Trong suốt vài tháng gần đây, trong hai nhóm Facebook dành riêng cho những người đang làm mẹ và nói tiếng Việt ở Úc, đã có thành viên hỏi về hai trang Facebook được quảng cáo xuất hiện khắp nơi trong khi họ lướt Facebook của mình.
Trang và trang có những từ khóa tương đồng, mời gọi phụ huynh cho các bé tham gia tuyển chọn, với lời hứa hẹn sẽ đào tạo, hỗ trợ để trở thành người mẫu trẻ em cho các nhãn hàng ở Úc.
Hầu hết các bình luận của các thành viên khác trong nhóm trả lời câu hỏi đều khẳng định đó là một vụ lừa đảo, “scam”, “fraud”. Nhiều thông tin hơn được một chút, có vài phụ huynh cho biết chính họ suýt rơi vào bẫy, may mà kịp tỉnh lại.
Những điểm tương đồng giữa hai trang Tuyển Mẫu Nhí Australia và Tuyển Model Kid Australia. Source: SBS / Screenshot
Tìm cơ hội cho con
Một số bình luận cho thấy người mẹ đã... liên lạc với doanh nghiệp quảng cáo trên, dấn thân một đoạn đường, may mắn kịp thời dừng lại. Có một vài bình luận ít ỏi cho biết người quen của họ đã lao vào và... rất tiếc, gánh chịu thiệt hại tài chính lên đến $5000.
Annie Le Tran ở Victoria là một trong những người mẹ trong nhóm Facebook đã liên lạc với trang Tuyển Mẫu Nhí Australia ngay trong đêm, nói rằng chị muốn con gái mình tham gia, khi chị nhìn thấy mẩu quảng cáo lúc lướt Facebook của mình. Lập tức có phản hồi nhưng Annie đi ngủ không trả lời. Sáng hôm sau trang này hỏi lại và Annie khẳng định “có”, chị muốn con mình tham gia. Cảm giác của Annie ngay lúc này là họ gấp gáp muốn chị phải trả lời ngay lập tức.
Annie đã đưa thông tin của con gái mình, gồm 2 tấm hình, tên, năm sinh, giới tính, trường, và năng khiếu của con cho một người gọi là cô Kim Oanh – trực tiếp đứng sau mẩu quảng cáo, và là Người Thứ Nhất liên lạc trực tiếp với chị qua hình thức chat trên Messenger của Facebook. Người tên Kim Oanh này sau đó đưa Annie một mã, và yêu cầu Annie liên lạc với một người khác – Người Thứ Hai, lúc này vẫn trên mạng Facebook, nói rằng mọi thông tin của con gái chị đã được chuyển đi.
Ảnh chụp màn hình do Annie cung cấp và chú thích. Source: Supplied
Telegram – Thiên đường của kẻ xấu
Annie cũng lập tức tải về ứng dụng Telegram, dù lúc đó đang bận đi làm. Từ đây mọi liên lạc xảy ra trong ứng dụng Telegram.
Người tên Hữu Lộc này đem Annie vào một nhóm. Thoạt nhìn có vẻ đàng hoàng chuẩn mực với việc cần phải đồng ý với những luật lệ trong nhóm trước khi gia nhập nhóm rồi Annie được giới thiệu với những “trợ lý viên, cộng tác viên”.
Tiếp theo, Annie được thông báo có 3 vòng thử thách sự tham gia của phụ huynh. Bước vào vòng thứ nhất, người tên Hữu Lộc tự giới thiệu mình làm ở công ty Canifa – trên trang Facebook người này có để đường dẫn. Khi Annie hỏi tới vì chưa nghe tên công ty này ở Úc, thì được cho biết công ty này ở Queensland. Kết quả tìm kiếm “địa chỉ công ty” trên Internet cho thấy đây là một bãi đất trống.
Ảnh chụp màn hình do Annie cung cấp, hỏi chuyện Canifa và kết quả tìm kiếm địa chỉ công ty. Source: Supplied
Những lời giải thích sau đó rất không rõ ràng. Vòng vo rồi cũng đến lúc bước vào hoạt động thử thách đầu tiên, được cho biết là có 40 phụ huynh tham dự, lạ lùng và dễ dàng đến không ngờ, cuốn phụ huynh vào cuộc. Phụ huynh được yêu cầu chụp màn hình 3 lần – hoạt động của Canifa, và gửi lại trong nhóm trên ứng dụng Telegram trong vòng 15 phút. Annie cũng làm theo.
Mồi nhử: Chuyển tiền nhận “hoa hồng”
Hoạt động thử thách thứ hai, người tên Hữu Lộc đã tự nhận mình có liên kết với công ty nhãn hàng Giorgio Armani và cho biết nhãn hàng này đang không kiếm đủ doanh số bán hàng. Phụ huynh hỗ trợ bằng cách chuyển tiền qua một tài khoản ngân hàng được chỉ định, sẽ được nhận lại lập tức 20% tiền hoa hồng.
Thời gian thử thách phụ huynh luôn “kinh điển”, đầu giờ sáng khi cha mẹ bận rộn chuẩn bị cho con đến trường, và giờ cơm tối. Càng vào “vòng trong”, nhóm càng nhỏ lại, cho đến lần chuyển tiền thứ ba, chỉ còn bốn, năm “phụ huynh”. Ảnh chụp màn hình cho thấy “Trợ Lý Viên” dùng số điện thoại mã quốc gia Campuchia +855 để dùng Telegram.
Ảnh chụp màn hình do Annie cung cấp, địa chỉ PayID giả dạng số điện thoại Úc và số điện thoại ở Cambodia trong nhóm Telegram. Source: Supplied
Annie vẫn làm theo, và vẫn nhận được tiền hoa hồng như hứa hẹn. Lần thứ ba, số tiền tăng cao hơn lần nữa nhưng hoa hồng là 12%. Đến lúc này Annie giật mình và nói chuyện với chồng. Chồng chị khẳng định đó là scam. Annie lấy lại tiền và dừng mọi chuyện lại ở đây.
Ảnh chụp màn hình do Annie cung cấp, hai lần chuyển tiền “nhận hoa hồng” đến hai tài khoản khác nhau. Source: Supplied
Cindy cũng là một người mẹ may mắn mà SBS Vietnamese tiếp xúc. Chị cho biết chị chọn dừng liên lạc ngay khi được trang Tuyển Mẫu Nhí Australia yêu cầu cài đặt ứng dụng Telegram.
Ảnh chụp màn hình do chị Cindy cung cấp cho SBS Vietnamese. Source: Supplied
Phụ huynh cắn răng chịu khi bị lừa
Tổn thất lớn nhất của Annie trong chuyện này là vấn đề tâm thần, và cuộc sống hàng ngày. Với nỗi lo thường trực là người xấu có thể bắt cóc con mình khi nắm gữ trong tay nhiều chi tiết cụ thể của con – cuộc sống chị đã bị xáo trộn, lo lắng đến mức không còn dám gửi con sau giờ học.
SBS Vietnamese đã lần theo địa chỉ trang mạng trên Facebook Trần Hữu Lộc, gửi thư đến Công ty Canifa ở Việt Nam, mong muốn xác nhận danh tính và công việc mà người tên Hữu Lộc đang làm. Phản hồi từ Công ty Canifa khẳng định công ty không có nhân viên và chương trình tuyển người mẫu nhi đồng nào như vậy.
Bài đăng trên Facebook Trần Hữu Lộc. Source: SBS / Screenshot
Được biết rất nhiều phụ huynh đã báo cáo với Facebook bài quảng cáo của trang Tuyển Mẫu Nhí Australia, bao gồm những người thực hiện bài này, nhưng Facebook “không thấy sự vi phạm quy tắc quảng cáo nào”. Điều đó cũng không khó hiểu, khi phụ huynh đã được chuyển sang “làm việc” với một tài khoản Facebook khác, và đã thêm một lần chuyển “nền tảng” để mọi “thử thách” và giao dịch chuyển tiền chỉ xảy ra trong nhóm, trên ứng dụng Telegram.
Phản hồi của Facebook khi SBS Vietnamese báo cáo quảng cáo của trang Tuyển Mẫu Nhí Australia là lừa đảo. Source: SBS / Screenshot
Không có cách nào khác là… phụ huynh phải tự bảo vệ mình, học cách nhận biết những dấu hiệu ban đầu của hành vi dụ dỗ, nhử mồi, để rồi lừa gạt.
Một công ty, thương vụ, tổ chức sẽ trở nên đáng nghi ngờ khi có những dấu hiệu sau:
- Quảng cáo điều gì đó quá tốt đẹp so với mức thông thường
- Phương pháp liên lạc chỉ có trên mạng xã hội, bắt buộc phải tải về Telegram
- Mời gọi tham gia hoạt động kiếm tiền quá dễ dàng
Nếu bạn tin rằng mình là nạn nhân của tội phạm mạng, hãy trình báo cho trang . Nếu sự an toàn của bạn bị đe doạ, hãy gọi số 000. Cần thông dịch viên để giúp bạn nói tiếng Anh, hãy gọi 131 450.