Hạt giống yêu thương: Giải Văn chương và Âm nhạc Tự Do 2019 Sydney

Đêm phát giải Văn Chương và Văn Nghệ Tư Do 2019 Sydney

Đêm phát giải Văn Chương và Văn Nghệ Tư Do 2019 Sydney Source: Quang Le

Những tác phẩm tham dự giải là những mảng sử biên bằng âm nhạc bằng văn thơ về thời chúng ta đang sống. Những sáng tác vượt qua kiểm duyệt, gạt bỏ những định kiến, đi thẳng từ trái tim tới trái tim, kết nối tác giả với người nghe bằng chính tự tình Việt và nỗi đau Việt, đê cùng hun đúc tinh thần nhân văn và truyền thống bất khuất của người Việt. Đặc biệt, giải thưởng năm nay có sự đăng quang của các tác giả nữ ở cả hai mảng âm nhạc và văn chương, điều mà hai năm trước chưa có.


Tối 30/11 tại Smithfiled RSL Club Sydney đã diễn ra đêm trao Giải Văn chương và Âm nhạc Tự do 2019.

Đây là năm thứ ba của giải, và cộng đồng người Việt Úc Châu là nơi lần đầu tiên trên thế giới tổ chức một giải thưởng để vinh danh các sáng tác văn chương và văn nghệ của các tác giả Việt khắp nơi.

Sự hưởng ứng của các tác giả không chỉ nhìn thấy bằng số lượng tác phẩm gởi về năm sau nhiều hơn năm trước, mà quan trọng hơn là chất lượng tác phẩm.

Điều này đã được ông Đặng Trung Chính trưởng Ban Tổ Chức nhắc đến trong bài phát biểu mở đầu đêm trao giải:

Giải Thưởng Âm Nhạc Tự Do 2019 đã có bốn giải Danh Dự được trao cho các tác giả Thi Hạnh từ Na Uy với bài “Việt Nam Đất Nước Tôi Ơi”, Phạm Anh Tuấn cũng từ Na Uy với bài “Em Gái Và Mùa Xuân”, tác giả Diệp Chí Huy từ Việt Nam với bài “Thêm Một Lần Cúi Mặt”, tác giả cựu TNLT Trần Vũ Anh Bình với hai tác phẩm “Dậy Mà Đi” mà quý vị đã nghe và bài “Việt Nam Đứng Lên”.

Chỉ nghe tên bài hát cũng thấy rằng nó không có cơ hội để xuất hiện ở Việt Nam.

Tât cả bốn bài hát đoạt giải Danh dự mà mỗi bài là một sáng tác tuyệt vời làm hài lòng không chỉ Ban Tổ Chức, Ban Giám Khảo mà cả khán giả đến xem như chia sẻ của cô Thanh Thủy, người tham dự đủ cả ba năm Giải Văn chương và Âm nhạc Tự do.
Một niềm vui không giấu được là giải thưởng năm nay có sự đăng quang của các tác giả nữ không chỉ ở mảng âm nhạc như quý vị đã nghe qua bài hát mở đầu của nữ nhạc sĩ Thi Hạnh mà ở cả mảng văn chương, điều mà chưa từng thấy ở hai năm trước.

Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc-Tuấn thay mặt Ban Giám Khảo công bố kết quả giải thưởng văn chương và tên nữ tác giả Lynh Bacardi được xướng lên trong sự hãnh diện của những người tham dự khi mà sân chơi văn học nghệ thuật đã có thêm nhiều người nhiều thành phần tham gia và được vinh danh.

Giải Thưởng Văn Chương Tự Do 2019, gồm có một giải thưởng hạng Xuất Sắc cho tập “16 Truyện ngắn” của nhà văn Lê Minh Chánh, và ba giải thưởng hạng Danh Dự cho tập thơ “Kinh Đêm” của nhà thơ Trần Quốc Toàn, tập “Sáu truyện vừa” của nhà văn nữ Lynh Bacardi, và tập thơ “Tự do cho sớm mai” của nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ

Tại đêm trao giải, trong phần diễn từ được đọc qua màn hình, nữ tác giả Lynh Bacardi khiến khán phòng thật sự rúng động với bài thơ mới sáng tác của cô do cô tự đọc thay cho bài diễn từ nhận giải.

Bài thơ về tâm trạng Sài Gòn của những tâm hồn Sài Gòn quằn trong nỗi đau về thành phố ruột thịt của mình ngày một khác lạ.

