Cuộc bầu cử liên bang vào ngày 18/5 sắp tới là lần đầu tiên cô Geraldine Kaburakikuyu, 18 tuổi, được phép bỏ phiếu. Gia đình cô di cư từ Kenya đến Úc vào năm 2010.
Cô Geraldine cho biết những vấn đề quyết định đến lá phiếu của cô là rất khác so với mẹ cô.
“Có lẽ là giáo dục và giao thông công cộng, bởi vì tôi luôn sử dụng phương tiện công cộng để đến trường,” cô nói.
“Đó có lẽ là điều ảnh hưởng đến tôi nhất, nhưng tôi cảm thấy dường như mẹ tôi quan tâm đến vấn đề nhà ở nhiều hơn.”
Nhiều cử tri có nguồn gốc di dân khác ở vùng tây nam Sydney cũng rất tự hào khi tham gia bỏ phiếu.
“Tôi cảm thấy vui bởi vì bầu cử là một vấn đề hệ trọng ở khắp mọi nơi, và nhiều người không được hưởng đặc quyền này,” một cử tri nói.
“Vì thế tôi rất may mắn khi được sống trên đất nước này.”
Anh Tehmoor Rasheed, một người tạm trú, cho biết anh rất quan tâm đến chính trị Úc và hy vọng một ngày nào đó anh sẽ được phép đi bầu.
“Mỗi lá phiếu đều có giá trị,” anh nói.
“Ngày nay nền dân chủ đến từ mọi lá phiếu, vì thế tôi sẽ rất vui khi tôi hội đủ điều kiện để đi bầu.”
Thế nhưng theo Tiến sĩ Jill Sheppard thuộc Đại học Quốc gia Úc, việc bỏ phiếu có thể là một quy trình khó khăn cho nhiều di dân:
“Chúng ta có hệ thống bầu cử thuộc hàng phức tạp nhất thế giới, vì thế đối với nhiều người, nếu họ không đến từ một đất nước nói tiếng Anh, hoặc nếu họ không hiểu biết về chính trị Úc, việc bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử tại Úc có thể là một cơn ác mộng.”
“Chúng ta có hệ thống bầu cử thuộc hàng phức tạp nhất thế giới” - Tiến sĩ Jill Sheppard
Mười chiếc ghế bấp bênh nhất thuộc các khu vực bầu cử đa văn hóa, dựa trên ngôn ngữ sử dụng tại nhà, nằm ở New South Wales và Victoria.
Đảng Lao động hiện giữ sáu ghế, còn đảng Tự do từng giữ bốn ghế - nhưng bị mất Chisholm khi bà Julia Banks rời khỏi đảng sau vụ ông Malcolm Turnbull bị lật đổ. Bà Banks hiện là ứng cử viên độc lập.
Các chính khách đã chuyển ngữ các áp phích tranh cử và tờ rơi hướng dẫn bầu cử, nhằm tiếp cận các cộng đồng đa văn hóa. Họ cũng vận động hành lang mạnh mẽ hướng đến các nhà lãnh đạo tôn giáo và văn hóa.
Thế nhưng với 300 sắc dân khác nhau tại Úc, giới chính khách thường không có đủ nguồn lực để giải quyết tất cả các vấn đề cụ thể đối với từng nhóm di dân.
Bà Jayana Nadarajalingam thuộc Đại học Melbourne giải thích:
“Đây thực sự là một điều khó khăn cho các chính trị gia vì có quá nhiều sự khác biệt trong và giữa các cộng đồng di dân ở Úc, bên cạnh nhiều khía cạnh tương quan khác - ví dụ như sắc tộc, văn hóa, ngôn ngữ, tôn giáo, giai cấp, vân vân.”
Cuộc trưng cầu dân ý về hôn nhân đồng giới năm 2017 cho thấy nhiều sắc dân vẫn còn mang tư tưởng bảo thủ.
Mặc dù đa số người Úc đều bỏ phiếu đồng thuận cho bình đẳng hôn nhân, nhưng có đến 12 trong số 17 khu vực chống lại hôn nhân đồng giới nằm ở vùng phía tây Sydney.
Vậy thì liệu những khu vực này có bầu cho cánh hữu trong cuộc bầu cử sắp tới hay không?
Giáo sư Ariadne Vromen thuộc Đại học Sydney nhận xét:
“Cuộc trưng cầu dân ý về bình đẳng hôn nhân là một sự kiện độc lập. Đúng là ở phía tây Sydney, họ có xu hướng bỏ phiếu chống, trong những khu vực bầu cử đa văn hóa tại Sydney,” bà nói.
“Liệu điều đó có dẫn đến những phiếu bầu ủng hộ cho Liên đảng hay không, phụ thuộc vào chiến dịch tranh cử trong những khu vực này. Thế nhưng đây lại là những chiếc ghế an toàn cho đảng Lao động.”
“Có rất ít chính trị gia từ các nền tảng văn hóa đa dạng trong chính trường Úc” - Giáo sư Ariadne Vromen
Giáo sư Vromen tin rằng vẫn còn một vấn đề chính mà các đảng lớn vẫn chưa giải quyết ổn thỏa, đó là sự thiếu đa dạng trong hàng ngũ các ứng cử viên.
Bà tin rằng điều đó có thể khiến cho họ khó lòng kết nối với các cử tri:
“Có rất ít chính trị gia từ các nền tảng văn hóa đa dạng trong chính trường Úc, và đó là điều mà chúng ta cần phải tập trung hơn trong tương lai, nhằm giúp cho giới trẻ thấy chính họ được phản ảnh trong nền chính trị của chúng ta.”
Tiến sĩ Sheppard cũng đồng tình với quan điểm trên.
“Phiếu bầu từ cộng đồng Anglo và những người sinh trưởng tại Úc vẫn còn rất mạnh, và chúng ta có những nghiên cứu từ Úc cho thấy họ không ưa những ứng cử viên thuộc các sắc dân thiểu số,” bà nói.
“Một khi tình trạng này vẫn còn tiếp diễn, thì các cử tri này sẽ tiếp tục đòi hỏi các ứng cử viên có vẻ ngoài giống như họ, và các cử tri thuộc các nhóm thiểu số sẽ khó thể nào tìm được những ứng cử viên đại diện cho họ về mặt văn hóa.”