Bà Nina Bassat, 83 tuổi, là một nhân chứng sống sau thảm họa diệt chủng Holocaust.
Sinh ra ở Ba Lan vào năm 1939, mười năm sau bà đến Melbourne cùng với mẹ sau khi chạy trốn khỏi một trại dành cho người tản cư ở Đức.
Bà là một nhà lãnh đạo cộng đồng và cũng là một nhân chứng lịch sử trong số nhiều người Úc gốc Do Thái và các nhà giáo dục đang cố gắng để những người trẻ tuổi biết và tưởng nhớ Holocaust.
Bà Bassat cho biết, khi số nhân chứng còn sống đang giảm dần, cộng đồng cần tiếp tục lưu truyền những kỷ niệm và bài học từ Holocaust.
“Mỗi nhân chứng sống đều có một câu chuyện để kể, nhưng điều thực sự thú vị là chúng ta có thể rút ra được gì và có thể sử dụng nó ở đâu... Mọi người có thể hiểu rõ hơn về lòng dũng cảm và sự kiên cường và những gì mà tinh thần con người có thể làm được."
Vậy quý vị biết được bao nhiêu về Holocaust?
Một cuộc khảo sát mới cho thấy một phần tư người Úc không biết nhiều về Holocaust. Thậm chí họ biết rất ít về mối liên hệ của Úc với sự kiện bi thảm.
Dữ liệu khảo sát do Gandel Foundation thực hiện, công bố kết quả vào ngày tưởng niệm Holocaust quốc tế (27/1) cho thấy 30% thế hệ thiên niên kỷ không biết nhiều về Holocaust; nhưng 78% tin rằng các bảo tàng và đài tưởng niệm Holocaust là có giá trị; và 66% tin rằng trường học nên bắt buộc dạy về Holocaust.
Cuộc khảo sát do Đại học Deakin thực hiện dựa trên nghiên cứu tương tự ở Mỹ, Canada, Anh, Pháp và Áo.
Trưởng nhóm nghiên cứu Steven Cooke cho biết:
“Chúng ta cần thừa nhận rằng Holocaust là một phần trong câu chuyện của chúng ta, câu chuyện về những quyết định mà chính phủ Úcđã thực hiện trong thời gian qua, và là một phần thực sự quan trọng trong câu chuyện của Úc. "
Cuộc khảo sát diễn ra vào tháng 9 năm ngoái, với khoảng 70 câu hỏi dành cho 3.522 người lớn trên tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ. Đây là cuộc khảo sát lớn nhất từ trước đến nay về loại hình này ở Úc.
Nhìn chung, người Úc ở mọi lứa tuổi đều có kiến thức về Holocaust tương đối cao, với gần 70% biết rằng Holocaust ám chỉ tội ác diệt chủng đối với người Do Thái, trong khi 80% biết rằng Holocaust xảy ra từ năm 1933 đến năm 1945, và 54% nói đúng số người Do Thái bị sát hại là khoảng sáu triệu người.
Giám đốc Bảo tàng của Trung tâm về Thảm sát Do Thái ở Melbourne, Jayne Josem, nói với SBS News rằng kết quả khảo sát không gây ngạc nhiên nhưng đáng lo ngại.
Chỉ có 25% người Úc được ghi nhận đã đến thăm bảo tàng Holocaust ở Úc hoặc ở nước ngoài, và 81% cho biết chưa bao giờ nghe nói chuyện hoặc bài giảng trực tiếp từ một người sống sót sau thảm sát Holocaust.
“Gần đây, chúng tôi đã thành lập một liên minh các bảo tàng Holocaust trên khắp nước Úc để khuyến khích sự phát triển, chia sẻ những câu chuyện của Úc và vươn xa hơn những gì mà các bảo tàng đã đạt được trước đây.”
Nhóm nghiên cứu đưa ra tám khuyến nghị trong báo cáo, bao gồm lời kêu gọi giới thiệu về các nghiên cứu về Holocaust ở các trường học trên khắp nước Úc trong chương trình đào tạo giáo viên được công nhận; nhu cầu về các nguồn lực khám phá các kết nối Holocaust của Úc; phát triển các chiến lược để thúc đẩy nhiều người đến các bảo tàng Holocaust; cho phép sinh viên nghe lời kể của các nhân chứng sống của vụ thảm sát Holocaust, và tiếp tục các cuộc nghiên cứu.
Giáo viên Lịch sử tại Đại học Kelvin Grove ở Queensland, Lauren Hovelroud, nói với SBS rằng cuộc khảo sát có thể thúc đẩy một cam kết quốc gia mới trong việc giảng dạy cho học sinh về vụ thảm sát.
"Điều tôi thực sự muốn thấy là sự kết nối và gắn bó nhiều hơn với các trường học, với các viện bảo tàng và cơ sở lịch sử như các nhóm cộng đồng."
Ngoài Israel, Úc được cho là nơi có số lượng nhân chứng sống lớn nhất theo bình quân đầu người. Nhưng cuộc khảo sát cho thấy hầu như ít ai biết mối liên hệ của Úc với Holocaust và việc giảng dạy về Holocaust tại trường học trên cả nước hiện vẫn chưa nhất quán.
Bà Josem cho biết:
"Chúng ta có thể làm mọi thứ trong lớp học hoặc ở viện bảo tàng để giới thiệu thông tin cho những người trẻ tuổi, nhưng giới trẻ chịu nhiều ảnh hưởng của gia đình và cả phương tiện truyền thông xã hội nữa. Vì vậy, chúng ta phải làm gì? Rõ ràng là có những điều cần phải làm ở cấp độ xã hội lớn hơn để giải quyết những vấn đề đó, đặc biệt là xung quanh việc chống chủ nghĩa bài Do Thái.”
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại