Hạt giống yêu thương: Máu đã đổ nhưng đặc khu vẫn ra đời

Quốc Hội Việt Nam

Quốc Hội Việt Nam ký thông qua sửa đổi luật cho phép người nước ngoài vào các khu kinh tế đặc biệt ven biển không cần visa Source: TTXVN

Đặc khu kinh tế Vân Đồn - Phú Quốc được hợp pháp hóa mà không cần luật Đặc khu được thông qua. Chiều ngày 25/11, Quốc hội Việt Nam đã bấm nút thông qua luật sửa đổi, cho phép người nước ngoài vào các khu kinh tế ven biển Việt Nam mà không cần phải xin thị thực. Trước đó, vào ngày 14/11, Thủ tướng Việt Nam ký ban hành "Nghị Quyết về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh" và có hiệu lực ngay từ ngày ký. Chỉ bằng những quyết định nhỏ riêng lẻ và những sửa đổi luật, các đặc khu đã được hợp thức hóa mà không cần đến luật đặc khu.


Đặc Khu là từ viết tắt của Khu Kinh tế đặc biệt.

Vào chiều ngày 25/11, quốc hội đã bấm nút ký thông qua luật sửa đổi, cho phép người nước ngoài vào các khu kinh tế ven biển Việt Nam mà không cần phải xin thị thực.

Thường vụ Quốc hội cho rằng, quy định miễn thị thực cho người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển nào hội đủ bốn điều kiện bao gồm:

- Có sân bay quốc tế, không gian riêng biệt;
- Có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền;
- Phù hợp với chính sách phát triển kinh tế - xã hội;
- Không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.

Hiện Việt Nam có 18 khu kinh tế ven biển, chỉ riêng hai huyện đảo Phú Quốc, Vân Đồn là có vẻ đáp ứng đủ bốn điều kiện mà Thường vụ Quốc hội Việt nam đưa ra.

Luật miễn thị thực cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được ký dưới tên gọi là "Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam", và có hiệu lực thi hành từ 1/7/2020.

Đã có 404 đại biểu bấm nút đồng ý trên tổng số 446 đại biểu, 26 người không tán thành và 16 người không biểu quyết.

Trước mắt thì thời hạn cư trú cho người nước ngoài được vào khu kinh tế ven biển được miễn thị thực là 30 ngày.

Tuổi Trẻ dẫn lời ông Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - an ninh Võ Trọng Việt nói rằng,

"Việc bổ sung quy định trên là cần thiết, vừa tạo thuận lợi cho người nước ngoài vào đầu tư, hoạt động tại khu kinh tế ven biển đủ điều điện để phát triển khu vực này, vừa bảo đảm chặt chẽ về công tác quản lý nhà nước và bảo đảm quốc phòng, an ninh".

Trước đó, vào ngày 15/11, cộng đồng mạng sửng sờ chia sẻ văn bản có tên là "Nghị Quyết Về Việc Thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh" do Thủ tướng Việt Nam ký ban hành ngày 14/11/2019 và có hiệu lực ngay từ ngày ký.

Như vậy chỉ trong vòng 10 ngày, bằng những quyết định nhỏ riêng lẻ và thông qua những sửa đổi luật, các đặc khu đã được luật hóa mà không cần phải đến bước nghị trình bàn thảo để thông qua một bộ luật dành riêng cho vấn đề đặc biệt này.
Ngay sau khi luật này được thông qua đã có nhiều ý kiến bình luận trên trang mạng xã hội.

Trang Dân Làm Báo gọi đây là một cách hợp pháp hóa việc thành lập đặc khu mà không cần phải thông qua luật và gọi trại đi bằng một cái tên dài hơn là "Khu kinh tế đặc biệt".

Trên trang Facebook cá nhân của mình, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu gọi những "Khu kinh tế đặc biệt" này là "Đặc khu không mang tên đặc khu dành cho người Trung Quốc".

Chung suy nghĩ với tiến sĩ Nguyễn Ngọc Chu, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách Pháp luật và Phát triển, nói với VOA rằng, ông có chung quan sát như tiến sĩ Chu, rằng đại đa số người nước ngoài đến các khu kinh tế ven biển, một khái niệm mới thay thế cho cụm từ “đặc khu”, đều là người Trung Quốc.

“Điều này rất nguy hại cho an ninh quốc gia, và cách làm như vậy tôi nghĩ có gì đó không ổn. Dự thảo về luật đặc khu người ta không đưa ra bàn thảo nữa vì phản ứng rất mạnh mẽ của người dân, thì nay quy định này lại được đưa vào luật xuất nhập cảnh, như vậy, có thể nói là cách thức làm luật nó chưa phản ánh đúng với lòng dân”.

Facebooker phản biện Phạm Minh Vũ, thống thiết kêu lên, "Mất nước - chưa bao giờ dễ dàng đến thế!"

"Miễn thị thực với các Đặc khu ấy là đồng nghĩa với việc mở toang các cánh cửa đang bảo vệ quốc gia. Người Trung quốc sẽ đến các Đặc Khu Vân Đồn, Phú Quốc ở và sinh sống với người bản địa mà không cần thị thực, các đặc khu nằm gần đất liền thì khác gì là cho người Trung quốc tự do đi lại như ở nhà nó? Người TQ đâu chỉ dừng lại ở các Đặc khu này. Các dự án bất động sản ở Vân Đồn, Phú Quốc Và Vân Phong hơn 90% người Trung quốc đã mua các căn hộ đó rồi. Đến một thời điểm thuận lợi, TQ sẽ có chánh sách đòi tự trị thì đó là tai hoạ cho dân tộc Việt Nam. Mất nước - chưa bao giờ dễ dàng đến thế!"
Giáo sư Mạc Văn Trang, từ tháng 7 năm 2018 khi Quốc Hội hoãn thông qua luật đặc khu vì những phản ứng dữ dội của công chúng cho đến tháng 7 năm nay đã có hai lần ra Vân Đồn.

Ông tận mắt nhìn thấy những biến chuyển và sự vận động của việc hình thành đặc khu Vân Đồn ngay cả trước khi luật đặc khu được đem ra bàn thảo ở Quốc Hộ,i và cả sau khi luật này đã hoãn lại. Ông Giáo sư Ngành Tâm Lý Học cựu chuyên gia Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có những chia sẻ nhói lòng trong bài. 

Chiều ngày 25/11 vào lúc Quốc hội ký thông qua việc cho người nước ngoài vào các khu kinh tế đặc biệt mà không cần phải xin visa.

Một năm trước cũng vì phản đối những đặc khu này mà nhiều người Việt trong nước đã đổ máu, bị bắt bị truy tố bị đi tù trong ngày 10/6/2018 vì biểu tình phản đối Luật đặc khu.

Đến nay đặc khu đã được luật hóa mở cửa đón người nước ngoài vào tự do mà không cần phải xin phép.

Số phận quốc gia dân tộc Việt dường như đã được định.

Vấn đề còn lại là thế hệ Việt ngày nay làm gì để giữ lại nước non cho con cháu mình? 

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share