Một đời trượt dốc
Theo gia đình người quen rời Việt Nam tị nạn vào năm 1989, đến trại tị nạn Philippines và được chính phủ Úc nhận vào tháng 10 năm 1994, anh Quang Nguyễn tự nhận mình là “một thằng mồ côi”.
“Tôi đến Úc cùng một người em, trên danh nghĩa là anh con ruột trong một gia đình nhưng tôi chỉ là con nuôi. Từ nhỏ tôi đã không được học hành, tiếng Anh lại không biết, chỉ đi làm lặt vặt kiếm sống”.
Sống ở Úc đã 25 năm, nay đã ngoài 40 tuổi, anh Quang Nguyễn vẫn tay trắng, không còn người thân thích nào bên cạnh, ngoại trừ một hình hài kiệt sức, sau nhiều năm làm nô lệ cho ma túy.
Trả lời cuộc phỏng vấn của SBS trước khi đi lễ nhà thờ ở Vincent Liêm ở Flemington, anh Quang Nguyễn cho biết sau cú trượt dốc kéo dài gần nửa đời người, anh đang đứng dậy và tìm cách làm lại cuộc đời.
Biết đến ma túy cách đây hơn 5 năm từ những cuộc vui với bạn bè, anh Quang Nguyễn bắt đầu sử dụng thuốc lắc trong những lần nhảy nhót với bạn bè.
“Tất cả bắt đầu từ sự ngu dốt, thiếu hiểu biết và yếu đuối của bản thân. Sự ham vui dẫn tôi đến với ma túy khi muốn mình nhảy nhót sung như người ta. Khi uống estasy (thuốc lắc) vào cảm thấy rất khác lạ”.
"Khi chơi đá tôi thấy mình rất tỉnh táo, nhưng thật ra lại không biết gì hết. Việc này dẫn đến những hậu quả trong gia đình khi tôi sống chung với những người phối ngẫu trước đây. Tôi mất đi nhân tính, hành động bạo lực". Quang Nguyễn
Những áp lực trong cuộc sống và các mối quan hệ tình cảm thất bại, khiến anh Quang Nguyễn từ từ lún sâu vào con đường nghiện ngập.
“Tôi thử qua nhiều loại ma túy khác nhau. Lúc đầu là estasy, rồi sau đó là cocain , nước ngọt để hút, hít, cần sa, ma túy đá.Khi chơi đá tôi thấy mình rất tỉnh táo, nhưng thật ra lại không biết gì hết. Việc này dẫn đến những hậu quả trong gia đình khi tôi sống chung với những người phối ngẫu trước đây. Tôi mất đi nhân tính, hành động bạo lực…
Biết đến ma túy cách đây hơn 5 năm từ những cuộc vui với bạn bè, anh Quang Nguyễn bắt đầu sử dụng thuốc lắc trong những lần nhảy nhót với bạn bè. Source: Pixabay
Gia đình của người yêu không chấp nhận, gây áp lực càng khiến tôi buồn rầu, tìm đến ma túy.
Tôi có vài đứa con với người ta. Có người bây giờ vẫn để cho tôi đến thăm con trai. Tôi còn có một đứa con gái, mà mẹ nó đã đưa đi Mỹ đến bây giờ mất liên lạc.
Những đứa con của tôi may mắn sống với mẹ, họ cưới chồng sau. Con của tôi đến bây giờ tuy không thể bằng người ta, nhưng rất mạnh khỏe, tự lập. Đó là động lực để tôi cố gắng cai nghiện và không tái nghiện”, anh Quang nói với SBS.
Sực tỉnh giữa cơn mê
Anh Quang Nguyễn cho SBS biết trong lúc nghiện ngập, mơ hồ, anh còn không biết cách làm thé nào để xin tiền trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ, nên cuộc sống vô cùng khó khăn.
Năm 2017, trong một lần cà phê với một người anh em quen biết, anh Quang Nguyễn biết đến ở Melbourne.
“Anh bạn đó cũng có một người con trai nghiện ma túy. Ảnh nói với tôi đến hội phụ nữ Việt Úc coi có gì vui không. Lúc đó tôi nửa tỉnh nửa mê, đầu óc rất mơ hồ”.
May mắn thế nào, trong hoàn cảnh không hề tỉnh táo như vậy, anh Quang Nguyễn vẫn quyết tâm đến hội phụ nữ Việt Úc…để tìm việc làm.
Anh Quang kể lại với SBS cô Huyền ở Hội phụ nữ Việt Úc là người tiếp đón anh lúc đó.
“Tôi vẫn còn nhớ chút đỉnh. Lúc đó tôi gặp cô Huyền, tôi hỏi cô ở đây có việc gì không cho tôi làm. Nhưng mà tôi that sự chẳng có bằng cấp gì, không được học hành, lại không biết tiếng Anh. Cô Huyền cầm một tờ giấy ghi chép lại”.
Một thời gian sau, hội phụ nữ Việt Úc liên lạc lại với anh và ngỏ ý giúp đỡ anh học tiếng Anh trước, để có thể tìm việc làm. Lúc này, anh Quang Nguyễn vẫn còn chơi ma túy đá.
“Mỗi ngày tôi bắt xe lửa 2 tiếng đồng hồ tử Sunshine đi Richmond, học 1 tiếng đồng hồ, rồi lại bắt xe 2 tiếng đi về.
Thú thật là những ngày đầu đi học tôi vẫn hút, nhưng hút ít hơn. Khi chơi ma túy đá là thức cả tuần không ngủ cũng được, nhưng tôi ráng ngủ để có sức đi học”, anh Quang Nguyễn kể với SBS.
“Tôi cố gắng học nghề handy man, tìm việc làm để trả tiền nhà trọ mà tôi đang thuê. Có khi tìm được việc thì trả được tiền nhà, không thì phải thiếu người ta. Tiền thất nghiệp của chính phủ không đủ sống đâu, tôi phải cố gắng đi làm". Quang Nguyễn
Từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ được đến trường lớp chính quy một ngày, do đó những lớp học tiếng Anh ngắn ngủi ở Hội phụ nữ Việt Úc là cả một cánh cửa mới lạ với anh Quang.
“Tôi nhìn thấy những người phụ nữ gửi con đi học, những cô bác lớn tuổi đến đây học. Họ động viên tôi. Nhìn họ tôi nhớ đến gia đình trước đây của mình.
Sau đó hội phụ nữ còn giới thiệu tôi đến chương trình hỗ trợ cai nghiện của chú Tường Nguyễn.Những sinh hoạt bận rộn lấy hết thời gian của tôi và khiến tôi tỉnh dần. Mỗi lần gặp những người bạn nghiện, tôi dặn họ gặp tôi phải giấu thuốc đi”.
Ông Tường Nguyễn, người có trên 20 năm tư vấn cai nghiện ma túy tại Hội phụ nữ Việt Úc Victoria Source: Supplied
Chị Thanh, một người bạn cũ trước đây của tôi tặng cho tôi một tấm hình Thiên Chúa và rủ tôi đi nhà thờ”.
Anh Quang Nguyễn chia sẻ với SBS rằng tâm lý một ngày nào đó sẽ cai nghiện luôn thường trực trong đầu những người nghiện. Thế nhưng ngày nào đó là một khái niệm rất xa xôi, đòi hỏi biến cố lớn trong cuộc sống.
Với anh, đó là cảm giác được yêu thương và quan tâm mà từ lâu, anh đã không còn cơ hội để cảm nhận
Muốn hòa nhập cũng không dễ dàng
Anh Quang Nguyễn của ngày hôm nay đang nỗ lực không ngừng. Anh đến nhà thờ để xưng tội mỗi tuần và ước mong một ngày có thể trả xóa đi những tín dụng đen- từng nợ ngân hang- để có thể làm lại cuộc đời.
“Tôi đi lễ nhà thờ Vincent Liêm ở Flemington, nói chuyện với cha Tân, được xem ca đoàn hát vào mỗi ngày chúa nhật, như một đại nhạc hội vậy”.
“Tôi cố gắng học nghề handy man, tìm việc làm để trả tiền bungalow mà tôi đang thuê. Có khi tìm được việc thì trả được tiền nhà, không thì phải thiếu người ta.
Tiền thất nghiệp của chính phủ không đủ sống đâu, tôi phải cố gắng đi làm", anh Quang Nguyễn tâm sự với SBS.
Thế nhưng hành trình “rũ bùn đứng dậy” cũng lắm chông gai. Anh Quang cho biết anh hiểu sự kỳ thị mà những người xung quanh và xã hội dành cho mình.“Hồi xưa còn nghiện ngập, tôi nợ tín dụng ngân hàng, không có tiền đóng, rồi bị phạt. Bây giờ có bad credit, đi đâu làm cũng khó khăn.
Anh Quang Nguyễn của ngày hôm nay đang nỗ lực không ngừng. Anh ước mong một ngày có thể trả hết những tín dụng đen từ ngân hàng. Source: Pixabay
“Nhiều khi tôi cũng mặc cảm. Nhưng không thể nào trách được sự kỳ thị của mọi người đối với mình. Những lúc buồn thì tôi tìm đến cô Huyền, cô Lan, chị Thúy, cô Trang, cô Thảo dạy anh văn và những người bạn học để tâm sự.
Chú Tường, nhân viên tư vấn cai nghiện của hội phụ nữ Việt Úc lúc nào cũng trò chuyện với tôi.
Có nhiều người cũng tỏ ý thương mến tôi, nhưng tôi biết rằng nếu họ tìm được sự thật, nghe lời gia đình, bạn bè thì kết quả tình cảm cũng chỉ buồn thêm…
Dù sao tôi cũng phải cố gắng, rồi sẽ có một ngày"…
Mời nhấn vào audio để nghe nguyên văn cuộc phỏng vấn.
*Hình ảnh trong bài viết đã được thay đổi để bảo đảm giữ kín danh tính của nhân vật.