Khẩu phần giảm thịt, tăng rau quả để có sức khỏe tốt và bảo vệ môi trường
14 gram thịt đỏ - và 500 gram rau quả mỗi ngày.
Đây là một trong những mục tiêu khoa học đầu tiên được đặt ra bởi một nhóm các chuyên gia y tế và môi trường quốc tế nhằm ngăn ngừa các bệnh mãn tính và đối phó với việc trái đất đang nóng dần.
Bản phúc trình tên Lancet, được ủy quyền bởi các chuyên gia từ 16 quốc gia, cho thấy sẽ cần phải thay đổi thói quen trong khẩu phần của lượng dân số đang tăng lên gần 10 tỷ vào năm 2050.
Giáo sư Y Khoa tại Đại học Sydney, Giáo sư Brian Morris nói rằng phúc trình này là một lời cảnh tỉnh cho thế giới.
"Chúng ta biết rằng các hướng dẫn về chế độ ăn uống trong bản phúc trình này được chứng thực trong nhiều năm nhưng việc thực hiện chúng lại rất kém, rất thấp và hậu quả là sự gia tăng khủng khiếp của bệnh béo phì cũng như kéo theo các chứng bệnh ung thư ."
Chuyển sang thói quen mới trong chế độ ăn uống sẽ yêu cầu lượng tiêu thụ thực phẩm toàn cầu như thịt đỏ và đường giảm xuống khoảng 50 phần trăm, trong khi lượng tiêu thụ các loại hạt, trái cây, rau và những loại đậu phải tăng gấp đôi.
Hướng dẫn về Chế độ Ăn uống của Úc khuyến nghị chúng ta nên tiêu thụ 65 gram thịt trong một ngày nhưng hướng dẫn này không xem thịt là món cần thiết; thay vào đó nó là một thay thế cho đậu và các loại rau củ.
Ăn chay vẫn đầy đủ chất đạm
Chuyên gia dinh dưỡng Tiến sĩ Evangeline Mantzioris từ Đại học Nam Úc cho biết trung bình một người Úc ăn khoảng 90 gram thịt mỗi ngày, và việc giảm xuống dưới 20 gram có thể là một thách thức.
Phúc trình Lancet khuyến nghị tuân theo chế độ ăn kiêng truyền thống của người Địa Trung Hải, với thực phẩm chủ yếu từ thực vật và nhấn mạnh vào việc ăn cá và thịt gia cầm chỉ hai lần một tuần.
Tiến sĩ Mantzioris nói rằng người Úc có thể học cách nấu các bữa ăn bổ dưỡng và ngon lành bằng nguyên liệu thực vật từ những món chay của các nền văn hóa khác nhau .
"Khi bạn nhìn vào cách văn hóa Ấn Độ sử dụng đậu và các loại rau củ cũng như cách người ta sử dụng chúng ở Địa Trung Hải và Trung Đông, họ có thể chế biến chúng theo cách rất ngon miệng và hấp dẫn . Chúng ta thực sự có rất nhiều điều để học hỏi từ những nền văn hóa đó , như học cách đưa những thực phẩm đó vào chế độ ăn uống của mình và làm thế nào để nấu các món chay ngày càng ngon hơn."
Tiến sĩ Jyothsna Ramarao, một chuyên gia dinh dưỡng tại Melbourne, cho biết có đủ bằng chứng để chứng minh thực phẩm chay Ấn Độ truyền thống tuy nấu từ nhiều loại thực vật lại rất nhẹ bụng.
Cô cung cấp lời khuyên chuyên môn cho khách hàng của mình, những người đang chuyển sang chế độ ăn chay, và giúp họ tuân theo chế độ ăn uống dinh dưỡng ngon miệng.
Bác sĩ Ramarao nói rằng khách hàng của mình thường lo lắng về việc không nạp đủ chất đạm từ bữa ăn chay.
"Đó là một điều lầm tưởng mà tôi hay được hỏi rằng ăn chay thì làm sao có chất đạm? Sự thật là khi bạn ăn thực phẩm đến từ nhiều nguồn thực vật đa dạng, vấn đề đó không còn nữa. Bạn sẽ nạp đầy đủ chất đạm vào cơ thể. Bạn có chất đạm trong đậu xanh, trong đậu lăng, đậu đỏ. Một bữa ăn điển hình có đầy đủ đậu lăng, một chén đậu đen, một chén đậu đỏ, một chén cơm, hai cái bánh kếp, một chén xà lách và một bát sữa chua, vậy là bạn đã nạp đủ đạm cơ thể cần rồi."
Thịt đỏ là yếu tố gây biến đổi khí hậu
Theo phúc trình Lancet, chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh tật trên toàn thế giới và tuân theo chế độ ăn kiêng này có thể tránh được khoảng 11 triệu ca tử vong sớm mỗi năm.
Phúc trình cũng đề xuất rằng thói quen ăn uống được khuyến nghị có thể tránh được thiệt hại thảm khốc cho môi trường.
Việc tiêu thụ thịt đỏ, cụ thể là thịt bò và thịt cừu, đã được chứng minh là một yếu tố chính góp phần gây ra biến đổi khí hậu.
Chỉ riêng việc chăn nuôi chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 1,6 đến 2,7 tỷ tấn khí nhà kính mỗi năm.
Tiến sĩ Mantzioris nói rằng các khuyến nghị của phúc trình Lancet phù hợp với khuyến nghị chuyển sang thói quen ăn ít sản phẩm từ động vật nhằm đáp ứng các yêu cầu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
"Xét về tác động lớn nhất mà chúng ta có trong chế độ ăn uống là tiêu thụ thịt đỏ và đặc biệt là thịt bò và thịt cừu. Đó là vì cả bò và cừu đều là động vật nhai lại tạo ra khí nhà kính, khí mê-tan Vì vậy, bằng cách có thể giảm lượng thịt đỏ mà mọi người đang tiêu thụ, cần phải đi một chặng đường dài để đáp ứng các yêu cầu trong Thỏa thuận Paris."
Các nhà khoa học y tế Úc đang kêu gọi chính phủ xem xét phúc trình này một cách nghiêm túc và kết hợp những thay đổi được khuyến nghị trong Hướng dẫn về Chế độ Ăn uống của Úc.
Giáo sư Brian Morris cùng với trường đại học Sydney phát biểu rằng các nhà chức trách cần phải làm nhiều hơn nữa.
"Vấn đề là các chính phủ thường nói nhưng ít đi đôi với hành động. Thực sự, phúc trình này kêu gọi hành động kịch liệt hơn so với những gì đang diễn ra. Và điều đó áp dụng cho Úc và mọi quốc gia khác trên thế giới, bao gồm cả các công ty phủ nhận biến đổi khí hậu và các chính trị gia phủ nhận biến đổi khí hậu."
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại