làm.
Nghề “hot” hay theo nhu cầu xã hội quan trọng, nhưng không quan trọng bằng việc con thấy thích thú và cảm thấy thỏa mãn với công việc mình làm. Source: Pixabay

Nhiều cha mẹ hay định hướng trẻ những nghề mà cha mẹ có kinh nghiệm, đã làm qua, hoặc có mối quan hệ, điều này có nên hay không?

Đương nhiên trẻ sẽ ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường gua đình và công việc bố mẹ đã làm, và đấy là điều tốt. Có nhiều trẻ làm công việc y hệt bố mẹ, hoặc làm công việc có tính chất tương tự. Ví dụ như bố mẹ mình đều làm trong bệnh viện, làm việc với con người nên tuy minh không làm ngành y nhưng giáo dục cũng là phục vụ sự phát triển của con người.

Nếu con có quyết định làm theo nghề con chọn, và có thể sử dụng mối quan hệ của bố mẹ để hỗ trợ, nhất nhà lúc đầu, để xây dựng kĩ năng cơ bản để đi làm là điều thuận lợi.

Làm sao giúp trẻ mở rộng được thế giới quan về nghề nghiệp?

Trẻ rất may mắn trong xã hội hiện đại, tiến bộ, trẻ có vô số nguồn thông tin để tìm hiểu. Bố mẹ chỉ có thể giúp trong khả năng, kiến thức mình biết thôi. Bạn không thể và cũng không cần biết hết mọi thứ. Nếu trẻ có hỏi, hoặc đề cập thì lắng nghe nghiêm túc và nói để mẹ tìm hiểu thêm rồi trả lời con. Trẻ có thể tìm hiểu thêm ngành nghề từ nhà trường, bạn bè, dịch vụ tư vấn hướng nghiệp. Tìm trên Youtube, Google, các khóa học trực tuyến. Nếu mình muốn đi sâu nữa thì tìm hai nguồn đáng tin cậy là sách và những người làm trong lĩnh vực mà trẻ con tò mò muốn tìm hiểu.

Còn những bạn lớn cấp 2, có thể chủ động tự tìm hiểu. Bố mẹ có thể hướng dẫn từ nguồn nào nhưng các bạn đủ lớn để tìm hiểu và đưa ra quyết định của mình.

Kĩ năng nghiên cứu ở trường các con đã được học rồi. Bài tập giao về nhà, bố mẹ để con tự làm, có thể in tài liệu, mượn sách để con đọc nếu con cần sự giúp đỡ. Còn đưa ra quyết định để con tập từ những điều nhỏ, con chuẩn bị hộp cơm trưa gì, mặc quần áo nào, thích đi chơi ở sân nào, thích học ngoại khóa môn gì. Dần dần những quyết định quan trọng hơn, học ngành gì, làm nghề gì, yêu người thế nào, chọn ai làm bạn đời, mua nhà ở đâu.

Mọi việc đều là quá trình, nếu con không có sự rèn luyện tự những quyết định nhỏ, sẽ khó khăn trong việc quyết định lớn. Nếu không có nhiều quyết định sai thì sẽ khó có quyết định đúng.

Con có thể đam mê một lĩnh vực nào đó nhưng thực tế lại không đủ khả năng. Làm sao để giúp con theo đuổi được sở thích nhưng phù hợp năng lực?

Đúng là đam mê chỉ là điều kiện cần, chứ chưa đủ để giỏi trong một lĩnh vực.

Quan trọng là bạn phải có mục đích sống, cái này thường áp dụng cho các con khi lớn, 18, 20 tuổi, thậm chí mà nhiều bố mẹ cũng cần.

Mình sẽ cần hỏi mình những câu hỏi như, tại sao mình ở đây, trong thời gian rất có hạn ở trên đời, mình thực sự muốn làm gì để cảm thấy có ý nghĩa, mình thích phục vụ đối tượng nào, làm trong môi trường nào. Nếu như không có gánh nặng tài chính, mình sẽ làm trong lĩnh vực gì. Việc gì mình làm cảm thấy thích thú, dễ dàng trong khi các bạn mình thấy khó khăn. Nếu đi tình nguyện để giúp một đối tượng nào, mình sẽ đi giúp ai? Dần dần bạn sẽ thấy câu trả lời của mình trùng lặp và rõ ràng hơn.

Khi mình có mục đích sống, có niềm đam mê, làm thế nào để nâng cao khả năng?

Thực ra mọi thứ kĩ năng đều học được, cần 3 điều: Mindset (tư duy), motivation (động lực) và method (phương pháp).

Đầu tiên là tư duy. Nhiều trẻ đến chỗ mình nói ‘con không học được toán’. Sau 2 kì kèm có thể học rất tốt toán. Cái thứ hai là động lực có đủ lớn, để bền bỉ, không ngại sai, ngại sửa, làm cho đến khi đạt được kết quả. Thứ ba là có phương pháp. Ví dụ làm thế nào để tập trung được hơn, nhớ lâu hơn bằng cách ghi chú, vẽ sơ đồ tư duy, đọc nhanh hơn bằng cách lấy ngón tay trái chỉ theo dòng đọc, hoặc đọc theo cụm từ, chứ không phải từng từ, tập luyện mắt để đọc nhanh hơn.

