Khi nước Úc bắt đầu vượt qua đại dịch, nền kinh tế quốc gia đang cố gắng vực dậy. Phần lớn sự phục hồi kinh tế phụ thuộc vào thời điểm các tiểu bang và vùng lãnh thổ dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 khác nhau và mở cửa biên giới.
Trong những ngày gần đây, Queensland đã chịu áp lực phải mở biên giới, không chỉ từ tiểu bang láng giềng New South Wales, mà còn từ chính phủ liên bang. Áp lực được đặt ra sau khi Queensland thừa nhận có thể đóng cửa biên giới cho đến cuối tháng Chín.
Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton nói với Nine Network rằng Thủ hiến Queensland Annatascia Palaszczuk đang tạo ra vấn đề:
"Tôi không hiểu bà ấy đến từ đâu. Có một tài liệu được đưa ra, tài liệu đó cho biết ngày 10 tháng 7 là ngày mở cửa. Vì vậy, các nhà khai thác du lịch ở Cairns đang có kế hoạch mở cửa từ ngày 10 tháng 7. Và Queensland không giống nơi nào khác, vẫn đóng cửa đến tháng Chín. Và tôi nghĩ rằng điều này cũng khiến Giám đốc Y tế ở Queensland ngạc nhiên. Tôi nghĩ rằng bà ấy đã tự đặt mình vào một góc và việc đó không hợp lý.'
Khi người Úc chờ đợi mở cửa trở lại, câu hỏi được đặt ra là nền kinh tế có thể khác biệt như thế nào khi đại dịch kết thúc, không chỉ trên cả nước, mà ở các tiểu bang và vùng lãnh thổ khác nhau.
Ngân hàng ANZ thường xuyên đưa ra các phân tích so sánh hiệu quả kinh tế của các quốc gia và vùng lãnh thổ Úc. Bà Cherelle Murphy là một trong những tác giả của phần mới nhất trong nghiên cứu, phần đề cập đến giai đoạn mà coronavirus đã ảnh hưởng đến nền kinh tế Úc. Bà nói rằng chẳng có gì ngạc nhiên khi các kênh thương mại của nền kinh tế Úc phải chịu gánh nặng trước tiên.
Bà Murphy nói rằng có một lợi thế kinh tế cho các tiểu bang nới lỏng các hạn chế. Một ví dụ tiềm năng là Tây Úc, nơi có nhiều công nhân bay vào để phục vụ ngành khai thác mỏ.
"Nếu chúng ta thấy khu vực đó bắt đầu tạo ra nhiều việc làm hơn, và sau đó những người lao động có thể bay vào và bay ra khỏi Tây Úc dễ dàng hơn, thì tôi hoàn toàn tin rằng chúng ta sẽ thấy một số cải thiện ở đó."
Bà nói rằng sự thất bại của tình huống này đã được nhìn thấy ở Lãnh thổ phía Bắc:
"Thật thú vị khi xem xét Lãnh thổ phía Bắc như một ví dụ điển hình về nền kinh tế có dân cư không ổn định. Về cơ bản, mọi người đến Lãnh thổ phía Bắc vì có việc làm ở đó, và khi ở đó không có việc làm thì họ có xu hướng rời đi, trừ khi họ có lý do nào khác để ở lại. Vì vậy, khi mọi người không thể di chuyển nhiều, tôi nghĩ rằng chúng ta đã thấy một chút bằng chứng ở Lãnh thổ phía Bắc, với tình trạng thất nghiệp hoặc thiếu việc làm tăng lên khá nhiều."
Mặc dù lĩnh vực khai thác tài nguyên quan trọng đến nay hầu như chưa bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng, nhưng điều đó có thể không chắc chắn.
Một yếu tố gia tăng khác là sự bất đồng của Úc với Trung Quốc về một cuộc điều tra về nguồn gốc của COVID-19. Trung Quốc đã tuyên bố những động thái sẽ gây tổn hại đến các nhà sản xuất lúa mạch và thịt bò Úc. Và James Whelan, Giám đốc đầu tư của Tập đoàn VFS, nói rằng phạm vi ảnh hưởng có thể mở rộng đến cả lĩnh vực khai thác, có thể khiến người Úc rơi vào tình huống khó khăn.
"Trung Quốc nhập khẩu 62% quặng sắt từ Úc, nhưng họ có thể không giữ nguyên như vậy. Brazil cũng có nhiều quặng sắt. Và nói theo kiểu của Trung Quốc thì khi chúng ta thay đổi, điều chỉnh một quy tắc nào đó thì nó có thể làm cho nước Úc gặp khó khăn hơn khi làm ăn với Trung Quốc."
Bà Murphy nói rằng điều quan trọng là phải xem xét những vấn đề mà nền kinh tế Úc gặp phải trước khi virus tấn công. Bà nói rằng nợ của hộ gia đình là vấn đề quan trọng nhất - đặc biệt là ở New South Wales và Victoria, nơi đang có làn sóng giá bất động sản tăng cao. Nhưng bà nói rằng đó là một vấn đề tồn tại trên cả nước.
"Chắc chắn những vấn đề chúng ta đang đối mặt sẽ không biến mất. Và trên thực tế, vấn đề có thể trở nên tồi tệ hơn. Và tôi nghĩ rằng có lẽ một trong những vấn đề chủ yếu là nợ của hộ gia đình, có thể xảy ra ở bất kỳ tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ nào. Quý vị có thể thấy nợ của hộ gia đình đã tăng lên ở các bang, Victoria và New South Wales, nơi mà vật giá tăng lên rất mạnh. Nhưng tôi cho rằng đó không chỉ là câu chuyện ở các tiểu bang, mà là của cả một quốc gia."
Nhìn chung, bà Murphy vẽ một bức tranh về một nền kinh tế trong tình trạng tốt. Nhưng bà nói rằng nước Úc có rất nhiều vấn đề kinh tế cần giải quyết sau khi cuộc khủng hoảng coronavirus kết thúc.
"Không thể nói rằng những điều đó cho thấy nền kinh tế của chúng ta suy yếu. Tôi nghĩ điều đó không đúng. Tôi nghĩ chúng ta chắc chắn có nhiều điểm mạnh hơn là điểm yếu. Nhưng chúng ta sẽ thấy vết sẹo của nền kinh tế không thể biến mất trong một thời gian ngắn. Và vì vậy chúng tôi đưa ra một số vấn đề quan trọng cần giải quyết sắp tới như: Làm thế nào để đưa mọi người trở lại làm việc? Làm thế nào để các doanh nghiệp nhỏ vừa bị đóng cửa có thể hoạt động trở lại và tạo ra việc làm? Làm thế nào để chúng ta quản lý các tác động khác nhau? Thực tế là nhiều phần của lĩnh vực nhà ở bị ảnh hưởng nặng nề. Thực tế là các trường đại học không thể có sinh viên quốc tế tại thời điểm này. Đó là những ví dụ về các vấn đề lớn cần giải quyết."
Và quý vị có thể cập nhật thông tin về coronavirus bằng ngôn ngữ của mình tại sbs.com.au/coronavirus
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại