Ở khu vực Trung Tây New South Wales, một nông dân thế hệ thứ năm, Rob Lee cho biết anh chưa bao giờ chứng kiến tình trạng hạn hán tồi tệ như năm nay. Anh đã chi hơn 100.000 đô la để có nguồn nước khoan cho đàn gia súc của mình, vì đập nước của anh đã bị khô hạn.
"Tôi đã nghĩ về biến đổi khí hậu trong 15 năm... Trong thời kỳ khô hạn này, gia súc có giá rất cao vì thức ăn dành cho chúng rất đắt và chúng cũng ăn uống rất nhiều trong cơn sóng nhiệt."
Một báo cáo mới của Hội đồng khí hậu dự đoán vùng Trung Tây của New South Wales sẽ tiếp tục đối mặt với tình trạng hạn hán và tại các thành phố, lượng khí thải nhà kính tăng có thể khiến Sydney và Melbourne chứng kiến những ngày hè nóng đến 50 độ vào cuối thế kỷ này.
Chủ tịch Hội đồng khí hậu Úc, bà Amanda Mckenzie cho biết, điều này có thể dẫn đến ba hiện tượng thời tiết khắc nghiệt gồm sóng nhiệt, hạn hán và cháy rừng trong mùa hè tới.
"Chúng ta sẽ chứng kiến tình trạng cháy rừng tồi tệ hơn. Chúng ta sẽ thấy sóng nhiệt là một thảm họa. Sóng nhiệt là sát thủ thầm lặng ở Úc, giết chết nhiều người Úc hơn bất kỳ hiện tượng thời tiết khắc nghiệt nào."
Theo Nha khí tượng, hầu hết các nơi ở Úc sẽ chứng kiến nhiệt độ trên ngưỡng tối đa vào mùa hè này, và khu vực Đông Úc sẽ khô hạn hơn bình thường.
Hội đồng khí hậu cho biết tình trạng khí hậu sẽ tệ hơn trong những thập kỷ tới.
Một số bác sĩ, như bác sĩ y tế công cộng Kate Charlesworth cảnh báo tình trạng này có thể tác động đáng kể đến sức khỏe con người.
"Chúng tôi đã lên tiếng về việc kiểm soát asbestos và thuốc lá, vì vậy chúng tôi có trách nhiệm phải lên tiếng về biến đổi khí hậu. Khói từ các đám cháy có chứa carcenagens, đặc biệt là carbon monoxide và những chất khác, chúng vô cùng có hại cho sức khỏe con người, tương đương với việc hút 40 điếu thuốc mỗi ngày."
Tại các vùng thuộc Sydney đang gặp phải chất lượng không khí nguy hiểm, những người mắc bệnh hen suyễn, như Lesley Mack, đang cảnh giác cao độ.
"Tất cả những gì tôi làm là xác định chất lượng không khí và những điều tương tự."
Những lo ngại về chất lượng không khí được giám đốc điều hành của Asthma Australia, Michele Goldman chia sẻ.
"Bệnh hen suyễn có thể được xem là lời cảnh báo sớm, để chúng ta biết rằng chất lượng không khí kém có tác hại đáng kể đến sức khỏe, nhưng điều đó thường khó nhận biết và những tác hại chỉ được nhìn thấy trong nhiều năm."
Theo các chuyên gia y tế, sóng nhiệt có thể làm giảm khả năng điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể con người luôn ở mức an toàn, gây ra nhiều triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn, đổ mồ hôi quá nhiều, chuột rút, thở nhanh hoặc khát nước dữ dội...
Nếu nhiệt độ cơ thể của một người tăng lên trên 40 độ C trong thời gian đủ dài mà không được hạ nhiệt kịp thời có thể dẫn tới hiện tượng đột quỵ do sốc nhiệt, gây biến chứng nghiêm trọng, hủy hoại các cơ quan trong cơ thể và khu vực thần kinh, thậm chí tử vong.
Hồi tháng 7 vừa qua, nhiều khu vực của châu Âu bị “thiêu đốt” bởi 2 đợt nắng nóng khiến nhiệt độ tăng cao vượt ngưỡng thông thường. Nhiệt độ được ghi nhận tại Paris trong ngày 25/7 đã lên đến mức kỷ lục 42,6 độ C. Chính phủ nhiều nước như Anh, Pháp, Bỉ đã đưa ra các cảnh báo đỏ về thời tiết kèm theo lời kêu gọi người dân bảo vệ sức khỏe.
Cùng thời điểm đó, nhiều khu vực của nước Mỹ cũng đã trải qua một đợt nắng nóng đỉnh điểm, ảnh hưởng tới cuộc sống của gần 1/3 dân số nước này.
Nói đến hiện tượng thời tiết thất thường thì không thể nhắc đến nạn cháy rừng đang diễn ra ở Úc, trong đó những vụ cháy rừng với mức độ thảm họa đã tước đi mạng sống của 4 người và hủy hoại hàng trăm ngôi nhà thuộc hai tiểu bang New South Wales và Queensland. Mức độ tồi tệ xảy ra được cho là kết quả của quá trình biến đổi khí hậu. Đó là kết luận của một liên minh gồm 23 nhà lãnh đạo của các cơ quan cứu hỏa và cứu cấp tại các tiểu bang và vùng lãnh thổ, liên minh được biết đến với tên gọi Các nhà lãnh đạo hành động khẩn cấp vì biến đổi khí hậu.
Tính đến nay, cháy rừng đã thiêu hủy một phần lớn trong công viên quốc gia New South Wales ở Úc, trong đó có 20% diện tích di sản thiên nhiên thế giới Blue Mountains. Trong khi đó, khu vực di sản thế giới ở rừng mưa Gondwana cũng bị phá hủy nghiêm trọng bởi những trận cháy rừng đã kéo dài từ tháng 7. Hội đồng Bảo tồn thiên nhiên New South Wales cho biết thiệt hại xảy ra tại Blue Mountains và Gondwana là một "thảm họa toàn cầu.”