Đài Loan là lựa chọn đầu tiên của nhiều người Hồng Kông, khi họ cảm thấy cần phải rời khỏi cựu thuộc địa của Anh.
Năm ngoái, hơn 5.000 người Hồng Kông đã được chính phủ Đài Loan phê chuẩn đến sinh sống tại đảo quốc này.
Nhưng bất chấp sự thoải mái của những món ăn quen thuộc, tại quán cà phê quen thuộc như quán “Bảo vệ phong trào Dù” ở Đài Bắc, một người Hồng Kông tên là Winnie nói các cuộc đối thoại thường xảy ra thật nghiêm túc.
‘Dưới sự cai trị của Anh quốc, không có dân chủ vì chúng tôi không thể bỏ phiếu cho thống đốc của mình - nhưng chúng tôi có tự do. Còn dưới sự cai trị của Trung Quốc, sự tự do sẽ ra đi, nó sẽ đi mãi, đi mãi, cho đến một ngày tự do hoàn toàn biến mất.’
Cô Winnie chuyển đến Đài Loan vào năm 2014 sau những cuộc biểu tình chống lại quyết định của Bắc Kinh về việc sàng lọc ứng cử viên trước cuộc bầu cử lãnh đạo Hồng Kông.
Năm ngoái, lại có thêm nhiều người Hồng Kông cũng qua Đài Loan ở như cô, khi Trung Quốc tung ra một dự luật có thể dẫn độ những người bị tình nghi phạm tội kinh tế, về đại lục xét xử.
Đài Loan chấp thuận cho người dân Hồng Kông thường trú nếu họ có thể đầu tư 200.000 đô la để khởi sự kinh doanh ở Đài Loan, hoặc họ phải tìm được một công việc có mức lương cao hơn mức trung bình.
Ngoài ra, họ phải kết hôn với một người Đài Loan hoặc ghi danh học đại học.
Nhiều người không đáp ứng được những yêu cầu này và chỉ được nhận visa du lịch.
Tại hội thánh Tsinan Presbyterian, mục sư Hoàng Chính Song từng giúp đỡ hơn 200 người biểu tình ở Hồng Kông trong những tháng gần đây, một số người thậm chí đến đây với hai bàn tay trắng.
‘Nhiều thanh niên đến đây một mình. Một số học sinh được cha mẹ đưa đến. Những người khác là các nhà hoạt động đấu tranh tích cực nhất. Bạn bè của họ đã bị bắt và cha mẹ họ lo lắng rằng họ cũng sẽ bị bắt đi. Vì vậy, họ đã mang con cái mình đến đây. Chúng tôi giúp đỡ họ tìm trường học’.
Mục sư Hoàng tin rằng đạo luật an ninh quốc gia có ý nghĩa là những người biểu tình trẻ tuổi này sẽ không còn được tòa án Hồng Kông bảo vệ.
Ông nói Trung Quốc có thể gán cho những người biểu tình tội 'lật đổ', và các quan chức của Đảng Cộng sản có thể điều hành luật pháp như thể Hồng Kông là bất kỳ thành phố nào thuộc Trung Quốc đại lục.
Tuy nhiên nhìn chung thì xã hội Đài Loan mang tư tưởng bảo thủ và không cho phép quá nhiều người nhập cư.
Ngay cả một người nổi tiếng như người bán sách tại Hồng Kông, ông Lâm Vĩnh Ký, cũng không chắc ông ta có thể thường trú tại Đài Loan.
Ông Lâm từng bị chính quyền Trung Quốc giam giữ năm 2015 vì bán các cuốn sách nhạy cảm về chính trị, từ đó đã nổ ra các cuộc biểu tình lớn ở Hồng Kông.
Ông nay cư trú tại Đài Bắc với một visa lao động tạm thời, và ông quản lý một cửa hàng sách, giống như cửa hàng sách Causeway Bay cũ tại Hồng Kông, phiên bản Đài Loan.
Ông nói ông không chắc chắn là mình có muốn quay lại Hồng Kông trong tương lai hay không.
‘Mong muốn là một chuyện nhưng việc tôi có thể quay về hay không lại là một chuyện khác. Tôi đã quen với cuộc sống ở đây, tôi cảm thấy an toàn ở đây và đây là một xã hội dân chủ. Tôi cũng không thể quay lại Hồng Kông nữa’
Quay trở lại tiệm cà phê mang tên “Bảo vệ phong trào Dù”, các khách hàng đang thưởng thức món ăn nhẹ yêu thích ở Hồng Kông, đó là bánh dứa ăn kèm với bơ.
Những người Hồng Kông ngồi bên cạnh những người dân địa phương.
Một vài khách hàng người Đài Loan trong đó có cô Lin vốn ủng hộ nền dân chủ Hồng Kông nhưng mong muốn tránh đối đầu với Trung Quốc đại lục.
‘Dĩ nhiên người Đài Loan thật sự muốn sinh sống bình yên. Những người thuộc thế hệ cha mẹ tôi đã chiến đấu trong cuộc chiến tại Trung Quốc đại lục, mọi thứ rất khó khăn và đau buồn cho họ. Thế hệ của tôi đã không trải qua một cuộc chiến nào và tôi vẫn hy vọng chúng ta có thể giải quyết vấn đề một cách hòa bình. Đó sẽ là điều tốt nhất cho tất cả mọi người’.
Còn đối với Winnie và những người nhập cư Hồng Kông khác, họ hy vọng việc thúc đẩy một nền dân chủ sau cùng cho Hồng Kông vẫn sẽ tiếp tục, từ chính ngôi nhà mới của họ ở Đài Loan.