Nên nếu có đam mê, mục đích sống, thì tập trung vào 3 điều trên để năng cao kĩ năng. Đương nhiên mình cũng cần linh hoạt trong lựa chọn nghề. Ví dụ mình thích làm bác sĩ nha khoa mà thì đi, thi lại vẫn không được, tài chính không cho phép, thì cần tìm các ngành khác, cũng trong y tế, phục vụ sức khỏe cộng đồng nhưng cần đầu vào thấp hơn.

Điều bố mẹ có thể làm là có niềm tin và ủng hộ con theo đuổi đam mê. Đôi khi trẻ chỉ cần một người tin vào khả năng của con để bứt phá.
Việc của cha mẹ không phải bắt con chọn cái gì, và phản đối cái gì mà giúp con có nền tảng cơ bản tốt, tự tin vào bản thân để tự đưa ra quyết định.
Việc của cha mẹ không phải bắt con chọn cái gì, và phản đối cái gì mà giúp con có nền tảng cơ bản tốt, tự tin vào bản thân để tự đưa ra quyết định. Source: Pixabay

Việt Nam có câu làm thầy hơn làm thợ, ý ca ngợi những nghề nghiệp chuyên môn, nhưng điều đó không đúng hoàn toàn trong xã hội Úc. Một thợ sửa ống nước, đầu bếp nhà hàng, hay thợ điện, thợ bánh tại Úc có thu nhập cao và nhiều công việc, hơn cả những người làm văn phòng.

Chị nghĩ sao về điều này?

Như vậy là các bạn trẻ rất may mắn được trưởng thành trong một môi trường có nhiều lựa chọn, làm được công việcđạt được khả năng tối ưu của bản thân, cảm thấy hài lòng và được trả xứng đáng. Vì nếu bạn nghĩ, nếu mình làm việc toàn thời gian ít nhất 8 tiếng một ngày, cộng đi lại, làm thêm là 10, 12 tiếng một ngày, chiếm gần một nửa thời gian của mình. Nếu mình lại làm công việc, chỗ làm mình khó chịu, không hòa hợp được với văn hóa, đông nghiệp, không thấy được coi trọng, không thỏa mãn được sự đam mê, không phát triển được bản thân, thì ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe thể chất, tinh thần và chất lượng cuộc sống của mình.

Nên chính bản thân mình thấy rất may mắn được ở trong môi trường được sống và làm việc thật với khả năng đam mê của mình.

Cha mẹ Việt khi qua Úc có thể vẫn còn mang tư tưởng này nên có thể không đồng ý nếu con muốn học làm bánh, hay một nghề nào đó như trang điểm, làm tóc, làm đẹp chẳng hạn.

Mỗi người đều có một ‘sân chơi’ riêng của mình. Ví dụ sân chơi của mình là giáo dục trẻ con, tư vấn bố mẹ để giúp thế hệ sau phát triển.

Nếu con bạn đã muốn đi vào ‘sân chơi’ là làm bánh để có thể thỏa mãn sự sáng tạo nặn nhào các loại bánh khác nhau, và rất thích phục vụ nhìn mọi người thưởng thức hương vị ngon của bánh. Hoặc con bạn thích làm thợ xây vì rất khéo chân tay, tỉ mỉ từng việc nhỏ, thích làm việc ngoài trời với thiên nhiên, thì đấy là sân chơi của con. Bạn mà bắt con theo ý bạn, phải ngồi một chỗ nghiên cứu ở văn phòng trong khi con thích chạy quanh nhà hàng, bạn bắt con phải cầm bút để viết bảng trong khi con suốt ngày chỉ nghĩ dụng cụ gì có thể làm tường này xây vừa nhanh, vừa đẹp thì con bạn sẽ rất khó chịu. Câu hỏi là bạn muốn con có một cuộc sống sau này thế nào?

Bạn cần hiểu rằng sân chơi của bạn là nhà hàng, ngoài vườn, hay trong bàn mổ, phòng khám răng, ngồi bàn máy tính, chúng ta đều giống nhau, đều muốn sử dụng chuyên môn của mình để phục vụ, làm việc có ích cho xã hội.

Nên việc của cha mẹ không phải bắt con chọn cái gì, và phản đối cái gì mà giúp con có nền tảng cơ bản tốt, tự tin vào bản thân để tự đưa ra quyết định, tự chịu trách nhiệm với lựa chọn của con.  Và bố mẹ khuyến khích con học sâu, sáng tạo, làm thế nào để dịch vụ của mình có thể cải thiện cuộc sống của người khác tốt hơn,

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe nguyên văn phần phỏng vấn với khách mời Jerry Le.

Share