Những tác phẩm gởi về tham dự giải có thể nói là những mảng sử biên bằng âm nhạc bằng văn thơ về thời chúng ta đang sống.

Những tác phẩm đầy ngạo nghễ của những con người yêu tự do. 

Những sáng tác vượt qua kiểm duyệt, gạt bỏ những định kiến, đi thẳng từ trái tim tới trái tim, kết nối tác giả với người nghe bằng chính tự tình Việt và nỗi đau Việt, để cùng hun đúc tinh thần nhân văn và truyền thống bất khuất của người Việt.

Những nhà văn nhà thơ những nhạc sĩ sáng tác là những người chiêm nghiệm suy tư.

Họ suy tư nhiều hơn tât cả những người bình thường khác.

Và nỗi niềm trong họ đè nặng tâm tư tình cảm cũng như tâm trạng của họ, tràn ngập trái tim máu huyết và hơi thở, đến mức tuôn tràn ra thành thơ thành văn thành tác phẩm.

Ai đó nói rằng trí thức là lương tâm xã hội.

Các tác giả tự do đã lên tiếng vì lương tâm của mình như diễn từ của tác giả Lê Minh Chánh tại đêm trao giải.

Trong áp bức thì những tiếng nói phản biện những lương tâm xã hội càng tỏa sáng, như chia sẻ của nhà thơ Nguyễn Tấn Cứ từ Việt Nam trong diễn từ của mình.

Những lương tâm Việt quả cảm đó cần sự hỗ trợ của người Việt, như lời ông Đặng Trung Chính- Trưởng Ban Tổ Chức chia sẻ.

Ông Trần Thành, người lần đầu tiên tham dự đêm phát giải cho biết, ông thật khâm phục những giếng nói can đảm yêu tự do lên tiếng qua các tác phẩm gởi về chương trình.

Có một điều mà khán giả mong muốn. Họ muốn nhìn thấy những tác giả những người tham dự có thể cùng xuất hiện trong đêm trao giải để tự mình nói về công việc mình làm thì sức mạnh kết nối sẽ còn mạnh mẽ hơn, như chia sẻ của cô Thanh Thủy.
Chỉ mới năm thứ 3 non trẻ, những người trong Ban Tổ Chức đang hy sinh thời gian, công sức và tiền bạc để gầy dựng và phát triển giải thưởng.

Khi được hỏi vì sao phải lao vào một công việc khó khăn đến như vậy khi mà ai cũng bận bịu bởi một việc làm toàn thời gian của mình, khi mà đầu ai cũng muối nhiều hơn tiêu, và thời gian còn lại thay vì nghỉ ngơi dành cho gia đình thì họ lao vào làm công việc vác tù và?

"Nếu không đi thì sẽ không đến", ông chủ tịch HRRF - Trưởng Ban Tổ Chức Đặng Trung Chính nói.

Cộng đồng người Việt tự do Úc Châu tuy không lớn lắm, thế nhưng đây là nơi khai sinh của Phong Trào Giới Trẻ Thế giới vì Nhân quyền với Luật sư Trần Kiều Ngọc, là quê nhà của người sáng lập ra Tổ chức VOICE, Luật sư Trịnh Hội.

Cộng đồng người Việt tự do Úc Châu là nơi mà Tổ Chức Yểm Trợ Nhân Quyền (HRRF) và Trung Tâm Văn Học Tiền Vệ gọi là nhà, và đây là hai đơn vị đồng tổ chức của Giải thưởng Văn chương và Âm nhạc Tự do. 

Đây là những tổ chức mà hoạt động của họ đặt mục tiêu rõ ràng vì một xã hội yêu chuộng tự do dân chủ, vì một Việt Nam thoát khỏi ách độc tài, và ảnh hưởng của các hoạt động này đã đi xa ra ngoài biên giới Úc.
Có tham dự đêm phát giải, đắm chìm trong những chia sẻ được chắt lọc, được chiêm nghiệm, được thăng hoa qua các tác phẩm gởi về, qua những trình bày của Ban Tổ Chức và của các anh chị em tham gia chương trình mới thấy thật tự hào rằng, cộng đồng người Việt Úc châu đã có những đóng góp rất ý nghĩa cho phong trào nhân quyền và dân chủ, cho văn chương và văn hóa nghệ thuật Việt.

Mỗi tác phẩm, mỗi tác giả tham dự đêm trao giải là một câu chuyện thú vị để kể, những nỗi đau lấp lánh tình yêu nước Việt trong những thân phận Việt mà các tác giả là những đại diện và người lên tiếng.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share