Phi cơ mất tích MH370, hai năm nhìn lại

Hai thân nhân của nạn nhân MH370 ôm nhau than khóc

Hai thân nhân của nạn nhân MH370 ôm nhau than khóc Source: Getty Images

Vào ngày tưởng niệm năm thứ hai chiếc máy bay MH 370 của hãng hàng không Malaysia Airlines mất tích, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp canh cánh trong lòng nhiều người.


Điều gì đã xảy ra, và MH370 đang ở đâu suốt hai năm qua? Trong một tuyên bố tạm thời, các nhà điều tra quốc tế cho biết vụ việc đã có chút ít tiết lộ mới.

Nhưng đó vẫn còn là một bí ẩn hàng không khiến người thân các nạn nhân không dấu nổi đau buồn và thất vọng.

Ngày 8/3/2014, chiếc phi cơ loại Boeing 777-200ER cất cánh từ sân bay Quốc tế Kuala Lumpar, Malaysia, khi đang trên hành trình đến Bắc Kinh, Trung Quốc, thì bất ngờ biến mất với 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn.

Một báo cáo cho biết chiếc máy bay rời đường bay dự kiến của nó ngay sau khi cất cánh và 40 phút sau thì mất liên lạc với kiểm soát không lưu.

Công cuộc tìm kiếm MH370 hiện đã tiêu tốn số tiền lên tới 88 triệu bảng Anh, khu vực tìm kiếm trải rộng trên 80.000 km vuông mặt biển.
"Ngay vào lúc này, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục làm việc hướng tới việc hoàn tất những phân tích, các phát giác, các kết luận và đề nghị an toàn trên tám khu vực có liên quan, kết hợp với việc mất dấu của MH370 dựa trên các thông tin có liên quan," Kok Soo Choon
Tuy nhiên, gần 2 năm trôi qua nhưng các đội tìm kiếm vẫn chưa thể tìm thấy MH370.

Chỉ có duy nhất một mảnh vỡ cánh máy bay được tìm thấy trên đảo Reunion ở Ấn Độ Dương hồi tháng 7/2015 được xác nhận là của chiếc máy bay mất tích MH370.

Hồi đầu tháng này, các hi vọng tìm thấy MH370 lại được xới lên khi một du khách người Mỹ tìm thấy mảnh vỡ máy bay ở bờ biển Mozambique.

Chiều 8/3/2016, nhóm Điều tra An toàn Phụ lục 13 của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) Malaysia đã công bố đầy đủ bản báo cáo sơ bộ lần thứ 2 mang tên "Tuyên bố tạm thời và Thông tin thực tế MH370”, về chiếc máy bay mất tích cách đây đúng 2 năm mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS).

Điều tra viên Kok Soo Choon xác nhận cuộc điều tra vẫn đang tiến hành.

"Ngay vào lúc này, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục làm việc hướng tới việc hoàn tất những phân tích, các phát giác, các kết luận và đề nghị an toàn trên tám khu vực có liên quan, kết hợp với việc mất dấu của MH370 dựa trên các thông tin có liên quan.

“Một bản báo cáo cuối cùng sẽ được hoàn thành trong khi tìm thấy xác máy bay, hoặc khi việc tìm kiếm các mảnh vỡ được chấm dứt."

Chính phủ Malaysia và Úc cho biết họ vẫn hy vọng tìm thấy MH370, mặc dù hiện tại chỉ có một phần cánh phụ phát hiện trên đảo Reunion của Pháp được xác nhận thuộc về chuyến bay mất tích.

Hai mảnh vỡ khả nghi khác được tìm thấy trong tuần qua, gồm một mảnh ở Mozambique và một mảnh ở đảo Reunion, đang được kiểm tra.

Trong thông cáo ngày 8/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak cam kết làm tất cả mọi thứ trong khả năng để làm sáng tỏ một "bí mật đau đớn" cho thân nhân những người gặp nạn.

Một số thân nhân đã tiếp tục bày tỏ sự thất vọng với tuyên bố này.

Quốc hội Malaysia đã dành một phút mặc niệm, thinh lặng trước khi bắt đầu phiên họp thường ngày để đánh dấu hai năm ngày MH370 mất tích.

Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai cho biết Mlaysia đang chờ đợi nhận những mảnh vụn khác để hỗ trợ cuộc điều tra của họ.

“Mảnh vụn đầu tiên được tìm thấy ở Mozambique - nhóm chúng tôi đã có đến Mozambique - chúng tôi đã bật đèn xanh cho việc thu thập thêm các mảnh vụn khác và hiện chúng tôi đang nắm trong tay.

“Chúng tôi sẽ xác minh các mảnh vụn càng sớm càng tốt. Chúng tôi sẽ làm việc cùng với Úc trong việc xác định này.”

“Loạt mảnh vụn thứ hai tìm thấy ở đảo Reunion, chúng tôi đang chờ đợi các thẩm phán ở Pháp để quyết định, quí vị biết Reunion ở trong lãnh thổ Pháp, vì vậy chúng tôi phải tuân theo luật pháp của họ.

“Chúng tôi đang chờ đợi các thẩm phán Pháp đưa ra quyết định về vấn đề này.”

 Lại phải chờ đợi, và chờ đợi cũng khiến người thân của 239 hành khách trên chuyến bay MH370 nát lòng trong hai năm qua.
"Giờ tôi cứ nghĩ, máy bay đang ở đâu? Tan biến vào không trung hay sao?" góa phụ Jacquita Gomes
Tại Mã Lai và Hoa Lục, nguyên quán của hầu hết các nạn nhân, dân chúng đã tụ tập để tưởng nhớ và cầu nguyện cho những người bị mất tích.

Jacquita Gomes, góa phụ của  một nhân viên phi hành đoàn Patrick Gomes, nói rằng chuyện không biết chồng bà đã ra đi thế nào rất nặng lòng.

"Giờ tôi cứ nghĩ, máy bay đang ở đâu? Tan biến vào không trung hay sao?

“Nếu đó thực sự là một bi kịch, tôi hy vọng rằng tất cả mọi người đang ngủ để họ không cảm thấy đau đớn gì.

“Tôi tưởng tượng ra những khoảnh khắc cuối cùng, họ đang nghĩ gi? Tôi chắc chắn là tất cả đều nghĩ đến gia đình của họ ở nhà, những người thương yêu họ nhất."

Tại Trung Quốc, không kìm được xúc cảm, một số người đã nổi cơn thịnh nộ, kéo xuống đường tại Bắc Kinh.

Người cha của một hành khách nạn nhân, Zhang Yongli, tin rằng con trai của ông vẫn còn sống - và Mã Lai phải trả lại con ông và những hành khách khác cho gia đình của họ.

“Tin rằng MH370 vẫn an toàn. Và hành khách MH370 của chúng tôi vẫn còn sống, thành ra chúng tôi luôn luôn kiên trì theo đuổi hãng hàng không Malaysia Airlines trong hai năm qua, đòi hỏi họ nhanh chóng trả lại người thân cho chúng tôi."

Một số người khác bình tĩnh hơn, hôm 4/3, 12 gia đình của các nạn nhân trên chiếc MH370 đã đệ đơn kiện Hãng hàng không Malaysia Airlines và Chính phủ Malaysia, trước khi thời hạn chót tòa án nhận đơn kiện về vụ việc này kết thúc vào ngày 8 tháng 3 năm 2016.

Người cha của một hành khách mất tích, Wen Wancheng, nói việc đền tiền cho người cật ruột nhất của nạn nhân rất đơn giản.

"Hãng hàng không Malaysia Airlines, máy bay Boeing, và công ty vận chuyển có hoàn thành nhiệm vụ và trách nhiệm không? Câu trả lời là “Không”.

“Giờ thì sao? Họ cần phải bồi thường cho chúng tôi!"

Theo quy định chung của hàng không quốc tế, mỗi hành khách thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay có thể nhận được khoản tiền bồi thường trị giá 175.000 Mỹ kim, nhưng người nhà các nạn nhân này muốn được đến bù nhiều hơn.

Hãng tin Reuters cho biết, nhiều đơn kiện đã được đệ trình lên các tòa án ở Mỹ, Úc, Trung Quốc và Malaysia trong vài tuần qua, và số đơn kiện này tăng lên nhiều hơn khi càng gần tới hạn chót.

Nhưng bất kể kết quả của vụ kiện ra sao, cả hai, cuộc tìm kiếm, và nỗi đau không biết chính xác những gì đã xảy ra với người thân các nạn nhân MH370, vẫn tiếp tục.


Share