Mặc dù chỉ có hơn 1,100 người tham gia trả lời khảo sát, của trung tâm Nghiên cứu chính sách Người Tiêu dùng CPRC, nhưng kết quả thuyết phục cho biết những người trẻ tuổi và người thuê nhà là nhóm gặp nhiều khó khăn nhất trong đại dịch.
Roy Morgan hồi tháng Năm thực hiện cuộc thăm dò ý kiến đầu tiên, cho biết nhóm người từ 18 tuổi đến 35 tuổi là nhóm bị tổn thương nhất trong dịch bệnh.
Số lượng người tham gia khảo sát được trải đều ở nhiều nhóm tuổi khác nhau, nhưng ở nhóm từ 18 – 35 tuổi, cho thấy món tiền tiết kiệm bị hao mòn nhanh chóng nhất, cũng như để tiếp tục cuộc sống trong dịch bệnh, đa số họ phải gánh thêm nhiều khoản nợ nần.
Bà Lauren Solomon là CEO của CPRC.
‘Số liệu điều tra không thể cho chúng ta biết được toàn bộ câu chuyện trong thực tế. Tuy nhiên những gì biết được qua cuộc thăm dò ý kiến đó là những người làm việc công nhật, người đi thuê nhà, và những người trẻ tuổi đang phải vật lộn từng ngày, họ lo lắng về khả năng có thể trang trải một cuộc sống tối thiểu, cũng như họ gặp nhiều khó khăn khi muốn tiếp cận với những nguồn tài trợ hiện có’.
Phúc trình của CPRC chỉ ra đa số người trẻ tuổi phải vay tiền từ gia đình hay lâm vào cảnh nợ nần trong đại dịch.
34% số người thuộc nhóm tuổi này nói họ đã phải chi vào các khoản tiền tiết kiệm, và 8% trong số này đã rút trước tiền quỹ hưu bỗng superannuation, vốn đã rất ít ỏi.
Từ giữa tháng Ba đến đầu tháng 5/2020, số lượng người dưới 20 tuổi bị mất việc lên tới 14.6%, đây là tỷ lệ mất việc cao nhất trong tất cả các nhóm tuổi tham gia cuộc khảo sát.
Ông Bill Mitchell là giáo sư Kinh tế thuộc trường đại học Newcastle.
Ông nói cuộc suy thoái kinh tế sẽ ảnh hưởng nhiều nhất đến những người trẻ tuổi trong vài năm tới.
‘Đại dịch khiến cho quy trình của một cuộc sống bình thường bị phá vỡ. Dịch bệnh càng kéo dài thì quá trình đi làm và đi học bình thường sẽ bị đổ vỡ. Chỉ cần một chỗ trong quy trình này bị thay đổi, có nghĩa rằng bạn sẽ bị mất việc, và bạn sẽ không có kinh nghiệm, cũng như kỹ năng cần thiết để phát triển bản thân. Và đến cuối thập niên này bạn sẽ phải đối diện với hàng loạt sự đổ vỡ, từ đó sẽ dẫn tới sự xói mòn các cơ hội nghề nghiệp và cuộc sống trong tương lai’.
Phúc trình cho hay trong giai đoạn đầu của xung đột kinh tế, các biện pháp cứu cấp đã được ban ra, nhằm giúp mọi người vẫn giữ nhịp sống tiêu thụ và sinh hoạt bình thường.
Tuy nhiên các giới hạn về tiêu dùng và đi lại đặt ra trong đại dịch khiến cho sự mất việc càng tăng nhanh, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn và giải trí.
37% những người tham gia khảo sát cũng cho biết tình hình nguy ngập về tài chánh còn đến từ việc họ không thể trả nổi tiền thuê nhà.
Bà Solomon nói những người thuê nhà là nhóm rút tiền trong quỹ hưu bỗng sớm nhất.
Kết quả khảo sát đưa ra cảnh báo rằng trong vài tháng tới, khoảng cách giữa những người được nhận sự hỗ trợ và những người không nhận một món tiền hỗ trợ nào trong đại dịch sẽ càng kéo dài ra.
Hiện nay khoảng một nửa dân số Úc đang tìm mọi cách xoay sở để chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, trong đó tới 22% dân số đang sử dụng credit card hoặc các dịch vụ “mua trước trả sau”, cũng như 15% dân số đã hủy bỏ ghi danh các dịch vụ như bảo hiểm và các dịch vụ họ đã đăng ký dài hạn.
Những người nhận tiền tài trợ JobSeeker, những người có thu nhập bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19, người thuê nhà, người làm công nhật và người trẻ tuổi là các nhóm đang phải vật lộn nhiều nhất và đã sử dụng các bước xoay sở như đã nói ở trên.
Cô Kirsten Hartnett là nhân viên tư vấn tài chánh thuộc tổ chức Salvation Army, cô nói dịch vụ của tổ chức này chủ yếu giúp đỡ cho những ai đang bị mắc nợ lâu dài, cũng như những người bị bất ngờ lâm vào hoàn cảnh khó khăn không thể bảo đảm nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống.
Cô nói còn có những nhóm khó khăn khác, vốn trước đây không tìm đến tổ chức của cô để nhờ giúp đỡ, thì nay trở thành khách hàng quen thuộc, đó là những sinh viên quốc tế và những người đang giữ visa tạm thời.
‘Chúng tôi cũng tiếp nhận nhiều khách hàng không phải là người Úc, và không biết hệ thống tài trợ của Úc có giúp được gì cho họ không. Mỗi người đều đang cố gắng tìm kiếm cơ hội, xem có một món tiền tài trợ nào có thể dành cho họ, trong một hệ thống phức tạp và trong thời điểm bất định. Họ thuộc vào những trường hợp đặc biệt. Họ còn thật sự tìm đến chúng tôi để hỏi liệu chúng tôi có thể cho họ chút ít thực phẩm không. Và những món tối thiểu nhất. Họ hỏi những câu hỏi như chúng tôi có thể tìm thực phẩm cứu trợ ở đâu, hoặc có dịch vụ nào giúp đỡ chúng tôi về tiền thuê nhà không. Đó thật sự là những nhu cầu căn bản trong cuộc sống.’
Giáo sư Mitchell nói chính phủ dự đoán đại dịch lần này sẽ đưa kinh tế Úc vào một tình trạng “ngủ đông” tạm thời.
Tuy nhiên chính phủ không thể dự đoán số lượng lớn lao những doanh nghiệp không thể sống sót sau đại dịch, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực du lịch nhà hàng và khách sạn.
Ông nói chính phủ nên chuyển sự quan tâm sang tài trợ cho các chương trình tạo ra công ăn việc làm, nhằm hỗ trợ nhân viên trong các lĩnh vực bị thiệt hại nặng nhất tìm kiếm cơ hội mới, nhất là những người làm việc tại miền quê.
Còn cô Hartnett thúc giục người Úc hãy tìm đến các dịch vụ tư vấn tài chánh miễn phí để có được lời khuyên sử dụng credit card hợp lý, hoặc giúp giải quyết các vấn đề tiền thuê nhà, mortgage và các khoản nợ khác.
‘Điều đáng nói là các dịch vụ này đều miễn phí. Chúng tôi có thể sắp xếp thông dịch viên nếu không có người tư vấn biết nói tiếng mẹ đẻ của bạn.’
Và quý vị có thể cập nhật tin tức mới nhất về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus.