Báo cáo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu 2020 cảnh báo về bất ổn xã hội

Phillip Galea, convicted of planning terror attacks in Victoria

Phillip Galea, convicted of planning terror attacks in Victoria Source: AAP

Các cuộc tấn công của những kẻ theo chủ nghĩa cực đoan cực hữu ở các nước phương Tây đang ở mức cao nhất trong 50 năm. Tình huống dự kiến sẽ tiếp diễn trong bối cảnh kinh tế suy thoái do đại dịch coronavirus. Trong báo cáo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu hàng năm, Viện Kinh tế và Hòa bình cảnh báo rằng bất ổn tài chính thường biểu hiện qua tình trạng bất ổn xã hội và bạo lực.


Trên khắp thế giới phương Tây, chủ nghĩa cực đoan cực hữu đang tiếp tục gia tăng.

Trong 5 năm qua, các cuộc tấn công từ khu vực nhỏ nhưng đang phát triển ở Bắc Mỹ, Tây Âu và Châu Đại Dương đã tăng 250%.

Đó là số liệu trong báo cáo Chỉ số Khủng bố Toàn cầu năm 2020 của Viện Kinh tế và Hòa bình, mỗi năm tổng kết các xu hướng chính trên toàn cầu.

Chủ tịch điều hành của Viện Kinh tế và Hòa bình, ông Steve Killelea, cho biết tổng số người chết do khủng bố đã xuống mức thấp nhất trong 5 năm, nhưng các mối đe dọa mới đang xuất hiện, trong đó có chủ nghĩa cực đoan cực hữu.

“Nếu quan sát các nhóm cực hữu, chúng ta có thể thấy đó là sự kết hợp của nhiều nhóm khác nhau. Họ có thể là những người theo chủ nghĩa tân Quốc xã, họ có thể chống lại nữ quyền, họ có thể là những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, họ có thể chống đồng tính nam và đồng tính nữ.”

Các cuộc tấn công nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand năm 2019 là một ví dụ đáng kinh ngạc về cách mà các tín ngưỡng và ý thức hệ cực đoan có thể biểu hiện bằng bạo lực.

Ngày 15 tháng 3 năm 2019, một kẻ tấn công đã nổ súng vào các tín đồ Hồi giáo tại hai nhà thờ ở Christchurch, khiến 51 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Leanne Close là Trưởng Chương trình Chống Khủng bố tại Viện Chính sách Chiến lược Úc. Bà nói rằng vụ thảm sát đã thay đổi "bức tranh về mối đe dọa" ở Úc.

“Trước đó có một sự tập trung nhỏ vào chủ nghĩa cực đoan cánh hữu ở Úc, nhưng sau vụ thảm sát ở Christchurch, Tổ chức an ninh tình báo Úc cho biết họ đã tăng cường 40% các cuộc điều tra tập trung vào chủ nghĩa cực đoan cánh hữu, đó là một sự thay đổi lớn.”
Trong Chỉ số Khủng bố Toàn cầu mới nhất, Úc được xếp hạng 74 trên 163 quốc gia, cao hơn hai bậc so với báo cáo của năm ngoái.
Bà Close cho biết mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan Hồi giáo vẫn tồn tại, nhưng đã suy yếu một phần do đại dịch coronavirus. Tuy nhiên, bà nói rằng các quan điểm cực đoan của cánh hữu dường như đang gia tăng.

“Chúng tôi chắc chắn đang thấy một ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đến từ Hoa Kỳ cũng như từ châu Âu, khuyến khích và kích động mọi người theo những quan điểm thực sự cực đoan. Và tôi muốn nói rằng ảnh hưởng đó đang trên đà gia tăng vì cả thế giới đều có thể truy cập được.”

Tiến sĩ Mario Peucker từ Đại học Victoria, nói rằng trong khi chủ nghĩa cực đoan cực hữu không nhất thiết phải phát triển về quy mô, mà nó đã trở thành cái được gọi là "cứng rắn hơn về mặt ý thức hệ" và " quyết liệt hơn" trong những năm gần đây.

“Chỉ số cho thấy đó là một phần của sự phát triển toàn cầu. Rõ ràng là có nhiều lý do khác nhau. Những gì chúng ta đã thấy là sau khi Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ vào bốn năm trước, đã có sự gia tăng của phe cực hữu Úc trong các phong trào của người Mỹ, và Trump được coi là một tác nhân cho điều đó. Một ảnh hưởng khác là việc tiếp nhận người tị nạn ở châu Âu vào năm 2015, làm gia tăng ý tưởng về việc bị những người nhập cư hoặc người tị nạn không phải da trắng lấn át. Gần đây nhất, các cuộc thảo luận về đại dịch cũng góp phần tạo nên một số câu chuyện phổ biến ở phía cực hữu.”

Và Chỉ số Khủng bố Toàn cầu cho thấy đại dịch COVID-19 có thể khiến xu hướng tiếp tục tăng lên. Steve Killelea nói rằng nguyên nhân phần lớn là do suy thoái kinh tế, có khả năng làm tăng bất ổn chính trị và xã hội.

“Những gì chúng ta nhận thấy trong các cuộc suy thoái lớn ở các nền kinh tế là gia tăng khả năng xảy ra bạo loạn, biểu tình và bất ổn chính trị.”

Báo cáo lưu ý rằng kể từ khi đại dịch được tuyên bố vào tháng 3, dữ liệu sơ bộ cho thấy sự sụt giảm cả về số vụ và số người chết do khủng bố ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, chủ nghĩa khủng bố vẫn là một mối đe dọa đáng kể và nghiêm trọng ở nhiều quốc gia.

Tại Burkina Faso ở Tây Phi, số người chết liên quan đến khủng bố đã tăng 590%. Các quốc gia khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề là Sri Lanka, Mozambique và Mali.

Báo cáo nhấn mạnh rằng đại dịch có khả năng tạo ra những thách thức chống khủng bố mới. Do đó, điều quan trọng là suy thoái kinh tế không làm hạn chế các sáng kiến chống khủng bố.

Share