Hưng Việt: Dạ xin kính chào anh Thanh Lê và anh Út Lê.
Thanh Lê: Dạ em xin kính chào anh Hưng Việt, chị Mỹ Dung và em xin kính chào quý thính giả của đài SBS. Dạ em tên là Thanh Lê.
Út Lê: Em xin chào anh Hưng Việt, chị Mỹ Dung và thính giả của Đài SBS. Em tên là Út Lê.
Mỹ Dung: Dạ xin kính chào hai anh.
Hưng Việt: Thưa anh, tổng cộng cái diện tích miếng đất của cái farm này là bao lớn?
Út Lê: Chắc cũng khoảng 20 acres anh. Dạ, phân nửa em trồng rau cải và phân nửa trồng mít và xoài…
Thanh Lê: 12 acres này nói chung là trồng những cái cây mà lâu năm. Còn bên đây thì sẽ sử dụng để trồng giống như là đậu bắp, rau cải, đậu đũa, đồ này kia, hàng năm mình cần phải làm đất lại thường xuyên, còn trồng mấy cái cây lớn này thì nói chung mình cứ để nó vậy luôn.
Hưng Việt: Hồi mình mua là họ trồng sẵn hết rồi hay là mình về mình trồng thêm?
Út Lê: Hồi mua là không có gì hết trơn, chỉ có vườn xoài thôi, tự trồng hết luôn.
Hưng Việt: Cực dữ hả?
Út Lê: Dạ mít này hồi xưa là của ông bà cô, nhà ổng có trồng mấy chúc cây mít, ăn thấy ngon quá, thì bắt đầu trồng thử.
Mỹ Dung: Mà làm sao mình biết mít nó chín là mình hái anh?
Út Lê: Mình phải nhìn vào cái gai của nó bắt đầu tròn lại, là nó sẽ dẹp xuống, cái trái bắt đầu vàng ra.
Hưng Việt: Thanh long tại sao có cái bánh xe ở trên.
Út Lê: Cái bánh xe là vì thanh long mình phải đặt cái cọc xi măng để chịu cho cái thân nó thì rễ nó sẽ bò vòng lên nè, cái bánh xe này là thanh long nó mọc nó sẽ thòng xuống giống như là cái nón lá vậy đó, trái từ từ nó sẽ mọc lên cái cành này. Thanh long nó có rễ gốc, rễ ở trên luôn nó sẽ bám vô cái cột xi măng, xi măng mình tự đổ luôn. Thanh long nói chung thì nó cũng rất là dễ trồng lắm. Mình cũng không cần săn sóc nhiều. Vô mùa đông thì nó cũng ngủ rồi. Khoảng tháng 8, tháng 9 mới rải phân, tỉa những cái cành của nó, nó bung cành ra nè. Thanh long mình trồng khoảng 18 tháng là bắt đầu có trái rồi. Nó thu hoạch cũng sớm lắm.
Mỹ Dung: Nó có trái được bao lâu anh?
Út Lê: Ở Brisbane này thì khoảng vài tháng. Cây này mình giữ tiếp tục cho năm sau luôn. Nó càng già nó sẽ có nhiều cành hơn. Nhiều cành thì bắt đầu sẽ có nhiều trái.
Mỹ Dung: Vậy một cây tuổi thọ nó cỡ bao lâu?
Út Lê: Em cũng không rành, mấy chục năm. Nó càng già thì trái nó càng bự.
Hưng Việt: Trái nó mọc ra ở đâu?
Út Lê: Ở thân nó luôn nè. Có cái dấu ở cái trái của nó, thấy không? Cái dấu đó nè. Trái đó mình nó ra rồi, mà kéo mình cắt nó ở đây.
Hưng Việt: Tại sao có cây thanh long nó cao mà có cây loại nó thấp nhưng mà nhiều lá hơn như vậy anh?
Thanh Lê: Dạ, mỗi người người ta có cái phương thức trồng nó khác nhau. Đối với bản thân em thì em thấy trồng thấp thì mình dễ thu hoạch, dễ chăm sóc hơn. Nếu mà mình trồng một hai cây ở nhà thì mình trồng như thế nào nó cũng tùy mình thôi.
Hưng Việt: Rồi mình dùng phân loại gì?
