Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg đã tuyên bố bản Ngân sách thứ ba trong sự nghiệp của mình, trong đó đặt ra những khoản chi tiêu mới trị giá hàng tỷ đô la nhằm giúp kinh tế Úc tiếp tục phục hồi sau khi bị suy thoái vì COVID-19.
Đó là một gói ngân sách vừa thu hút những lời chỉ trích xen lẫn sự tán dương.
Ngân sách năm 2021-22 ưu tiên cho việc chăm sóc cao niên với 17,7 tỷ đô la sắp chi ra nhằm vực dậy lĩnh vực này.
Hội đồng Cao niên Úc hoan nghênh khoản tài trợ, nhưng bà Carolyn Smith đến từ Nghiệp đoàn Công nhân nói số tiền này vẫn chưa đủ.
‘Ngân sách này là sự phản ánh của những câu chuyện kinh hoàng hé lộ trong cuộc điều tra của Ủy ban điều tra Thượng viện về chăm sóc cao niên, đó là những vấn đề thực sự đang xảy ra trong các viện dưỡng lão chẳng hạn như việc bỏ bê người già, hày những người Úc cao niên đã xây dựng đất nước nay không được chăm sóc theo đúng cách mà họ xứng đáng được hưởng. Vì vậy, mặc dù mới nhìn thì có vẻ như ngân sách chi ra rất nhiều tiền, nhưng nó vẫn chưa đủ thậm chí nó quá ít ỏi... quá ít và quá muộn. Cũng như hoàn toàn không đặt ra những vấn đề đầy đủ về sự giám sát chi tiêu món tiền này như thế nào, để bảo đảm rằng các nhà cung cấp dịch vụ dưỡng lão phải chịu trách nhiệm với số tiền mà họ được nhận.’
Chương trình Bảo hiểm Khuyết tật Quốc gia NDIS dự kiến sẽ được nhận 13,2 tỷ đến năm 2023-24, mà những người ủng hộ hy vọng khoản tài trợ bổ sung trong ngân sách này sẽ giúp mở ra những cuộc thảo luận về sự bền vững của chương trình NDIS trong tương lai.
Ông David Moody thuộc Dịch vụ Khuyết tật Quốc gia trả lời SBS News rằng ngân sách báo hiệu bước tiếp theo của một cuộc đối thoại công khai về chương trình này.
‘Chúng tôi thực sự nghĩ rằng ngân sách tối nay đã thể hiện được một tuyên bố rằng tất cả các đảng phái chính trị cần phải từ bỏ mục tiêu chính trị, để đạt được một cuộc đối thoại quan trọng trên toàn quốc về kế hoạch NDIS, cũng như làm cách nào để bảo đảm tính khả thi của chương trình NDIS trong tương lai.’
Một khía cạnh quan trọng khác của ngân sách là tài trợ cho các hoạt động của phụ nữ.
Ngân sách giai đoạn 2021-22 đã chú ý đến “những tiến bộ đích thực” dành cho phụ nữ với 3,4 tỷ đô la chi ra nhằm tài trợ cho sự an toàn của phụ nữ, bảo đảm về kinh tế, sức khỏe và hạnh phúc của nữ giới, trong đó bao gồm sự tài trợ cho lĩnh vực chăm sóc trẻ em để tăng thêm sự tham gia của nữ giới vào lực lượng lao động.
Kết quả cũng cải thiện hơn cho nữ giới khi đến tuổi về hưu, với quyết định loại bỏ ngưỡng 450 đô la một tháng, mà theo đó chủ nhân không cần phải trả cho người lao động khoản bảo lãnh hưu trí nữa.
Tuy nhiên, bà Eva Sheerlinck CEO của Quỹ hưu bổng Úc nói ngân sách đã không tính đến các phụ nữ nghèo khó.
‘Còn rất nhiều việc phải làm nhằm mang lại sự công bằng và giúp phụ nữ bắt kịp nam giới về khoản tiết kiệm hưu bổng. Phụ nữ là nhóm người vô gia cư phát triển nhanh nhất tại Úc nên chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa. Ngân sách này đã tài trợ cho một nhóm nhỏ phụ nữ một món tiền nhỏ và một vài lợi ích nào đó về hưu bổng của họ. Nhưng chúng tôi rất thất vọng vì không nhìn thấy có một sự tài trợ nào cho những người đã nghỉ hưu, những người không có bất kỳ khoản tiết kiệm nào trong quỹ hưu bổng của họ để giúp tăng thêm món tiền tiết kiệm, và đặc biệt là những người đã rút sớm quỹ hưu bổng vì đại dịch.’
Các doanh nghiệp nhỏ là một trong những người chiến thắng trong ngân sách này vì họ có thể hưởng lợi hơn 45,4 triệu đô la trong các chương trình thiết kế dành riêng cho họ, chẳng hạn chương trình cải thiện các giải pháp kỹ thuật số cho doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp gia đình nhỏ sẽ nhận được 8 triệu đô la khi họ phục hồi sau đại dịch COVID-19 cũng như khoảng một triệu đô la sẽ được chi để hỗ trợ sức khỏe tinh thần của các chủ doanh nghiệp nhỏ.
