Đó là âm thanh tại buổi lễ đặc biệt diễn ra ở thủ đô Berlin của Đức có sự tham dự của bốn đại diện từ cộng đồng Đảo Ugar - thuộc quần đảo Torres Strait.
Nhóm bốn đại diện này đang ở Berlin để nhận lại năm bộ hài cốt tổ tiên đã xa nhà hơn một thế kỷ.
Ba trong số những di vật này đã được lưu giữ tại Bảo tàng Dân tộc học Berlin từ năm 1880, trong khi hai di vật còn lại được lưu giữ tại thành phố Oldenburg ở phía tây bắc, tại Bảo tàng Quốc gia về Thiên nhiên và Con người.
Đại diện của Đảo Ugar, Rocky Stephen cho biết đây vừa là khoảnh khắc buồn nhưng đồng thời cũng rất vui mừng vì nó đã diễn ra.
"Và dù sao thì đó cũng là một hành trình gần 40 giờ để đến đây, và đã 144 năm trôi qua, quê hương của họ ở Ugar vẫn nhớ về họ."
Việc trả lại là một phần trong những nỗ lực đang diễn ra của các bảo tàng và quan chức Đức nhằm trả lại hài cốt và hiện vật đã bị lấy đi trong thời kỳ thuộc địa.
Người đứng đầu Quỹ Di sản Văn hóa Đức Phổ - Prussian Cultural Heritage Foundation, Hermann Parzinger, cho biết các nhà khoa học và du khách thường không để tâm đến vong linh của những hài cốt mà họ tiếp xúc.
"Những di vật tổ tiên này không bao giờ muốn hiện diện ở đây. Nhưng họ phải ở đây vì vì trong thời kỳ thuộc địa và sau đó, người Châu Âu coi những dân tộc và nền văn hóa khác là chủ thể hoặc đối tượng nghiên cứu của họ. Do vậy mà họ lấy đi các hiện vật từ các nền văn hóa bên ngoài châu Âu ở quy mô mà ngày nay gần như không thể tưởng tượng được và thậm chí còn làm ô uế nơi chôn cất của những cộng đồng đó trong quá trình làm điều này."
Các chính phủ và bảo tàng ở châu Âu và Bắc Mỹ ngày càng tìm cách giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu đối với các đồ vật bị cướp bóc.
Năm 2022, Đức và Nigeria đã ký một thỏa thuận mở đường cho việc trả lại hàng trăm hiện vật được gọi là đồ đồng Benin mà một đoàn thám hiểm thuộc địa người Anh cách đây hơn 120 năm đã thu thập.
Đại sứ Úc tại Đức, Natasha Smith, cho biết trong đợt trao trả mới nhất này có tất thảy 162 bộ hài cốt người Úc xưa đã được Đức trả lại cho Úc.
Nó đưa tổng số hài cốt người Úc xưa được trả về từ các quốc gia trên thế giới lên đến 1700.
Bà Smith cho biết việc trả về là trong danh sách "ưu tiên cấp kỳ" đối với cộng đồng Thổ dân và người dân đảo Torres Strait và chính phủ.
Ông Stephen cho biết đối với cộng đồng của mình, đây chỉ là khởi đầu của một hành trình dài.
"Ngày hôm nay có ý nghĩa rất lớn đối với người Ugarem-le khi tổ tiên họ được đưa về lại. Đây là hành trình chữa lành về mặt tinh thần đối với chúng tôi. Việc có thể đưa họ trở về với chúng tôi, nó vừa có ý nghĩa chữa lành và một phần là thu hồi lại những gì đã bị lấy đi. Vì vậy, khi họ được đưa trở về thì quá trình chữa lành sẽ diễn ra với chúng tôi."