Út Lê: Tụi em sẽ xài phân gà với phân cá. Phân cá thì ở nhà tự làm. Mình mua cá cũ muốn hư ở ngoài shop về mình ủ nó, xài cho cây nó rất tốt, với cũng tốt cho sức khỏe người ăn nữa.
Thanh Lê: Cái này là vườn ổi mới trồng nè.
Út Lê: Ổi này cũng vài năm rồi, người ta bán trong chậu, mình đem về bỏ xuống đất là coi như là có trái liền luôn. Mà theo em biết là cây ổi này cũng khoảng hai đến ba năm rồi.
Thanh Lê: Ổi này hồi đó mua về bỏ xuống là khoảng sáu tháng rồi nó bắt đầu có trái, nó có trái rồi mình bắt đầu lấy bao bịt nó lại, mới dưỡng được cái trái ổi tròn trịa, không bị con này con kia nó chích.
Hưng Việt: Cực quá ha.
Út Lê: Dạ, cái trái này thường thường nó mọc bằng đầu ngón chân á, đó là mình bao nó.
Mỹ Dung: Mình phải bao từng trái vậy hả anh?
Út Lê: Nếu mình không muốn xịt thuốc thì thì chịu khó mình bao.
Mỹ Dung: Bởi vậy ổi thì nó mắc dễ sợ luôn á.
Út Lê: Đúng rồi.
Hưng Việt: Người ta có bán cái loại lưới trùm hết cái cây luôn.
Út Lê: Có được mà cái này nó nhiều lắm. Nếu mà những cây bự, nếu mà nhiều quá thì mình có thể dùng cái phương thức đó.
Thanh Lê: Nếu mà ở nhà trồng một, hai cây ăn, làm cái cách đó cũng tiện lợi lắm, khỏi mất công mình cứ phải đi bó từng trái từng trái rồi mình trùm cái này mở cửa đi vô.
Mà nhiều khi mình để nhiều quá cũng không được, mình phải tỉa bớt đi. Để nhiều quá thì trái nó không có được bự.
Út Lê: Ổi này có đặc điểm đó là mình tỉa lại nó sẽ bung cành cái thêm nhiều nữa, tỉa đọt anh thấy không? Mình tỉa ra chỗ này, bắt đầu nó sẽ bung hai cái cành mới ra. Mình tỉa để mình tạo táng, với tạo cành, làm cho cái thân nó bự lên. Giờ nó thêm cành thì nửa nó lớn nó sẽ có nhiều trái. Với hàng năm mình tỉa cành già, để năm mới cành non nó ra thì sẽ có trái nhiều hơn.
Với lại bỏ dăm ở đây nè. Cái dăm này là để cho nó giữ cái độ ẩm với nó sẽ nuôi những con vi sinh vật ở dưới đó. Nó sẽ làm cho cái rễ mình nó rất là tốt. Nó sẽ làm một cái phân thiên nhiên ở dưới vậy đó.
Cái dăm cũng là một loại phân luôn. Mình để một thời gian nó sẽ rã ra, là cái phân rất là tốt của những cây cổ thụ mấy chục năm.
Thanh Lê: Thường mấy cái bãi của Council, họ sẽ cho mình xúc miễn phí, họ có thể lấy bobcat múc cho mình thì họ sẽ tính mình tám đồng một trailer. So sánh với ngoài tiệm thì nó cũng rẻ hơn nhiều mà tốt hơn ở ngoài tiệm là nó không có nhuộm màu. Mình có thể lên website của Council họ sẽ báo cho mình biết.
Út Lê: Ở đây thời tiết cũng ấm hơi lâu vô mùa đông mình cũng vẫn thu hoạch ổi luôn mà số lượng trái ít hơn thôi.
Lúc nào ở khu này nó cũng một hai độ ấm hơn trên khu Inala, Lowood đồ đó, bởi vì mình trồng những cái trái cây hay là những rau cải mùa ở dưới đây nó dài hơn.
Hưng Việt: Đây là ống nước phải không?
