Đề tài: Định hướng việc học cho nghề nghiệp tương lai
Một người mẹ gốc Việt có chia sẻ câu chuyện của chị với SBS Việt ngữ như sau:
"Con của em vừa học xong lớp 10 và muốn nghỉ học. Cháu cũng không phải là đứa ham thích việc học ở trường, lúc nào đi học cũng uể oải, thích tụ tập bạn bè nhiều hơn.
Đặc biệt là con em rất thích trang điểm, cháu tự để dành tiền ba mẹ cho để mua rất nhiều đồ make up, rồi tập tành trang điểm trên You tube, còn lập tài khoản riêng trên Tik Tok để hướng dẫn trang điểm. Giờ cháu nói với em là muốn 'drop school', không học lớp 11,12 nữa mà chuyển qua TAFE để học beauty spa gì đó.
Nó lại có bạn rủ đi làm cùng ở Myer nữa. Em muốn con học hành cho hết lớp 12 rồi mới tính tiếp, vì thấy con còn nhỏ quá, chưa đủ chín chắn để biết mình thích cái gì thật sự bây giờ. Trang điểm, làm đẹp thì cũng chỉ là sở thích thôi.
Bản thân vợ chồng em làm hãng rất vất vả, nên em không muốn con em sau này cũng vậy, thà học hành có nghề ngỗng ra làm đàng hoàng thì tốt hơn."
Với nhiều cha mẹ, việc con bắt đầu “ra đời”, kiếm tiền, lao động, từ bỏ môi trường học tập chính quy ở độ tuổi này có thể là một cú sốc lớn. Làm sao để biết con mình có phù hợp với con đường này không? Trẻ nào phù hợp với con đường nào?
Làm sao cha mẹ biết con thích gì để định hướng nghề nghiệp khi bản thân con cũng không biết con muốn làm gì?
Cuộc trò chuyện hướng nghiệp với con sẽ diễn ra như thế nào và ra sao để cha mẹ và con cái cùng vạch ra một lộ trình chung?
Tiến sĩ Khánh Trần hiện đang làm công việc tham vấn cho sinh viên đại học tại Úc. Credit: Bích Ngọc SBS
Đi con đường không được lập trình
Người mẹ chia sẻ là, “con của mình không thích học, chỉ thích trang điểm, làm tóc, làm nail. Con mình muốn nghỉ học trung học để học nghề, nhưng mình thì muốn con học lên Đại học để có nghề nghiệp đàng hoàng cho ổn định cuộc sống”.
Thực tế là rất nhiều cha mẹ cũng trong hoàn cảnh tương tự, rất khổ tâm khi con có sở thích hay ý muốn khác với “con đường quen thuộc” và những mặc định mà chúng ta đã được “lập trình” từ nhỏ, là học hết trung học thì phải đi học Đại học để có bằng cấp để có công việc và cuộc sống ổn định.
Mình hay nhận được câu hỏi tương tự như trong câu chuyện của bà mẹ kể trên. Câu trả lời của mình là, nếu con bạn thật sự có đam mê và năng khiếu với nghề làmđẹp thì cha mẹ nên cho con “học hành nghiêm túc” nghề này để có thể hành nghề một cách chuyên nghiệp và đường hoàng.
Thậm chí biết đâu được, tương lai của bạn ấy sẽ là chủ của một hay thậm chí là chuỗi hairdressers hay beauty salon, hay trở thành make-up tutor/coach/trainer. Một tương lai xán lạn, đẹp đẽ và thành công nếu bạn ấy thật sự có đam mê và được đào tạo bài bản.
Để theo đuổi nghề này, bạn ấy chỉ cần học hết lớp 10, chuyển sang học nghề (TAFE) và học đi đôi với hành. Nên đối với bạn trẻ này, tấm bằng Đại học ko cần thiết và có ý nghĩa bằng việc học nghề.
Bạn thân của cô con gái lớn của mình học rất giỏi, đặc biệt là về Chemistry (Hoá Học). Bạn ấy lại hát rất hay, và đã theo học thanh nhạc từ lâu. Đầu năm lớp 10, mẹ bạn ấy nói với mình là bạn ấy đang phân vân giữa việc học tiếp lên ĐH chuyên ngành Chemistry, hay chuyển qua School of Arts để học performing art.
Tuần trước gặp lại, hai mẹ con bạn ấy vui vẻ chia sẻ là sau một thời gian cân nhắc và suy nghĩ, bạn ấy nhận ra mình có đam mê và tài năng về hát hơn, nên bạn ấy quyết định chọn ngành này chứ ko chọn học Đại học Hoá nữa. School holiday này, hiện giờ bạn ấy đang dự chuyến đi trao đổi (exchange program) với một trường bên Pháp về ngành này.
Các câu chuyện mình vừa kể đều có điểm chung là tấm bằng không phải là mục đích của việc học. Các bạn trong các câu chuyện này đều xác định mục đích của việc học trước, rồi tấm bằng sẽ theo đó mà trở nên cần thiết hay không.
Cô con gái lớn của mình cũng có một thời gian dài phân vân giữa đam mê make up and beauty của mình và việc học lên Đại học. Bạn ấy thích trang điểm đến mức tự học rất nhiều về trang điểm và giờ rất thành thạo, có thể chia sẻ và tutor các bạn khác của mình về trang điểm.
Vì bạn ấy đang ở năm học cần phải định hướng cho tương lai nên 2 mẹ con cũng rất hay thảo luận về các lựa chọn và con đường tương lai. Mình cũng có khuyên bạn ấy như câu chuyện ở trên, về lựa chọn chuyển hướng sang học nghề sau khi học hết lớp 10.
Sau một thời gian dài cân nhắc, bạn ấy quyết định rằng make-up và beauty sẽ chỉ là sở thích của mình còn tương lai bạn ấy lại muốn làm một nghề khác hơn, và để hành nghề này cần phải có ít nhất bằng Thạc Sỹ cộng với nhiều năm thực hành, nên bạn ấy giờ quyết tâm học để vào Đại học và học lên cao.
LISTEN TO
Nuôi con ở Úc: Nên gửi con vào trường công hay trường tư?
SBS Vietnamese
18/02/202125:13
Ý nghĩa của tấm bằng đại học là gì?
Ngành nghề nào lương thiện và có giá trị đóng góp cho xã hội và kinh tế cho bản thân đều tốt và đáng trân trọng. Có nhiều ngành nghề cần bằng cấp Đại học hoặc cao hơn vì đòi hỏi kiến thức, trình độ, kỹ năng tư duy và chuyên môn sâu, nên cần thời gian đào tạo và thực hành chuyên môn ở cấp độ chuyên sâu nhiều hơn.
Ngược lại, có những ngành nghề khác chỉ cần học nghề hay vừa học vừa làm để đạt được kỹ năng cần thiết để hành nghề.
Đây cũng chính là ý nghĩa của tấm bằng. Nó không phải là mục đích của việc học, không phải là chìa khoá vạn năng, mà là một công cụ để chứng minh là một người đã hoàn thành việc học (study) một khoá học nào đó ở một trường ĐH nào đó. Cụ thể hơn, ý nghĩa của tấm bằng nằm ở chỗ bạn biết điều gì (kiến thức) và biết làm gì (kỹ năng).
Ý nghĩa của tấm bằng thật sự nằm ở “đằng sau của tờ giấy”. Đó chính là “transcript” (hay còn gọi bảng điểm), trong đó ghi ra cụ thể những môn học mà học viên học, kỹ năng và kiến thức đạt được trong từng môn học (thể hiện qua kết quả đánh giá học tập cho môn học đó).
Tấm bằng loại gì, trường đại học nào, chương trình học được thiết kế như thế nào, cách đánh giá kiến thức và kỹ năng học viên đạt được trong từng môn học như thế nào đều là những thước đo giúp học viên thể hiện hay minh chứng kiến thức và kỹ năng của mình, và mình có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết và đủ để có thể hành nghề. Điều này rất khác so với việc học đại một ngành nào đó, ở một trường Đại học nào đó để có được tấm bằng “như người ta”.
Không có bằng cấp không có nghĩa là không có kỹ năng và kiến thức. Và ngược lại, nhiều tấm bằng thật sự chỉ có ý nghĩa “tinh thần” cho 1 người hơn là giá trị thực tế cho công việc
Sẽ có bạn nói rằng ở xã hội Việt Nam, việc có bằng cấp rất quan trọng đối với bản thân và gia đình, và câu nói “không học cho đàng hoàng sau này lớn lên chỉ có nước đi đổ rác” tuy nghe chua xót nhưng không phải là không có cơ sở.
Ở Úc thì lại khác, những công việc/nghề tay chân như đổ rác, xây dựng, làm nail, đều có giá trị trong xã hội và đều có thể đem lại thu nhập tốt và tương lai cho người làm. Những ngành này cũng cần được đào tạo, chỉ là theo một con đường khác ngoài con đường “được cho là duy nhất” là tốt nghiệp Đại học.
Đó cũng là chia sẻ và mong ước của mình về một bức tranh tương lai cho các bạn trẻ, nơi các bạn có nhiều lựa chọn cho bản thân hơn là “học vì một tờ giấy”.
Mong các bậc cha mẹ và các bạn trẻ hiểu đúng về ý nghĩa của bằng cấp, từ đó đưa ra những định hướng và quyết định phù hợp, để con đường tương lai và nghề nghiệp của các bạn sẽ là nơi các bạn có thể tận hưởng đam mê, phát huy khả năng của mình, nuôi sống được bản thân và đóng góp có ích cho xã hội.
Đại học không phải con đường duy nhất
Khi hoàn thành bậc giáo dục phổ cập, lúc này các bạn trẻ cần phải quyết định bước tiếp theo mình sẽ làm gì để có thể nuôi sống bản thân trong quãng đời còn lại: đi làm, học nghề (vocational training) hay học đại học (higher education), từ đó sẽ quyết định làm gì tiếp theo cho năm 17 và 18 tuổi.
Bất kể là lựa chọn nào trong ba con đường trên, các bạn đều tiếp tục học, nhưng việc học sẽ ở các hình thức và cấp độ khác nhau. Khi đi làm, các bạn sẽ học cách làm các công việc cần làm trong quá trình làm việc (learn on the job).
Khi đi học nghề, các bạn sẽ học kỹ năng chuyên môn cho một nghề cụ thể, thường sẽ là ở hình thức vừa học vừa thực hành (apprenticeship).
Còn học đại học và sau đại học sẽ tập trung vào kỹ năng tư duy nhiều hơn. Bậc học chính quy cao nhất là học tiến sĩ (PhD hay Doctor of Philosophy). Ở bậc học này thì việc học chủ yếu là tập trung vào học cách suy nghĩ và phát minh ra kiến thức mới cho nhân loại, nghĩa là tư duy ở cấp độ cao nhất.
(*Bài viết do Tiến sĩ Khánh Trần chia sẻ trên trang cá nhân)
Mời quý vị nhấn vào audio để nghe bài phỏng vấn.
LISTEN TO
Nuôi con ở Úc: Phụ huynh gốc Việt cho con học thêm như điên
SBS Vietnamese
18/03/202019:41