Tháng Bảy như đã nói, có lẻ là tháng lạ nhất trong một năm.
Tháng của Vu Lan tháng của Mẹ, tháng của Ngưu Lang Chức Nữ, của những duyên tình cách trở nhưng lòng vẫn đau đáu nhớ về nhau đến động cả đất trời; tháng Bảy xá tội vong nhân, và năm nay tháng Bảy lại khít khao với ngày Father’s Day.
Trong HGYT dịp Vu Lan, quý vị đã nghe phần đầu của bài viết ‘"Những điều ghi được từ mùa thu” của Thầy Thích Phước An ở Đồi Trại Thuỷ, Nha Trang.
Trong phần đầu câu chuyện, bóng dáng của người mẹ tảo tần hiu quanh, lẫn trong dòng sông con nước, trong bóng chiều phủ lên mặt ruộng mẹ, trong túm cỏ trên bờ thửa, trong đám mạ mởn đang lên xanh. Mẹ hiện diện cả trong chái bếp lạnh tanh, trong cái rổ cắp mượn gạo về nấu cơm cho con.
Phần 2 của bài viết Những Ghi Chép Từ Mùa Thu là về một người cha chưa từng biết mặt, chưa từng một lần được ôm ấp con mình, nhưng ông đã khắc trong huyết quản của con một tình yêu.
Ông đã ở mãi trong con nâng con lên khỏi mặt đất thấp đen để hướng con về bầu trời cao.
Nối giữa hai phần của bài viết là những người đã khuất, và những cuộc chia ly không bao giờ gặp lại.
Những Điều Ghi Được Từ Mùa Thu (tiếp...)
II.
Dưới chân núi Bà, nơi phát tích của khởi nghĩa Tây Sơn, trong bóng mát của ngôi chùa vắng, chú tiểu nhỏ lớn lên từ đó.
Truyền thuyết về những vị anh hùng hằng trăm năm trước, hình bóng của những người thân đã khuất qua câu chuyện của những người còn sống, cuộc đời người nông dân nghèo và xác tín trong niềm tin những câu kinh lời kệ, không gian bốn mùa của núi non u tịch… Tất cả hòa quyện lại, âm thầm, bền bỉ nhưng mãnh liệt nuôi dưỡng các chú tiểu thành những nhà sư. Đến lượt mình, các nhà sư đã lan tỏa vào nhân gian một thứ hào quang, tỏa sáng vào những kiếp đời cần lao với ruộng đồng làng xóm. Trong dòng chảy bất diệt của văn hóa Việt có phù sa của tinh thần Phật giáo. Những hạt phù sa ấy khởi nguyên từ những con người hữu danh và vô danh dưới những thôn xóm rợp bóng tre bóng trúc.
Ngôi chùa của sư chú tôi nằm dưới chân núi Bà, một trong những rặng núi dài nhất của Bình Định. Dọc theo núi Bà, có đến gần mười ngôi chùa, hầu hết đều nằm lưng chừng núi, chỉ có chùa sư chú tôi là nằm ngay dưới chân núi. Sau chùa là rặng núi cao, chung quanh cũng đều có núi và những hòn đá bao bọc. Chính vì nằm nơi vị trí hiểm trở như vậy, nên khi Tây Sơn khởi nghĩa, Nguyễn Nhạc đã lấy nơi này làm kho chứa lương thực và cũng để trấn giữ mặt biển. Nguyễn Nhạc đặt tên là Tân Phủ Càn Dương, cạnh phủ về phía Tây, có một hòn đá rất lớn, mà dân địa phương gọi là đá Đài.
Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì theo truyền thuyết thì nghĩa quân Tây Sơn đã dùng hòn đá này để quan sát quân chúa Nguyễn. Cũng còn một truyền thuyết nữa nói rằng, sau khi Nguyễn Huệ chết, quân Tây Sơn bắt đầu suy yếu, một lần quân Nguyễn từ trong Nam ra tấn công chớp nhoáng cửa biển Cách Thử, cách Tân Phủ Càn Dương chỉ có năm cây số. Nguyễn Nhạc không còn cách nào hơn là sai sứ giả ra Thuận Hóa để cầu viện. Vì quá nóng lòng, nên chiều nào Nguyễn Nhạc cũng trèo lên hòn đá Đài để trông ra Thuận Hóa.
Tôi rất mê truyền thuyết này nhất là khi biết đọc lịch sử và bắt đầu biết suy tư đôi chút về “vận nước long đong”, nên cứ mỗi lần về thăm quê, tôi lại ra đứng trên nền gạch đổ nát của Tân Phủ Càn Dương, nhìn lên ngọn đá Đài, và tưởng tượng cái bóng cô đơn của Nguyễn Nhạc cách đây hai trăm năm vẫn còn ngả dài trong bóng chiều đang đổ xuống giữa núi rừng hiu quạnh.
Khi tôi vào chùa thì chùa chỉ còn lại có sư chú và tôi. Những người vào chùa trước tôi đều được sư chú gởi đi học ở các Phật học đường, một số trong tỉnh và một số vào Nam. Vì vậy chùa gần như vắng vẻ cả ngày, chỉ có buổi tối là hơi vui, vì có một số thanh niên trong làng vào tụng kinh và ngủ luôn tại chùa.
Tôi vì còn nhỏ, nên cũng chẳng làm gì vất vả, ngoài hai buổi đi học ở trường làng, chỉ có bổn phận duy nhất là buổi chiều rót dầu, lau bóng đèn, thắp hương, hồi chuông trống và công phu chiều. Còn nấu cơm thì sư chú tôi đã nhờ bổn đạo ngoài làng, khi nào rảnh rỗi việc đồng áng thì có mẹ tôi vào nấu.
Mộ cha tôi nằm trên miếng đất cao trước chùa. Có những buổi chiều vắng vẻ, sư chú đi vắng, còn lại một mình tôi trong chùa, tôi thường ra đứng nơi miếng đất cao gần mộ cha mà trông có người vào chùa để ngủ cho đỡ buồn. Trong số những người vào chùa ban đêm đó, có một người đã lớn tuổi, mù cả hai mắt, trong làng ai cũng gọi là chú Năm, vì chú là thứ năm. Chú Năm nổi tiếng là người hung dữ, ai đụng đến là chú chửi càn, kể cả mẹ của chú nữa, bởi vậy nên mọi người gần như xa lánh chú hết.
Nhưng không hiểu vì sao, một hôm chú vào chùa xin ban đêm được vào chùa để tụng kinh niệm Phật. Chú Năm nhờ tôi chép kinh cho chú trong tập vở học trò. Cách học của chú là cứ nhờ tôi đọc lên một câu, rồi chú cứ lẩm nhẩm câu đó trong miệng cho đến khi thuộc thì nhờ đọc câu khác. Cứ như vậy, chỉ đâu chừng hai năm, chú không những đã thuộc cả hai thời công phu, mà còn cả Phổ Môn và Hồng Danh nữa.
Vì nhà nghèo, chú Năm phải làm lụng vất vả suốt ngày, có khi thì đi mót lúa, có khi phải vào núi để kiếm củi mang về. Vậy mà trong số những người vào chùa chú Năm là người siêng nhất, chú tự nguyện đóng chuông buổi tối và khuya. Có những buổi khuya ngủ quên hết, một mình chú thức dậy mò mẫm lên thắp hương, đóng chuông xong thì tụng kinh cho đến gần sáng. Nhưng tiếng tụng kinh của chú Năm tôi nghe sao giống cuộc đời của chú quá! Nhiều khi trong những đêm khuya nghe giọng chú cất lên, tôi có cảm giác như chú đã gởi trọn tấm lòng mình vào tiếng kinh lời kệ như tiếng than dài não ruột mà chú đang âm thầm mò mẫm bước đi vậy.
Những năm tháng ở trong chùa, sư chú tôi vẫn thường kể lại cuộc đời của cha tôi cho tôi nghe. Dù là kể cho tôi, nhưng trong khi kể tôi vẫn nhận ra một chút thương tiếc ngậm ngùi của sư chú về người anh mệnh yểu của mình. Đại khái cha tôi cũng chỉ là một người nông dân bình thường, nhưng theo sư chú thì cha tôi rất khỏe mạnh và giỏi võ, nên mỗi khi lên núi đốn củi cha tôi đều xuống núi trước những người khác mặc dù cùng lên núi một lần.
Vì được nghe kể hoài như vậy, nên những chiều một mình trong chùa, tôi mới hay ra đứng gần mộ cha để nhìn lên dãy núi cao sau chùa, rồi cứ thắc mắc không biết khi đi đốn củi cha tôi có leo lên ngồi nghỉ mệt nơi hòn đá bên đường mòn kia không? Hay khi đứng nhìn một cây cổ thụ, tôi cũng cứ thắc mắc là khi còn sống cha tôi có đứng nhìn cây như tôi đang nhìn đây không?