Thanh Lê: Nước từ dưới đó bơm lên, xong rồi nước bắn qua cái ống xanh này, rồi vô mấy cái cây mà mình trồng trọt. Nó sẽ có những cái T tap ống nhỏ hơn nữa qua cái ống lay flat này, mới thông qua cái lay flat nó có mấy cái T tap nhỏ hơn để mà nó nhỏ từng giọt từng giọt.
Hưng Việt: Cái luống ở dưới có cái gì mà tại sao cái bịt nó lại vậy?
Thanh Lê: Tại lúc mà mình lên luống thì nó có cái máy để mà mình gắn cái xe máy cày. Nhưng mà tại vì tụi em không muốn cho nó bắn vòng ra ngoài nhiều quá mất công cỏ mọc nhiều lên, để cái nắp ở đây để cho nước nó rớt chính vô cây nè.
Út Lê: Đặc biệt như cái mùa đông này nè nó sẽ rất là lạnh mình có cái cao su này cho nó ấm rễ, nó vẫn tiếp tục lớn luôn. Sau đó nếu nó lớn hơn nữa thì mình lấy cao su hết luôn, mình bỏ dăm vô. Cây mà cái hệ thống rễ nó đã đâm sâu rồi mình không có cần nó nữa.
Thanh Lê: Cái dăm này thì mình cũng bỏ từng đợt.
Hưng Việt: Rồi anh nói anh bơm nước là từ đâu?
Thanh Lê: Ở đây có cái creek nhỏ này, cái suối, ngoài kia có hồ bự thì xài nước hồ. Suối này thì nó đi rất là xa từ mấy cái bang khác. Nước ở đây hầu như là quanh năm suốt tháng nó cứ chảy nước hoài luôn.
Út Lê: Cái này cũng có bất tiện là mưa lớn nó sẽ ngập. Ngập hết ở đây luôn.
Thanh Lê: Tới chỗ vườn ổi luôn, chỉ có cách là đi máy cài qua thôi máy cày thì nó cao hơn nhiều. Nhưng mà nói chung cũng không ngập lâu, nhiều khi một hai ngày là bắt đầu nước rút xuống.
Hưng Việt: Nó ngập tới đầu gối hông?
Thanh Lê: Ồ, ngập tới đầu mình ở đây luôn.
Hưng Việt: Ghê vậy?
Thanh Lê: Ở khu này là ngập hết tới vườn ổi đó luôn á ngập lên cái cây bự đó cả khoảng 2m.
Mỹ Dung: Ủa vậy nó ngập vậy hư hoa màu hết sao?
Thanh Lê: Không, nó ngập xong lúc mà nước rút rồi thì cây cỏ cũng ok lại.
Út Lê: Miễn sau trong một ngày, hai ngày nó rút thì không bị thúi rễ.
Hưng Việt: Mỗi năm vậy bị ngập mấy lần?
Út Lê: Chỉ một hai lần. Mà năm rồi bị ngập hơi nhiều, năm lần luôn, năm rồi mưa quá trời mưa luôn. Cũng hơi khó khăn trong ngành nông nghiệp.
Hưng Việt: Mấy cái lúc đó là mình bị thất thu không?
Út Lê: Cũng có, dạ, nó cũng ảnh hưởng nhiều lắm. Với mưa nó cũng thúi rễ. Nhiều nước quá, nó rút không có kịp, mà cây ăn trái thì không có sao. Chỉ là những cái đậu bắp, đậu đủa, dưa leo nó không thích mưa.
Hưng Việt: Đó là cái lo lắng cái khổ sở của người làm farm. Nắng quá cũng không được mà có mưa nhiều quá cũng không tốt.
Hai anh có chia nhau ra người này lo chuyện này, người kia lo mấy cây kia không?
Thanh Lê: Dạ, cũng có một phần chia ra, nhưng mà đa phần thì người nào rảnh làm được cái nào thì cứ phụ nhau làm tại vì cũng là family business thôi.
Út Lê: Nhiều bữa sáng sớm ra ngoài đồng làm, nhiều khi đến chiều rồi mới vô. Ở đây làm thì nói chung thời gian không cố định. Mỗi ngày mình có bao nhiêu công việc là mình phải xong. Có nhiều khi làm cũng quên ăn, quên uống luôn. Cứ lo làm cho xong công việc thì mới được nghỉ thôi.
Hưng Việt: Mỗi năm á, mấy anh có phải xịt thuốc để trừ mấy con sâu một cách tổng quát không?
Út Lê: Không, không có cần. Mít thì nói chung cũng tương đối dễ săn sóc lắm. Vườn đậu bắp thì cũng xịt ít lắm. Nhiều khi khoảng hai tuần có thể xịt một lần. Rau cải thì mình cũng khó trồng thiên nhiên lắm. Đặc biệt là mình trồng số lượng lớn.
Thanh Lê: Đây là nhà kiếng mình có thể trồng, mình bán những sản phẩm cho cộng đồng này thôi. Sản phẩm ở nhà, mình ăn rất là tươi ngon.
Thời gian mà vận chuyển cũng mất đi vài ngày cho đến một tuần rồi, nên độ giòn, độ ngọt không còn nhiều nữa. Nên tụi em muốn bán trực tiếp cho những người ở trong cộng đồng thay vì mà mình đi qua agent.
Thanh Lê: Cái này là cái hồ.
Mỹ Dung: Cái đó là mình đào hả?
Thanh Lê: Hồi đó em mua là nó có sẵn rồi, nhưng mà em nghĩ là hồi xưa là người ta phải đào, nhưng mà bây giờ thì council nó không có cho mình đào mấy cái này nhiều nữa.
Bây giờ những cái luật trồng trọt cũng hơi phức tạp. Bảo vệ môi trường này kia thì có chỗ cho, có chỗ không cho, có chỗ chỉ cho vét ở bên bờ hồ chứ không cho đào rộng ra nữa.
Út Lê: Đây là cái máy chánh của em nè, máy này tưới hết nguyên vườn mít luôn đó. Có ống nước nó đi với đất đó, nó sẽ đến giữa hai vườn mít xong nó sẽ chia nhau, Chạy bằng diesel.
Muốn coi cái thùng phi em ủ cá không? Mua về pha với đường nè, với nó có loại thuốc của nó, mình ủ nó khoảng ba tháng, nó hôi lắm, mà từ từ nó mất mùi hôi, còn cái chất đen như vậy đó. Xong rồi mình lấy cái này, mỗi lần mình muốn vô phân, mình muốn bao nhiêu mình lấy mình bỏ vô chung bồn phân trộn với nước, mình xài cho cây luôn. Thì nếu ai muốn học thì mình lên youtube mình coi thôi.
Mỹ Dung: Ở khu vực này có nhiều farm không anh?
Út Lê: Đa số là farm nhiều nhất là farm dâu.
Thanh Lê: Dâu, khóm.
Hưng Việt: Mấy anh đi mua đồ chợ búa này kia thì đi đâu đi về Inala hay sao?
Thanh Lê: Nếu mà mua mấy cái đồ Á đồ đó thì ba mẹ thường đi xuống dưới Inala cuối tuần đi chợ thì đi dưới đó mà ở đây thì cũng có một hai tiệm Hàn Quốc, tiệm Việt Nam cũng có ở đây chứ hổng có nhiều.
Khu nhà kiếng
Út Lê: Cái này là mình làm để trồng đậu đũa, dưa leo, cà chua, cà tím, capsicum…
Hưng Việt: Mấy cái đó anh phải ươm từ hột hay là có cây sẳn rồi anh về anh trồng.
Út Lê: Cái đó mình ươm từ hột.
Mỹ Dung: Ủa, mà sao em không thấy có ai phụ có hai anh làm hết cái này hả?
Út Lê: Nếu mà vô mùa đông thì đúng là vậy, làm hết luôn. Vô mùa hè thì có thể bốn người đến tám người. Tính như mùa thu hoạch thì khoảng bốn người đến tám người làm.
Nếu mà công nhân hái không kịp thì mình ra mình phụ. Tại vì đậu bắp, hay là đậu đũa, dưa leo thì mình hái trễ quá đó, nóng quá đó, nó sẽ lớn lẹ lắm.
Hưng Việt: Mấy công nhân đó thì kiếm dễ không?
Út Lê: Công nhân cũng ở trong khu này, có nhiều mùa cũng kiếm khó lắm. Tại nhiều khi có những đậu bắp hái khó quá, người ta không chịu hái. Người ta hái một hai ngày người ta bỏ đi.
