*Lưu ý: thông tin trong bài viết này chỉ mang tính tham khảo, có thể không phù hợp với hoàn cảnh cá nhân của bạn. Vui lòng liên lạc bác sĩ/cố vấn/đại diện/chuyên gia riêng để được tư vấn rõ ràng về trường hợp của bạn.
Tiến sĩ Khánh Trần, giảng viên đại học Asia Pacific International College Melbourne, giám đốc của Eyelevel Sunshine Learning Centre chia sẻ với SBS mục đích của việc học và vai trò của cha mẹ trong việc đồng hành cùng con. Khi có một góc nhìn đúng đắn về việc học, cha mẹ có thể đưa ra những quyết định đúng đắn về việc học của bản thân và con cái mình.
Học để làm gì?
Đã có bao giờ bạn tự hỏi mình một cách nghiêm túc là tại sao chúng ta phải học? Việc học thực ra là đã nằm sâu vào trong tiềm thức của chúng ta và đôi khi chúng ta làm như một bản năng hay thói quen mà ít khi hỏi tại sao.
Giống như việc hít thở, hiển nhiên ai cũng phải hít thở nhưng ít khi để ý là chúng ta đang hít thở hay tại sao chúng ta phải hít thở. Việc học cũng vậy. Em bé từ khi mới lọt lòng mẹ đã phải học. Học tự hít thở mà không phải nhờ vào mẹ, học bú sữa, học làm quen với nhịp sinh học ngày và đêm... Lớn hơn một chút thì các con phải học đủ thứ, học ăn, học nói, học bò, học đứng, học đi... Rồi đến tầm 2,3 tuổi, tuỳ gia đình mà các con bắt đầu đi học ở nhà trẻ và mẫu giáo, rồi bắt đầu hành trình học tiểu học, trung học, rồi đại học, sau đại học.
Học để biết. Tại sao phải biết? Biết để hiểu (nghĩa là phát triển kiến thức) và biết để làm (nghĩa là phát triển kỹ năng). Đây là nền móng cho tất cả mọi lý do khác.
Việc học chưa dừng lại ở đó, khi chúng ta đã trưởng thành và đi làm, chúng ta vẫn tiếp tục học, mặc dù không chính thức. Học qua sách báo, Youtube, Podcast, bạn bè, forum... Lấy ví dụ là trong đợt cách ly do COVID hai năm vừa qua, mình nghĩ rất nhiều bạn giống mình, học rất nhiều thứ qua YouTube hay Facebook, như làm bánh, may vá, đàn,... Vì thế nên có câu “Học, học nữa, học mãi”, hay “Learning is a lifelong process”.
Học là một quá trình tự nhiên bắt đầu từ khi đứa bé được sinh ra. Credit: Pexels
Theo mình thì đơn giản hơn nhiều: Học để biết. Tại sao phải biết? Biết để hiểu (nghĩa là phát triển kiến thức) và biết để làm (nghĩa là phát triển kỹ năng). Đây là nền móng cho tất cả mọi lý do khác. Ở đây mình chưa nói đến việc học cái gì, học như thế nào cho hiệu quả, chỉ đơn giản là hoạt động “học” diễn ra dù vô thức hoặc có chủ đích, là để chúng ta biết thêm điều gì hay kỹ năng gì đó mới.
Giáo dục chính phổ cập Úc bảo đảm mọi người dân đều đạt được kiến thức và kỹ năng tối thiểu, ví dụ như biết đọc, biết viết, biết tính toán cơ bản, hiểu và biết cách vận hành theo cuộc sống... từ đó tồn tại được và đóng góp cho xã hội.
Education, hay giáo dục chính quy, lại là một khía cạnh khác. Hầu hết các quốc gia đều có chương trình giáo dục phổ cập (universal education or compulsory education), là chương trình học bắt buộc mà trẻ em ở quốc gia đó bắt buộc phải học. Ở Việt Nam, phổ cập giáo dục bao gồm mầm non, cấp 1 (tiểu học) và cấp 2 (trung học cơ sở), còn ở Úc cũng tương tự, là mầm non (early childhood education), tiểu học (Prep-grade 6) và junior highschool (đến hết lớp 10).
Vì sao? Để đảm bảo mọi người dân đều đạt được kiến thức và kỹ năng tối thiểu, ví dụ như biết đọc, biết viết, biết tính toán cơ bản, hiểu và biết cách vận hành theo cuộc sống... từ đó tồn tại được và đóng góp cho xã hội. Vì vậy trong chương trình phổ cập giáo dục ở các nước nhìn chung đều gồm có 2 môn chính là ngôn ngữ quốc gia và toán. Như compulsory education ở Úc có 4 “môn”: Reading (đọc), Writing (viết), Language Conventions (ngữ pháp) và Numeracy (số học). Kỳ thi quốc gia NAPLAN của Úc cũng thi 4 môn này. Rồi thì tuỳ theo trường mà chương trình học của các con có thêm các môn khác.
Tiến sĩ Khánh Trần (Kate). Credit: Bích Ngọc/SBS
Sau khi hết lớp 10, nghĩa là khoảng 16 tuổi, các bạn trẻ về cơ bản có thể tự “tồn tại”. Về nguyên tắc, lúc này các bạn có thể bắt đầu đi làm để nuôi sống bản thân. Và để làm được bất cứ công việc gì ở cấp độ thấp nhất này các bạn cũng phải biết đọc, biết viết, biết tính toán, hiểu các quy tắc cơ bản về hoá học và vật lý. Ví dụ như một bạn trẻ 15 tuổi đi làm ở McDonald’s thì bạn phải biết cách đọc 'menu và training manuals', viết 'staff timesheet', nhập 'order' của khách, đọc và tính tiền khách trả, biết là nếu chiên fries ở nhiệt độ cao quá sẽ cháy, hiểu về an toàn thực phẩm và biết là không nên để thức ăn bên ngoài ở nhiệt độ phòng lâu hơn 6 tiếng...
Nên khi hoàn thành bậc giáo dục phổ cập, lúc này các bạn trẻ cần phải quyết định bước tiếp theo mình sẽ làm gì để có thể nuôi sống bản thân trong quãng đời còn lại: đi làm, học nghề (vocational training) hay học đại học (higher education), từ đó sẽ quyết định làm gì tiếp theo cho năm 17 và 18 tuổi.
LISTEN TO
Mái ấm gia đình: Ở Úc nên học 'làm thầy' hay 'làm thợ'
SBS Vietnamese
22/09/202218:23
Áp dụng mục đích của việc học vào học ngoại khóa
Đọc đến đây bạn nào nếu giống mình sẽ tự hỏi là, còn những việc học khác ngoài việc học ở trường, như học hát, múa, đàn, thể thao, học thêm... Mỗi hoạt động cần và nên có mục tiêu rõ ràng, nếu không bạn có thể đang lãng phí thời gian và tiền bạc của mình và cả gia đình. Các bạn hãy dành 10,15 phút ngồi xuống với con mình và điền tất cả các hoạt động hàng ngày của con, bao gồm việc học chính quy ở trường và tất cả các hoạt động ngoại khoá.
Một suy nghĩ sai lầm thường gặp của cả phụ huynh và sinh viên là “Học để lấy bằng cấp”, “Học để sau này xin được việc làm”. Credit: Pexels
Lý do tại sao mình “học cái này”? Ví dụ như: tại sao con học múa? Tại sao con lại chơi bóng rổ? Tại sao con lại theo scout (hướng đạo sinh)? ...
Học cái này giúp con “biết” điều gì? Hay con học môn này để “biết” cái gì? Ví dụ để biết cách thực hiện các động tác múa, biết hoạt động nhóm, biết kỹ năng sinh tồn, để biết được một trải nghiệm cụ thể...
Mỗi hoạt động ngoại khóa cần và nên có mục tiêu rõ ràng, nếu không bạn có thể đang lãng phí thời gian và tiền bạc của mình và cả gia đình.
Có một lưu ý nhỏ là nhiều khi cha mẹ cho con học một môn nào đó vì “con thích”. Trừ khi con bạn thật sự đam mê và có năng khiếu, trẻ con khi “học chỉ vì thích” mà không có cảm giác đạt được một cột mốc thành tựu gì đó thì con sẽ mau chán và bỏ cuộc. Ví dụ như khi học múa thì cột mốc kỹ năng là hoàn thành bài múa đang tập, tập võ thì là lên đai, hướng đạo sinh thì là các huy hiệu...
Nên ngay cả khi con nói “vì con thích”, bạn hãy hỏi con tiếp là tại sao con thích, và bạn vẫn cần phải quay trở lại trả lời hai câu hỏi trên. Mình thấy nhiều trường hợp con học vì “ba/mẹ thích” hơn là “con thích”, hay vì “ai cũng học nên mình cũng cho con mình học”, nghĩa là không có lý do gì cụ thể cả. Trong những trường hợp này, hay trường hợp có hoạt động nào đó mà bạn không tìm được câu trả lời cụ thể cho hai câu hỏi trên, thì bạn nên xem lại xem có cần phải học môn này không.
Việc thảo luận này với con có thể làm ở bất cứ độ tuổi nào (tất nhiên cha mẹ phải dùng ngôn ngữ và cách diễn đạt cho phù hợp với con), và nên làm ít nhất mỗi năm 1 đến 2 lần. Điều này sẽ giúp cả cha mẹ và con hiểu và thống nhất về mọi hoạt động của con mình, từ đó có thể thêm vào hoặc bỏ bớt hoạt động ngoại khoá cho phù hợp với con.
LISTEN TO
Nuôi con ở Úc: Cho con học ngoại khóa - Học sao cho đúng?
SBS Vietnamese
26/12/201920:58
(*Bài viết do Tiến sĩ Khánh Trần chia sẻ trên trang cá nhân)
Mời quý vị nhấn vào audio để nghe bài phỏng vấn.
Tiết mục Mái ấm gia đình phát thanh trên SBS Radio mỗi tối thứ Ba hàng tuần lúc 8.30 PM.