Tôi không ngờ, chính nhờ người cha mà tôi chưa hề một lần gặp mặt này, đã đưa tâm hồn tôi đến gần với núi non. Và dường như cũng đã cảm nhận, dù rất mơ hồ một cái đẹp hùng vĩ của núi non? Tôi thuộc gần như nằm lòng từng hòn đá, từng gốc cây, từng con suối trên lối mòn đi lên núi. Tôi lại còn nhớ rõ tiếng hót của các loài chim nữa, như mùa xuân thì có tu hú gọi bầy, tháng tư tháng năm thì cu cườm từ đâu bay đến, tiếng gáy của chúng nghe xa vắng làm sao trong những buổi trưa hè tĩnh mịch. Đầu tháng 7 thì từng đàn két buổi sáng bay vào núi ăn trái sim, buổi chiều lại bay về trong nắng thu dìu dịu. Rồi tháng 9 tháng 10 đến, tiếng con mang từ trong núi vọng ra. Tôi nghe dân làng nói rằng hễ năm nào có mang về kêu thì năm đó làng có người chết hoặc tai nạn xảy đến. Vậy nên ai trong làng ai cũng cầu mong mùa đông sang năm mang đừng về nữa.
Nhờ những năm tháng tuổi thơ sống với núi non như vậy nên tôi có thể lãnh hội được dễ dàng những lời sau đây của một người vừa từ đỉnh núi cao nhất trở về:
“… Muốn thấy được sự cao cả của ngọn núi, người ta phải quan sát nó từ xa. Muốn hiểu nó, người ta phải đi chung quanh để rung động với nó. Muốn cảm thông nó, người ta phải sống với nó từ buổi rạng đông đến lúc chiều tà, trong cơn mưa phùn cũng như trời nắng gắt, mùa đông cũng như mùa hè… Khi đó họ sẽ hiểu được rằng những ngọn núi cũng có một đời sống không khác gì đời sống của chúng ta bao nhiêu…”
Tôi vẫn còn nhớ cũng hồi còn ở chùa nơi rặng núi ấy, cứ mỗi lần đến ngày kỵ Tổ thì tôi thường nghe sư chú tôi căn dặn bổn đạo của chùa hãy chuẩn bị đón tiếp “chư sơn”, còn nếu có cuộc họp để bàn Phật sự trong vùng thì gọi là họp “sơn môn”. Cách gọi như vậy ngày nay dường như đã không còn nghe nữa. Nếu có thì cũng chỉ các chùa ở miệt miền quê hẻo lánh mà thôi. Thực ra, ai mà chẳng biết, ít ra là trên mặt chữ nghĩa rằng tên gọi hoặc danh xưng vốn chẳng có nghĩa gì cả.
“What’s in a name? That which we call a rose by any other name would smell as sweet”.
Sá gì trong một danh xưng
Thế mà thiên hạ kẻ mừng người đau
Hoa hồng dù gọi thế nào
Thì hương vị vẫn ngọt ngào xưa nay
(W. Shakespear - Đặng Ngọc Chức dịch)
Thế mà thiên hạ kẻ mừng người đau
Hoa hồng dù gọi thế nào
Thì hương vị vẫn ngọt ngào xưa nay
(W. Shakespear - Đặng Ngọc Chức dịch)
Vậy mà bây giờ nơi các chùa ở những thành phố ồn ào náo nhiệt kia, con người cũng ồn ào náo nhiệt theo danh xưng này, chức vụ nọ mà quên đi ngọn núi cao trong hồn mình, vốn biểu tượng cho sự đi lên của người xuất gia học đạo.
“… Trong đời sống hàng ngày, tại những đô thị ám khói, dưới vùng đồng bằng chật chội con người hầu như quên đi sự liên hệ giữa họ và vũ trụ, do đó họ cần một biểu tượng gì để nhắc nhở, để thúc đẩy họ, để hướng tầm mắt lên cao hơn. Núi đã đóng vai trò này nhưng tiếc rằng vì quá bận rộn với những tham vọng tầm thường, nhỏ mọn của đời sống vật chất, không mấy ai còn cảm nhận được sự giục giã âm thầm, thỉnh thoảng mới có người bất chợt cảm thấy một cái gì thôi thúc họ phải gạt bỏ những hệ lụy của đời sống để tìm đến một cái gì cao đẹp hơn. Họ bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa của cuộc sống, và sự liên hệ của họ với thiên nhiên với vũ trụ…” (Con đường mây trắng – Lama Govinda)
Nếu tôi không lầm, thì hầu hết những người mồ côi cha hoặc mẹ, thường rất thích đọc hoặc nghe kể về những cảnh ngộ giống như mình để được an ủi, được vuốt ve cho đỡ bớt tủi thân. Tôi mồ côi cha từ thuở chưa sanh, nhà lại nghèo, nghĩa là chưa một lần biết gì về “tuổi thơ êm đềm” như bao đứa trẻ khác. Thế nhưng tôi chưa hề biết tủi thân là gì, vì tôi vẫn luôn tự nhắc nhở với chính mình rằng:
Chẳng phải nhờ mẹ mà tôi thấy được cái đẹp của dòng sông, để từ đó tôi biết yêu thương cuộc đời này hơn! Còn cha? Chính nhờ những chiều đứng bên mộ cha mà tôi mới thấy được núi cao, để từ đó mới biết ngẩng mặt lên mà nhìn bầu trời cao rộng thay vì phải lầm lũi bước đi dưới mặt đất thấp đen này.
Thích Phước An, Nha Trang mùa Vu Lan 2545
Thầy Thích Phước An (trái), Thầy Tuệ Sỹ (giữa) và một tu sĩ khác trên chuyến xe lửa từ Nha Trang vào Sài Gòn Source: Image of Courtesy
Thông tin về Hòa Thượng Thích Phước An
Nếu tìm trên Google, không có mấy thông tin về Thầy Thích Phước An.
Vào mùa Phật Đản 2016, cuốn tuỳ bút ‘Đường Về Núi Cũ Chùa Xưa’ của thầy lần đầu tiên được được in lại ở Sài Gòn, nhờ sự kiện này mà công chúng quan tâm mới có được một ít thông tin về Thầy từ một bài viết hiếm hoi và cẩn trọng của Lam Điền trên Tuổi Trẻ.
Đến đầu năm 2018, trong một bài viết khác của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhân chuyến ghé thăm Thầy tại Chùa Hải Đức trên Đồi Trại Thuỷ ở thành phố Nha Trang cũng nhắc lại những điều như Lam Điền đã nói Thầy Thích Phước An - “người còn lại của nhóm tao nhân mặc khách”.
Nhóm “tao nhân mặc khách” mà Lam điền nhắc tới đây là những tên tuổi như Phạm Công Thiện, Bùi Giáng, Quách Tấn, Tuệ Sỹ, Giáo sư Lê Mạnh Thát, Hòa thượng Thích Trí Thủ Ni sư Trí Hải…, những nhà tư tưởng hiếm hoi của nước Việt đi từ Đại học Vạn Hạnh thời Việt Nam Cộng Hoà.
Nếu những vị cùng thời ít nhiều có thể dễ dàng tìm thấy thông tin về họ trên Google, thầy Thích Phước An từ sau năm 1975 đã ẩn cư vào thế giới của Phật Pháp trên Đồi Trại Thuỷ; hẳn Thầy cũng thu vén để không làm khing động thế giới truy đuổi và tìm kiếm của chúng sanh.
Và hẳn đã có một nhân duyên nào đó mà tấm ảnh chụp thầy Thích Phước An và thầy Tuệ Sỹ khi Thầy Tuệ Sỹ vừa mới ra tù xuất hiện trên cuốn sách “tuyển tập văn học nghệ thuật đánh dấu 40 năm (1975-2015) người Việt tị nạn và định cư tại Úc”, ấn bản duy nhất bằng hai ngôn ngữ Việt Anh do Cộng Đồng Người Việt Tự Do NSW in với số ấn bản hạn chế.
Tấm ảnh này chụp lúc thầy Thích Phước An đưa thầy Tuệ sĩ vào Sài Gòn trên chuyến tàu lửa Nha Trang Sài Gòn khi thầy Tuệ Sỹ vừa mãn hạn 14 năm tù từ Nghệ An ra ghé chùa Hải Đức thăm các thầy ở đây.
Ảnh không đề tên tác giả, không biết ai đã có nhân duyên để ghi lại khoản khắc hiếm hoi cho một tư liệu quý mà chúng ta có được ngày nay.
