Israel cưỡng ép di dời người Palestine là tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người

Palestinians walk past destroyed residential buildings in Al Nuseirat refugee camp, central Gaza Strip.

Palestinians in Gaza and the families of Israeli hostages are holding their breath as ceasefire talks in Qatar reach a decisive moment. Source: EPA / AAP

Một phúc trình mới của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, Israel đã gây ra tình trạng di dời cưỡng bức người Palestine ở Gaza, đến mức cấu thành tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Bản phúc trình này là báo cáo mới nhất, trong một loạt phúc trình từ các nhóm cứu trợ và các tổ chức quốc tế, cảnh báo về tình hình nhân đạo tồi tệ ở vùng đất này.


Việc cưỡng bức di dời người Palestine ở Gaza, đến mức cấu thành tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, đó là cáo buộc chống lại Israel từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.

Luật quốc tế về xung đột vũ trang cấm cưỡng bức di dời dân thường khỏi lãnh thổ bị chiếm đóng, trừ khi cần thiết vì sự an toàn của dân thường hoặc vì lý do quân sự cấp bách.

Adam Coogle từ Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết, việc di dời người Palestine có khả năng được lên kế hoạch là vĩnh viễn trong các vùng đệm và hành lang an ninh, mà ông cho rằng tương đương với việc thanh trừng sắc tộc.

"Israel tuyên bố rằng họ đã thiết lập một hệ thống di tản để cho phép người Palestine, thường dân ở Gaza, tìm kiếm sự an toàn".

"Nhưng để di chuyển dân thường, một số điều kiện nhất định phải được đáp ứng".

"Trước hết, nó phải là tạm thời, chỉ có thể là cho đến khi các cuộc giao tranh kết thúc".

"Thứ hai, thường dân phải được hướng dẫn đến những khu vực an toàn hơn, nơi các nhu cầu nhân đạo căn bản của họ được đáp ứng".

"Và thứ ba, thường dân chỉ có thể được di tản nếu đó là nhu cầu quân sự cấp bách".

"Và trong cả ba điều này, báo cáo và tài liệu của chúng tôi cho thấy, Israel đã không đáp ứng được gánh nặng".

"Do đó, họ đang thực hiện hành vi di dời cưỡng bức và vì điều này tuân theo chính sách của nhà nước, nên đây là tội ác chống lại loài người”, Adam Coogle.
Ông nói rằng đã đến lúc các quốc gia khác lên tiếng và cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí cho Israel.

"Để ứng phó với tình hình ở Gaza, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi các nước thứ ba, công khai lên án hành vi cưỡng bức di dời và tội ác chống lại loài người của Israel. HRW cũng kêu gọi các nước cắt nguồn cung cấp vũ khí cho Israel, đình chỉ việc bán vũ khí, cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt có mục tiêu, đối với các cơ quan chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm đang diễn ra".

"Ngoài ra chúng tôi tin rằng, công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế nên điều tra hành vi cưỡng bức di dời ở Gaza”, Adam Coogle.

Trong khi đó Quân đội Israel đã phủ nhận việc cố gắng tạo ra các vùng đệm vĩnh viễn và cáo buộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền "có thành kiến chống lại Israel và bóp méo sự thật".

Bộ trưởng Ngoại giao Gideon Saar cho biết, những người Palestine phải rời bỏ nhà cửa ở phía bắc Gaza, sẽ được phép trở về khi chiến tranh kết thúc.

Trong những diễn biến khác, Úc đã cùng 155 quốc gia khác ủng hộ một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, công nhận chủ quyền vĩnh viễn đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên của người dân Palestine ở Lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng, bao gồm Đông Jerusalem và của người dân Ả Rập ở Cao nguyên Golan, do Syria chiếm đóng.

Trong khi đó có 7quốc gia đã bỏ phiếu chống lại nghị quyết, bao gồm Hoa Kỳ, Canada và Israel và 11 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc hiện sẽ được yêu cầu xem xét dự thảo nghị quyết.

Tổng trưởng Giáo dục Jason Clare nói với Kênh 7 rằng, cần phải hành động để chấm dứt đau khổ.

"Bạn không thể ném bom để đạt được hòa bình, tôi nghĩ 12 tháng qua đã cho chúng ta thấy điều đó".

"Vụ ném bom đã giết chết hàng chục ngàn người ở Gaza, ở Lebanon, hơn một ngàn người bị sát hại ở Israel. Mục đích của việc này là tạo động lực cho giải pháp hai nhà nước, chúng ta cần chấm dứt giết chóc và bắt đầu đàm phán”, Jason Clare .

Trong khi đó Ngoại trưởng Penny Wong cho biết, cuộc bỏ phiếu phản ánh mối quan ngại của quốc tế về các hành động của Israel, cản trở việc tiếp cận tài nguyên thiên nhiên và hoạt động định cư đang diễn ra, tước đoạt đất đai, phá dỡ và bạo lực của người định cư đối với người Palestine.

Liên đoàn Zionist của Úc cho biết, họ lo ngại về hành động của chính phủ liên bang, mô tả đó là sự bỏ rơi đồng minh của Úc, vào đúng thời điểm nước này đang tiến hành một cuộc chiến tranh hiện sinh, đa mặt trận chống lại Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này.

Liên đoàn cho biết cuộc bỏ phiếu báo hiệu sự tách biệt đáng lo ngại khỏi thực tế, khiến Úc không đồng bộ với các đồng minh chủ chốt, bao gồm Hoa Kỳ và Canada.

Israel đã tấn công một số tòa nhà dân cư ở thủ đô Damascus của Syria và có báo cáo về 15 người chết và 16 người bị thương.

Đài phát thanh quân đội Israel cho biết, mục tiêu của cuộc tấn công ở Damascus, là trụ sở của nhóm chiến binh Hồi giáo Palestine Jihad và những gì họ mô tả là các tài sản khác, mà không giải thích thêm.
Được biết Israel đã tiến hành các cuộc tấn công vào các mục tiêu có liên quan đến Iran ở Syria trong nhiều năm, nhưng đã tăng cường các cuộc tấn công như vậy kể từ cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 năm ngoái của nhóm Hamas của Palestine vào lãnh thổ Israel, cuộc tấn công đã làm leo thang mạnh mẽ cuộc xung đột ở Trung Đông.

Và tại Gaza, Bộ Y tế Gaza cho biết các cuộc tấn công của Israel đã giết chết 24 người trong 24 giờ qua.

Tiếng còi báo động vang lên ở thành phố Haifa, miền bắc Israel, khi xung đột xuyên biên giới với Hezbollah vẫn tiếp diễn.

Hezbollah đã bắn tên lửa về phía Haifa và máy bay chiến đấu của Israel đã tấn công các vùng ngoại ô phía nam của Beirut, và giết chết 33 người ở những nơi khác trong nước.

Hezbollah bắt đầu bắn vào Israel vào ngày 8 tháng 10 năm ngoái, để đoàn kết với Hamas ở Gaza.

Kể từ đó, Bộ Y tế nước này đã báo cáo rằng, hơn 3.200 người đã thiệt mạng ở Lebanon và hơn 14.200 người bị thương.

Tại Israel, 76 người đã thiệt mạng, trong đó có 31 binh sĩ.

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở 

Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay  

Share