Brisbane giành được quyền đăng cai Thế Vận Hội 2032

community

Brisbane Source: AAP

Thủ phủ của tiểu bang Queensland đã được chọn là nơi tổ chức Thế Vận Hội Mùa Hè 2032. Nhưng Thế Vận Hội có còn sức thu hút nữa không?


Chủ tịch Ủy ban Thế Vận Hội Quốc Tế IOC Thomas Bach đã công bố Brisbane sẽ đăng cai Thế vận hội Mùa hè 2032.

Phó Thủ hiến Queensland Steven Miles tin rằng đó là chuyện rất đáng làm.

"Thế vận hội sẽ mang lại hàng tỷ đô la đầu tư và hàng nghìn việc làm cho tiểu bang Queensland."

Nhưng lịch sử cho chúng ta biết rằng các nước chủ nhà của Thế Vận Hội trước đây đang gánh khoản nợ có thể mất nhiều năm mới trả hết.

Thế Vận Hội Athens 2004 buộc Hy Lạp phải vay hơn 19 tỷ đô la - cao hơn gấp đôi so với chi phí dự kiến ​​– trong khi kho bạc nhà nước đã trống rỗng.

Trong khi đó, khoản nợ của thành phố Rio cho Thế Vận Hội 2016 đã lên tới khoảng 155 triệu đô la - gấp hơn ba lần số tiền ước tính.

Chuyên gia về rủi ro tài chính từ Đại học New South Wales, James Doran, nói rằng Rio không chứng tỏ được đó là chuyện đáng thực hiện.

"Chi phí mà thành phố này phải bỏ ra để tổ chức các cuộc tranh tài có sức thu hút, nhưng những sân vận động đó về cơ bản bây giờ không được dùng vào việc gì khác được, chúng trở thành nghĩa địa theo một nghĩa nào đó, cho nên chi phí Rio bỏ ra thực sự là không đáng. Và vì vậy, bạn đã đi từ trên 10 thành phố nộp đơn xin đăng cai còn chỉ có một hai thành phố sẵn lòng đấu thầu mà thôi. Lợi ích kinh tế không bao giờ vượt quá chi phí ! Bản thân các cuộc tranh tài tạo ra lượng doanh thu đáng kể nhưng doanh thu đó không nhất thiết được chuyển đến cho thành phố đăng cai."

Kỳ Thế Vận Hội 2004, đã có kỷ lục 11 thành phố nộp đơn nhưng quyền đăng cai cuối cùng thuộc về Athens. Theo James Doran từ UNSW, ngày càng có ít thành phố muốn tổ chức là điều có thể hiểu được.

"Phí đấu thầu cắt cổ khi Ủy Ban Thế Vận Hội IOC cố gắng moi càng nhiều vốn càng tốt từ các thành phố chủ nhà này ... và giả thuyết tham nhũng trong đó thực sự là một đám mây đen bao phủ quy trình đấu thầu này. Cộng với chi phí và yêu cầu từ IOC để làm cho mọi thứ được hiện đại hóa hết mức có thể, chỉ là có thể là một gánh nặng quá nặng nề cho các thành phố."

Và đó là chưa kể đến sự chậm trễ chưa từng có do đại dịch toàn cầu. Điều đó khiến Tokyo mất thêm 3,8 tỷ đô la chi phí, và thất thu hơn một tỷ đô la tiền bán vé bị mất do lệnh cấm khán giả.

Tokyo 2020 đang chuẩn bị cho các cuộc tranh tài đắt kỷ lục - dự kiến tiêu tốn ​​hơn 35 tỷ đôla.

Nhưng những lợi ích vô hình như cảm giác tự hào và sự đoàn kết có thể mang lại cho thành phố và đất nước chủ nhà, là những thứ có ý nghĩa dài lâu.

Ignatius Jones, một giám đốc nghệ thuật hàng đầu là một trong những bộ óc sáng tạo đằng sau lễ khai mạc và bế mạc của Thế Vận Hội Sydney 2000 nói rằng đây là lúc những tranh cãi về ngân sách tạm thời được gạt qua một bên.

"Nếu bạn nói chuyện với những người Úc về Sydney, bạn sẽ thấy rằng bất kể họ ở đâu trên khắp thế giới, nếu có xem chương trình đó họ sẽ há hốc mồm đầy ngạc nhiên. Họ nói chúng tôi không dám mong đợi được như thế này. Họ đã mong đợi ANZAC Parade, và họ đã diễu hành trên đường Oxford. Chúa ơi, Sydney đã nhìn trước được điều này! Nếu bạn còn nhớ những người phản đối và tất cả những bán tín bán nghi về chuyện Sydney tổ chức Thế Vận Hội, thì đó lại là hai tuần lễ đẹp nhất trong cuộc đời của chúng ta."

Cho dù đó là cuộc đua nước rút của Cathy Freeman đã làm cho cả nước đứng lại theo dõi hay bốn nam vận động viên bơi tiếp sức 100 mét đánh bại các đối thủ người Mỹ ... nhiều người Úc có những ký ức khó phai mờ về các trận tranh tài  mà Sydney đăng cai vào năm 2000.

Sau Sydney, trước đó là Melbourne năm 1956 – và bây giờ Brisbane sẽ là kỳ Olympic thứ ba diễn ra trên đất Úc, và không chịu thua kém Sydney, chắc chắn thủ phủ của tiểu bang Queensland sẽ tổ chức một Thế Vận Hội xứng đáng với huy chương vàng.


Share