Thị trấn Nhill, một thị trấn nhỏ ở vùng quê tiểu bang Victoria, là một ví dụ cho thấy những người tị nạn có thể đóng góp vào việc hồi sinh nền kinh tế nơi đây như thế nào.
Bảy năm trước, nơi đây chỉ là một thị trấn ảm đạm
Thế nhưng mọi sự đã thay đổi khi thị trấn chào đón 150 người tị nạn thuộc sắc tộc thiểu số Karen.
Người Karen là một nhóm sắc tộc thiểu số ở Myanmar. Năm 1948, ngay sau khi Myanma giành được độc lập từ Anh, các cuộc nội chiến đã nổ ra giữa chính phủ và các phe nổi dậy đòi được quyền tự trị. Tình hình càng xấu đi khi đạo Phật được chọn làm tôn giáo chính thức, gây tác động đến những người thuộc các sắc tộc thiểu số như người Karen.
Từ năm 2006, quân đội chính phủ bắt đầu tấn công vào tỉnh Karen. Hơn nửa triệu dân làng sống ở đây đã mất nhà cửa vì những cuộc đụng độ giữa quân Karen và chính phủ.
“Người dân tộc thiểu số Karen sống tại thị trấn Nhill đã đóng góp $41 triệu vào nền kinh tế. Họ đã tạo ra nhiều cơ hội cho chính người Úc, đồng thời cũng là một ví dụ điển hình cho việc những người đến từ trại tị nạn có thể hội nhập vào xã hội Úc," Andrew Broad.
Những người Karen tị nạn đã phải di tản sống trong các trại tị nạn ở Thái Lan dọc theo biên giới giáp ranh Myanmar.
Dân biểu đảng Quốc gia Andrew Broad cho biết nhiều người tị nạn Myanmar hiện đang làm việc tại các hãng gia cầm ở địa phương, và chính họ là những người giúp cho nền kinh tế tại đây khởi sắc.
“Người dân tộc thiểu số Karen sống tại thị trấn Nhill đã đóng góp $41 triệu vào nền kinh tế. Họ đã tạo ra nhiều cơ hội cho chính người Úc, đồng thời cũng là một ví dụ điển hình cho việc những người đến từ trại tị nạn có thể hội nhập vào xã hội Úc.”
Chính phủ Turnbull gần đây đã ban hành một chương trình, qua đó cho phép các công ty tư nhân, các nhóm cộng đồng và cá nhân bảo lãnh tổng cộng 1,000 người tị nạn.
Ý tưởng của chương trình này nhằm mục đích giúp Chính phủ chuyển gánh nặng ngân sách về vấn đề người tị nạn sang các tổ chức tư nhân và cá nhân.
Dân biểu Andrew Broad nói ông muốn chương trình này được mở rộng hơn, tăng số lượng người tị nạn được bảo lãnh từ 1,000 người lên 10,000 người.
“Theo tôi, khi những người tị nạn có thể hội nhập vào xã hội Úc, được thuê mướn và đóng góp vào nền kinh tế địa phương, thì người dân Úc sẽ tin rằng hệ thống di trú của chúng ta đã hoạt động hiệu quả.”
Ông Broad cũng ủng hộ kiến nghị của dân biểu Lao động Tim Watts, yêu cầu mở rộng chương trình bảo lãnh người tị nạn của cộng đồng.
Dân biểu Watts cho hay, mô hình bảo lãnh của cộng đồng sẽ cho phép có thêm hàng ngàn người tị nạn được đến Úc mà không đặt thêm bất kỳ áp lực tài chính nào cho ngân sách chính phủ.
“Tôi cho rằng đây là một mô hình mà đôi bên cùng có lợi. Cách làm này cho phép các cộng đồng tự quyết định số lượng người được bảo lãnh. Nếu các nhóm cộng đồng cho rằng họ được hưởng lợi từ chương trình này, họ có thể tự bảo lãnh thêm người. Mô hình này giao quyền kiểm soát lại cho cộng đồng, cho phép họ tự chủ và được lên tiếng về điều họ đang làm.”
Mô hình bảo lãnh của cộng đồng sẽ cho phép có thêm hàng ngàn người tị nạn được đến Úc mà không đặt thêm bất kỳ áp lực tài chính nào cho ngân sách chính phủ.
Và một dân biểu đảng Tự do khác, Russell Broadbent, cũng bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với chương trình này.
Ông nói mô hình bảo lãnh kiểu này khuyến khích người bảo lãnh đặt sự thành công của người tị nạn lên mối quan tâm hàng đầu.
Chương trình bảo lãnh của cộng đồng chỉ mới được mở rộng từ một chương trình thử nghiệm nhỏ thành một chương trình dài hạn trong Ngân sách tháng Năm vừa qua.
Bộ Di trú đã từ chối đưa ra nhận định về đề xuất tăng lượng người tị nạn lên 10,000 người.
Những người tị nạn chủ yếu đến từ các quốc gia Syria, Cộng hòa dân chủ Congo, Iraq, Afghanistan và Myanmar.
Trong những năm gần đây, tổng số người tầm trú được Chính phủ Úc cấp visa tị nạn khoảng 6,000 người mỗi năm, và Úc là quốc gia đứng thứ ba về số lượng người tị nạn được cấp visa, sau Hoa Kỳ và Canada.