Đậu bắp nó ngứa dữ lắm nhiều khi anh gãi chảy máu luôn á.
Thanh Lê: Nếu mà mình làm lâu mình quen rồi đỡ hơn nhiều.
Út Lê: Nếu mình biết cách làm đúng cách thì không sao.
Hưng Việt: Đi xem như vầy, có đi hỏi thăm như vầy mới thấy cái công lao của những người làm farm. Rồi lúc mình ăn một trái đậu hay là một trái cà hay là một trái mít như vầy mình mới hiểu được mà nhớ ơn. Thiệt sự hồi mình học tiểu học có mấy cuốn sách giáo khoa nói là “ăn trái nhớ kẻ trồng cây” rồi này kia, công lao dễ sợ.
Thanh Lê: Tại vì thời nay nói chung là mình ra mấy cái siêu thị, nó quá tiện lợi đi. Nhưng mà thật sự mình không có biết những người trồng trọt người ta phải làm như thế nào để có được những sản phẩm đó. Phải đến đó, phải xem rồi mình mới hiểu.
Út Lê: Ở đây thì nếu như mình vô mùa thu hoạch đó, thật sự không có ngày nghỉ. Mưa hay là nắng, bão gì cũng vậy, mình phải làm thôi, nghỉ không được. Những người ăn những thực phẩm, người ta không hiểu những điều đó, chỉ những người ta làm nông nghiệp, người ta mới hiểu điều đó thôi.
Hưng Việt: Mấy anh có bỏ mối cho mấy cái siêu thị lớn không? Woolworths, Coles này kia không?
Út Lê: Em không bỏ mối cho siêu thị lớn, nhưng mà nhà em bỏ mối cho những cái market lớn ở Brisbane, Produce Market, Melbourne, và bên Sydney, những cái chợ lớn là những người có nhà hàng hay là shop Tàu người ta sẽ đến mua. Ở đây có đường xe tải đặc biệt chở cho những người trồng farm ở khu này đi đến những chỗ shop, những chỗ market đó luôn.
Mỹ Dung: Mà bộ Sydney với Melbourne không có trồng hả anh? Sao mà họ phải chở từ bên này qua?
Út Lê: Những cái như là đậu bắp, đậu đũa Sydney, Melbourne ta không có Nếu có cũng là số lượng ít lắm, có trồng được thì nói chung cái mùa nó ngắn lắm nhiều khi không có đáng để cho người ta đầu tư.
Hưng Việt: Hiện giờ đang có cái vấn đề là Chính phủ khuyến cáo những cái siêu thị lớn như Aldi, Coles, Woolworths này kia không được ép giá các nhà sản xuất trong đó có những nhà sản xuất rau cải, trái cây như mấy anh đó, nhưng mấy anh bỏ mối ở chỗ như Rocklea hay ở dưới Melbourne, Sydney, mấy anh có gặp trường hợp bị họ gây khó khăn cho mình không?
Thanh Lê: Dạ, nói chung ở đây làm ăn cũng có giao dịch trên giấy tờ nói là phải có sự công bằng. Tụi em gửi đồ bên Agent thì quy định là người ta sẽ lấy cái lợi nhuận là 15% commission ở trong đó. Nhưng mà nhiều khi cũng có người làm ăn không chân thật, người ta bán với cái giá bao nhiêu thật sự em không biết, có thể người ta bán với cái giá cao hơn nhưng mà người ta nói là người ta bán cái giá đó thôi.
Nói chung trong cái giao dịch làm ăn thì họ không có gì để lỗ hết. Em đưa sản phẩm cho họ, họ bán được thì họ lấy commission. Họ bán không được, sản phẩm em coi như cũng phải bỏ luôn, hoàn toàn là em lỗ hết. Nếu mà họ làm ăn mà trung thật, mà họ chỉ lấy cái commission thôi thì nó rất là đỡ cho những người nông dân.
Nên nhiều khi tụi em mới suy nghĩ đi phương hướng khác là trồng để bán cho những người ở trong cộng đồng, sẽ có lợi cho hai bên, cộng đồng sẽ có được những sản phẩm tươi sản phẩm tốt giá cả nó cũng tốt hơn ở ngoài tiệm, giúp nhau để tạo lên một cộng đồng, một môi trường rất là tốt, có thể những người trong cộng đồng, muốn ăn sản phẩm gì thì họ có sự yêu cầu, và tụi em có thể trồng những sản phẩm đó để đạt yêu cầu cho người tiêu thụ.
Ý em nói cộng đồng là nói chung, em chỉ trồng có thể là một mớ sản phẩm cho cộng đồng người Á, nhưng mà cũng có một mớ sản phẩm cho tất cả luôn.
Út Lê: giả tỉ như mình trồng đậu bắp đi thì chỉ có một mùa thôi. Nếu mà trong cái mùa đó mà anh bán không được giá tốt thì công sức mà nguyên một mùa mình xuất ra đó mình sẽ không lấy được cái lợi nhuận của mình lại để tiếp tục cho năm kế á.
Mỹ Dung: Thấy nghề làm farm cực khổ quá mà không biết mấy anh có những niềm vui và những cực nhọc nào mấy anh có thể chia sẻ không mấy anh?
Thanh Lê: Dạ em thấy niềm vui là mình trồng lên những cây trái mình có thể thưởng thức những sản phẩm của mình với lại mình bán cho khách hàng được những sản phẩm tốt đó, thì mình cũng cảm thấy hạnh phúc lắm.
Ngược lại thì nó cũng có những cái thống khổ ở chỗ, là mình phải làm trong mưa nắng, rồi trời gió bão mình cũng vẫn phải làm luôn, rất là cực khổ.
Nhưng mà cái đó thì chỉ một cái khổ thân thôi. Còn cái phương diện khổ tâm là nhiều khi trời gió bão mình lo lắng là không biết là lũ lụt hay là gió bão nó ngập cây ảnh hưởng cái thu hoạch mình như thế nào.
Út Lê: Dạ, cái khía cạnh khổ, như khi mình gởi đồ để cho những tiểu bang như Melbourne, Sydney á thì nhiều khi trên đường đi tụi xe tải có thể bỏ những hàng hóa mình gần cái máy lạnh quá thì hàng hóa cũng bị hư luôn. Nói chung nó bị hư thì có thể cũng anh hưởng vấn đề tổn thất về tiền bạc nữa. Nhiều khi mình gửi đậu bắp đi xa có thể là mình rửa không có kỹ hay là mình làm gì không có đúng thì nó bị đen nữa đó. Nó bị đen nó lây dữ lắm, có thể là mình bỏ hết một chuyến hàng, 300-400 kg luôn. Và đó là tổn thất của mình.
Còn cái niềm vui thì nhiều khi mình trồng một cái sản phẩm bán cho khách hàng, khách hàng ăn, họ khen, đồ mình tươi, đồ mình ngọt, xong rồi họ cũng trở lại hàng tuần, hoặc là hàng tháng họ ủng hộ mình tiếp tục đó. Dạ, thường những cái niềm vui đó mà cân nặng nhẹ, vì cái đó mà mình có thể làm nghề nông nghiệp tiếp tục, dạ.
Hưng Việt: Cuối cùng thì thay mặt cho cô Mỹ Dung và thính giả, chúng tôi xin hết sức cảm ơn hai anh đã dành thời giờ cho chúng tôi được đi xem cái trại thật là rộng lớn của hai anh. Và cũng qua đó chúng tôi học hỏi được rất nhiều điều về sự cực nhọc khó khăn cũng như những kỹ thuật làm farm, dù chỉ học được một phần nào mà thôi.
Kính chúc hai anh và gia đình luôn được nhiều sức khỏe, bình an, mưa thuận gió hòa để luôn được trúng mùa và thu hoạch được nhiều kết quả tốt đẹp.
Út Lê: Dạ em cũng cảm ơn anh Hưng Việt và chị Mỹ Dung đã đi đường xa xuống đây để phỏng vấn cuộc sống nhà của em và cũng xin cảm ơn thính giả của đài SBS.
Thanh Lê: Dạ em xin cảm ơn anh chị đã cho tụi em cơ hội để chia sẻ cuộc sống của gia đình em và cuộc sống trồng trọt với quý thính giả SBS.
Mỹ Dung: Dạ, cảm ơn hai anh.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung