Nuôi con ở Úc: Đại dịch thử thách và kết nối mối quan hệ ông bà cháu

Nhiều người cao niên bị cô lập về mặt xã hội.

Nhiều người cao niên bị cô lập về mặt xã hội. Source: Getty Images/Jose Luis Palaez Inc

Rất nhiều ông bà giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc cháu, đỡ đần cho con cái. Việc không thể giữ các cháu cho con đi làm phần nào ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt của các gia đình Việt Nam. Với những bậc cao niên sống riêng, cách nào để ông bà vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ gần gũi với con cháu và vơi đi nỗi cô đơn trong thời gian dịch bệnh?


Ông bà đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống gia đình Úc. Khi chính phủ khuyến cáo người cao niên nên ở nhà, mối quan hệ gia đình giữa ông bà và con cháu đang thay đổi.

Trước khi đại dịch COVID-19 diễn ra, nhiều người cao niên Úc vẫn chưa thể nắm bắt các kỹ năng sử dụng internet. Nhiều người vẫn gặp khó khăn trong việc dùng các thiết bị kỹ thuật số của họ.

Nghiên cứu của Trung tâm Tác động Xã hội cho thấy một phần ba trong số những người trên 50 tuổi có trình độ sử dụng các thiết bị kỹ thuật số thấp hoặc không sử dụng một thiết bị kỹ thuật số và Internet. Xu hướng này tệ hơn với những người ở độ tuổi 70.

Việc phải sử dụng các thiết bị kỹ thuật số để giao tiếp và nhìn mặt con đã làm gia tăng cảm giác lo lắng và cô đơn ở những người cao tuổi. Bà Elisabeth Shaw, một nhà tâm lý học kỳ cựu, cho biết.

“Nhiều bậc ông bà đang gặp khó khăn, họ cảm thấy khó chịu và cô lập vì nhiều người không thể nhìn thấy cháu của họ trong thời gian này. Trong khi một số người đã quen thuộc với công nghệ, một số người khác gặp rất nhiều khó khăn. Do đó cách các ông bà cháu liên lạc với nhau rất khác biệt.”
Ông bà kể chuyện cho cháu qua các cuộc gọi video.
Ông bà kể chuyện cho cháu qua các cuộc gọi video. Source: getty images
Bà Shaw nói rằng việc không thể ôm ấp, gần gũi các cháu đặc biệt khó khăn đối với nhiều ông bà, những người vốn chịu trách chăm sóc và nuôi dưỡng các cháu của họ. Tổ chức tư vấn tâm lý của bà nhận một lượng lớn các cuộc gọi từ những người cao niên bị cô lập về mặt xã hội.

Với những người cao niên gốc Việt tại Úc, đại dịch đã ảnh hưởng đến mối quan hệ của họ với con cháu như thế nào?

Ông Thiện Châu, Hội trưởng hội thân hữu cao niên NSW chia sẻ những tâm sự của đồng hương gốc Việt.

“Khi chúng tôi bắt đầu đóng cửa hội thân hữu cao niên NSW theo yêu cầu của chính phủ, tôi nhận được 5-7 cuộc gọi của các hội viên. Ban đầu các bác đều cảm thấy mặc cảm vì có cảm giác bị xa lánh. Nhưng rồi sau đó khi được giải thích rằng việc cách ly là để giữ sức khỏe cho người già, vì hệ miễn dịch của chúng ta yếu và dễ lây nhiễm với con virus này, thì các bác đều vui vẻ chấp nhận.
7-month-old Calvin, interacts with his grandparents on a FaceTime video call
7-month-old Calvin, interacts with his grandparents on a FaceTime video call Source: SBS
Có lẽ người Việt chúng ta sống trong kham khổ quen rồi, lại nhận thức về sự nguy hiểm của virus nên mọi người đều tuân thủ rất nghiêm túc các quy định của chính phủ”, ông Thiện Châu nói với SBS.

Với nhiều gia đình gốc Việt tại Úc, rất nhiều ông bà giữ vai trò quan trọng trong việc chăm sóc cháu, đỡ đần cho con cái khi chúng đi làm. Việc không thể giữ các cháu cho con đi làm phần nào ảnh hưởng đến nếp sinh hoạt của các gia đình Việt Nam.

Ông Châu chia sẻ với SBS nhiều phụ huynh trẻ mất đi một nguồn trợ giúp đáng kể từ ông bà.
Ông bà giữ các cháu giúp cho cha mẹ, đưa đón chúng đi học. Do đó, khi đại dịch xảy ra và ông bà bị cách ly, nhiều cha mẹ phải gửi con thêm. Việc này tốn kém, cha mẹ có cảm giác không an tâm. Nhiều khi buổi chiều đi làm về phải cập rập đi đón con liền vì sợ bỏ con bơ vơ.
Trước khi đại dịch xảy ra, nhiều ông bà thường chăm sóc, đón cháu về nhà, tắm rửa và lo cho cháu bữa tối, nhắc nhở cháu xem lại bài vở trước khi cha mẹ đi làm về. Có ông bà nói tiếng Việt với các cháu, đứa bé nào gần gũi với ông bà thì đều nói tiếng Việt rất tốt. Bây giờ mọi thứ đều khác.

Chúng tôi không thể đỡ đần con cháu, chỉ mong đại dịch mau qua, để mình có thể tiếp tục giúp đỡ các con các cháu”, ông Châu cho SBS biết.

Người Việt tại Úc vẫn giữ nếp sống nhiều thế hệ trong cùng một gia đình. Việc các cháu, các con ở nhà làm việc, nghỉ học trong một thời gian dài như vậy là một “hạnh phúc bất ngờ” với các bậc cao niên.
Nhiều phụ huynh trẻ mất đi một nguồn trợ giúp đáng kể từ ông bà.
Nhiều phụ huynh trẻ mất đi một nguồn trợ giúp đáng kể từ ông bà. Source: AAP
Ông Thiện Châu tâm sự: “Nhiều bác cao niên qua Úc sống hay chia sẻ với chúng tôi các bác cảm thấy cô đơn khi con cháu đi học đi làm suốt ngày, chỉ thui thủi ở nhà. Do đó khi đại dịch diễn ra, đông đúc con cháu quay quần ở nhà thì các bác cảm thấy rất vui và hạnh phúc, không hề thấy phiền quấy hay ồn ào chút nào”.

Với những bậc cao niên sống riêng, cách nào để ông bà vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ gần gũi với con cháu và vơi đi nỗi cô đơn trong thời gian dịch bệnh?

Rất nhiều các gia đình thuộc các nguồn gốc văn hóa khác nhau đang sáng tạo trong cách giữ liên lạc giữa ông bà và các cháu nhưng vẫn không vi phạm các quy tắc giữ khoảng cách xã hội.

“Một số gia đình và những đứa trẻ đến viếng thăm ông bà và đứng trong vườn nói chuyện qua cửa sau hoặc cửa sổ để ông bà vẫn thấy chúng. Tôi đã biết một số gia đình còn tổ chức các buổi dã ngoại trong vườn. Ông bà ở trong nhà nhưng họ cùng trò chuyện hoặc gọi điện thoại cho nhau.

Tôi biết một gia đình, hai bà cháu nấu ăn cùng nhau. Người bà hướng dẫn qua điện thoại, và sau đó anh ấy làm theo. Họ thực sự nấu ăn cùng nhau, sau đó họ ngồi trò chuyện và ăn những gì họ đã nấu. Đó là một điều thực sự thực sự đơn giản nhưng mang lại niềm vui”, chuyên viên tâm lý Shaw nói với SBS.

Mời quý vị nghe chia sẻ của ông Thiện Châu, Hội trưởng Hội thân hữu cao niên NSW trong phần audio.

Share