Trong số những người cùng thời, Thầy Thích Phước An là một người rât thầm lặng.
Vào cái thời các bạn tao nhân của Thầy hoạt động xuât sắc và nổi bật, thầy chọn làm người độc giả.
Rồi khi lớp trí thức tiên phong trong việc chiêm nghiệm mong tìm ra một nền tảng cho đạo đức triết học Việt bị cắt lìa, bị dập tắt bị bóp nghẹt tiếng nói thì Thầy Thích Phước An đến lượt mình - lặng lẽ như thầy vẫn vậy, nhặt lấy ngọn cờ từ lớp trên ngã xuống, tiếp tục cuộc hành trình tuệ giác cho dân Việt - từ những bài viết của mình về Triết học Phập giáo Việt Nam như một nền tảng cho đạo lý Việt.
Lịch sử dựng nước xây dựng quốc gia Việt Nam gắn liền với lịch sử hình thành Phật giáo tại Việt Nam để từ đó hình thành lên văn hoá Việt.
Đã có những thời kỳ Phật giáo là quốc giáo trong nhiều thế kỷ liền tạo nên những thời kỳ hưng thịnh cho nước Việt.
Mỗi tôn giáo du nhập vào Việt Nam hay hình thành ở Việt Nam đều đem vào mình đạo lý người Việt. Vì vậy có thể tìm thấy Triết học Phật giáo Việt trong các tôn giáo khác và ngược lại các giáo lý căn bản của các tôn giáo khác có thể được tìm thấy trong đạo lý của Phật giáo tại Việt. Nam.
Những bài viết của Thầy về kinh Phât mà đẹp, đẹp một cách lẫm liệt và não nùng mà cũng trong ngần như giọt sương buổi sớm. Cây viết Nguyễn Hoa Lư đã phải kêu lên rằng “Thật là thiếu sót nếu sách giáo khoa viết cho trẻ con học không tìm đến những tác giả như Thích Phước An.”
Xin được chia sẻ một đoạn viết trong trong bài Kinh Địa Tạng – Bà Mẹ của mặt đất điêu linh
“Mỗi khi có dịp đạp xe ra khỏi thành phố dọc theo những con đường quê, bất chợt nhìn thấy dây mướp hay dây bầu trổ bông vàng bên cạnh những đọt non mơn mởn thì lập tức tâm hồn tôi lại quay về những ngày thơ ấu của tôi. Ở đó, có đồng lúa chín vàng đang nằm phơi dưới ánh nắng gay gắt của những ngày cuối hạ, có con sông chạy ngang qua trước làng đầy nước sau những tháng hè khô cạn, có từng đàn két kêu la inh ỏi cứ buổi sáng bay vào núi để ăn trái sim, rồi buổi chiều lại bay về trong bầu trời đầy mây trắng khơi vơi, và quan trọng hơn nữa là có hình bóng của mẹ tôi đi chợ về đội trên đầu cái rổ có mấy trái bầu, trái mướp hay những bó cải tươi nước còn dính nơi đầu ngọn. Bây giờ thỉnh thoảng tôi vẫn còn ngồi nghĩ bâng quơ, nếu có một màu xanh đậm đà nào còn đọng lại trong tuổi thơ của tôi, thì nhất định đó phải là màu xanh ở những trái bầu, trái mướp hay bó cải tươi nước còn dính ngọn mà tôi vẫn thường ngồi ngóng bà về, từ nơi ngạch cửa trước nhà.”
Những bài viết của thầy cẩn trọng về học thuật, giàu kiến thức và luôn gắn chặt vào lịch sử Việt đạo lý Việt. Tiếc rằng ngày nay thế hệ các trí thức tương lai của nước Việt đã không còn một nơi như Đại học Vạn Hạnh ngày nào để được nghe thầy giảng như cách các thầy đã từng nghe các thế hệ cha anh trước truyền đạt kiến thức.
Câu chuyện "Những điều ghi được từ mùa thu” là một phần trong bức tranh lịch sử Việt, một lịch sử không mấy gi vui.
Nhưng nghĩ cho cùng, nhân gian làm con người mọi vui buồn cuối cùng chỉ như mây trắng bay ngang trời. Chỉ có tình yêu thương là ở lại.
Chúc quý vị một ngày Father's Day thật nhiều yêu thương hiền hòa.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại