Mái ấm gia đình: Nếu không thay đổi được tình huống, hãy thay đổi bản thân

Still0531_00001.jpg

'Hạnh phúc là do chính mình tạo ra' - Chị Thu Hà.

Get the SBS Audio app

Other ways to listen

Có những mong muốn tưởng chừng nhỏ bé đối với cha mẹ, nhưng con cái lại không sẵn sàng đáp ứng. Thay vì buồn giận con mà vẫn không thay đổi được tình huống, cha mẹ có thể làm gì để dung hòa giữa kỳ vọng của mình và ước muốn của con?


Dẫu biết có ngày con sẽ rời xa vòng tay ấm êm của cha mẹ, nhưng nếu ngày đó rơi vào thời điểm không mong đợi nhất, bất cứ cha mẹ nào cũng không khỏi chạnh lòng, hụt hẫng, chơi vơi. Làm sao lấy lại cân bằng để an vui khi con cái ra riêng, nhất là đối với cha mẹ đơn thân?

Đề cập vấn đề này, khách mời của SBS Tiếng Việt là chị Thu Hà, một bác sĩ ở Sydney, hiểu rằng cha mẹ đơn thân nuôi dạy con cái thường vất vả hơn so với các cặp đôi.

"Đến khi con trưởng thành và muốn sống tự lập thì cha mẹ đơn thân cũng bước vào giai đoạn tuổi trung niên với nhiều khủng hoảng về sức khỏe, ngoại hình và tâm lý. Đó là lúc họ rất cần sự chăm sóc của con cái và người thân."

Thế nhưng vào đúng thời điểm này, con cái lại muốn ra riêng, muốn tự lập để khẳng định bản thân. Điều đó có thể khiến cha mẹ đơn thân cảm thấy hụt hẫng, cảm thấy như bị lãng quên trong chính gia đình của mình, rồi sinh ra buồn, giận. Không ít người rơi vào trầm cảm, lo âu, mất hết phương hướng trong cuộc sống, mất ngủ, tăng huyết áp, sụt cân hoặc tăng cân bệnh lý.

Chị Thu Hà đã từng trải qua hoàn cảnh tương tự. Sau nhiều năm làm mẹ đơn thân, vừa nuôi dạy con trưởng thành vừa phát triển sự nghiệp, chị hi vọng được cùng con sống những ngày tháng tươi vui trong căn nhà mới khang trang do hai mẹ con cùng thiết kế. Nhưng khi nhà xây xong thì con lại quyết định ra ở riêng để tự lập.

Chị không kỳ vọng sẽ sống cùng con trọn đời, nhưng chị cứ mong con vẫn ở bên cạnh cho đến khi con có gia đình riêng. Quyết định ra riêng đầy bất ngờ của con khiến chị cảm thấy như bị bỏ rơi.

Bản thân chị là một người mẹ thấu hiểu con, một bác sĩ chữa lành vết thương thể chất lẫn tinh thần cho rất nhiều bệnh nhân, nhưng cũng phải loay hoay khi đối diện với nỗi buồn mình.

Chia sẻ về những giải pháp để vượt qua tình huống khó khăn, chị Thu Hà cho biết, trước tiên, chị chủ động gặp con để bày tỏ mong muốn của mình.

“Sau một thời gian, tôi bắt đầu bình tĩnh lại, và tự cải thiện tình huống bằng cách chủ động liên lạc với con, nói với con là tôi chưa thích nghi được với việc sống một mình, tôi muốn con đến ở cùng với mẹ, nếu không thì đến ăn cơm với mẹ một vài bữa trong tuần.”

Chị cũng nói với con về những khó khăn mà chị cần con giúp đỡ, nói cho con biết về cảm xúc của mình, về những đêm chị mất ngủ vì nhớ con, nhớ tiếng nói, nhớ cử chỉ của con...

Chị từng gợi ý với con về mặt kinh tế, nếu con về ở chung với mẹ, để con tiết kiệm chi phí và có thể dư được một số tiền cho tương lai. Nhưng nhận thấy rõ sự nghiêm túc của con khi bày tỏ mong muốn sống tự lập, chị buộc phải thích nghi với hoàn cảnh mới.

323827927_836823364056832_7375853649511604775_n.jpg
'Khi không thể thay đổi tình huống, mình buộc phải thay đổi bản thân' - Chị Thu Hà chia sẻ.
Cuộc sống đơn thân không còn vướng bận con cái cũng đồng nghĩa với thời gian nhàn rỗi nhiều hơn. Không để mình có thời gian để buồn, chị bắt đầu tham gia một số nhóm hoạt động như đạp xe, leo núi, khiêu vũ, đàn, hát, đọc và chia sẻ các câu chuyện, vẽ tranh..., và gặp gỡ những người bạn mới từ các hoạt động tích cực.

Trong công việc chị cũng bắt đầu nhận đi những chuyến công tác xa, điều mà trước kia chị không làm được vì còn mãi lo chuyện nhà cửa, con cái.

“Bây giờ tôi chấp nhận những chuyến công tác xa, vừa để giúp những nơi mà người ta cần mình, vừa để có trải nghiệm du lịch.”

Chị cũng dành thời gian để viết nhật ký du lịch. Tất cả những việc đó giúp chị không còn thời gian rảnh rỗi để buồn chán.

“Dần dần tôi cũng quen. Tôi nhận ra rằng sau thời gian cảm thấy mất mát, cô đơn, tôi làm được rất nhiều điều mà trước kia tôi chưa thể làm. Tôi cũng điều chỉnh cuộc sống của mình và nhận thấy nó cũng không đến nỗi tệ lắm như trước kia tôi tưởng tượng.”

Như câu nói của Bersot: “Trong vũ trụ có lắm kì quan, nhưng kì quan đẹp nhất là trái tim người mẹ”, dù thế nào thì trái tim mẹ cũng dành chỗ lớn nhất cho con. Và trong tất cả các kế hoạch của mình, chị Thu Hà vẫn dành ưu tiên số một cho con.

“Những cơ hội như con rủ đi ăn thì tôi hoãn hết những chương trình khác của cá nhân, để dành thời gian với con. Những chuyến du lịch mà con rủ thì bằng mọi cách tôi xin nghỉ phép để đi cùng con.”

Trong những lần được đi chơi cùng con, chị bày tỏ niềm hạnh phúc và cảm ơn con. Chị cũng đề nghị rằng, dù con có cuộc sống riêng thì vẫn nên sắp xếp để cả gia đình gặp nhau ít nhất vài lần trong năm.

Sau nửa năm cố gắng vượt qua trạng thái bất ổn, chị dần thích nghi với điều kiện sống mới và bắt đầu có những trải nghiệm mới. Bí quyết của chị là lập kế hoạch phù hợp cho mình.

“Muốn thích nghi được với điều kiện sống mới thì phải tạo ra một số tình huống để điều chỉnh cuộc sống của mình, lập nên một số kế hoạch để phù hợp với sở thích và hoàn cảnh riêng của mình, để tránh rơi vào trạng thái trầm cảm hoặc tâm sinh lý bất ổn. Ví dụ lập kế hoạch du lịch, đọc truyện, xem phim, giao lưu với các nhóm bạn để cùng nhau dã ngoại, leo núi, bơi lội, chơi thể thao... Người có năng khiếu thì có thể may vá, đan lát, thêu thùa, vẽ tranh. Một số người có thể trồng hoa, làm vườn, chăm sóc vật nuôi...”

Các kế hoạch thích hợp sẽ giúp thư giãn tinh thần và nâng cao sức khỏe tổng thể. Và khi những cảm xúc tốt đẹp được nhân lên thì sẽ lấy lại được trạng thái cân bằng về mặt tâm sinh lý và có sức khỏe tốt hơn.
Đừng bao giờ nghĩ rằng hạnh phúc phải là từ người khác mang lại cho mình, đừng nghĩ rằng người khác phải hiểu mình để mang lại hạnh phúc cho mình. Hạnh phúc là do chính mình tạo ra, mình tự điều chỉnh trong tất cả các tình huống cuộc sống sao cho phù hợp thì mình sẽ hạnh phúc.
Chị Thu Hà
Chị Thu Hà gợi ý rằng, trong cuộc sống mình nên biết sàng lọc, ‘gạn đục khơi trong’, biến sự cô đơn thành một khoảng riêng thú vị, và làm điều mình thích thay vì áp đặt con cái làm theo ý của mình.

“Nếu không thay đổi được quyết định của con cái thì cha mẹ nên điều chỉnh để thích nghi với hoàn cảnh sống mới và thay đổi cách tư duy của mình.”

Chị Thu Hà nói rằng giải pháp cá nhân của chị không hẳn phù hợp với tất cả mọi người, nhưng là những gợi ý để các phụ huynh có thể tham khảo. Chị cũng luôn sẵn lòng giao lưu, chia sẻ trải nghiệm của mình với quý thính giả SBS Tiếng Việt.

Mời quý vị vào phần Audio để nghe toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện với khách mời trong chương trình Mái ấm gia đình.

Share