Ông Peter Strong thuộc Hội đồng Doanh nghiệp Nhỏ Úc ủng hộ bản Ngân sách năm nay.
‘Lần này có thể chắc chắn hơn về hướng đi của nền kinh tế. Chúng tôi nhận thấy trong các tuyên bố là họ sẽ tiếp tục thúc đẩy cho chuyện này. Vấn đề lớn nhất lúc này là việc làm, tìm được người lao động có chất lượng cho những doanh nghiệp đó, những người có thể sẵn sàng làm việc ngay. Thật tuyệt vời khi nhìn thấy chương trình xóa bỏ thuế tức thì vẫn được tiếp tục, ngành xây dựng đang phát triển tốt, nhưng chúng ta cần phải tìm cách đưa công nhân vào Úc, cách ly họ theo một cách an toàn và bảo đảm chúng ta vẫn tiếp tục xây dựng, sản xuất, phát triển du lịch nội địa và sau đó đưa du khách quốc tế vào Úc’.
Tuy nhiên sự đáp ứng về biến đổi khí hậu tại Úc đã không được như các nhà hoạt động mong muốn.
Ngoài ra, ngành du lịch cũng dự kiến sẽ không có mặt trong ngân sách này vì biên giới quốc tế chỉ có thể mở cửa vào giữa năm 2022.
Bà Margy Osmond C-E-O của Diễn đàn Du lịch và Giao thông nói rằng các hành động của chính phủ có nghĩa là Úc sẽ sớm hạn chế ngành du lịch.
‘Đây là khoản ngân sách khiến ngành du lịch ngày càng bị cạn kiệt và không biết sẽ đi về đâu. Tin tức duy nhất mà chúng tôi nhận được từ ngân sách này là chính phủ không có ý định mở cửa biên giới cho đến trước giữa năm sau. Và về căn bản thì điều này sẽ khiến rất nhiều thành viên trong ngành du lịch, đặc biệt là những người tổ chức du lịch quốc tế sẽ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc giương cờ trắng đầu hàng. Chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều người mất việc hơn và nhiều doanh nghiệp về du lịch gặp thất bại. Và đến khi biên giới cuối cùng cũng mở ra, có lẽ phải may mắn lắm mới còn lại một ngành du lịch ra hồn để đón khách đến Úc.’
Và bác sĩ Omar Khorshid thuộc Hiệp hội Y khoa Úc nói mặc dù vắc-xin đã nhận được thêm 1,9 tỷ đô la cho đợt triển khai quốc gia, nhưng Úc vẫn chưa sẵn sàng mở cửa biên giới cũng như không thể giải quyết các ổ dịch quy mô lớn.
‘Những gì chúng ta cần nhìn thấy trong tương lai là các kế hoạch cho hệ thống y tế của chúng ta. Chúng tôi nghe nói rằng Úc sẽ mở cửa vào năm 2022, nhưng để làm được điều này, chúng ta cần phải có một hệ thống y tế có thể đối phó với bệnh cúm, với COVID nếu chúng xâm nhập vào đất nước mà ngay bây giờ thì hệ thống y tế công của chúng ta đang rất khó khăn.’
Và lĩnh vực giáo dục quốc tế cũng bị đánh tơi tả, với ngân sách chỉ cung cấp cho các cơ sở giáo dục không thuộc trường đại học và các cơ sở dạy tiếng Anh tư nhân.
Chủ tịch Hiệp hội Sinh viên Quốc gia Zoe Ranganathan nói chính phủ đã "thất bại" trong việc hỗ trợ khu vực giáo dục công.
‘Đây là một cú đánh mạnh vào lĩnh vực đại học, vốn đang ngắc ngoải ở ngoài kia. Hiệp hội Sinh viên Quốc gia kiên quyết chống lại việc tài trợ 53 triệu đô la cho các học viện tư nhân để chuyển các khóa học của họ online. Đó là sự tiếp tay cho các cơ sở chất lượng thấp, coi sinh viên quốc tế như những con bò hái ra tiền, và qua đó cũng muốn bảo đảm rằng chính phủ sẽ không phải chịu trách nhiệm trong việc đưa sinh viên quốc tế quay trở lại, họ cũng không cần phải tốn thời gian để vạch ra kế hoạch đưa sinh viên quốc tế quay trở lại. Đây là một lĩnh vực dự kiến sẽ lỗ 19 tỷ trong vòng 3 năm và với việc chính phủ chỉ cung cấp 5,000 suất học được chính phủ hỗ trợ tại các cơ sở không phải là trường đại học, chính là một điều tuyệt đối gây cười với hàng ngàn thanh niên đang phải sống trong cảnh nghèo đói vào thời điểm hiện tại.’
Nhưng đối với những người đang ở trong nước, thì những lợi ích đáng kể đã được cung cấp cho lĩnh vực sức khỏe tâm thần.
Một đường dây trợ giúp 24 giờ sẽ được thiết lập để giúp đỡ về sức khỏe tâm thần cho người Thổ dân và dân đảo Torres Strait.
Nhìn chung, ngân sách đã đề ra hơn 243 triệu đô la nhằm cải thiện các kết quả kinh tế, xã hội và giáo dục cho người Thổ dân.