Tại một phòng chờ thuộc bệnh viện đại học Hadassah, Jerusalem. Anh Shuki Rock trang bị kín mít từ đầu đến chân với bộ đồ bảo hộ, găng tay, khẩu trang và kính bảo vệ che gần hết khuôn mặt.
‘Tôi giúp đỡ mọi người nơi đây đôi khi chỉ là đi mua cho họ ly cà phê, hoặc nước uống, giúp di chuyển đồ đạc, lau chùi ghế ngồi và bàn. Mọi người ở đây đều cô đơn về cả tinh thần và cảm xúc’.
Bên trong một khu vực được phong kín, anh Shuki xuất hiện và gọi nhân viên ở bên ngoài đến giúp.
Anh cần lấy một vài chai nước cho người bệnh.
Dự án đã phát triển vài tháng nay, theo lời bệnh viện tại Jerusalem, đây là dự án đầu tiên trên thế giới mời những thiện nguyện viên là người sống sót sau khi nhiễm coronavirus đến giúp đỡ các bệnh nhân đang bị lây nhiễm.
Anh Rock nói cả anh và vợ mình đều sẵn sàng giúp các bệnh nhân khác.
‘Hai vợ chồng tôi đều bị nhiễm virus. Nhà thương Hadassah đã nảy ra ý tưởng này, khi mời những người bệnh đã khỏe mạnh, được miễn dịch, có thể quay lại phòng bệnh để giúp đỡ các bệnh nhân khác. Khi hai vợ chồng tôi biết đến dự án này, chúng tôi đã nói rằng “đây cũng là những gì chúng tôi mong mỏi”, và tôi cho rằng đây là một cơ hội để bày tỏ lòng biết ơn.’
Trong bệnh viện có một phòng quan sát, nơi đặt rất nhiều màn hình máy tính. Nhân viên có thể nhìn thấy bệnh nhân COVID-19 qua những màn hình này.
Bệnh viện đại học Hadassah đang khám bệnh cho khoảng 100 bệnh nhân, y tá trưởng Yevgeny Frank Kaminetski đang thực hiện nhiệm vụ hàng ngày của mình.
Ông rất bận rộn – nhiều y tá khác đã bị nhiễm virus và các ca làm việc đang bị quá tải.
Ông nói áp lực của nhân viên trong bệnh viện còn đến từ những bệnh nhân cáu kỉnh vì bị cách ly.
‘Các bệnh nhân ở đây rất cô đơn. Họ không thể đón tiếp ai vào thăm. Không gia đình, không bạn bè, không một ai cả. Chỉ có các nhân viên bệnh viện mặc đồ như người ngoài hành tinh đi qua đi lại trước mặt. Vì vậy thật quan trọng nếu có ai đó có thể đến với họ, ngồi xuống bên cạnh họ và trò chuyện.’
Còn anh Shuki Rock nói:
‘Có một người đàn ông trong phòng và tôi bước vào chào hỏi ông ta, giới thiệu tôi là thiện nguyện viên. Tôi hỏi ông là hôm nay ông cảm thấy thế nào. Ông ta đã ngước lên nhìn tôi và nói “tôi cảm thấy thế nào ư?”, sau đó ông ta òa khóc trong 10 phút, vừa khóc vừa nói trong giận dữ, hoàn toàn không biết điều gì đang xảy ra.’
Khu vực điều trị bệnh nhân nhiễm coronavirus nay đón thêm 30 thiện nguyện viên.
Tất cả các thiện nguyện viên đều được xét nghiệm để bảo đảm họ có khả năng miễn dịch sau khi đã nhiễm virus trước đó. Họ cũng là những người hiến máu nếu điều này là cần thiết.
Tuy nhiên cho tới nay khoa học vẫn chưa rõ là sau khi nhiễm virus thì một người có khả năng miễn dịch bao lâu và như thế nào. Vì vậy những thiện nguyện viên vẫn phải mang quần áo bảo vệ và trang thiết bị che kín mặt giống như các y tá.
‘Tôi nghĩ rằng tôi đã được bảo vệ khi mặc đồ giống như y tá. Thêm nữa tôi còn có khả năng miễn dịch. Vì vậy trong tình huống xấu nhất, tôi cũng sẽ giống như những người khác đã từng đi vào đây.’
Giám đốc của các Y tá, Tiến sĩ Rely Alon nói chương trình được xây dựng dựa trên ý tưởng ban đầu của bệnh viện.
‘Các thiện nguyện viên chăm sóc tất cả mọi người – từ người Ả Rập, Do Thái hoặc Công giáo, không phân biệt ai cả. Đây là tầm nhìn của bệnh viện quốc tế Hadassah, đây là giá trị của chúng tôi. Một trong những vấn đề lớn của dịch bệnh này là cần có ai đó bên cạnh bạn, nắm tay bạn và trò chuyện với bạn. Tôi nghĩ làm được điều này là đã chiến thắng dịch bệnh được một nửa.’
Chương trình sẽ lan tỏa tiếp tục sang bệnh viện thứ hai tại Jerusalem.
Anh Shuki biết anh không thể thay thế thuốc trị bệnh nhưng anh nghĩ khi anh kể lại kinh nghiệm của mình thì sẽ giúp được các bệnh nhân khác.
‘Đó là tất cả những gì tôi có thể làm. Nó không thấm vào đâu so với công sức của đội ngũ ở đây, từ y tá, bác sĩ và nhiều người khác. Tôi chỉ muốn giữ cho mọi thứ thật sự đơn giản.’
Và quý vị có thể cập nhật tin tức mới nhất về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus