Các gia đình Việt ở Maribyrnong gắn kết để tái thiết sau trận lụt năm 2022

20240511_141433.jpg

Cộng đồng cùng chung tay dựng lại khu vườn cho một gia đình bị ảnh hưởng lũ lụt Credit: Thuy Dang- GenWest

Những gia đình Việt Nam ở Maribyrnong bị ảnh hưởng bởi lũ lụt năm 2022 đang phục hồi và tái thiết một cách kiên cường. Nhiều chương trình cộng đồng, trong đó có GenWest nhấn mạnh tính gắn kết và tinh thần cộng đồng là sức mạnh để các gia đình vượt qua thiên tai. Nhiều câu chuyện chưa kể từ các gia đình gốc Việt có con nhỏ 'mất hết tất cả sau một đêm'...


Vào ngày 14 tháng 10 năm 2022, sông Maribyrnong bị vỡ bờ. Trận lũ lụt sau đó đã tàn phá cộng đồng Maribyrnong ở phía tây Melbourne; hơn 500 ngôi nhà bị ảnh hưởng do lũ lụt, trong đó có nhiều gia đình người Việt.

Sau gần 2 năm, cộng đồng vẫn đang nỗ lực để tái thiết và phục hồi.

Quá nhiều khó khăn về vật chất lẫn tinh thần

Anh Lộc Phạm, cha của 4 người con sống tại Maribyrnong chia sẻ với SBS những cảm xúc kinh hoàng về trận lũ với gia đình anh vẫn còn nguyên vẹn khi các hệ thống cảnh báo sớm diễn ra rất mâu thuẫn trong vụ thiên tai.

Một số người nhận được cảnh báo vào đêm hôm trước, những người khác nhận cảnh báo vào buổi sáng khi trận lụt xảy ra. Một số nhận được lệnh di tản từ nhân viên ứng phó khẩn cấp thông qua việc gõ cửa trực tiếp, trong khi những người khác nhận được tin nhắn. 

“Gia đình của tôi sống rất gần dòng sông nên trận lụt năm 2022 ảnh hưởng rất lớn đến gia đình.
Hôm đó là đêm thứ Năm, sáng thứ Sáu, tôi cũng như mọi người đều nghĩ rằng, không thể nào một khu vực chỉ cách trung tâm thành phố có 8 cây số thôi lại có thể bị ngập lụt được.
Anh Lộc Phạm, cư dân Maribyrnong
Nhưng hệ thống báo động của cơ quan hữu trách quá yếu, đêm đó tôi làm việc đến 2 giờ sáng, nhưng nhân viên khẩn cấp đi gõ cửa từng nhà lúc 4 giờ sáng mà nhà tôi lại không được báo động.
viber_image_2024-06-18_10-15-49-961.jpg
Căn nhà của anh Lộc Phạm sau trận lũ năm 2022 ở Maribyrnong. Credit: PhamVanLoc
Hai chiếc xe hơi của gia đình tôi bị hư hỏng hoàn toàn. Buổi sáng thức dậy, cả gia đình tôi bị kẹt trong nước và phải di chuyển bằng phao nổi.

Sự chuẩn bị và cảnh báo cho trận lũ lụt này được người dân chia sẻ là không đủ. Nhiều người dân sống lâu năm bất ngờ trước mức độ nghiêm trọng của lũ và không có sự chuẩn bị phù hợp.

“Chỉ trong 24 giờ mà tất cả tài sản của tôi đều ra đi hết, nước lên tới nửa thước trong nhà, nên tất cả đồ đạc đều bị hư và phải bỏ hết”, anh Lộc nhớ lại.

Nhiều phụ nữ gốc Việt ở Maribyrnong, những người đã trải qua lũ lụt và chia sẻ kinh nghiệm của họ về ứng phó với thảm họa vào năm 2022, cũng như những nỗ lực của họ để phục hồi và xây dựng lại cuộc sống sau thảm họa.

Trong đó có chị Thúy Phạm, một bà mẹ sống sát bên con sông Maribyrnong có hai con nhỏ, quá trình phục hồi vẫn đang diễn ra nhưng chị đã tìm được thái độ sống tích cực hơn.

“Bây giờ em cảm thấy ổn hơn nhiều rồi so với trước kia. Lúc xảy ra lũ, em buồn và sợ lắm, giống như bị trầm cảm…", chị Thúy chia sẻ với SBS.

Trước đó, sức khỏe tinh thần của chị Thúy Phạm từng bị ảnh hưởng khi phải liên lạc với công ty bảo hiểm và lo các thủ tục giấy tờ để được hỗ trợ tài chính.

Anh Lộc Phạm cũng đồng cảm: “Tôi cảm thấy như bị cơ quan bảo hiểm lừa. Gần hai năm rồi mà nhà cửa của tôi vẫn chưa sửa xong được để ở. Trong thời gian đó, tôi phải đi thuê nhà tạm để ở tạm.

Sau ngày lũ lụt thì tôi được chính phủ tài trợ nơi ăn chốn ở tạm thời 1-2 ngày, để tôi tự lo chỗ ở sau đó với công ty bảo hiểm. Nhưng đây không phải chuyện 1-2 tháng hay 6 tháng. Sau nửa năm thì bảo hiểm không chịu đền bù thiệt hại cho nhà tôi, mà viện cớ thế này thế kia, không chấp nhận ‘claim’, không trả tiền mướn nhà cho tôi nữa mà tôi phải tự túc.

Bây giờ tôi phải ráng sửa đại khái để ở được, cùng một lúc tôi phải trả tiền 'mortgage' và tiền mướn nhà, phải trả hai lần tiền, nên tôi phải cố mà quay trở lại căn nhà để giảm bớt tiền, để con có được một chỗ ở”, anh Lộc nói với SBS.
Bảo hiểm là nguyên nhân chính gây ra tình trạng bất ổn về nhà ở và căng thẳng tài chính cho người dân, với nhiều yêu cầu bồi thường bị từ chối, giải quyết một phần hoặc mất nhiều tháng để xử lý.

Tỉnh giấc sau 'cơn ác mộng'

Phúc trình do , một tổ chức về bình đẳng giới, thực hiện với tên gọi, ‘Cộng đồng của Chúng ta, Tiếng nói của Chúng ta: Nhữnh kinh nghiệm từ trận Lũ lụt Maribyrnong năm 2022’ vừa công bố chỉ ra tác động của lũ lụt đối với cộng đồng Maribyrnong, đặc biệt tập trung vào ảnh hưởng với phụ nữ và trẻ em có nguồn gốc nhập cư và tị nạn. 

525 ngôi nhà bị ảnh hưởng nghiêm trọng và nhiều cư dân phải di dời. Thảm họa làm tăng thêm những tổn thương với trẻ em.

“Hai năm qua mình không nghĩ con mình học tập được như mong muốn, gián đoạn. Mình phải chấp nhận để giảm áp lực, nếu mình muốn tất cả thì mình không thể nào sống được”, anh Lộc nói với SBS.

Nhưng chính trong tâm bão, những nghĩa cử chân thành và sâu sắc của một tổ chức phục vụ cộng đồng đã góp phần xoa dịu những nỗi đau của cư dân trong vùng.

Chị Thúy Đặng, một nhà lãnh đạo cộng đồng, nghị viên thành phố Brimbank và điều phối viên của GenWest, chia sẻ về giai đoạn phục hồi của các gia đình sau lũ lụt.
Mọi người vẫn một chặng đường dài phía trước. Họ đang bận rộn xây dựng lại ngôi nhà của mình. Họ chưa sẵn sàng cho bất kỳ hoạt động hoặc buổi chuyên về sức khỏe tâm thần nào trừ khi gia đình họ đã ổn định lại ngôi nhà của họ như trước.
Chị Thúy Đặng, GenWest
Họ thừa nhận họ có vấn đề về sức khỏe tâm thần và hiểu nguyên nhân gây ra vấn đề về sức khỏe tâm thần của mình. Lũ lụt đã ảnh hưởng nặng nề đến họ cùng các vấn đề khác như giải quyết vấn đề bảo hiểm, giấy phép xây cất của Hội đồng Thành phố và việc xây dựng, tái thiết đang đè nặng cuộc sống”.

'Tinh thần cộng đồng giúp chúng tôi không còn đơn độc'

Một chương trình kết nối làm vườn, nằm trong một loạt các hoạt động hỗ trợ về sức khỏe tâm thần của Gen West ra đời đã mang lại sinh khí mới cho cộng đồng. Những người đam mê làm vườn trong cộng đồng cùng chung tay với nhau để khôi phục lại mảnh vườn của ba gia đình gốc Việt bị ảnh hưởng lũ lụt năm 2022 tại Maribyrnong.

“Dự án làm vườn là một trong nhiều dự án mà Genwest đã làm cho những người bị ảnh hưởng bị lũ lụt. Khi làm vườn là chúng ta giúp cho những gia đình bị lũ chỉnh trang lại khu vườn của mình. Khi mới đến vùng lũ, mình thấy kinh hoàng lắm, vì bùn đất khắp nơi, nấm mốc, nguồn nước ô nhiễm, cây cối chết hết.
20240511_134236.jpg
Chuyên gia làm vườn đến hướng dẫn cách làm vườn thông minh, tiết kiệm nước, không bị ảnh hưởng lũ lụt. Credit: Thuy Dang- GenWest
Người dân ở đây thì quá bận rộn để xây sửa nhà cửa, họ không có thời gian để mà nhìn mảnh vườn của mình. Trong 1,5 năm qua, nhiều người vẫn chưa trở về nhà, người dân trong vùng và vùng lân cận kết nối để hiểu về tình hình của nhau.
Chúng tôi chọn ba gia đình người Việt để giúp đỡ, qua đó hướng dẫn mọi người dựng một mảnh vườn chống lũ, làm gardens bed cao hơn. Chúng ta kết nối với những người bên ngoài, để nhiều người biết ảnh hưởng của lũ lụt với các gia đình đô thị.
Chị Thúy Đặng- Điều phối viên của GenWest
Có những chuyên gia làm vườn đến hướng dẫn cách làm vườn thông minh, tiết kiệm nước, không bị ảnh hưởng lũ lụt. Làm vườn giúp chúng ta về sức khỏe tinh thần, mọi người cởi mở chia sẻ những khó khăn của nhau.

Rất bất ngờ là có nhiều người lái xe hàng chục cây số đến đây để tham gia, phụ giúp làm vườn, chương trình hấp dẫn rất nhiều người dù ai cũng bận rộn.

Hàng xóm trong vườn cũng đến để tham gia, điều rất vui là những người lái xe từ rất xa đến để giúp, ai cũng đóng góp khả năng làm vườn của mình. Mọi người không bị lũ lụt ảnh hưởng cũng hiểu được, đó là tinh thần kết nối cộng đồng rất đẹp và ý nghĩa”.
2024-06-18_9-52-05.png
Anh Lộc Phạm, cư dân Maribyrnong nhấn mạnh nhu cầu cần thiết về việc khắc phục, quản lý và chuẩn bị lâu dài sau thảm họa

“Bất cứ người nào cũng có thể gặp khó khăn trong cuộc sống, mình không thể tự đối phó được. Tôi rất may mắn sống trong xã hội Úc nên có sự tương thân tương ái của mọi người.
Tôi là một người thích làm vườn, do đó tôi để ý kỹ thời tiết để gieo trồng, mới thấy khác biệt thời tiết năm nay so với năm ngoái, mùa này với mùa kia rất rõ ràng, ảnh hưởng khí hậu rõ ràng mà ít ai để ý. Cây cối ảnh hưởng bởi thời tiết rất nhiều, làm vườn mới thấy khí hậu thay đổi nhiều lắm.
Anh Lộc Phạm, cư dân Maribyrnong
Cơ quan hữu trách phải có báo động sớm hơn cho mọi người, vấn đề thoát nước, các con suối, vùng đầm lầy sẽ tran nước, nước tụ đọng khi có lũ. Chương trình Gen west đã nối kết cư dân trong vùng trong quá trình hồi phục. Đó là một nghĩa cử mang lại cảm giác mình không lẻ loi. Thường thì sau thiên tai như vậy, mình cảm thấy rất đơn độc, lạc lõng, tại sao thành phố lớn như vậy mà chỉ có gia đình mình chịu ảnh hưởng, chỉ có 500 gia đình ở đây.

GenWest cho mình khích lệ tinh thần rất lớn, cho mình cảm giác gắn kết, thông qua việc làm vườn, mình làm một cách tự nhiên, nối kết và hiểu nhau một cách tự nhiên", anh Lộc nói với SBS.

Sự gắn kết cộng đồng và tinh thần tương trợ thông qua các hoạt động của Gen West đã thắp lên niềm hy vọng và cảm giác gắn kết của các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
8 (1).jpg
Sự gắn kết cộng đồng thắp lên niềm hy vọng và cảm giác gắn kết của các gia đình bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Credit: Thuy Dang- GenWest

Share