Hàng trăm, có thể là hàng ngàn người được cho là đã thiệt mạng sau gần ba tuần giao tranh ở vùng Tigray của Ethiopia.
Khoảng 40.000 dân thường đã chạy sang nước láng giềng Sudan để tránh các cuộc đụng độ giữa các nhóm nổi dậy và lực lượng chính phủ.
Một người tị nạn đã hạ sinh một bé trai trong lúc chỉ có một mình trên đường lánh nạn, sau khi bị thất lạc với chồng và đứa con trai bảy tuổi.
“Tôi sinh con khi đang ở giữa sa mạc nắng như thiêu đốt, chẳng có ai ở gần. Sau đó có mấy người đi ngang qua và họ tắm cho đứa bé trong một vũng nước nhỏ. Tôi đã ở đây 14 ngày và không có gì ăn, cũng không có quần áo để mặc.”
Ít nhất 50 người Úc đã được xác định trong số những người cố gắng rời khỏi khu vực xung đột. Nhưng phát ngôn nhân của cộng đồng người Úc ở Tigray, Mahtut Yaynu, nói rằng con số đó có thể cao hơn nhiều.
Bà nói rằng nhiều người bị kẹt lại do đại dịch và giá vé máy bay quá cao, với một vé từ Addis Ababa đến Úc lên đến 16.000 đô la.
“Nhiều người trong cộng đồng rất lo lắng, nhất là những ai có người thân gần gũi nhất bị mắc kẹt trong khu vực xung đột này. Họ sợ người nhà của họ sẽ không thể trở về Úc nữa.”
Chính phủ Úc đang bị hối thúc tổ chức một cuộc sơ tán công dân khẩn cấp và tăng cường sức ép lên chính phủ Ethiopia về một lệnh ngừng bắn.
Bộ Ngoại giao Úc cho biết họ "đang làm việc với các cơ quan quốc tế để hỗ trợ những người Úc được tin là đang ở Tigray, bao gồm cả những người muốn quay trở lại Úc".
Bà Yaynu nói rằng lãnh sự quán Úc ở Ethiopia đã giúp đỡ rất ít cho các gia đình đang trong tâm trạng rất lo lắng.
“Chúng tôi yêu cầu chính phủ Úc tiếp tục thúc đẩy và yêu cầu chính phủ Ethiopia và thủ tướng Abiy Ahmed ngừng các cuộc giao tranh, bởi vì điều đó đang gây thương vong cho dân thường, nhất là những người mẹ và trẻ em, và xung đột đã khiến hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn.”
Có những lo ngại rằng giao tranh có thể gia tăng hơn nữa, khi phiến quân Tigray từ chối tối hậu thư từ Thủ tướng Abiy Ahmed cho phép 72 giờ để đầu hàng.
Chính phủ Ethiopia đang đe dọa một "cuộc tấn công cuối cùng" vào thành phố nửa triệu dân, nếu Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray không hạ vũ khí.
Có nhiều lo ngại về an toàn của dân thường trong bối cảnh thông tin liên lạc trong khu vực bị cắt đứt, các bên tham chiến từ chối hòa giải và không có hành lang nhân đạo.
Ông Cameron Hudson, một thành viên cấp cao từ Trung tâm Châu Phi của Hội đồng Đại Tây Dương, nói rằng bạo lực có thể sẽ leo thang.
“Chúng ta nên nghĩ rằng đây là hai lực lượng chiến đấu thông thường, với các sư đoàn cơ giới, với tên lửa, xe tăng. Vì vậy chẳng có lý do gì để tin rằng cả hai bên đều coi đây là một mối đe dọa hiện hữu. Chẳng có lý do gì để tin rằng có một bên sẽ ngừng bắn trước khi xảy ra thiệt hại đáng kể về nhân mạng và khủng hoảng nhân đạo, đó là những gì chúng ta lo ngại và cần chuẩn bị đối phó.”