Trong thời đại công nghệ phát triển nhanh chóng, deepfake đang trở thành một mối đe dọa ngày càng lớn đối với người dùng mạng xã hội.
Deepfake là những sản phẩm truyền thông tổng hợp được tạo ra bằng trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm hình ảnh, video, và âm thanh. Nó có thể thay thế khuôn mặt hoặc giọng nói của một người trong một video với độ chính xác cao, khiến người xem khó có thể phân biệt được thật giả.
Ban đầu, deepfake được dùng cho mục đích giải trí, như tạo ra các video hài hước. Tuy nhiên, bọn tội phạm cũng có thể sử dụng chúng để tạo nội dung khiêu dâm, gian lận danh tính, phát tán tin giả, lừa đảo tài chính, hay can thiệp bầu cử.
Nhiều deepfake được tạo ra bằng một loại mô hình được gọi là Mạng đối nghịch phát sinh (Generative Adversarial Network – GAN). GAN được đào tạo bằng cách đưa hai mạng nơ-ron đối đầu với nhau: một bên tạo ra nội dung và bên còn lại đánh giá nội dung, từ đó cho ra các kết quả ngày càng chân thực hơn.
Những tiến bộ gần đây của công nghệ AI, cũng như sự gia tăng của các ứng dụng tạo deepfake giá rẻ và dễ sử dụng, đã khiến deepfake ngày càng trở nên phổ biến hơn trên mạng xã hội.
“Chỉ khoảng một năm trước, công nghệ này chỉ dành cho những tin tặc và chuyên gia có tay nghề cao. Bây giờ, bất kỳ ai có điện thoại hoặc máy tính đều có thể tạo ra deepfake. Chỉ cần vào cửa hàng ứng dụng, tải xuống một trong nhiều ứng dụng miễn phí hoặc trả một khoản phí đăng ký nhỏ là bạn đã sẵn sàng,” Tiến sĩ Sharif Abuadbba thuộc CSIRO cho biết.
“Giờ đây, việc tạo ra deepfake nhắm vào một người cụ thể là rất dễ dàng. Những kẻ tấn công mới vào nghề có thể truy cập vào ứng dụng và làm điều đó chỉ trong vài giây. Những tin tặc lành nghề thì có thể tạo ra deepfake vô cùng chân thực chỉ trong vài giờ đến một ngày.”
Tiến sĩ Abuadbba nhận định việc sử dụng deepfake đang trở thành .
Deepfake đang trở nên tiên tiến đến mức có thể nhắm mục tiêu vào các hệ thống nhận dạng khuôn mặt đang ngày càng được sử dụng để bảo mật các tài khoản trực tuyến như ngân hàng.Tiến sĩ Sharif Abuadbba, CSIRO
Cách nhận biết deepfake
Tiến sĩ Kristen Moore cho biết có nhiều cách để phát hiện deepfake.
“Nếu là video, bạn có thể kiểm tra xem âm thanh có đồng bộ với chuyển động của môi không. Các từ có khớp với miệng không? Những thứ khác cần kiểm tra là chớp mắt hoặc nhấp nháy không tự nhiên quanh mắt, ánh sáng hoặc bóng tối kỳ lạ, và biểu cảm khuôn mặt không khớp với nội dung của câu nói,” bà nói.
“Với hình ảnh, bạn có thể tìm kiếm sự bất đối xứng, chẳng hạn như bông tai không cùng một cặp, hoặc một bên mắt to hơn bên kia một chút. Một điều khác mà [các ứng dụng AI] hiện đang gặp khó khăn là bàn tay – vì vậy hãy kiểm tra số lượng ngón tay, kích thước và độ chân thực của bàn tay.”
Ngoài ra, deepfake thường có chất lượng video không cao, với các chi tiết nhỏ bị mờ hoặc không rõ ràng. Các vùng quanh mép khuôn mặt, tóc, và cổ có thể bị biến dạng hoặc trông không tự nhiên.
Tiến sĩ Shahroz Tariq thuộc CSIRO khuyên người dùng mạng xã hội nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân lên mạng.
“Bạn có thể tự bảo vệ mình ở một mức độ nào đó bằng cách đặt tài khoản mạng xã hội của bạn ở chế độ riêng tư. Theo cách này, chỉ bạn bè và người theo dõi mới có thể xem nội dung mà bạn đăng lên,” bà nói.
“Điều này không chỉ hạn chế khả năng hiển thị hình ảnh của bạn trên mạng, mà còn tăng đáng kể khả năng tìm thấy kẻ tấn công nếu ai đó tạo deepfake giả dạng bạn.”