Năm 1948, cựu Đệ Nhất Phu nhân Hoa Kỳ Eleanor Roosevelt là một trong số nhiều người hoan nghênh Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền, trong đó công nhận nguyên tắc trả lương tương xứng và công bằng.
Kể từ đó, ý tưởng về trả lương công bằng theo giới tính đã được quốc tế chấp nhận: nam giới và phụ nữ được trả lương ngang nhau cho công việc có giá trị ngang nhau hoặc tương đương.
Năm 1969, phụ nữ Úc đã được trả lương bình đẳng một cách hợp pháp. Nhưng 51 năm sau, nhiều phụ nữ ở Úc vẫn chưa được trả lương tương xứng.
Giám đốc Cơ quan Bình đẳng Giới tại Nơi làm việc, bà Libby Lyons, nói với ABC rằng các biện pháp bảo vệ pháp lý không hoạt động hiệu quả.
“Chúng tôi vẫn nhận thấy chủ lao động không trả lương cho phụ nữ tương đương nam giới và không đáp ứng yêu cầu pháp lý của họ, điều này thực sự đáng lo ngại.”
Cơ quan bình đẳng giới tại nơi làm việc đã tính toán rằng khoảng cách tiền lương theo giới tính trên toàn quốc hiện là 14% đối với người lao động toàn thời gian.
Vào tháng 5 năm nay, bình quân thu nhập hàng tuần toàn thời gian của phụ nữ trong tất cả các ngành nghề chỉ khoảng hơn 1.500 đô la (1.558,40 đô la).
Trong khi đó, bình quân thu nhập toàn thời gian hàng tuần của nam giới là 1.800 đô la (1.812 đô la).
Meraiah Foley, Phó Giám đốc Nhóm Nghiên cứu Phụ nữ và Việc làm tại khoa Kinh doanh thuộc Đại học Sydney, cho biết có nhiều lý do khiến nam giới và phụ nữ không được trả lương như nhau.
“Có một sự đánh giá thấp liên tục đối với các ngành nghề tập trung nhiều phụ nữ như y tá, giáo dục, chăm sóc cao niên, bán lẻ. Chúng tôi cũng biết một nguyên nhân chính của chênh lệch lương theo giới tính là sự phân biệt đối xử. Ngay cả khi phụ nữ và nam giới làm việc trong cùng một ngành thì phụ nữ vẫn có xu hướng được trả lương thấp hơn nam giới.”
Suy thoái kinh tế do cuộc khủng hoảng coronavirus gây ra cũng có nhiều tác động tiêu cực đến phụ nữ hơn nam giới. Các nhà nghiên cứu chính sách công phát hiện ra rằng từ tháng 3 đến tháng 4 năm nay, số lượng phụ nữ có việc làm đã giảm 5,3%, trong khi ở nam giới chỉ giảm 3,9%.
Giáo sư về Giới tính, Công việc và Quan hệ Việc làm tại Đại học Sydney, Rae Cooper, cho biết mức độ ảnh hưởng thực sự của COVID-19 đối với khoảng cách lương theo giới tính có thể sẽ rất lớn.
“COVID đã khiến rất nhiều người mất việc, nhưng phần lớn là phụ nữ. 55% số người thất nghiệp do COVID là phụ nữ và chúng tôi đang thấy rất nhiều thay đổi khác nữa. Trong các ngành có số lượng lớn phụ nữ làm việc, một số ngành đã bị ảnh hưởng sâu sắc.”
Deanne Stewart là Giám đốc Điều hành của quỹ hưu trí phi lợi nhuận Australia First State Super. Bà nói rằng đại dịch đã khiến nhiều phụ nữ phải tiếp cận quỹ hưu trí sớm hơn so với các đồng nghiệp nam của họ.
“Chúng tôi lo lắng là điều đó sẽ làm trầm trọng thêm khoảng cách tiền hưu bổng đã tồn tại từ lâu giữa phụ nữ và nam giới, trong đó phụ nữ mức lương hưu ít hơn 47% so với nam giới. Vì vậy COVID-19 và tác động tiềm tàng của nó là đáng báo động.”
Giám đốc của Hội đồng Đa Dạng Úc châu là bà Lisa Annese nói rằng nguồn gốc văn hóa đa dạng của phụ nữ Úc cũng đang làm ảnh hưởng đến sự chênh lệch về lương bổng.
“Khi phụ nữ có nguồn gốc văn hóa và ngôn ngữ đa dạng, chúng ta biết rằng thành kiến sẽ gia tăng, trong khi chúng ta không thể định lượng khoảng cách về lương bổng - vì đó là dữ liệu không có sẵn trong cách đối chiếu dữ liệu chênh lệch tiền lương - chúng ta biết những thành kiến nói chung có xu hướng trở nên trầm trọng hơn và kết quả tệ hơn đối với phụ nữ.”
Meraiah Foley của Đại học Sydney cho biết, điều chủ yếu để xóa bỏ chênh lệch lương trên cơ sở giới tính là tính minh bạch tại nơi làm việc.Bà nói rằng các tổ chức có thể giải quyết vấn đề chênh lệch tiền lương bằng cách cam kết thực hiện các cuộc đánh giá về tiền lương trong nội bộ và công khai kết quả đánh giá.
Và quý vị có thể cập nhật về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus.